“Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ” (câu 3).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu giảng dạy đoàn dân tại đâu? Ngài dùng phương pháp gì để giảng dạy? Tại sao Chúa nói “Ai có tai, hãy nghe”? Bạn học được gì qua bài học này?
Khi Đức Chúa Giê-xu ra khỏi nhà, ngồi nơi mé biển Ga-li-lê, một đoàn dân rất đông vây quanh Ngài, vì vậy Chúa tận dụng địa hình của biển hồ Ga-li-lê để giảng dạy. Chúa ngồi xuống một chiếc thuyền, còn đoàn dân đều đứng trên bờ, điều này giúp Chúa Giê-xu giảng dạy thuận lợi, đáp ứng được cho đoàn người đông đảo. Chúa dùng “thí dụ” hay “ngụ ngôn” để giảng dạy. Trong thí dụ người gieo giống và các loại đất, Chúa dùng hình ảnh rất gần gũi với thính giả thời đó đa phần làm nghề nông, nên họ rất quen thuộc với những cánh đồng phì nhiêu vùng Ga-li-lê, quen với hình ảnh người nông dân đi gieo giống và biết rất rõ về hạt giống thường bị hao hụt do đồng ruộng xứ Pa-lét-tin thời đó có nhiều đá sỏi, gai gốc chen lẫn cả đường mòn.
Tại sao khi kể xong thí dụ, Chúa Giê-xu lại nói “Ai có tai, hãy nghe!” (câu 9)? Vì phần lớn người nghe hiểu nội dung nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa sâu nhiệm của thí dụ nếu không được giải thích. Những người thắc mắc là những người nhận biết ý nghĩa không chỉ dừng lại ở bề mặt câu chuyện nhưng khao khát muốn hiểu biết ý nghĩa thuộc linh để ứng dụng. Nhiều người trong đoàn dân không đến với Chúa với lòng khao khát tìm hiểu, họ cũng không quan tâm đến Nước Trời vì không thích hợp với họ, và thậm chí có những người chỉ nghe để bắt bẻ Chúa Giê-xu trong lời nói của Ngài. Họ có tai mà không nghe được tiếng Chúa nên Ngài nhấn mạnh sau khi giảng: “Ai có tai, hãy nghe!”
Ngày nay, chúng ta có thể có tai mà không nghe chăng? Trong Hội Thánh có những tín hữu đến nhà thờ nhưng lại không thờ phượng Chúa mà chỉ lang thang ngoài sân. Hoặc nghe mà không để tâm đến ý nghĩa sứ điệp Lời Chúa nhắc mình điều gì và tại sao Chúa lại nhắc mình như vậy. Họ chỉ quan tâm đến việc gặp gỡ người này người khác, trò chuyện say sưa với nhau bên trong hoặc ngoài sân nhà thờ. Cũng có những tín hữu đến nhà thờ không để nghe Lời Chúa cho mình mà nghe cho người khác, họ chỉ muốn dùng Lời Chúa để dạy dỗ ai đó nhưng lại không để Lời Chúa bẻ trách, sửa trị, dạy dỗ đời sống mình. Một số tín hữu khác thì đến nhà thờ để nghe Lời Chúa nhưng chỉ muốn nghe những lời thuận theo ý mình v.v… Lời Chúa vẫn gieo ra nhưng không đi vào lòng những người đó, họ khác nào có tai mà không nghe được.
Xin Chúa cho chúng ta nghe và khao khát được hiểu biết Lời Chúa ngày càng sâu nhiệm hơn. Chúng ta cũng cần nhạy bén với sự nhắc nhở từ Lời Chúa về những yếu đuối, tội lỗi của chính mình để sửa đổi. Hãy là người “có tai” để nghe.
Bạn có khao khát được nghe và hiểu biết Lời Chúa ngày một sâu nhiệm hơn không?
Lạy Chúa, xin giúp con có tai để nghe, luôn khao khát Lời Chúa và muốn hiểu biết Lời Ngài ngày càng sâu nhiệm hơn. Xin Lời Chúa bẻ trách, sửa trị, dạy dỗ con mỗi ngày.
(c) 2024 svtk.net