Thật sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. 1 Giăng 1:3
Một lời tuyên bố như vừa kể đang cho người đọc phải sợ hãi và run rẩy. Môi-se ngày xưa khi thấy bụi gai cháy đến gần nhìn thì được dạy rằng: Hãy cởi giày ra khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. (Xuất 3:5). Làm thế nào ngày nay ta dám đề cập đến tương giao với Chúa mà không sợ khinh xuất? nhưng biết Chúa hay giao ngộ với Chúa chính là thông điệp trung tâm của Cơ-đốc-giáo.
Sứ đồ Giăng nhấn mạnh: Thật sự là... ngụ ý chắc chắn, không phải là lý thuyết hay trừu tượng nữa. Tuy nhiên Thật sự là... cũng mang theo một ý nghĩa ngạc nhiên nữa. Dĩ nhiên là chắc chắn như thế, nhưng càng nhận ra việc này thật bao nhiêu thì ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu. Đây không phải là ngạc nhiên của người vô tín, nhưng ngạc nhiên của người hết lòng tin vì đây chính là một kinh nghiệm lại vừa là mục đích của người tin Chúa. Toàn bộ mục tiêu của kinh nghiệm về Chúa cũng như đức tin và giáo lý Cơ-đốc đều gói ghém trong việc biết Chúa và giao ngộ với Ngài.
Khi xét lại chính mình và kinh nghiệm của mình, chúng ta có thể thành thật bảo rằng đây chính là quan niệm căn bản về đời sống tin Chúa của chúng ta hay không? Đây có phải là thói quen suy tư của chúng ta về cuộc đời ấy và tất cả ý nghĩa của nó hay không? Đọc một phát biểu như của Giăng, ta phải thành thật nhận tính cách không xứng đáng và thất bại của cuộc sống mình. Mặc dù chúng ta đã đi xa đến đâu trong cuộc đời theo Chúa, khi đối diện với một lời tuyên bố như thế liệu chúng ta có thấy mình đang sống trong vị thế đáng sợ hay đang ở một cấp độ thấp và không sẵn sàng bước vào một niềm tin huyền nhiệm quan hệ đến chính mình hay không?
Người tin Chúa Giê-xu không phải chỉ là những người chỉ chú trọng đến việc áp dụng các nguyên tắc Cơ-đốc vào mọi mối quan hệ và lĩnh vực trong đời. Tất nhiên quan tâm như thế là đúng, nhưng đó không phải là điều thực sự khiến họ trở thành người tin Chúa thật. Ngày nay nhiều người chỉ đơn giản quan niệm như thế mà thôi.
Người ta thường nghĩ người tin Chúa Giê-xu là người quan tâm đến luân lý đạo đức và cố đem lời dạy của Chúa trong kinh Tân Ước áp dụng vào cuộc đời. đó chính là một phần của đời sống tin Chúa, nhưng chúng ta ngừng lại tại đó, thì theo một ý nghĩa, chúng ta chưa vào kinh nghiệm mà sứ đồ giăng nói đến ở đây. Không, cuộc đời người tin Chúa không phải chỉ là áp dụng lời dạy của Chúa mà thôi, nhưng chủ yếu là một cuộc tương giao, cuộc sống chung với chính Chúa và không có gì khác nữa.
Ta có thể nói: Làm người tín đồ tin Chúa không phải chỉ có nghĩa là ta có lập trường vững về giáo lý Cơ-đốc mà thôi. Lập trường hay là cách hiểu về giáo lý thường đưa đến những cuộc chia rẽ, nhiều khi không cần thiết, tuy nhiên nếu ta nhấn mạnh đến việc làm môn đệ Chúa là sống với Chúa thì những dị biệt về tổ chức giáo hội hay về các quan điểm trong giáo lý sẽ không còn là vấn đề nữa. Ngay cả việc cho rằng mình là chính thống, là hoàn toàn theo đúng Kinh Thánh cũng chưa chắc đã là quan trọng hơn thật sự có kinh nghiệm sống với Chúa.
Hiểu rõ tương giao hay sống với Chúa nghĩa là gì sẽ làm ta phải run sợ. Vì biết bao người từng làm lĩnh tụ trong giáo hội hay biện giải cho đức tin Cơ-đốc, nhưng đến cuối đời, trên giường chờ chết mới vỡ lẽ rằng mình chưa bao giờ gặp Chúa cả, chỉ nói về Chúa mà thôi.
Tin Chúa không phải như tin một triết gia nào đó. Như Khổng Tử chẳng hạn. Khổng Tử có nhiều lời dạy về cách sống trong đời. Tuy nhiên ta có thể biết về học thuyết của Khổng Tử, sống áp dụng học thuyết đó trong đời và thành công, nhưng không cần tương giao với Khổng Tử, lý do là ông ta không còn trên đời để mà tiếp cận. Tin Chúa thì khác. Tin Chúa là bằng lòng mời Chúa vào cuộc đời mình và tương giao gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Vì có mối tương giao đó nên ta được đổi mới và thèm khát đọc lời Chúa, trau giồi hiểu biết về Ngài và thực hành lời Chúa dạy.
Chúng ta cần định nghĩa cho rõ hơn tương giao với Chúa nghĩa là gì. Từ tương giao hay thông công mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng đây không phải là vấn đề lý thuyết. Theo lời dạy của Kinh Thánh, ta có thể hiểu tương giao như sau:
Thứ nhất, ở trong tình trạng tương giao có nghĩa là được chia sẻ điều gì đó. Người tín đồ theo Chúa được tương giao với Chúa nghĩa là được tham dự vào sự sống của Thượng Đế. Nói như thế nghe rất khó mường tượng, nhưng đó là ngôn ngữ của Kinh Thánh. Kinh Thánh Tân Ước đưa ra lời mời gọi chúng ta vào sự sống ấy.
Phi-e-rơ viết: Bởi vinh hiển nhân đức ấy, Chúa lại ban lời hứa rất quýrất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó, anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đưa đến, mà trở nên người dự phần bản tính của Thượng Đế. 2 Phi-e-rơ 1:4. Đây là một trong những lời dạy tiêu biểu về sự tương giao này. Thật ra toàn bộ giáo lý tái sinh đều đưa đến lời dạy này. Sinh lại, sinh lại do từ thiên thượng, sinh lại do Thánh Linh, tất cả đều mang cùng một ý nghĩa này. Đây cũng chính là điều mà Giăng muốn cho độc giả của ông thấu triệt, nghĩa là, làm tín đồ của Chúa Cứu Thế không phải chỉ là khá hơn trước khi làm tín đồ hay là chỉ thêm vào một số điều mới trong đời sống. Nhưng làm tín đồ Chúa nghĩa là nhận một sự sống thiêng liêng từ Chúa ban cho.
Nhưng tới đây ta phải minh định rõ. Vì có người sẽ hỏi rằng: Như thế có thay đổi thực tế không? Có một loại thần linh nào nhập vào đời sống ta hay không? Có những người chủ trương là có. Nghĩa là sự thay đổi thể hiện trong thể chất, vì vậy mới cho rằng các thánh lễ rất quan trọng. Người ta cho rằng việc báp-tem cho hài nhi là đem đời sống thiêng liêng nhập vào hồn đứa trẻ và khi nhận bánh tiệc thánh là nhận một bản chất thần linh. Đây là những điều tin tưởng đi quá xa lời dạy của Thánh Kinh. Thật ra việc tham dự vào sự sống với Thượng Đế là một huyền nhiệm không thể giải thích cụ thể và hiểu như vậy được. Chúng ta không thể nào phân tích bản chất thần linh, vì vậy khi bản chất ấy vào con người chúng ta, chúng ta chỉ cảm biết mà không giải thích được. Phao-lô nói: Nay tôi sống, không phải là tôi nữa mà là Chúa sống trong tôi. Ga-la-ti 2:20. Đó là điều hiển nhên nhưng không giải thích được.
Chúng ta được gọi đến tin Chúa là để tham dự vào bản chất thiêng liêng của Chúa. Chúng ta được tương giao với Chúa, chúng ta được sống ở trong Chúa. Nghĩa là Chúa ở trong tâm hồn ta và ta ở trong thần linh của Chúa. Đây là điều con người không thể phân tích và giải thích được, nhưng kinh nghiệm được.
Điều thứ hai liên quan đến việc tương giao với Chúa là: chúng ta là những người tin Chúa cùng chia sẻ với Chúa những gì Chúa ưa thích và theo đuổi các mục đích của Chúa. Như thế nghĩa là chúng ta cũng chú tâm vào công trình cứu rỗi vĩ đại của Chúa, cùng mang một nhân sinh quan như Chúa. Ta tin Chúa là vào những quan niệm, những chủ trương như Chúa. Như vậy khi nào ta không chủ trương như Chúa, có thái độ như Chúa là ta ở ngoài Chúa.
Nói khác đi, khi nhìn vào thế gian này, ta không nhìn với quan điểm chính trị, xã hội hay lợi lộc. Nhưng ta nhìn vào thế giới này y như cách Chúa nhìn. Thế giới này đầy tội ác, tội ác theo nhiều nghĩa mới mẻ hơn, và có những thế lực trong thế giới đang hướng dẫn con người chống lại với chân thần là Thượng Đế, đó chính là điều chúng ta phải quan tâm. Chúng ta cầu nguyện, suy nghĩ và hành động sao cho các mục đích của Chúa được thể hiện, mở rộng vương quốc vinh quang của Chúa vào cõi đời ô trọc tội ác này. Như vậy là chúng t tham gia trong bản chất của Chúa.
Tương giao với Chúa luôn luôn có nghĩa là đồng cảm hay thông công, chia sẻ. Giăng dạy: Chúng ta có tương giao với Chúa Cha nghĩa là có đồng cảm, thông công, chia sẻ với Chúa.
Ta có thể xét vấn đề theo hai hướng. Ta trước hết nhìn từ phía mình, và sau đó nhìn từ phía của Chúa.
Nhìn từ phía chúng ta tương giao hay đồng cảm với Chúa nghĩa là biết Chúa. Chúa không phải là một người lạ nào đó trên trời xa vời. Chúa cũng không phải là một sức mạnh nào đó ở đâu đó trong vũ trụ, hay là đấng đặt các định luật vào thien nhiên vạn vật mà thôi. Thượng Đế là một Đấng mà chúng ta biết rất rõ.
Phao-lô viết: Nhưng hiện nay anh em biết Thượng Đế, lại được Thượng Đế biết đến nữa... Ga-la-ti 4:9. Thượng Đế là một thực thể, chúng ta biết Ngài, đó là điều căn bản. Ta không thể nào có cảm thông, đồng cảm hay trao đổi với một người nào mà không biết người đó được. Đối với Chúa, khi ta tương giao với Ngài là lúc ta bước vào trao đổi gần gũi, hiểu biết đối với Chúa.
Giăng dạy rằng, người tín đồ của Chúa là người đã đến chỗ biết Chúa. Chúa không còn là đấng vĩ đại xa vời, nhưng là Cha của người tin Chúa. Chính vì vậy mà Giăng nói đến Tương giao với Cha. Người tin Chúa là người hướng về Thượng Đế mà kêu lên: Lạy Cha. Chúng ta tin Chúa là được Chúa nhận làm con và có quyền tiếp cận với Cha trong tình nghĩa Cha con. Tình nghĩa cha con này không phải chỉ trên lý thuyết nhưng thực sự là chúng ta yêu kính Thượng Đế và hân hoan sống trong mối tương giao với Ngài. Đó là cách chúng ta biết Chúa.
Có thông công tương giao với Chúa còn có nghĩa là chúng ta muốn được nói với Chúa và chúng ta có khả năng đó.
Mỗi chúng ta đều biết khó khăn trong việc cầu nguyện với Chúa, nhưng khi chúng ta thương yêu, quý mến một người thì việc nói chuyện với người ấy chắc không khó gì. Mặt khác, khi thương yêu một người thì không cần phải chuẩn bị cuộc đối thoại, việc trao đổi với người ấy sẽ diễn ra rất tự nhiên. Đây cũng là tính chất của việc tương giao hay thông công với Chúa. Nhưng chúng ta thường có kinh nghiệm là nhiều khi quỳ gối trước mặt Cha mà không biết nói gì cả.
Nhưng nếu đây là tình trạng hiện tại của chúng ta thì việc biết Chúa chưa đạt. Vì tương giao thật với Chúa nghĩa là chúng ta khao khát và sung sướng được thưa chuyện với Ngài và muốn ca ngợi Ngài. Nếu chúng ta yêu người nào, chúng ta muốn nói cho người ấy nghe và nói ra thành lời. Đối với Chúa cũng như vậy. Người thật sự tương giao với Chúa là người hay ca ngợi Chúa. Không phải chỉ khi nào chúng ta muốn xin điều gì mới đến thưa chuyện cùng Chúa. Nhưng thật ra, chúng ta sung sướng được ngồi trước mặt Chúa và nói với Ngài, đó là những phút giây phước hạnh nhất trong đời chúng ta. đây mới chính là nguyên nghĩa của việc tương giao với Chúa.
Một phương diện khác, những người tương giao với Chúa là những người rất chắc chắn về sự có mặt của Chúa. Có người nói rằng: Tôi quỳ gối cầu nguyện nhưng không cảm thấy có Chúa ở đó. Không, người tương giao với Chúa là người biết có Chúa ở đó khi mình cầu nguyện. Những người ấy nhận ra sự có mặt của Chúa, và đây cũng là phần chính yếu của vấn đề thông công hay tương giao.
Việc tương giao với Chúa dĩ nhiên đưa tới thái độ vững vàng khi nói chuyện với Cha, khi trình thưa những sự kiện, cầu xin hay ước ao điều gì. Như thế một trong những phương cách trắc nghiệm xem ta có thật sự được tương giao với Chúa hay không là xét kỹ đời sống cầu nguyện của ta. Tôi cầu nguyện như thế nào? Nhiều hay ít, bao nhiêu lần một ngày? Tôi có tự do cầu nguyện không? Tôi có thích cầu nguyện hay cho rằng cần nguyện là chuyện buồn ngủ? Ta có thể làm cho đời sống cầu nguyện phong phú bằng cách đọc Kinh Thánh để học các gương cầu nguyện và nghe những người có kinh nghiệm về cầu nguyện làm chứng. Mặt khác, cầu nguyện sẽ trở thành thích thú khi nào ta dành thì giờ và thật sự đặt vấn đề cầu nguyện như là việc làm quan trọng nhất trong ngày.
Ta đã nói đến tương giao với Chúa nhìn từ hướng chúng ta, nay xin nói đến tương giao nhìn từ phía Chúa.
Làm sao tôi biết được tương giao giữa tôi và Chúa là có thật? Tôi biết được là vì Chúa cho tôi những bằng cớ về sự có mặt và sự gần gũi của Ngài. Chúa cũng có cách nói với tôi qua linh hồn tôi, không thành lời, nhưng Chúa thật sự có nói. Chúa cũng ban cho sự an ủi, Ngài còn tạo ra trong ta những ao ước và mong chờ về những điều tốt lành. Chúa làm cho lòng ta vui vẻ, an bình. Chúa đưa đẩy ta đến chỗ muốn làm theo ý Ngài.
Chúa cũng cho ta biết về ý chỉ của Ngài nữa. Chúa chỉ cho ta những gì Ngài muốn ta làm. Chúa hướng dẫn, mở cửa, đóng cửa, đôi khi Chúa còn đưa đến những vật cản, những chướng ngại nữa. Nghĩa là khi đã tin Chúa, Chúa có mặt ngay trong đời sống ta, Chúa đi cùng với ta qua hành trình đời sống. Ta dù trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ rằng có Chúa ở tại đó. Nguyên chỉ nghĩ đến việc có Chúa ở với mình trong mọi hoàn cảnh, đã đủ cho ta thắng vượt hoàn cảnh rồi.
Chúa biết những gì xảy ra cho ta là đem lại ích lợi, vì vậy khi gần Chúa, tương giao với Ngài, người tin Chúa lúc nào cũng có thể ca ngợi.
Bạn thân mến, bài học Kinh Thánh hôm nay không biết có nhắc nhở bạn điều gì không? Nhưng tôi chỉ mong bạn suy nghĩ về mối tương giao với Chúa và tăng cường việc cầu nguyện cho đến khi thật sự cảm thấy thích thú cầu nguyện. Đây là một trong những dấu hiệu được tương giao thật với Chúa. Đây cũng là dấu hiệu mà chỉ có người tin Chân Thần mới nói đến và mới kinh nghiệm. Những kẻ thờ cúng thần tượng không bao giờ có lòng kính mến và ao ước muốn gần thần tượng của họ. Họ chỉ sợ thần tượng mà không bao giờ có được mối tương giao với thần linh cả. Như thế cầu nguyện nghĩa là cảm biết sự hiện diện của Chúa, thưa chuyện với Chúa như con với Cha, ca ngợi cảm tạ Chúa và được thỏa mãn.
Câu hỏi căn bản mà mỗi người cần phải đặt ra hôm nay là: Tôi có thật sự biết Chúa chưa? Trả lời câu hỏi này là minh định được niềm tin của mình có chính xác hay không và có theo đúng tinh thần Giăng dạy trong thư Giăng hay không?