Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa, mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm điều chân thật: nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Thượng Đế là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Thượng Đế tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta. Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài. Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Thượng Đế nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
1 Giăng 1:6-10
Chúng ta đang nói đến mối tương giao, thông công, hay giao hảo giữa chúng ta và Chúa. Xin nhắc lại ý nghĩa của cuộc tương giao này: Tương giao là hình ảnh hai người đi với nhau trên cùng một hành trình và trở thành bạn thân. Trong Kinh Thánh có nói đến tương giao của Hê-nóc với Thượng Đế và ghi rằng: Hê-nóc đồng đi cùng Thượng Đế. Nghĩa là Hê-nóc có mối tương giao với Thượng Đế hư bạn thân.
Khi nói đến một cuộc tương giao đồng hành như vậy, ta thấy ít nhất có hai điều ta cần làm. Thứ nhất, ta phải biết đặc điểm về hai người tham dự trong cuộc tương giao đó. Chính vì vậy mà Giăng đã nói đến đặc tính và bản chất của Thượng Đế trong câu thứ năm, đó là: Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Nghĩa là thượng đế toàn thánh, toàn thiện, không một vết nhơ, không một lỗi lầm, không pha lẫn bất cứ điều gì gọi là tội ác cả.
Qua những câu Kinh Thánh trong bài này, Giăng sang đến thành phần thứ hai của cuộc tương giao. Chúng ta cần biết rõ đặc tính và bản sắc của Chúa, nhưng chúng ta cũng cần biết về chính chúng ta nữa. Trong một cuộc tương giao phải có hai bên, muốn có tương giao thật, cần phải biết rõ cả hai bên. Trong các câu Kinh Thánh kể trên Giăng xét đến việc nếu chúng ta muốn có tương giao với Chúa, thì chúng ta phải như thế nào.
Sứ đồ Giăng không chỉ liệt kê ra hay xét đến đặc tính mà chúng ta phải có, ông còn đề cập đến những giới hạn và những bất toàn của chúng ta nữa.
Trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến một khía cạnh, đó là giáo lý về tội lỗi. Đây là giáo lý đã từng gây ra nhiều khó khăn và hoang mang trong tâm trí của một số đông người từ xưa đến nay.
Giáo lý về tội là một phần chính của Kinh Thánh cũng y như giáo lý về sự thánh khiết của Thượng Đế. Khi nói rằng con người đầy tội ác thì cũng hoàn toàn đúng như khi nói Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào.
Đây là một điều được đề cập đến trong toàn bộ Kinh Thánh, và người ta không thể nào hiểu Kinh Thánh được nếu không công nhận giáo lý về tội lỗi của con người.
Nhiều người vì không đào sâu ý nghĩa, vội phản đối cho rằng nói đến tội lỗi là áp đặt một điều không thực tế lên đời sống con người, và làm cho đời người đã khổ, lại khổ hơn. Nhiều người khác cho rằng vấn đề tội lỗi không đến nỗi trầm trọng như Kinh Thánh và các nhà thần học dạy đâu. Mỗi người cứ cố gắng sống cho tốt, đôi khi nhìn lên Chúa xin cứu giúp là mọi việc sẽ đâu vào đấy tất cả. Họ quan niệm rằng, làm tín đồ của Chúa là phải sống đời ngay lành tốt đẹp, làm điều thiện và cứ tiếp tục làm với hi vọng Chúa ra tay trợ giúp mình làm được thêm nhiều. Vì thế nên cầu nguyện và thỉnh thoảng tham gia thờ phượng Chúa. Đừng bi quan quá về tình trạng tội lỗi.
Đó chính là quan niệm hiện đại về tội lỗi, và cũng vì thái độ này mà Giăng phải lên tiếng. Tác giả phân tích rõ lập trường này và đối diện với nó một cách rất thẳng thắn, nghiêm túc. Tầm quan trọng của vấn đề tội đã được Giăng nhắc lại luôn trong ba lần trong các câu sáu, tám và mười: Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm theo chân lý.; Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối và không chịu nhìn nhận sự thật. ; Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Thượng Đế nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
Trong các câu này Giăng dạy có ba lầm lẫn thông thường đối với vấn đề tội lỗi. Chính vì lầm lẫn trong ba khía cạnh này mà chúng ta không hưởng và kinh nghiệm được sự tương giao kỳ điệu của Chúa và của Chúa Giê-xu mà Chúa mời gọi mọi người bước vào.
Giăng bảo: Nếu chúng ta nói mình thân thiết với Chúa.. Câu này có ý bảo rằng người tin Chúa, xưng là tín đồ của Chúa thì dĩ nhiên phải xưng như vậy. Khi nói tôi là người tin Chúa thì phải hiểu là tôi thân thiết với Chúa. Vì tin Chúa không có nghĩa là mình hơn những kẻ tội lỗi trong các nơi nhơ bẩn trong đời, hay là tin Chúa thì khá hơn ngày xưa. Không, Giăng dạy rằng, khi tin Chúa, khi xưng là tín đồ trong Chúa, thuộc viên của Hội Thánh nghĩa là đã có sự tương giao thân thiết với Chúa.
Giăng tiếp theo: ...mà lại sống trong bóng tối, là người nói dối và không làm theo chân lý. Điều đầu tiên ngăn chặn chúng ta với sự tương giao vinh quang và toàn vẹn với Chúa từ xưa đến nay là: Không nhận ra tổng quát về bản chất của tội lỗi. Vì thế nên mới nói là thân thiết với Chúa mà vẫn con đi trong bóng tối. Giăng thẳng thắn gọi đó là dối trá. Nếu nói một đàng mà làm một nẻo là nói dối, và không nói sự thật. Ta nói mình cùng đi với Chúa, nghĩa là đi trong ánh sáng, mà đồng thời lại đi trong bóng tối thì làm sao quan niệm được? Như vậy chắc chắn phải là nói dối đối với những người chung quanh ta.
Tại sao có tình trạng này? Kinh Thánh Tân Ước trả lời là, người nói một đàng mà sống một nẻo là người chưa nhận thức rõ phúc âm và chưa hiểu thế nào là tội. Theo Giăng, đi trong bóng tối hay là tội lỗi là một môi trường hay là một lĩnh vực. Đó là điều nhiều người không ý thức và đi lạc. Những người ấy không biết thực sự tội lỗi là thế nào. Họ thường có quan niệm về tội, nhất là tội và hành động phạm tội. Nhưng theo Kinh Thánh, quan niệm như thế chưa đủ. Phải hiểu rõ tội là một biên giới, một môi trường, một vương quốc. Kinh Thánh dạy chúng ta là có hai vương quốc trong thế gian này, vương quốc của Thượng Đế và vương quốc của quỷ dữ, vương quốc của ánh sáng và vương quốc của tối tăm, vương quốc của thánh thiện và vương quốc của tội ác. Có hai lĩnh vực sống khác hẳn với bạn hay tôi, khác hẳn với những hành động của chúng ta, vì đó là một lĩnh vực, một thái độ, một quan điểm và một lối suy tư. Trước khi chúng ta sinh ra, tội đã có mặt trong thế gian này. Kinh Thánh giải thích tất cả tật bệnh, khó khăn và buồn khổ trong đời là vì tội lỗi. Thượng Đế đã tạo dựng một thế giới tốt lành, nhưng tội lỗi đã vào đó. Con người được Thượng Đế tạo nên hoàn hảo, nhưng đã sa ngã và kết quả là cả thế giới đều bị ô nhiễm tội. Kinh Thánh có nhiều câu nói rõ về tội như:
Chúa đời này 2 Cô-rinh-tô 4:4; Vua của quyền lực không gian Ê-phê-sô 2:2; Chúng ta không vật lộn với thể xác và huyết thống, nhưng là với các chủ quyền, các thế lực, các kẻ cầm quyền trong thế gian mờ tối này, các thần dữ trên các nơi cao. Ê-phê-sô 6:12.
Như thế, theo Kinh Thánh, có một sức mạnh, một đế quốc và một cuộc tranh đấu rất mạnh giữa hai thế lực để giành giật con người trong đời sống ở thế gian. Vương quốc của Chúa và vương quốc của Sa-tan, nghĩa là trời và hỏa ngục lúc nào cũng va chạm nhau. Theo Kinh Thánh thì tất cả mỗi chúng ta khi sinh ra đời này là sinh trong nền thống trị của vương quốc tối tăm này; và d0 bản năng tự nhiên, chúng ta thường sống và quan niệm trong cái môi trường đó. Vương quốc tối tăm hay đi trong bóng tối là chống đối lại Thượng Đế, là sống trong chỗ vô đạo và trong thế lực của tội ác.
Trong chương tiếp theo, Giăng dạy: Chớ yêu thế gian, cũng đừng ham mê những điều trong thế gian...Vì tất cả những gì thuộc về thế gian như tham dục của thể xác, tham dục của mắt và kiêu ngạo của đời đều không do Thượng Đế, nhưng ra từ thế gian. (1 Giăng 2:15-16). Giăng muốn cho thấy hình ảnh những người đang bước đi trong bóng tối mà không biết. Những người ấy sống, suy tư và hành động trong một môi trường hoan2 toàn chống nghịch lại Thượng Đế, vì Thượng Đế là ánh sáng và trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Tất nhiên những người đi trong bóng tối không làm gì có tương giao với Chúa. Phao-lô nói rõ: Sáng và tối nào có hoà hợp được chăng? Ta không thể nào hòa lẫn sáng và tối, vì không thể nào làm như vậy. Một người có quan niệm về cuộc đời đúng theo thế tục, chỉ suy nghĩ theo lối loài người và thuộc về trần thế, với tất cả những gì tiêu biểu cho niềm kiêu hãnh trong đời, không thể nào đi trên cùng một con đường với Chúa là ánh sáng và trong Ngài không có bóng tối nào. Như thế điều đầu tiên ta phải nhận định về giáo lý tội lỗi là, ta phải biết đó là một nền thống trị, một quyền lực, vì nếu không biết như vậy, ta không thế nào tương giao với Thượng Đế được.
Nhưng Giăng tiếp tục nói rằng, không phải chúng ta chỉ quan niệm vấn đề như vậy, nhưng còn phải thực hành nữa. Giăng dạy: Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Ngài mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm theo chân lý. Thượng Đế không những là ánh sáng, Ngài còn hành động trong ánh sáng, người tin Chúa cũng vậy. Chúng ta chứng tỏ lập trường của mình bằng hành động. Những người không thể nào nhận chân về tội hay có ý nghĩ sai về tội, không thể nào có mối tương giao với Chúa được. đó là điểm thứ nhất.
Sứ điệp thứ hai được ghi trong câu 8: Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối và không chịu nhìn nhận sự thật. Hay nói rõ hơn: Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình và trong chúng ta không có sự thật. Điều lầm lỗi thứ hai là không nhận thức rằng chính bản chất của chúng ta là tội lỗi. Ta cần phân biệt rõ ở đây. Giăng không nói đến hành động phạm tội, nhưng nói về bản chất phát sinh ra các hành động tội lỗi. Ông quan tâm đến tình trạng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những gì chúng ta làm, đó là tình trạng hay trạng thái phạm tội, đó là một nguồn tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta.
Nhiều người nhầm lẫn trong lĩnh vực này vì chỉ nghĩ về tội chứ không quan tâm đến bản chất phạm tội. Có những người lý luận rằng nếu chúng ta tin nhận Chúa và trở thành tín đồ của Ngài thì được giải phóng khỏi bản chất phạm tội và nhận được một bản chất mới, vì nhận được bản chất mới nên ta không có tội nữa. Nếu ta có làm điều gì sai lầm, thì không phải chúng ta phạm tội, vì tội chỉ ở trong thể xác mà thôi. Đó là các lý luận sai lạc của Khả Tri thuyết và cũng là đối tượng mà Giăng muốn đả phá. Ngày nay các tư tưởng tà giáo này cũng vẫn còn phổ biến. Nhất là khi người ta chỉ nhính vấn đề từ điểm hành động thay vì bản chất bên trong chúng ta là nguyên nhân của các hành động đó. Giăng bảo rằng, nếu có người nào không nhận rằng mình có bản chất phạm tội là người ấy tự lừa mình và sự thật không có trong người ấy. Ngày nay chúng ta thấy lúc nào người ta cũng tố cáo những người gây ra các điều tàn hại trong xã hội, các hành vi xấu được phơi bày, những con người xấu được vạch mặt chỉ tên. Nhưng Kinh Thánh khẳng định: nan đề là ở trong mỗi chúng ta, chứ không phải ngoài kia; khi chỉ tìm ra lỗi của người khác là chính lúc chúng ta tự lừa dối mình.
Vấn đề ở đây không phải là chỉ khi nào ta có hành động phạm tội mới quan trọng. Không, câu hỏi quan trọng phải đặt ra là: Tại sao ta lại làm như vậy; điều gì thúc đẩy ta làm việc đó; điều gì trong con người tôi xui tôi suy nghĩ và đề nghị tôi hành động như vậy? Và chỉ có một câu trả lời, bên trong tôi có gì sai trật, và bản chất của tôi là bản chất tội. Phao-lô từng nói: Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu (Rô-ma 7:18). Vì bản chất tội nên ta mới có những ước muốn xấu xa, tư tưởng xấu xa và các tưởng tượng tội ác. Vì hậu quả của cuộc sa ngã tổ tông mà những gì trong con người của tôi đã bị bóp méo và cong quẹo, không còn ngay thẳng được nữa. Có một loại suối bên trong tôi làm dâng lên tội ác và xấu xa. Như thế không những tôi có các hành vi tội ác, nhưng bản chất của tôi là phạm tội. Tôi đừng tưởng hễ không có hành động phạm lỗi nào là mình không có tội. Bản chất tội của tôi vẫn ở đó.
Chúng ta thường hay biện hộ cho các hành động sai của mình, nhưng rất dễ lên án buộc tội gắt gao người khác, và bảo những người ấy là xấu xa. Lòng người thật là xấu xa và độc ác, không cần nghiên cứu kỹ hay chuyên môn mới biết rằng ở trung tâm đời sống ta có điều sai trật, cần phải sửa lại. Bản chất của chúng ta là xấu xa tội ác, nếu không nhận như thế là tự lừa dối mình, và không có điều ngay thẳng chân thật trong lòng.
Một điều ta cần nhận định, đó là sự thật luôn luôn soi sáng cho ta, làm ta thấy rõ vấn đề. Điều này Ê-phê-sô 5:13 đã xác nhận: Nhưng khi phơi bày ra ánh sáng, mọi vật sẽ được chiếu sáng. Chính Chúa Giê-xu cũng đã nói: Bị kết tội vì ánh sáng đã đến thế gian, nhưng con người ưa bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc làm của họ là tội ác xấu xa. Giăng 3:19. Người ta không đến với ánh sáng vì quá say mê bóng tối và sợ ánh sáng sẽ vạch ra những việc làm gian trá xấu xa của họ.
Như thế Giăng bảo rằng, nếu chúng ta nói mình không có tội thì chắc chắn sự thật không có trong chúng ta, vì sự thật giống như ngọn đèn thật lớn, chiếu rọi vào tận nơi sâu kín của tâm hồn chúng ta, tất cả những điểm nhơ bẩn xấu xa và bóng tối sẽ nổi bật trên tấm màn, chúng ta sẽ thấy và biết rõ, chúng ta không thể nào chối là mình không có tội được.
Điều này đưa chúng ta đến lỗi lầm cuối cùng ghi trong câu 10: Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Thượng Đế nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta. Tại đây Giăng vạch ra lầm lỗi thứ ba, đó là không nhận ra rằng mình là tội nhân và cần được tha thứ tội. đây cũng là lỗi lầm không nhận ra bản chất tội, không nắm vững bản chất của mình đầy tội lỗi và không hiểu rằng mình thực sự phạm tội và cần được tha tội.
Có những người dường như bảo rằng: Đúng, tôi tin Thượng Đế và tôi muốn tương giao với Ngài nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có tội nào cả. Tôi không hiểu quan niệm về tội của các anh. Nếu anh nói chuyện này cho những người ngoài phố kia, chưa biết Chúa thì được, nhưng tôi sinh ra trong gia đình người tin Chúa, lúc nào tôi cũng cố sống ngay lành tử tế, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một tội nhân để phải ăn năn thống hối và cần được thay đổi. giăng nói rằng, nếu đó là thái độ của bạn, bạn đã cho Thượng Đế là nói dối, và lời Ngài không ở trong bạn, nghĩa là bạn không bằng lòng nghe rõ Chúa muốn nói gì.
Nếu chúng ta không nhận thức rằng mình là tội nhân và cần được Chúa tha thứ; nếu chúng ta không nhận thấy rằng chúng ta cần được tha thứ và vẫn còn cần được tha thứ; nếu chúng ta cứ nghĩ rằng mình luôn luôn thánh thiện hay là người tin Chúa chân chính; nếu chúng ta không nhận ra rằng mình cần phải ăn năn tội, thì Giăng bảo rằng, chúng ta cho Thượng Đế là nói không đúng sự thật. Đây là giáo lý căn bản.
Phao-lô đã tóm tắt đầy đủ trong Rô-ma 3:10 rằng: Chẳng có người nào công chính thiện lành cả, dẫu một người cũng không. Ông nói thêm trong câu 19: Chúng ta biết mọi điều luật pháp đòi hỏi đều áp dụng cho những người sống dưới luật pháp, nên chẳng ai có thể chạy tội, và cả nhân loại sẽ bị Thượng Đế xét xử. Phao-lô tiếp tục trong câu 23 rằng: Vì mọi người đều đã phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế. Người Do-thái ngày xưa nghĩ rằng họ là dân thánh duy nhất, còn tất cả mọi người trên đời đều là ội nhân. Nhưng Phao-lô khẳng định: toàn thể nhân loại đều có tội và môi miệng mọi người đều phải câm lặng. Đó là giáo lý về tội của Kinh Thánh. Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta phủ nhận lời Kinh Thánh dạy.
Nhưng hơn thế nữa, khi chối mình không có tội, chúng ta cũng gián tiếp chối việc nhập thế của Chúa Cứu Thế. vì lý do nào mà con Thượng Đế phải vào đời? Chúa vào đời là để cứu những kẻ lạc mất, cung ứng sự tha thứ tội bằnmg cách hi sinh đổ máu trên thập tự giá. Nếu tôi nói rằng tôi vô tội, tôi mặc nhiên chối bỏ việc nhập thế của Chúa, cái chết, cuộc phục sinh của Ngài và tôi làm Thượng Đế ra là người nói dối. Thực sự nếu tôi nói rằng tôi vô tội, như thế là tôi chống đối hẳn lại toàn bộ mạc khải của Thánh Kinh; như thế không những tôi làm Thượng Đế ra người nói dối mà còn chứng tỏ rằng tôi không nhận lời Chúa. Vì khi lời Chúa vào tâm hồn người thì tức khắc cáo trách tội lỗi, bắt buộc phải nhận tội và ăn năn hối lỗi. Lời Chúa cũng cho ta thấy rõ vai trò của thập tự giá, công cuộc cứu chuộc tội và toàn bộ kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Thượng Đế nữa.
Tôi xin tóm tắt lại như sau:
Không có quan niệm đúng về tội sẽ đưa đến các hậu quả sai lầm này. Nghĩa là chúng ta còn bước đi trong tối tăm và thái độ của chúng ta là giả trá. Nếu tôi nói tôi là người tin Chúa, mọi người biết tôi là người tin Chúa mà tôi vẫn tiếp tục bước đi, sống trong bóng tối, tôi là kẻ dối trá, tôi làm bộ đóng vai một người mà tôi chưa phải là người đó,tôi đánh lừa người ta.
Nhưng tôi cũng tự dối mình và đánh lừa mình nữa. Hơn thế, tôi làm Thượng Đế ra là nói dối, cuối cùng tôi thấy Thượng Đế không cần thiết thực hiện những điều liên quan đến Chúa Giê-xu. tôi nghiễm nhiên coi thường tình thương cao quý của Chúa, vì Ngài đã sai con Ngài xuống thế gian là để cứu tôi và chuộc tôi khỏi tội. Nếu tôi nói tôi không có tội tức là tôi không thể nào tương giao với Thượng Đế được, vì tôi còn đi trong bóng tối, chưa được tha thứ tội, và Thượng Đế là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Một kẻ dối trá không thể nào đứng trước mặt Chúa; vì như thế là hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả những gì thuộc về Chúa, nghĩa là tôi không thể là người tin Chúa thật được.
Giáo lý về tội rất là hệ trọng, nếu tôi không nhận tôi là tội nhân cần ăn năn, và nếu hi vọng duy nhất của tôi không phải là trông nhờ vào Chúa Cứu Thế và cuộc hi sinh của Ngài trên thập giá vì tội của tôi và cuộc sống lại của Ngài để xưng công chính cho tôi, thì tôi không những không có tương giao nào với Thượng Đế, mà tôi vẫn còn sống trong cõi tối tăm hoàn toàn.
như thế, muốn có được tương giao với Chúa, chúng ta không những phải biết thật rõ về Chúa, nhưng cũng phải biết thật rõ về chính mình và bản chất của mình nữa.
Cảm tạ Thượng Đế, Sứ Đồ Giăng không bỏ chúng ta tại đó. Khi đã thuyết phục chúng ta về tội của mình, ông cho chúng ta thấy hi vọng tràn trề do ân sủng của Chúa cung ứng, ông viết: Nếu chúng ta sống trong ánh sáng như Thượng Đế là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau, và huyết Chúa Giê-xu con Ngài tẩy sạch tất cả tội lỗi của chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội với Chúa, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta, đúng theo bản tính công chính của Ngài.