“Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu “nhờ đau đớn mà nên trọn lành” có nghĩa là gì? Việc Chúa Giê-xu trở nên con người và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm liên hệ gì với chúng ta trong sự cứu rỗi và trong cuộc sống hằng ngày?
Trước giả thư Hê-bơ-rơ mô tả Chúa Giê-xu là “cội rễ sự cứu rỗi” đã “nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành” (câu 10). Cội rễ của sự cứu rỗi nghĩa là Ngài làm nên sự cứu rỗi, mở ra con đường để mọi người có thể đến với sự cứu rỗi. Như vậy, sự “trọn lành” ở đây không phải nói đến bản chất của Chúa Giê-xu mà nói đến công tác cứu rỗi của Ngài. Chúa Giê-xu luôn là Đấng Trọn Lành. Ngài trọn lành từ trước khi đến thế gian. Ngài trọn lành khi còn là một hài nhi nằm trong máng cỏ. Ngài trọn lành trong thời niên thiếu sống ở Na-xa-rét. Tuy nhiên, chỉ sau khi Ngài thi hành chức vụ, chịu đau đớn bước đi con đường thập tự giá thì sứ mệnh cứu chuộc của Ngài mới nên trọn lành.
Để công tác cứu chuộc được trọn lành, Đấng Tạo Hóa Hằng Sống vốn không thể chết đã mang lấy máu thịt trên mình, trở nên một con người hoàn toàn để có thể chết và đắc thắng ma quỷ là kẻ cầm quyền sự chết (câu 14). Vì Chúa Giê-xu là con người hoàn toàn nên Ngài có thể đại diện cho toàn thể nhân loại trước mặt Đức Chúa Cha trong chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. Thời Cựu Ước, người Ít-ra-ên phải nhờ thầy tế lễ làm trung gian cho mình với Đức Chúa Trời. Trong khi các thầy tế lễ cử hành nghi thức chuộc tội cho từng cá nhân thì duy nhất thầy tế lễ thượng phẩm mới có thể cử hành lễ chuộc tội cho toàn thể dân chúng.
Qua chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, Chúa Giê-xu giải quyết vấn đề tội lỗi của con người. Tuy nhiên, ngoài nhu cầu lớn nhất là sự cứu rỗi thì con người vẫn còn vô số những nan đề khác trong cuộc sống thường ngày. Có những lúc đối diện với đắng cay, đau khổ, chúng ta muốn thốt lên nỗi lòng “Sao không có ai hiểu tôi hết vậy?” Chúng ta cảm thấy những lời an ủi của con người, những giải pháp đưa ra từ báo đài, sách vở… chẳng đáp ứng được nỗi niềm sâu thẳm của chúng ta. Những lúc như vậy, hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu đã “chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (câu 18). Ngài không chỉ nhìn thấy mà còn trải nghiệm những khó khăn chúng ta gặp phải. Hãy đến với Chúa để nhận sự cứu giúp từ Ngài.
Bạn có muốn đón nhận sự cứu giúp của Đấng “nhờ đau khổ mà nên trọn lành” không?
Tạ ơn Chúa Giê-xu đã bằng lòng mang lấy mọi đau đớn và chấp nhận mọi khó khăn trong thân phận con người để thấu hiểu và cứu giúp con người. Xin cho con dạn dĩ chạy đến với Chúa để nhận được sự cứu giúp từ Thầy Tế lễ Thượng Phẩm, Đấng nhờ đau khổ mà khiến mọi sự được trọn lành.
(c) 2024 svtk.net