Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

CHIẾU SÁNG NHƯ ĐUỐC TRONG THẾ GIAN (2:12-18)

 

12 Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình. 13 Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

14 Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, 15 hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vết, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian, 16 cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ, tôi có thể khoe mình rằng chẳng đã chạy vô ích và khó nhọc luống công. 17 Ví dầu huyết tôi phải dùng để tưới trên của tế lễ và của dâng đức tin anh em, tôi cũng vui lòng, lại đồng vui với anh em hết thảy. 18 Anh em cũng vậy, hãy vui lòng về điều đó và hãy cùng vui với tôi.

 

1. Thế nào là “Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” (c. 12b)?

2. “Vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (c. 13b) nghĩa là thế nào?

3. Thế nào là “lằm bằm” và “lưỡng lự” (c. 14)?

4. Những chữ “không vít, không tì, không chỗ trách được” (c. 15b) hàm ý gì?

5. “Chiếu sáng như đuốc trong thế gian (c. 15c) hàm ý gì?

6. “Huyết tưới trên của tế lễ” (c. 17a) nói đến điều gì?

7. Chúng ta thấy tâm tình gì của Phao-lô trong câu 17-18?

 

Sau lời khuyên hiệp một (c. 2-4) với gương khiêm nhường của Chúa Giê-xu (c. 5-11), Phao-lô nói tiếp:

Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình (c. 12)

Phao-lô muốn các tín hữu làm theo lời khuyên của ông cách tích cực, nhất là khi ông không có mặt. Trong sự vâng lời đó, ông bảo họ, Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình (c. 12b). Theo văn mạch, câu nầy KHÔNG hàm ý nhờ việc làm để được cứu rỗi vì chữ cứu chuộc cũng mang ý nghĩa “sống còn” (Công vụ 27:34). Chữ mình nói đến độc giả là những anh chị em trong cộng đồng tín hữu ở Phi-líp. Sự cứu chuộc mình nói đến tính cách lành mạnh của Hội Thánh Phi-líp. Động từ làm nên (katergazesthe) dịch đúng hơn là “làm, nhắm vào để làm” (work at).

Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình vì vậy nghĩa là khuyên các tín hữu phải coi đây là việc nghiêm trọng, nhờ vào sức của Chúa, cố gắng giữ cho Hội Thánh được an toàn, hiệp một.

Phao-lô giải thích thêm:

Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài (c. 13)

Câu nầy cho thấy các tín hữu tại Phi-líp không thể tự làm những điều nầy nhưng Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong họ:

Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong anh em(c. 13a, BHĐ)

Chúa hành động hai điều: muốn làm. Chúa chẳng những giúp sức để chúng ta có thể làm theo ý muốn Ngài, Chúa cũng ban cho chúng ta ý chí để sẵn sàng và vui lòng làm theo ý Chúa.

Trong những câu tiếp theo, Phao-lô cho thấy đời sống của con cái Chúa trong Hội Thánh có ảnh hưởng trực tiếp đến người ngoài Hội Thánh:

Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm và lưỡng lự, hầu cho anh em ở giữa dòng dõi hung ác ngang nghịch, được nên con cái của Đức Chúa Trời, không vít, không tì, không chỗ trách được, lại giữa dòng dõi đó, giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian (c. 14-15)

Lằm bằmlưỡng lự có lẽ là điều đang xảy ra trong Hội Thánh Phi-líp trong mối quan hệ giữa người với người. Lằm bằm là than phiền với những từ không đẹp như con dân của Chúa ngày xưa (Dân số ký 11:1). Lưỡng lự mang ý nghĩa tranh cãi, kiện tụng, bất hòa (“cãi cọ”).

Cộng đồng con dân Chúa phải là một cộng đồng không vết, không tì, không chỗ trách được (c. 15b).

Không vết nghĩa là không ai có thể dựa vào bất cứ điều gì trong đời sống để lên án hay buộc tội.

Không tì hàm ý trong sạch, tinh tuyền, không pha trộn.

Không chỗ trách được mang ý nghĩa toàn hảo.

Đó là đặc tính của con cái Đức Chúa Trời (c. 15b) đối chiếu với trần gian là dòng dõi hung ác ngang nghịch (c. 15c) – “một thế hệ xảo quyệt và sa đọa” (BHĐ).

Chữ quan trọng trong câu nầy là ở giữa mang ý nghĩa “sống giữa trần gian.” Con cái Đức Chúa Trời là những người sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian và phải khác với trần gian tội lỗi. Đây là hình ảnh chiếu sáng như đuốc trong thế gian (c. 15d). Chữ đuốc nói đến bất cứ vật gì tỏa ra ánh sáng (đèn, hải đăng…). Chữ chiếu sáng nhấn mạnh ý bày tỏ ra cho người khác thấy. Con cái Đức Chúa Trời được gọi là con của sự sáng (I Tê. 5:5). Cho nên con cái Đức Chúa Trời sống giữa trần gian phải thể hiện ánh sáng của Chúa qua đời sống tốt đẹp của mình (Ma-thi-ơ 5:16).

Phao-lô coi việc các tín hữu giữ lấy đạo sự sống, chiếu sáng như đuốc trong thế gian (c. 15d) là niềm hãnh diện cho mình, vì ông nói:

Cho đến nỗi tới ngày của Đấng Christ, tôi có thể khoe mình rằng chẳng đã chạy vô ích và khó nhọc luống công (c. 16)

Ngày của Đấng Christ nói đến lúc Chúa trở lại. Phao-lô đã gắng công ra sức dạy dỗ các tín hữu tại Phi-líp sống làm vinh hiển Danh Chúa và ông hy vọng họ sẽ tiếp tục sống như vậy cho đến khi Chúa trở lại để ông không thấy công khó của mình là vô ích.

Tiếp nối với ý về chạykhó nhọc (c. 16) Phao-lô nói thêm:

Ví dầu huyết tôi phải dùng để tưới trên của tế lễ và của dâng đức tin anh em, tôi cũng vui lòng, lại đồng vui với anh em hết thảy (c. 17)

Câu nầy hàm ý rằng chẳng những chạykhó nhọc nhưng cả đến hy sinh tính mạng, Phao-lô cũng sẵn sàng. Huyết tôi phải dùng để tưới trên của tế lễ là hình thức dâng sinh tế với rượu hay máu rưới trên con sinh (lễ quán, II Ti. 4:6). Phao-lô cũng nhắc đến của dâng đức tin anh em, nói về những giúp đỡ về vật chất Hội Thánh Phi-líp dành cho Phao-lô. Ông muốn hòa mình với họ trong việc dâng của lễ đó. Đây là một niềm vui liên đới:

Anh em cũng vậy, hãy vui lòng về điều đó và hãy cùng vui với tôi (c. 18)

Lòng hy sinh và niềm vui liên đới là điều Phao-lô muốn nói đến trong hai câu 17-18:

Cho dù tôi có phải bị đổ ra như làm lễ quán rưới trên sinh tế và lễ vật của đức tin anh em thì tôi cũng thỏa lòng và cùng vui với tất cả anh em. Anh em cũng vậy, hãy vui mừng và cùng vui với tôi (c. 17-18, BHĐ)