“Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Giê-xu, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự” (câu 15).
Câu hỏi suy ngẫm: Phiên tòa Tổng đốc Phi-lát xét xử Chúa Giê-xu diễn ra như thế nào? Tại sao dù biết Chúa Giê-xu vô tội nhưng cuối cùng ông Phi-lát vẫn tuyên án Ngài? Theo bạn vì sao Chúa Giê-xu bị tuyên án như vậy?
Trong dịp Lễ Thương Khó, chúng ta được mời gọi suy niệm về con đường khổ nạn của Chúa Giê-xu. Truyền thống Hội Thánh gọi con đường này là Via Dolorosa với tổng cộng 14 chặng, mà chặng đầu tiên chính là ở phiên tòa Phi-lát, nơi Chúa Giê-xu bị tuyên án.
Đây là phiên tòa khá đặc biệt vì lời tố cáo thì nhiều, lời biện hộ lại không có, còn quan tòa thì tìm cách thoái thác. Ký thuật trong sách Phúc Âm Mác 15 cho thấy dù “các thầy tế lễ cả cáo Ngài nhiều điều” (câu 3) nhưng “Đức Chúa Giê-xu chẳng trả lời chi nữa, nên nỗi Phi-lát lấy làm lạ” (câu 5). Bản thân Tổng đốc Phi-lát hiểu rõ người tên Giê-xu này không hề có tội, “người biết rõ các thầy tế lễ cả đã nộp Ngài bởi lòng ghen ghét” (câu 10).
Trong thâm tâm, Tổng đốc Phi-lát muốn tha cho Chúa Giê-xu nên ông đưa cho dân chúng lựa chọn một tù nhân ân xá vào dịp lễ Vượt Qua, hoặc là Chúa Giê-xu, hoặc là ông Ba-ra-ba, tên tội phạm khét tiếng. Ông Phi-lát hẳn đã nghĩ rằng đoàn dân sẽ chọn tha cho Chúa Giê-xu. Có thể nói đây là nỗ lực của ông Phi-lát để không kết tội oan sai. Nhưng trước áp lực của đám đông đang bị lèo lái thì ông Phi-lát lại chùn bước. Kết quả là “Phi-lát muốn cho đẹp lòng dân, bèn tha tên Ba-ra-ba; và sai đánh đòn Đức Chúa Giê-xu, rồi giao Ngài cho chúng đem đóng đinh trên cây thập tự” (câu 15). Tổng đốc Phi-lát không muốn làm lớn chuyện, nhất là nếu có ai báo cáo rằng ông quyết định tha cho người được xưng là “vua dân Giu-đa” thì ông sẽ bị gán vào tội bất trung với Sê-sa (Giăng 19:12). Thay vì chọn công lý, ông Phi-lát chọn giải pháp yên lòng dân, củng cố cho vị thế chính trị của mình, nên ông đã kết án Chúa Giê-xu.
Trong khi suy niệm về Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương Khó, chúng ta được mời gọi bước vào phiên tòa Phi-lát để thấy Chúa Giê-xu, “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:21). Vai trò của các thầy tế lễ, Tổng đốc Phi-lát hay tên tội phạm khét tiếng Ba-ra-ba trong phiên tòa này chỉ để làm nổi bật một lẽ thật: Chúa Giê-xu không chịu thương khó vì chính Ngài. Ngài chịu thương khó vì mọi người. Chúa Giê-xu bị kết án vì những lãnh đạo tôn giáo Do Thái xấu xa thủ đoạn, vì Tổng đốc Phi-lát, người lãnh đạo chính trị chỉ lo cho mình thay vì bênh vực công lý, vì để một người gian ác như ông Ba-ra-ba được sống. Và Chúa Giê-xu cũng chấp nhận mang bản án ấy vì mỗi một chúng ta!
Bạn có nhận biết Chúa Giê-xu bị kết án vì bạn không?
Tạ ơn Chúa Giê-xu, Đấng chẳng hề biết tội đã chịu thay án phạt vì tội lỗi của con. Xin cho con luôn khắc ghi ơn Chúa, quyết sống cuộc đời đắc thắng, kết quả cho Ngài.
(c) 2024 svtk.net