Thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là con.
1 Giăng 1:3
Tương giao với Chúa là đề tài chúng ta đã bàn đến nhiều trong bài trước. Đề tài này cũng đưa đến nhiều hiểu lầm nhất, vì vậy ta cần phân tích cho rõ như thế nào là hiểu đúng ý nghĩa tương giao với Chúa và làm sao thực hiện được?
Có thể nói lịch sử Hội Thánh là lịch sử những người cố đạt đến mối tương giao này với Chúa và tiếp tục duy trì thông công tương giao ấy. Tuy nhiên cũng có những người tìm đến mối tương giao này không đúng cách và nhiều người khác tìm được tương giao thật với Chúa.
Ta có thể giản dị hóa vấn đề bằng cách chỉ bàn đến hai cách chính mà người ta đã dùng để tìm đến tương giao với Chúa. Đó là cách thuần túy tin lành và cách huyền nhiệm. Trong lịch sử đã nhiều lần người ta ít nhiều muốn phối hợp hai phương cách này, hay là dùng phương pháp này bài bác phương cách kia. Trong phương cách huyền nhiệm lại còn nhiều trường phái nữa, nhưng ta không thể bàn ở đây được. Vì có thể nguyên một thư viện mới chứa
nổi tất cả tác phẩm đã viết về huyền nhiệm thuyết.
Về một phương diện thì tin lành thuyết và huyền nhiệm thuyết có nhiều điểm tương đồng, và vì thế nên cũng rất nguy hiểm. Cả hai thuyết đều thống nhất rằng Thượng Đế tiếp xúc thẳng với tâm linh chúng ta và cho chúng ta tri thức về Ngài. Cả hai cũng công nhận rằng tương giao với Chúa không phải là điều hình thức và lập trường đúng của người tin Chúa không phải chỉ nhìn bề ngoài và máy móc. Hai bên cũng minh định rằng đối tượng và nỗ lực chính là tương giao với Chúa. Hai khuynh hướng cũng đều không bằng lòng với việc bỏ đi một số trách nhiệm hay là khuôn rập theo một số tiêu chuẩn đạo đức, vì thế gian vẫn có thể làm như thế và các tôn giáo khác cũng vậy. Không, cả hai đều chủ trương rằng Cơ-đốc-giáo đưa người ta đến chỗ tương giao mật thiết với Chúa, tri thức về Chúa và họ quan tâm đạt được đến thông công và tri thức ấy.
Tuy nhiên trong lịch sử cũng có những người thực sự sống huyền nhiệm, chủ trương huyền nhiệm, nhưng lại rất tin lành, như Bernard de Clairvaux chẳng hạn. Nhà truyền giáo nổi danh Charles Wesley và người em ông ta là John cũng theo huyền nhiệm mặc dù vẫn là tin lành chân chính. đó là những trường hợp rất khó phân loại, vì thế chúng ta chỉ đề cập đến những nguyên tắc chính mà thôi.
Trước hết, theo huyền nhiệm thuyết thì việc tìm đến tương giao, đồng cảm, thông công với Chúa là gì? Như ta đã nói, huyền nhiệm có nhiều trường phái, kể cả những trường phái không thuộc Cơ-đốc-giáo nữa. Nhiều triết gia ngoại giáo Hi-lạp cũng theo huyền nhiệm, lại nhiều phái huyền nhiệm Cơ-đốc. Những người theo huyền nhiệm thuyế cũng có những điểm chung, đó là họ đều tin rằng một người có thể có một loại trực giác về vô hạn và vĩnh hằng. Một định nghĩa về huyền nhiệm thuyết là:
Huyền nhiệm thuyết tin rằng có thể biết Thượng Đế mặt đối mặt mà không cần đến một điều gì trung gian cả; đó chính là tri thức và ý thức trực tiếp về Thượng Đế.
Cũng có thể nói rõ hơn:
Huyền nhiệm thuyết là lý thuyết cho rằng sự thanh khiết và phúc hạnh lấy ra từ cuộc đồng cảm thông công với Thượng Đế không thể nào có được do từ Thánh Kinh hay việc sử dụng các phương tiện của ân sủng, mà là một ảnh hưởng siêu phàm thiêng liêng trực tiếp, việc đó phải được thể hiện bằng cách đơn thuần để cho tâm hồn thuận theo ảnh hưởng thiêng liêng của Chúa.
Nói tổng quát, ta có thể bảo rằng, huyền nhiệm thuyết chủ trương con người có thể cảm được nguồn tri thức về Thượng Đế mà không cần đến tri thức, luận lý hay hiểu biết. Người theo huyền nhiệm nói rằng việc biết Chúa không phải là một điều gì đoạt được nhờ hiểu biết hay là bất cứ loại tri thức khách quan nào; đó là một cái gì trực tiếp, một cuộc trao đổi giữa tâm hồn người và chính Thần Linh của Thượng Đế, và việc này xẩy ra phần lớn là trong lĩnh vực cảm xúc. Nghĩa là Thượng Đế mạc khải chân lý cho người theo huyền nhiệm theo một hình thức nào đó.
Như thế huyền nhiệm thuyết nhấn mạnh vào cảm xúc hơn là vào hiểu biết.
Có ba loại huyền nhiệm thuyết.
Loại thứ nhất là thần cảm hay theopathic, đây là phái huyền nhiệm chú trọng vào cảm xúc và cảm giác hoàn toàn.
Thứ hai là loại thần trí hay theosophic, đây là phái huyền nhiệm chú trọng vào một tri thức về Thượng Đế do từ kinh nghiệm và muốn xét nghiệm tri thức đó.
Thứ ba là loại thần thuật, đây là phái huyền nhiệm chú trọng vào hiện tượng, muốn thấy các dị tượng và các kinh nghiệm khác thường. Phái này thích nhìn thấy những luồng ánh sáng lạ hay thích nói về những cơn xuất thần và cảm xúc về quyền năng của Thượng Đế.
Ta cũng nên điểm qua lịch sử của huyền nhiệm thuyết. Huyền nhiệm thuyết thường xuất hiện từ một cuộc chống lại một loại hình thức và tính chất tê liệt của giáo hội. Huyền nhiệm thuyết xuất hiện trong Công giáo nhiều hơn trong Tin Lành. Huyền nhiệm thuyết cũng là một cuộc phản kháng đối với khuynh hướng quá trí thức hóa đức tin Cơ-đốc. Ta thấy huyền nhiệm thuyết từng hồi từng lúc xuất hiện trong lịch sử giáo hội. Trong các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, khi có nhiều cuộc bàn cãi về giáo lý Cơ-đốc và khi các tiến sĩ của Hội Thánh bỏ ra nhiều thời giờ biện minh với triết học Hi-lạp để bảo vệ đức tin Cơ-đốc, lúc ấy toàn bộ tin mừng gần như bị biến thành một hệ thống tri thức. Chính lúc đó huyền nhiệm Cơ-đốc xuất hiện. Họ chủ trương rằng: Chúng ta phải cẩn thận, vì với tất cả những định nghĩa của chúng ta, chúng ta đang gặp nguy cơ mất đời sống. Như thế huyền nhiệm thuyết khởi đầu từ Ai-cập để phản kháng lại phong trào trí thức hóa đức tin Cơ-đốc và một loại giáo hội chỉ có hình thức.
Thời Trung Cổ cũng có huyền nhiệm bộc phát với những người như Bernard và cũng vì các lý do tương tự như trước. Lúc ấy Giáo Hội Công Giáo dự định thành lập một trường phái triết học như các môn triết học khác. Triết học này trở thành hình thức và mất sinh động. Nhiều người thời ấy nói rằng: Chúng ta đang làm mất đời sống, vì những triết gia đang tìm cách phân tích không phải là tri thức về Chúa, mà về những lý thuyết trừu tượng, như vậy là chối từ đức tin Cơ-đốc.
Thời Cải Chính xuất hiện vào thế kỷ 16 và đưa đến một nhận thức quan trọng về quyền năng tâm linh. Nhưng sau cuộc phục hưng nào cũng là một thời Hội Thánh chết. Ta sang đến thời đại của các nhà thần học, và nhiều người cho rằng người ta đã chú trọng vào thần học đến nỗi trở thành quá máy móc và tạo ra các phản ứng thuộc phái huyền nhiệm. Những người theo Thanh Giáo bắt đầu khởi xướng phong trào ân tứ Thánh Linh và đưa đến một trường phài mới gọi là chủ thuyết Quaker.
Như thế trong Tin Lành, phái Quaker và những phái khác đã phát động huyền nhiệm thuyết vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Một trong những người nổi danh về thuyết này tại nước Anh là William Law tác giả cuốn The Serious Call, ông này đã ảnh hưởng tới cả hai anh em nhà truyền giáo Wesley nổi danh của nước Anh.
Trong huyền nhiệm phái cũng có hai khuynh hướng về việc tri thức về Chúa và tương giao với Ngài. Phái thứ nhất tin vào tính cách im lặng, hoàn toàn thụ động. Họ nói rằng ta không thể làm gì được cả chỉ yên lặng và thư duỗi mà thôi. Lý thuyết này vẫn còn thịnh hành ở nhiều nơi. Họ bảo rằng: Đừng cố suy nghĩ; đừng cố gắng làm bất cứ điều gì cả, việc cần phải làm là buông thả mình trong Chúa và lúc ấy Chúa sẽ phán dạy và làm nhiều điều cho ta và rồi ta sẽ đến chỗ biết Chúa. Nghĩa là hoàn toàn bất động và im lặng. Nổi danh nhất của phái này là một phụ nữ người Pháp, Madame Guyon.
Nhưng còn một phái huyền nhiệm khác lại rất hoạt động. Có người bảo rằng
ta đừng nhầm lẫn huyền nhiệm với huyền bí. có một loại huyền nhiệm phái rất hoạt động. Họ chủ trương rằng cái biết về Chúa và tương giao với Ngài chỉ có thể đạt được nhờ kỷ luật thật là nghiêm túc. Ta cần phải tự xét mình, rồi phải bỏ thì giờ suy niệm cho đến khi nào bước lên kinh nghiệm trực giác về Chúa. Phái này chủ trương rằng ta phải thanh tẩy mình khỏi tội, phải vào một kinh nghiệm gọi là cõi tăm tối của linh hồn là khi ta cảm biết được là mình không biết Chúa. Nhưng ta vẫn phải yên lặng và tiếp tục xét mình và xa lánh trần tục, nếu làm như thế một hôèi, ta sẽ vào được trạng thái khai minh, sẽ thấy được chân lý. Sẽ biết và đến chỗ hợp nhất với Chúa khi nào con người của mình như đã mất hẳn. Người theo phái huyền nhiệm này rất hoạt động, và họ nỗ lực để biết Chúa. Đây là những người tu hành và tạo nên những tu viện. Họ mặc áo da súc vật, chặt các cơ phận trong thân thể, và hành hạ thân xác, nghĩ rằng làm như thế sẽ đến được chỗ gặp Chúa và hợp nhất với Ngài.
Đó là những nét chính về huyền nhiệm. Ta phê bình như thế nào? Huyền nhiệm thuyết là một chủ trương về một cuộc tiếp nối thần cảm. Người theo huyền nhiệm cho rằng Thượng Đế trực tiếp tương giao với người ấy y như Chúa từng gặp gỡ các vị tiên tri của Cựu Ước. Chúa cũng tiếp xúc với người ấy như với các sứ đồ đời xưa. Người Tin lành tin rằng Thượng Đế ban thông điệp cho các nhà tiên tri, cũng như cho các sứ đồ, nhưng vì Chúa đã khải thị xong nên Ngài không cần phải khải thị trực tiếp cho chúng ta nữa. Tôi nói những điều này không phải là một cuộc thần cảm trực tiếp từ Thượng Đế đâu. Tôi chỉ làm công việc phân tích nghiên cứu Kinh Thánh, và tôi tin rằng Thánh Linh cho phép tôi có khả năng làm việc ấy, chứ không tin rằng tôi nhận trực tiếp thông điệp này từ Thượng Đế. Thông điệp này đã được giao cho Giăng và các sứ đồ để truyền lại cho chúng ta ngày nay. Tôi chỉ là người nhắc lại sứ điệp mà Chúa đã ban truyền cho các sứ đồ. Nhưng người theo huyền nhiệm nói rằng họ nhận sứ điệp mới và họ được thần cảm trực tiếp.
Phê bình thứ hai về huyền nhiệm thuyết là: trường phái này đặt Kinh Thánh sang một bên và ít nhiều cho rằng Kinh Thánh không cần thiết cho họ nữa. Những người theo huyền nhiệm không nói về Kinh Thánh, cũng không đọc nhiều. Những người này thường nói rằng: Tôi không đọc theo thứ tự nào cả. Tôi thấy rằng một câu Kinh Thánh cũng đủ rồi, tôi cứ chiêm nghiệm mãi câu mà tôi tìm được đó. Đây là thái độ tiêu biểu của người theo huyền nhiệm. Người ấy không cần mạc khải khách quan mà chỉ muốn có cái gì thúc đẩy mình chiêm nghiệm và rồi mong sẽ nhận được mạc khải trực tiếp từ Chúa; người ấy phủ nhận giá trị của Kinh Thánh.
Người theo huyền nhiệm cũng có thể đi đến chỗ cực đoan, cho rằng không cần đến Chúa Giê-xu nữa. Vì khi họ chiêm nghiệm và cho rằng mình được trực tiếp gặp Chúa Cha thì không cần qua Chúa Giê-xu nữa. Họ bảo rằng tâm hồn họ đã trực tiếp giao cảm với Thượng Đế, nhưng quên rằng, Chúa Giê-xu là đường đi, lẽ thật và sự sống, không bởi Chúa Giê-xu thì không ai được đến tiếp xúc với Chúa Cha được.
Người theo huyền nhiệm thuyết có thể phủ nhận lòi cáo buộc trên đây. Nhưng thật sự là họ tập trung quá nhiều vào công việc Chúa Giê-xu làm trong chúng ta và quên công việc Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta. Nghĩa là quan tâm nhiều về công việc trực tiếp làm cho tâm hồn mà hoàn toàn quên công việc tiên khởi phải được thực hiện trước rồi công việc trong linh hồn mới thực hiện được. Người ta cố tình quên thập tự giá và sự cần thiết tuyệt đối về cái chết đền tội của Chúa Giê-xu trước khi có được tương giao với Thượng Đế là Cha trong bất cứ phương diện nào.
Huyền nhiệm thuyết lại không bao giờ nhấn mạnh về giáo lý về tội lỗi. Họ bảo: Ta không có gì phải lo sợ cả. Ta dù là người như thế nào, nếu muốn biết Thượng Đế, thì cứ bắt đầu tương giao với Ngài, Ngài sẽ phán bảo ta và ban phước cho ta. Họ không bao giờ nói đến giáo lý tội ác trong ý nghĩa là tội ác đã phạm là một điều kinh khủng mà không có gì ngoài ra việc con Thượng Đế vào trần gian này và mang lấy tất cả tội của chúng ta trên thân xác Ngài khi Ngài bị hành hình trên thập giá mới có thể khiến Thượng Đế phán truyền với linh hồn ta mà thôi.
Một điểm nữa đáng phê bình về chủ thuyết huyền nhiệm là không có tiêu chuẩn nào xác định cả. Giả như ta theo huyền nhiệm, ta bắt đầu có kinh nghiệm, ta nghĩ rằng Chúa nói với linh hồn ta, nhưng làm thế nào ta biết được là Chúa thật sự nói với linh hồn ta? Nếu tôi tin vào huyền nhiệm thuyết và loại bỏ Kinh Thánh làm sao tôi xét nghiệm kinh nghiệm của tôi được? Làm sao tôi biết được là tôi có đang sống trong ảo giác hay không? Tôi không có tiêu chuẩn nào để thẩm định điều tôi tin tưởng cả.
Huyền nhiệm thuyết thường đưa người ta đến chỗ quá khích và cuồng tín. Vì nếu đặt cảm xúc lên trên hiểu biết thì sẽ đi đến chỗ đó, vì không có gì để kiểm soát kinh nghiệm và cũng không có lý do gì để kiềm chế tính nhậy cảm và cảm xúc được.
Nhưng phê bình huyền nhiệm thuyết như vậy, có người hỏi rằng thế còn tin lành thuyết chủ trương ra sao?
Tin lành thuyết rất đơn giản. Tin lành thuyết khởi đầu với Kinh Thánh. Kinh thánh là thẩm quyền duy nhất và tiêu chuẩn cuối cùng về vấn đề biết Thượng Đế. Giáo lý Tin Lành dạy tôi là đừng nhìn vào bản thân mình, nhưng hãy nhìn vào Lời Chúa; đừng chờ đợi những mạc khải đền với mình, nhưng hãy tìm đến những mạc khải đã được ban cho trong Kinh Thánh. Giáo lý tin Lành dạy tôi rằng, Thượng Đế chỉ có thể biết được theo phương cách của Ngài đưa ra mà thôi, phương cách ấy đã được mạc khải trong Kinh Thánh thật rõ ràng.
Hơn nữa, muốn biết Thượng Đế, tôi phải khởi đầu bằng cách công nhận công việc Chúa Giê-xu đã thực hiện cho tôi. Ngoài Chúa Giê-xu ra, không có con đường nào đưa ta đến với Chúa Cha là Thượng Đế được. Tôi phải đến với Cha qua Chúa Giê-xu, nghĩa là qua ngả thập tự giá. Lời Chúa dạy không thể nào đưa tôi đến với Cha được, vì trong tôi còn tội lỗi. Nghĩa là phải chú trọng đến công việc Chúa Giê-xu làm vì tôi trước khi nghĩ đến công việc Chúa thực hiện trong tôi. Tôi phải được Chúa cứu ra khỏi tội trước khi Chúa vào làm chủ cuộc đời tôi, không thể theo thứ tự ngược lại được.
Việc tôi được tha tội và được giao ngộ với Chúa hoàn toan2 là đặc ân. Tôi không làm gì mà đáng được cả. Tôi dù tu thân tích đức hay làm bất cứ điều gì cũng không ích lợi gì cho đến khi tôi quỳ gối công nhận ơn Chúa ban cho tôi và tin Chúa để được tha tội. Người công nghĩa sống bằng đức tin, không phải bất cứ việc công đức nào. Không ai do bất cứ việc làm nào mà được cứu, và cũng không ai tự nhiên, cứ yên lặng mà được Chúa giao ngộ. Người nào cũng phải tin rồi mời kinh nghiệm. Đừng ai tạo ra kinh nghiệm trước khi tin, vì đó là giả tạo và vô ích.
Sự sống vĩnh hằng là một điều Thượng Đế ban cho con người, nhưng tôi không thể tìm đến bằng cố gắng hay chiêm nghiệm của tôi được, tôi phải tin Chúa Giê-xu và các lời hứa trong Kinh Thánh và nhận lấy cho riêng mình, và như thế tôi hưởng sự sống vĩnh hằng.
Chúng ta không có quyền gì vào thẳng ngôi ân phúc của Chúa mà khỏi bị trừng phạt vì tội chưa được tha và không nắm vào một lời hứa nào của Chúa để mà tin tưởng cả.
Phương cách biết Chúa của người theo chủ thuyết Tin Lành là đọc Kinh Thánh, biết rõ chân lý, tin nhận, cầu nguyện dựa trên các lời Kinh Thánh hứa, được tha tội, được vào tương giao với Chúa.
Huyền nhiệm thuyết nghe như phải lẽ hợp lý, nhưng chỉ làm thỏa mãn xúc cảm của chúng ta, không đem lại giải cứu thật cho linh hồn.
Những điều tôi nói đến hôm nay không có ý bài bác một tổ chức nào, chỉ để quý vị và các bạn hết lòng tin vào lời Chúa, đừng dựa vào xúc cảm hay mong đợi những hiện tượng phép lạ nào. Vì Mạc khải của Chúa đã đầy đủ và ghi rành rẽ trong Kinh Thánh, con đường dễ nhất chỉ là đọc, tin nhận và được.
Hãy đến với Chúa, dựa trên lời Chúa hứa và nhận lấy ân phúc tương giao với Chúa cho riêng mình.