4 Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa: 5 Tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ. Về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si. 6 Về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ Hội thánh, còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được.
7 Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. 8 Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết. Ngài là Chúa tôi và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ 9 và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin. 10 Cho đến nỗi tôi được biết Ngài và quyền phép sự sống lại của Ngài và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, 11 mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.
1. Tại sao Phao-lô có thể “cậy mình trong xác thịt” bội phần (c. 4b)?
2. Xin kể ra những điều Phao-lô có thể cậy mình trong xác thịt (c. 5-6) và ý nghĩa của mỗi điều.
3. Phao-lô coi tất cả “như là sự lỗ” để đổi lấy điều gì (c. 8a)? Tại sao?
4. Phao-lô “liều bỏ mọi điều lợi… xem như rơm rác” (c. 8b) để được những gì (c. 8c-11)?
Phao-lô kết thúc phần trước với câu: Không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ (c. 3b) và rồi ông nói tiếp:
Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa (c. 4)
Những người chống đối Phúc Âm là những người để lòng tin cậy trong xác thịt, cho rằng phải giữ luật pháp Môi-se, phải chịu phép cắt bì mới được cứu. Nếu nhờ những điều đó để được cứu thì Phao-lô có thể vượt trổi hẳn: Tôi lại có thể bội phần nữa (c. 4b). Phao-lô có thể vượt trổi hẳn như thế nào? Ông viết:
Tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ. Về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si. Về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ Hội thánh, còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được (c. 5-6)
Chịu phép cắt bì ngày thứ tám hàm ý tuân thủ đúng luật Môi-se (Lê-vi ký 12:3) về lễ cắt bì.
Về dòng Y-sơ-ra-ên nhấn mạnh đến dân tộc được chọn, Phao-lô là người từ dòng dõi đó (Rô-ma 11:1).
Chi phái Bên-gia-min là chi phái nhỏ nhất trong Y-sơ-ra-ên nhưng vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên từ chi phái nầy mà ra. Tên Hê-bơ-rơ của Phao-lô (Sau-lơ) cũng là tên của vị vua nầy.
Người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ nhấn mạnh ông là người Do-thái chính gốc, nói tiếng Hê-bơ-rơ, không phải là người Do-thái nói tiếng Hy-lạp (người Hê-lê-nít, Công vụ 6:1).
Đó là những điều liên quan đến huyết thống mà Phao-lô có thể khoe mình hay hãnh diện. Trên những phương diện khác, nói đúng hơn, trong chính việc làm của Phao-lô, không là những điều ông thừa hưởng, gồm có:
Về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si. Về luật pháp nói đến việc vâng giữ luật pháp. Phe Pha-ri-si là phe tuân giữ luật pháp nghiêm nhặt nhất mà Phao-lô thuộc về phe đó.
Về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ Hội thánh. Lòng sốt sắng nói đến sốt sắng về công việc Chúa (Công vụ 22:3b), trước kia Phao-lô bắt bớ Hội Thánh để chứng tỏ lòng sốt sắng đó.
Về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được. Sự công bình của luật pháp nghĩa là nếu nhờ giữ luật pháp Môi-se để được kể là công bình, thì Phao-lô đã giữ vẹn luật pháp đó, không ai có thể tìm thấy lỗi lầm nào nơi ông (Công vụ 23:1).
Nếu cậy mình trong xác thịt để được cứu thì Phao-lô vượt trội mọi người, nhưng ông đã không cậy mình như vậy. Phao-lô viết:
Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy (c. 7)
Có hai danh từ trong ngành kế toán là assets và liabilities, tạm dịch là “tài sản” và “trách nhiệm pháp lý.” Đây chỉ về những điều một người sở hữu và những điều có thể gây thiệt hại cho người đó. Đó là những điều Phao-lô gọi là sự lời và sự lỗ. Chúng ta có thể ghi trong sổ sách kế toán của Phao-lô như sau:
ASSETS SỰ LỜI |
LIABILITIES SỰ LỖ |
Chịu phép cắt bì ngày thứ tám |
|
Dòng Y-sơ-ra-ên |
|
Chi phái Bên-gia-min |
|
Người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ |
|
Thuộc phe Pha-ri-si |
|
Lòng sốt sắng bắt bớ Hội thánh |
|
Không chỗ trách được |
Tất cả những assets (sự lời) ở cột bên trái, Phao-lô đã chuyển sang liabilities (sự lỗ) ở cột bên phải, để đổi lấy sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 8a):
ASSETS SỰ LỜI |
LIABILITIES SỰ LỖ |
Sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ |
Chịu phép cắt bì ngày thứ tám |
Dòng Y-sơ-ra-ên |
|
Chi phái Bên-gia-min |
|
Người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ |
|
Thuộc phe Pha-ri-si |
|
Lòng sốt sắng bắt bớ Hội thánh |
|
Không chỗ trách được |
Phao-lô nói trong câu 7: Vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ. Ông nói rõ hơn trong câu 8:
Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quí hơn hết (c. 8a)
Nhận biết hay biết là một từ quan trong trong Kinh Thánh, nhấn mạnh đến mối tương quan gần gũi giữa hai người với nhau. Đây là từ yada trong tiếng Hy-bá nói đến mối quan hệ vợ chồng (Sáng 4:1, “ăn ở”), mối quan hệ giữa Chúa với con dân Ngài (A-mốt 3:2), với cá nhân (Giê-rê-mi 1:5) cũng nói lên lòng yêu mến và vâng lời của con người đối với Chúa (Giê-rê-mi 31:34).
Động từ coi trong câu, Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, nói đến một quyết định dứt khoát và kéo dài mãi, nghĩa là Phao-lô coi đây là phương châm để sống.
Phao-lô nhấn mạnh: Tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ (c. 8b). Chữ rơm rác trong nguyên văn mang ý nghĩa rác rưởi hay phân bón, bẩn thỉu, đáng vứt bỏ.
Ngoài việc đánh đổi mọi lợi lộc để được biết Chúa, Phao-lô nói thêm:
Và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin (c. 9)
Như vậy, Phao-lô hàm ý rằng biết Chúa là được liên kết với Ngài (ở trong Ngài). Điều nầy cũng có nghĩa là được sự công bình, nghĩa là được kể là công chính. Đây là công chính đến từ đức tin nơi Chúa Giê-xu:
Được vậy không phải nhờ sự công chính của tôi dựa trên luật pháp mà nhờ đức tin nơi Đấng Christ, là sự công chính đến từ Đức Chúa Trời dựa trên đức tin (c. 9, BHĐ)
Phao-lô không thể tự hào về việc vâng giữ luật pháp vì điều đó không giúp ông được xưng công chính. Đức tin nơi Chúa Giê-xu mới đem đến công chính từ Đức Chúa Trời.
Phao-lô viết tiếp:
Cho đến nỗi tôi được biết Ngài và quyền phép sự sống lại của Ngài và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết (c. 10-11)
Phao-lô cho thấy một khía cạnh khác của sự biết Chúa, đó là thông công với Chúa trong sự thương khó, sự chết và sự sống lại (c. 10). Ông bắt đầu với quyền phép của sự sống lại (c. 10a). Đây là sức mạnh phục sinh khi liên kết với Chúa (ở trong Ngài, c. 9a). Sức mạnh phục sinh bắt đầu với sự thương khó và sự chết. Phao-lô cho thấy ông liên kết với Chúa Giê-xu trong tất cả những điều nầy (Ga-la-ti 2:20).
Mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết không có nghĩa là không chắc chắn nhưng là trông mong, chờ đợi điều nầy.