“Song người nói cùng họ rằng: Đừng sợ chi, các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Những người đi viếng mộ đã đối mặt với tình huống nào? Ngôi mộ trống chứng thực về sự sống lại của Chúa ra sao? Bạn học được gì từ việc Chúa không còn ở nơi mộ phần?
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, những phụ nữ ra đi đem theo hương liệu để xức xác Chúa. Họ đến nơi khi mặt trời vừa mọc (câu 1-2). Điều họ trăn trở là làm sao vào được trong mộ khi có tảng đá lớn chặn ở cửa và có lính canh nghiêm ngặt (Ma-thi-ơ 27:60, 66). Sự lo lắng ban đầu bỗng trở thành nỗi kinh ngạc khi họ phát hiện tảng đá lớn đã được lăn đi, và có thiên sứ hiện ra bảo rằng: “Các ngươi tìm Đức Chúa Giê-xu Na-xa-rét, là Đấng đã chịu đóng đinh; Ngài sống lại rồi, chẳng còn ở đây; hãy xem nơi đã táng xác Ngài” (câu 6).
Nơi an táng Chúa giờ đây là một ngôi mộ trống. Đây là một sự thật không thể chối cãi, đến nỗi kẻ thù của Chúa cũng không thể phủ nhận nên đành tìm cách giải thích khác đi, cho rằng các môn đệ của Chúa đã đem xác Ngài giấu nơi khác (Ma-thi-ơ 28:13). Họ không nghĩ đến việc làm sao một nhóm người sợ hãi khi nhìn thầy mình bị đóng đinh trên thập tự giá, đang run rẩy trốn trong phòng cửa đóng then cài lại có thể trộm xác Chúa rồi tuyên bố Ngài sống lại? Chưa kể sau này từng người trong số họ sẵn sàng chết, chẳng lẽ chỉ để bảo vệ lời nói dối do chính họ bịa đặt hay sao? Không thể như vậy! Chỉ có một cách giải thích duy nhất và chân thật là Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết, và ngôi mộ trống là bằng chứng xác thực điều này!
Chúa chẳng còn ở hầm mộ, và người tìm kiếm Ngài cũng nên rời xa nó. Những gì thuộc về sự chết đã bị bỏ lại phía sau. Điều này cho chúng ta bài học là phải bỏ lại tội lỗi, đoạn tuyệt với nó, đừng tìm kiếm nó nữa. Thay vào đó, hãy theo đuổi sự nên thánh và sống kết quả cho Chúa: “Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời, thì kết quả mà anh em được là sự thánh hóa, và cuối cùng được sự sống đời đời” (Rô-ma 6:22 BTTHĐ).
Hầm mộ cũng có thể tượng trưng cho những gãy đổ trong cuộc đời, những vết thương hằn sâu đến nỗi làm cho tâm hồn chết lặng. Chúa Phục Sinh đã bước ra khỏi hầm mộ, vậy chúng ta cũng nên đi ra khỏi những nơi từng chôn vùi cảm xúc, tấm lòng và tâm linh chúng ta. Dù nỗi đau có lớn đến đâu đi nữa, cũng đừng quên rằng năng quyền của Chúa Phục Sinh thắng hơn tất cả.
Chúa đã phục sinh, chẳng còn ở nơi hầm mộ, bạn có sẵn sàng bỏ lại những “hầm mộ” phía sau để sống đắc thắng cho Chúa không?
Chúc tụng Chúa Giê-xu vì đã phục sinh vinh quang. Xin năng quyền phục sinh của Chúa dẫy đầy trên con, giúp con đoạn tuyệt với tội lỗi, cũng như mạnh mẽ vượt qua những nỗi đau của mình mà sống kết quả cho Ngài.
(c) 2024 svtk.net