Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả.
I Giăng 1:5
Là người tin Chúa, nhiều khi chúng ta thấy cuộc tương giao của mình với Chúa không mấy gần gũi và nhiều khi lại còn bị gián đoạn nữa. Câu Thánh Kinh vừa đọc trong thư Giăng cho chúng ta những nguyên nhân và các lý do tại sao có các việc ấy xẩy ra.
Sứ đồ Giăng đã tuyên bố về chủ đề lớn của ông, nhắc người đọc về tin mừng vĩ đại đó là người tin Chúa ngay trong đời này có thể tương giao với Chúa Cha và con Ngài là Chúa Giê-xu. Sứ đồ Giăng coi như người đọc đã biết về việc tin nhận Chúa, và cũng đã là tín đồ Chúa rồi, nên ông chỉ quan tâm đến việc giúp những người ấy tiếp tục sống trong ân sủng của Chúa Giê-xu, hay sống nhờ Chúa Giê-xu. Giăng cho người đọc thấy việc tương giao hoàn toàn với Chúa đã sẵn ban cho người tin Chúa nhưng phải làm sao duy trì mặc dù có nhiều chướng ngại và ngăn cản.
Thật sự lúc nào cũng có những điều xen vào cuộc tương giao của chúng ta với Chúa và làm cho chúng ta mất mối tương giao đầy đủ trọn vẹn. Giăng đề cập ngay đến một điều căn bản mà chúng ta thường hay bỏ quên. Ngay trong câu Thánh Kinh này, Giăng cho chúng ta đối đầu với một trong những điều then chốt và tổng quát nhất. Đó là khía cạnh thần học. Câu này đưa chúng ta vào những gì rất căn bản và nòng cốt, nếu chúng ta bỏ qua hay không lưu tâm đến hoặc không chịu hiểu cho rõ, thì chắc chắn sẽ đi đến chỗ gặp nhiều nan đề. Chúng ta sẽ lần lượt xét đến một số những nguyên tắc căn bản đó.
Nguyên tắc thứ nhất là: Chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa là ưu tiên. Mở đầu Giăng nói: Những điều này chúng tôi viết cho anh em để niềm vui của anh em được trọn vẹn. Nhưng sau đó giăng đi ngay vào vấn đề, không giới thiệu dài dòng: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Giăng đã đặt Chúa ưu tiên. Đó cũng chính là nguyên tắc thứ nhất.
Nhiều người sẽ cho rằng điều ấy có gì mới lạ đâu, vì lúc nào người tin Chúa chẳng phải bắt đầu mọi việc với Chúa? Nhưng trên thực tế, một nửa những nan đề trong đời ta là do không đặt Chúa lên hàng đầu. Lý do là vì ta cứ cho rằng mình đã biết về Chúa, và nghĩ rằng các ý niệm của ta về Chúa là đúng rồi. Nhiều người cho rằng mình đã tin Chúa đúng và không cần xét nghiệm về niềm tin của mình nữa. Có người nói rằng: Tôi luôn luôn tin Chúa, chưa có lúc nào tôi lại không tin Chúa cả? Nói như thế nên chỉ bắt đầu với quan tâm về chính mình.
Đây chính là nguyên nhân gây ra các nan đề từ năm 1860 tới nay. Tất nhiên là trước đó cũng nhiều nan đề, nhưng khởi từ năm ấy người ta mới xác định rõ. con người đã được đặt ở trung tâm của tất cả, và tất cả tư duy, tất cả lý luận triết học đều có khuynh hướng khởi đầu từ con người, con người được đặt vào trung tâm của bức tranh, của vũ trụ. Con người được suy tôn lên ngôi và tất cả mọi thứ, kể cả Chúa đều phải được trình bầy trong hướng con người là chính. Con người đã tự trao cho mình cái uy quyền; chỉ có con người và tư tưởng của con người là đáng kể; rồi khởi điểm lúc nào cũng là nhu cầu và điều kiện của con người.
Đây cũng chính là sai lầm đầu tiên và nguồn gốc của mọi hiểu lầm tai hại nhất. Kinh Thánh luôn luôn dạy ta là phải khởi đầu với Chúa. Chúa phải đặt ở hàng đầu. Nếu ta khởi đầu với người, tựu trung ta sẽ đi đến chỗ sai lạc trong mọi tư duy về chân lý; vì nếu ta khởi đầu từ con người, thì tất cả mọi điều ta tìm kiếm đều sẽ phù hợp với giáo lý về con người. Tuy nhiên Kinh Thánh dạy rằng ta không thể nào biết rõ về con người được nếu ta không chịu nhìn con người qua quan điểm của Chúa và qua giáo lý liên quan đến Thượng Đế.
Con người vì bản tính ích kỷ và tự tôn, rất dễ khởi đầu từ chính mình. Ta thường lý luận rằng: Tôi sống trong đời với bao nhiêu khó khăn, không thoải mái lúng túng. Tôi đang tìm đến một điều gì mà tôi chưa có được. Tôi biết rõ các ước muốn và nhu cầu của tôi; tôi cũng biết mình thiếu hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn đến với tôn giáo, đến với Thượng Đế và đạo Chúa với tất cả hệ thống vì những ước muốn và đòi hỏi của tôi. Chúa sẽ đáp ứng như thế nào và sẽ cho tôi gì? Trong niềm tin nơi Chúa tôi sẽ được gì? Trong đó có gì làm giảm bớt các nan đề của tôi và giúp tôi trong thế giới tối tăm và khó khăn này hay không?
Lý luận như thế có vẻ tự nhiên và hợp lý, nhưng theo câu Kinh Thánh kể trên và theo giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh thì đây chính là gốc rễ của mọi sai lầm, đó là khởi điểm của con đường tin tưởng nhầm lẫn, thật ra nói một cách khác là phỉ báng Thượng Đế. Câu trả lời của Phúc Âm, của tin mừng cứu độ là: Hãy quên mình đi mà chiêm nghưỡng Thượng Đế. Đây chính là thông điệp mà chúng tôi đã nghe từ Chúa, không phải là nhu cầu của tôi tự nhiên được phúc âm đáp ứng, nhưng: Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Đó là khởi đầu từ Chúa chứ không từ phía mình.
Đây cũng là một trắc nghiệm rất có giá trị để thứ bất cứ lời dạy hay giáo lý nào mà ta gặp trong đời. Bạn sẽ nhận thấy rằng một trong các đặc tính
của các tà giáo trong đời là có khuynh hướng đến với chúng ta tùy theo nhu cầu của chúng ta. Chính vì thế mà những tà giáo ấy rất nổi danh và thành công. Họ dường như cung ứng cho chúng ta những gì mình muốn. Chúng ta có nhu cầu và các tà giáo này dường như hiến cho chúng ta mọi điều y như mình muốn mà không nhọc công hay khó khăn gì cả.
Như thế trắc nghiệm đầu tiên, đặc tính của mặc khải của Kinh Thánh, điều căn bản nhất, theo một nghĩa, của đức tin Cơ-đốc-giáo là phải khởi đầu với Chúa. Ưu tiên phải là Thượng Đế, là Chúa. Ban đầu Thượng Đế... và Chúa phải ở tâm điểm. Ngay từ thần học hay theology nhắc ta điều ấy. Thần học không có nghĩa là hiểu biết về con người, nhưng chính yếu là tri thức về Thượng Đế.
Đây cũng là vấn đề quan trọng vô cùng đối với chúng ta khi chúng ta xét toàn bộ vấn đề thông công, tương giao và bước đi với Chúa cũng như hưởng đời sống của Chúa. Đa số những nan đề của chúng ta là vì chúng ta tập trung vào chính mình và lưu tâm về mình. Các nhà tâm lý cũng biết nhược điểm này và có phương cách riêng để xử trí nhưng họ không thực sự đối đầu với hoàn cảnh và nan đề. Họ chỉ tạm thời thành công, vì lúc nào họ cũng chỉ cốt làm thỏa mãn cái tôi ở bên trong chúng ta mà thôi. Không, cách để được giải thoát khỏi tình trạng tập trung tất cả vào chính mình là đứng đối diện với Chúa.
Theo Kinh Thánh thì nguyên nhân khởi đầu của các sai trật của con người là vì đã được tạo hình theo kiểu mẫu của Thượng Đế, thay vì sống một cuộc đời hữu ích cho Chúa, con người lại dại dột tự tôn mình lên và tuyên bố như ngang bằng Thượng Đế. Con người từ nguyên thủy cho đến nay vẫn tự cao tự đại và cho mình là tâm điểm của tất cả.
Con người trong thế kỷ 20 càng ngày càng chú trọng về mình và về môi trường, cũng như càng ngày càng xa Thượng Đế. Nhưng nguyên tắc là phải khởi đầu từ Thượng Đế chứ khơng phải từ chúng ta với những nhu cầu, ước muốn và hạnh phúc của mình. Trước khi Kinh Thánh cho chúng ta biết về những nhu cầu của chúng ta, Kinh Thánh thường cho chúng ta nhìn vào chính mình qua quan điểm của Chúa. Cách tiếp cận vấn đề của Kinh Thánh hoàn toàn duy nhất và khác biệt. Kinh thánh không nói rằng có thể trợ giúp chúng ta gì cả, nhưng cho chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, và những thông điệp từ Thượng Đế đã gởi đến cho nhân loại và chúng ta.
Sau khi nhắc chúng ta là phải bắt đầu với Thượng Đế, Giăng nhắc thêm rằng chúng ta phải nhận mạc khải liên quan đến Chúa trong Kinh Thánh và nhất là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Như thế có nghĩa là dù cho có khởi đầu từ Thượng Đế cũng chưa đủ. Vấn đề then chốt là: sự thật về Chúa như thế nào? Thượng Đế là ai? Chúng ta biết những gì về Thượng Đế?
Tới đây chúng ta thấy ngay là phải đối diện với một loạt các câu hỏi căn bản và khi trả lời sai lạc, sẽ gặt hậu quả thảm khốc. Ngày nay ít khi ta gặp người nào nói rằng: Tôi không tin có Thượng Đế. nhưng rất nhiều người nói: Nếu Thượng Đế thương yêu, thì tôi không hiểu tại sao Ngài lại để cho việc này việc kia xảy ra, tình trạng này tình trạng nọ xuất hiện? Tại sao Thượng Đế thế này, Thượng Đế thế kia...? Như thế ta hiểu cách những người ấy quan niệm về Thượng Đế.
Tin Thượng Đế một cách chân thực phải là chấp nhận mạc khải về Thượng Đế, mạc khải ấy tìm được trong Kinh Thánh. Giăng nói: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa, nay công bố cho anh em. Giăng không nói: Đây là hình ảnh về Thượng Đế mà chúng tôi đã thấy. Giăng cũng không bảo rằng: Sau khi đã suy tư, chiêm nghiệm và đọc, sau khi đã học triết họ Hi-lạp, và các trường phái tư tưởng, tôi đã đạt đến ý niệm sau đây về Thượng Đế. Giăng không nói như vậy. Giăng nói một cách đơn giản: Tôi nói cho anh em nghe những gì tôi và các sứ đồ đã nghe được từ chính Chúa. Giăng bảo: Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, đã thấy và đã chiêm ngưỡng. Nói khác đi, Giăng đã được trực tiếp gặp Chúa và kể lại kinh nghiệm của ông.
Lập trường của chúng ta đối với Chúa chỉ có hai: Một là coi Kinh Thánh hoàn toàn có thẩm quyền khi nói về Chúa, hoặc là tin vào lý thuyết do con người suy nghĩ ra mà thông thường gọi là triết học. Kinh Thánh là mạc khải duy nhất về Thượng Đế, và muốn biết Thượng Đế, phải đọc Kinh Thánh. Vì trong triết học cũng như các lý luận triết học, người ta không chứng minh sự hiện hữu và tồn tại của Thượng Đế. Vì lý luận có thể đưa ta đến một mức nào đó và cũng rất cần sử dụng lý trí để đạt tới đó, nhưng không bao giờ thực sự đưa ta đến chỗ biết Chân Thần là Thượng Đế. Ta có thể lý luận về sự hiện hữu của Thượng Đế theo tính cách triết học hoàn toàn; thí dụ như ta bảo rằng mỗi hậu quả phải có một nguyên nhân, rồi nguyên nhân ấy lại là hậu quả của một nguyên nhân trước đó, ta có thể đi ngược trở lại mãi cho đến nguyên nhân tận cùng và đó chính là Thượng Đế. Nhưng dù có tin như vậy đi chăng nữa, cũng vẫn chưa phải là biết Thượng Đế.
Ta cũng có thể dùng lý luận luân lý đạo đức nữa. Tôi có thể bảo rằng, khi tôi quan sát mọi sự trong đời sống, tôi thấy có những điều xấu, những điều tốt và những điều tốt hơn; như vậy phải chăng có một điều nào đó tốt nhất? Hay gọi là toàn thiện chăng? Lý luận về luân lý đạo đức sẽ đưa đến các lý luận về Đấng Tuyệt Đối, và Đấng ấy chính là Thượng Đế. Lý luận như thế rất chặt chẽ và rất đúng, nhưng dù tôi lý luận và chấp nhận có Thượng Đế là Đấng Toàn Thiện, tôi vẫn chưa biết Thượng Đế theo như Giăng dạy ở đây. Giăng dạy rằng chúng ta mỗi ngưồi có thể có tương giao với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ta lại có thể dùng vũ trụ luận mà xét vấn đề. Ta có thể nhìn vào hiện diện của chính mình và nói rằng thân xác này chắc chắn phải cuất phát từ một nguồn tối hậu nào đó. Tự nhiên lý luận như thế rất xác đáng nhưng vẫn chưa thể gọi là biết Thượng Đế được. Tất cả những lý luận về bằng chứng Thượng Đế tồn tại đều chính xác, nhưng không lý luận nào đưa tôi đến một hiểu biết, tương giao thông công với Chúa, là mối thông công được giới thiệu qua phúc âm của Chúa Giê-xu.
Ta cần đặt lại vấn đề tin Chúa là hoàn toàn phụ thuộc vào sự mạc khải chứ không phải căn cứ trên các lý luận. Đó là loại đức tin đòi hỏi chúng ta đến với chân lý như con trẻ, xác nhận khả năng hữu hạn, bất lực của mình và bằng lòng tin nhận những tuyên ngôn, những lời tuyên bố về chân lý. Tôi không thể nào biết Thượng Đế bên ngoài mạc khải là Chúa đã bằng lòng ban cho tôi chính Ngài; tôi không thể nào biết Chúa rõ ràng và tương giao với Ngài nếu không biết Chúa qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, hiện thân của Thượng Đế, và cũng là mạc khải quan trọng nhất về Ngài.
Chúa Giê-xu dạy: Ta là con đường, là chân lý và nguồn sống: không người nào đến được với Cha mà không qua ta. (Giăng 14:6). Khi ta tự trắc nghiệm bằng câu nói này, ta sẽ thấy gì? Chúng ta có nhận ra rằng Chúa Giê-xu là con đường duy nhất tuyệt đối không? Hay là chúng ta có một quan điểm nào khác về Thượng Đế làm cho chúng ta tin rằng có thể gặp được Thượng Đế khi nào mình tìm hoặc là có thể đạt đến Thượng Đế bằng các cố gắng của mình? Lập trường của chúng ta phải căn cứ hoàn toàn vào lời Chúa Giê-xu đã nói: Không người nào đến được với Cha mà không qua ta. Chúa Giê-xu là trung gian chủ yếu, chúng ta không thể nào biết Thượng Đế thực sự nếu chúng ta không chịu công nhận mạc khải về chính Chúa Giê-xu. Đúng như Giăng đã tuyên bố: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Một vấn đề nhiều người xác nhận, đó là, niềm tin đặt nơi Thượng Đế chắc chắn là đúng rồi, nhưng niềm tin đặt nơi Chúa Giê-xu thì còn nhiều vấn nạn. Nhưng ta cần phải hiểu đức tin Cơ-đốc đã đưa đến cho ta sự cứu rỗi
như thế nào. Thượng Đế đã ban cho những bậc thánh tổ ngày xưa, với Mười Điều Răn và những điều luật khác qua các nhà tiên tri tiếp nối. Tất cả những việc đó đều là để con người biết và hiểu Thượng Đế, nhưng chỉ Chúa Con nhập thể mới khiến chúng ta biết rõ Thượng Đế. Biết đây là cái biết giữa cha và con và thực sự ta được tương giao với Ngài.
Điều thứ hai mà ta cần phải dùng làm mốc khởi đầu là đức thánh khiết của Thượng Đế.
Nói về Thượng Đế ta không khởi đầu bằng quyền năng hay sự vĩ đai của Ngài, mặc dù những điều đó hoàn toàn là chân xác. Chúng ta cũng không khởi đầu với tri thức của Chúa, mặc dù đó là chính yếu. chúng ta lại cũng không khởi đầu nói về Chúa như nguồn mạch của triết học. Chúng ta cũng không khởi đầu với Thượng Đế là tình thương nữa.
Trước khi ta muốn nói về tình thương, đức nhân hậu và thương xót của Thượng Đế, ta phải nói đến đức thánh khiết của Chúa. Ta caó thể nói thêm rằng, nếu ta không khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, thì toàn bộ ý niệm của ta về tình thương của Thượng Đế sẽ không đạt. Nhiều người ngày nay chỉ biết một cách hời hợt rằng Thượng Đế là tình thương, luôn luôn thương yêu, cho đến khi chiến tranh tàn phá xẩy ra, mọi người liền quay lưng lại tôn giáo, vì cho là Thượng Đế độc ác. Đây là bằng chứng người ta vì không chịu khởi đầu với thánh khiết của Thượng đế, mà hiểu lầm tình thương của Ngài. Thượng Đế tuyệt đối công chính và thánh thiện.
Trong câu này Giăng nói Thượng Đế là ánh sáng. Ánh sáng không nên giải thích là tri thức; ánh sáng là hiểu biết, nhưng ánh sáng chủ yếu biểu hiệu cho thánh khiết - thánh khiết tuyệt đối. Giăng còn quả quyết rằng: trong Ngài không có bóng tối nào cả. nghĩa là đừng ai hiểu lầm ở đây. Ánh sáng đây chính là đức thánh khiết của Thượng Đế.
Tại sao ta phải khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa?
Trước tiên, nếu không khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta sẽ không bao giời hiểu được kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Ngài., sự cứu rỗi đó chỉ có thể có được nhờ cái chết hi sinh của con Ngài là Giê-xu trên thập giá. Câu hỏi lại đặt ra: Tại sao thập giá, tại sao đó là con đường duy nhất dẫn đến sự giải cứu? Nếu Thượng Đế chỉ thương yêu, nhân từ, thương xót không thôi thì thập tự giá quả hẳn là vô nghĩa. Vì nếu Chúa chỉ thương yêu, thì khi loài người phạm tội, Chúa chỉ cần tha thứ là đủ. Nhưng thập tự giá phải là tâm điểm của tất cả, vì không có cái chết hi sinh đó Thượng Đế không thể nào tha thứ được.
Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. nghĩa là Thượng đế rất mực công chính và thánh thiện. Nghĩa là vì bản chất thánh khiết tinh ròng như vậy, Thượng Đế không thể nhìn vào tội lỗi được. Chính vì đức thánh khiết mà Thượng Đế đòi hỏi phải có thập tự giá, vì thế nếu không khởi đầu với đức thánh khiết thì thập tự giá cũng trở thành vô nghĩa.
Các nhà thần đạo tự do ngày nay đả phá thập tự giá vì họ đã khởi đầu giảng truyền về tình thương của Chúa, mà không khởi đầu với đức thánh khiết của Ngài. Đó là vì họ đã quên bản chất của Thượng Đế, bản chất chính của Thượng Đế là thánh khiết. Thượng Đế chỉ có thể tha thứ tội khi Ngài đối đãi với tội trong đức tính thánh khiết của Ngài, đó là cách Chúa đã thực hiện trên thập giá.
Như vậy phải khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, nếu không chương trình cứu chuộc, kế hoạch cứu rỗi sẽ trở thành vô nghĩa và một số các giáo lý căn bản khác cũng sẽ trở thành vô mục đích. Nhưng nếu ta khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta thấy rằng vì đức thánh khiết của Thượng Đế mà Chúa Giê-xu phải nhập thể, thập tự giá thật sự phải là tâm điểm, cũng như sự phục sinh và việc Chúa Thánh Linh ngự xuống v.v. đều mang những ý nghĩa thật rõ ràng. Như thế khởi đầu ở điểm nào rất là quan trọng, hơn nữa ta phải được chân lý dắt dẫn chứ không nên theo tư duy hạn hẹp của mình.
Khi ta khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta sẽ thấy tất cả những lời tuyên bố giả tạo về tương giao với Chúa bị lộ tẩy ngay. Ta đã nói rằng mỗi chúng ta đều có khuynh hướng cố tương giao với Chúa bằng những phương cách không đúng, và vì vậy tương giao không bền. Không có gì phơi bày giả trá mạnh cho bằng đứng đối diện với một Thượng Đế thánh khiết. Dĩ nhiên theo cố gắng riêng, ta có thể có một cuộc tương giao tưởng tượng với một thượng Đế do mình tạo ra. Ta có thể áp dụng thuật thôi miên, nhưng tất cả đều không phải tương giao với Chúa, trong lúc nguy nan ta sẽ thể nghiệm việc đó. Thượng Đế là ánh sáng và bất cứ cuộc tương giao nào không đúng sẽ được phơi bày trước ánh sáng đó. Không những thế, khi tiếp cận với thánh khiết của Chúa, ta sẽ lập tức được giải thoát ra khỏi ý định tìm tương giao với Chúa bằng phương cách nào đó. Nếu ta bắt đầu với ý niệm về sự thánh khiết của Chúa, ta sẽ thấy ngay một số hành động ta thường hay làm, đã trở thành thất bại.
Khi khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta còn tránh được thái độ trách Chúa và chỉ trích Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn và nhiều yêu cầu cấp thiết nữa. Ta sẽ không còn đặt những câu hỏi ấu trĩ như: Tại sao Chúa làm việc này? Tại sao Chúa không can thiệp và để cho việc nọ xảy ra? Tại sao Chúa lại làm hại tôi? v.v. Vì Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả nên bất cứ điều gì xảy ra cho tôi cũng không phải là do tính thiếu sót nào đó trong Chúa, vì Chúa thánh khiết toàn vẹn. Nghĩ như vậy, tôi sẽ yên lặng, đặt tay lên môi miệng, yên lặng để Chúa hành động.
Cuối cùng, ta phải bắt đầu với đức thánh khiết của Chúa là vì trên thực tế, đó là con đường duy nhất dẫn đến niềm vui thật. Có những niềm vui giả tạo cũng như những các giả tạo đi tìm an bình. Không có gì kinh khủng hơn là có bình an giả tạo với Chúa. Con đường duy nhất đưa ta đến bình an thật với Chúa là khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa. Ta sẽ tránh được niềm vui và bình an giả. Ta se hạ mình xuống đất, sẽ thấy mình bất xứng và sẽ chạy đến Chúa Giê-xu cho cđược giải thoát. Những gì tôi nhận từ Chúa sau đó sẽ là chân thật.
Như thế muốn có niềm vui đầy trọn thì việc đầu tiên là phải dốc đổ tất cả những rác rến trong đời sống, những gì giả hiệu, và mời Chúa Giê-xu vào tâm hồn mình.
Mỗi khi ta đến với Chúa, nên tự nhắc mình rằng Chúa là ánh sáng, trong Ngài chẳng có bóng tối nào. Nghĩa là Chúa không thể nào gặp gỡ ta nếu cuộc đời ta tràn đầy tội lỗi và gian trá.
Hãy đến với Chúa hôm nay, nhớ rằng Đức Chúa Trời chúng ta là một vị thần hay thieu cháy.