“Dù Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (câu 8-9).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đáp ứng những điều kiện của một thầy tế lễ thượng phẩm như thế nào? Ngài đã học vâng lời qua sự chịu khổ trong trường hợp nào? Vì sao Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm chúng ta cần có?
Thầy tế lễ thượng phẩm là trung gian giữa Đức Chúa Trời và con người, có nhiệm vụ dâng tế lễ chuộc tội cho toàn thể dân chúng. Là người phục vụ Chúa, thầy tế lễ thượng phẩm được chính Đức Chúa Trời lựa chọn. Là đại diện của dân chúng, ông phải cảm thông được với mọi người. Lịch sử chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Ít-ra-ên bắt đầu từ ông A-rôn trải qua nhiều thế hệ, nhưng không một ai là thầy tế lễ thượng phẩm hoàn hảo cả, trừ ra một người là Chúa Giê-xu. Trước hết, Ngài “không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm” nhưng được chính Đức Chúa Trời lập làm “thầy tế lễ đời đời theo ban Mên-chi-xê-đéc” (câu 5-6). Nghĩa là chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Giê-xu cũng giống như ông Mên-chi-xê-đéc, không phải đến từ một ban theo quy định nhưng đến từ ý muốn tối cao của Đức Chúa Trời. Thứ hai, Chúa Giê-xu không chỉ là Đức Chúa Trời hoàn toàn mà Ngài cũng là con người hoàn toàn. Trong thân xác con người, Ngài cũng nếm trải những khốn khổ, đớn đau, nên có thể cảm thông mọi yếu đuối của con người.
Trước giả thư Hê-bơ-rơ mô tả Chúa Giê-xu “đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu” (câu 8). Nghĩa là khi chịu khổ, Ngài hiểu được những tranh chiến của xác thịt muốn chống lại ý muốn thiên thượng. Điều này được thể hiện rõ nhất trong vườn Ghết-sê-ma-nê khi Chúa Giê-xu đau đớn thốt lên với Cha, “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con!” Khi từng thớ thịt của thân xác muốn chiều theo ý riêng của mình thì Chúa Giê-xu vẫn quyết vâng lời: “Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39).
Đỉnh điểm của sự vâng lời là việc Chúa bằng lòng hiến chính mình trên thập tự giá. “Mọi việc đã được trọn” là những lời cuối cùng Ngài thốt lên trước khi tắt hơi (Giăng 19:30) cho thấy nhờ sự vâng lời chịu khổ của Ngài, chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được thành toàn. Do đó, Chúa Giê-xu “trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (câu 9). Giờ đây, con người không cần phải nhờ đến thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm một lần dâng tế lễ chuộc tội. Thay vào đó, mọi người đều có thể đón nhận món quà cứu rỗi khi đến với Đức Chúa Giê-xu Christ bằng đức tin. Ngài chính là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chúng ta cần có.
Bạn có vâng lời Chúa trọn vẹn khi đối diện với khó khăn, thách thức vì công việc Chúa không?
Lạy Chúa Giê-xu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của con. Tạ ơn Ngài vì đã vâng lời Chúa Cha, bằng lòng chịu khổ, nhờ đó con có thể đến với sự cứu rỗi đời đời bởi đức tin. Xin giúp con luôn trung tín theo Ngài và cũng học vâng lời Ngài trong mọi hoàn cảnh.
(c) 2024 svtk.net