Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 11

Cẩm Nang Cho Người Lãnh Đạo

Tít 2:1-10

Câu hỏi suy ngẫm: "Đạo lành" trong câu #1 có nghĩa là gì? Người cao tuổi cần phải có những đức tính nào để sống hợp với đạo lành? Xin giải thích ý nghĩa của từng đức tính này. Có phải chỉ những người lớn tuổi mới cần có những đức tính này không? Tại sao? Bí quyết nào để bạn có được những phẩm tính đó?

Phương pháp hay nhất để chống lại những điều dạy sai lạc là phải có phong độ tâm linh vững mạnh. Vì những người theo lời dạy sai lạc là những người trong tâm hồn không có gì giá trị nên mới nghe theo tà thuyết. Việc dạy đạo vô cùng quan trọng, vì có vững trong niềm tin, trong linh hồn mới sống đạo chân thật và thắng được tà thuyết lôi cuốn. Đạo lành trong câu #1 là những gì hợp với Chân Lý, có giá trị vĩnh cửu, đưa đến sống đạo thiện lành.

Bài học cho những người có tuổi (c. #1-3):

(1) Tiết độ: Thái độ từ kiềm chế, không tự cao, tự đại, nhưng biết cư xử phải lẽ.

(2) Nghiêm trang: Thái độ đứng đắn, đàng hoàng, đáng cho người tôn trọng.

(3) Khôn ngoan: Thận trọng, suy nghĩ kỹ trước khi hành động.

(4) Có đức tin: Con người không phải chỉ có đức độ, nhưng còn phải có đức tin. Luân lý nào cũng dạy về đức độ, nhưng có đức độ thật hay không phải xem căn bản của đức tin như thế nào. Đức tin là dụng cụ để với tới cõi vô hạn, toàn thiện, toàn năng, toàn mỹ. Đức tin ấy phải đặt đúng chỗ là Chân Thần.

(5) Lòng yêu thương: Người tin Chúa có đức tin đã đành, nhưng phải sống với đức tin ấy qua tình thương. Vì mục đích của đức tin là để phản ánh tình thương. Đức tin không tình thương, không thể coi là đức tin đúng chỗ.

(6) Nhịn nhục: Có đức tin, lòng yêu thương cần thêm nhịn nhục, nghĩa là chịu đựng, nhẫn nhục, bền chặt. Người có đức tin vững chắc, có tình yêu thương chan hòa thì sẽ có đủ sức nhịn nhục chịu đựng mọi gian khổ, thử thách mà không hề nao sờn.

Bài học có sáu phần kể trên không phải chỉ riêng cho bậc trưởng lão, nhưng cho mỗi người tin Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con sống làm một người "trưởng thành" trong đức tin.

(c) 2024 svtk.net