Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

ĂN Ở XỨNG ĐÁNG VỚI TIN LÀNH (1:27-30)

 

27 Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin lành của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành, phàm sự chẳng để cho kẻ thù nghịch ngăm dọa mình: 28 Điều đó là một chứng nghiệm chúng nó phải hư mất, còn anh em được cứu rỗi và ấy là từ nơi Đức Chúa Trời. 29 Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa, 30 là phải chịu cùng một cuộc chiến tranh như anh em đã thấy ở nơi tôi và hiện nay còn nghe nói có nơi tôi. 

 

1. Thế nào là “ăn ở xứng đáng với Tin Lành” (c. 27a)?

2. Phao-lô ước ao trông thấy những điều gì nơi các tín hữu tại Phi-líp, dù ông có mặt tại đó hay không (c. 27b)?

3. Xin giải thích câu 28.

4. Câu 29 cho thấy điều gì về vấn đề chịu khổ vì niềm tin nơi Chúa?

5. “Cuộc chiến tranh” Phao-lô nói trong câu 30 là gì?

 

Phân đoạn nầy bắt đầu với chữ Duy (c. 27a). Duy mang ý nghĩa đây là điều quan trọng (“Điều cốt yếu,” BHĐ):

Điều cốt yếu là anh em phải sống xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ (c. 27a, BHĐ)

Ăn ở xứng đáng trong nguyên văn mang ý nghĩa sống đúng danh phận của công dân. Phi-líp là thành phố thuộc địa của La-mã (Công vụ 16:12). Người dân tại đây đương nhiên được kể là công dân La-mã, một đặc quyền thời đó. Phao-lô có ý nhắc độc giả nhớ rằng, nếu họ hãnh diện là công dân La-mã và sống xứng hợp với tư cách công dân La-mã thế nào thì phải nhớ rằng họ cũng là công dân thiên quốc (3:20) và phải sống xứng hợp như vậy. Ăn ở xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ nghĩa là sống xứng đáng là công dân thiên quốc, sống xứng hợp với Phúc Âm, với niềm tin của mình.

Phao-lô kêu gọi các tín hữu tại Phi-líp ăn ở xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ dù ông có mặt tại đó hay không (c. 27). Điều nầy cho thấy nguy cơ bị chống đối đang tiềm tàng và họ phải cẩn thận đề phòng:

Để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành, phàm sự chẳng để cho kẻ thù nghịch ngăm dọa mình (c. 27b-28a)

Những điều Phao-lô mong ước được thấy nơi các tín hữu ở Phi-líp là:

·      Đứng vững

·      Đồng tâm chống cự vì đức tin

·      Không để cho kẻ thù ngăm dọa (“không sợ những người chống đối”)

Phao-lô cho thấy thái độ của các tín hữu minh chứng cho điều sau đây:

Điều đó là một chứng nghiệm chúng nó phải hư mất, còn anh em được cứu rỗi và ấy là từ nơi Đức Chúa Trời (c. 28)

Khi các tín hữu tiếp tục đứng vững trong Chúa giữa những chống đối thì “đó là bằng chứng cho thấy họ sẽ bị hủy diệt, còn anh em thì được cứu rỗi” (BHĐ). Câu: y là từ nơi Đức Chúa Trời cho thấy những chống đối của kẻ thù là do Chúa cho phép xảy ra.

Chịu khổ vì vậy là một phần trong đời sống người tin Chúa:

Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa (c. 29)

Câu nầy cho thấy ân sủng (ơn) của Chúa chẳng những để cứu chúng ta nhưng cũng để giúp chúng ta có sức chịu đựng gian khổ vì Chúa. Chịu khổ là điều bắt buộc phải có, không thể thiếu trong đời sống của người tin Chúa và chúng ta nhờ ơn của Chúa để chịu đựng.

Phao-lô cho các tín hữu thấy rằng, khi chịu khổ vì Danh Chúa là họ cùng chia sẻ gian khổ với ông vì chính ông cũng đang chịu khổ như vậy:

Là phải chịu cùng một cuộc chiến tranh như anh em đã thấy ở nơi tôi và hiện nay còn nghe nói có nơi tôi (c. 20)

Chữ chiến tranh trong nguyên văn là agon. Đây là gốc của chữ agony (đau đớn, đau khổ). Phao-lô muốn nói đến những nỗi đau đớn vì tù tội và tất cả những gian khổ ông phải gánh chịu vì Phúc Âm là điều mọi người tin Chúa đều phải trải qua. Chịu khổ là điều tất nhiên trong đời sống mỗi người tin Chúa.