15 Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. 16 Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.
17 Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài. 18 Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng. 19 Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài 20 và bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.
1. Xin giải thích cụm từ “hình ảnh Đức Chúa Trời không thấy được” (c. 15a)?
2. “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” (c. 15b) nghĩa là thế nào?
3. Câu 16 cho thấy điều gì về Chúa Giê-xu?
4. Xin cho biết những điều về Chúa Giê-xu được nói đến trong câu 17-18.
5. “Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài” (c. 19) nghĩa là thế nào?
6. Xin giải thích ý nghĩa của câu 20.
Một trong những mục đích của Thư Cô-lô-se là để đả phá đạo lý sai lầm đang ảnh hưởng Hội Thánh. Đạo lý nầy pha trộn Do-thái giáo và ngoại giáo, nhấn mạnh đến khổ tu, kiêng cữ nhiều điều và vâng giữ một số lệ luật cách nghiêm khắc. Họ cũng có một số chủ trương làm giảm vai trò độc tôn của Chúa Giê-xu trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì vậy, nhiều lần trong lá thư, sứ đồ Phao-lô mô tả địa vị độc tôn của Chúa Giê-xu. Thư Cô-lô-se là một trong những lá thư nhấn mạnh Thần Học Về Chúa Giê-xu (Christology).
Cô-lô-se 1:15-20 mô tả Chúa Giê-xu với những đặc tính sau:
1. Hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được (c. 15a). Hai từ đối chiếu với nhau là hình ảnh và không thấy được. Đức Chúa Trời là Đấng vô hình, chúng ta không thể thấy Ngài nhưng Chúa Giê-xu đã giáng thế làm người, trong thân xác con người để chúng ta có thể thấy Đức Chúa Trời (Giăng 1:18). Chúa Giê-xu là hiện thân và mạc khải của Đức Chúa Trời trong thân xác con người (Giăng 1:14).
2. Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên (c. 15b). Sinh ra đầu hết thảy (prototokos) mang ý nghĩa độc tôn, cao cả nhất trong muôn vật. Những chữ mọi vật dựng nên không hàm ý Chúa Giê-xu cũng được dựng nên như mọi loài thọ tạo vì Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời và Ngài hiện hữu trước muôn vật (Giăng 1:1-3; Châm Ngôn 8:22). Câu 16 tiếp theo cho thấy Ngài chính là Đấng Tạo Hóa.
3. Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả (c. 16). Chữ trong (en) trong nguyên văn có hai nghĩa “trong” và “bởi” cho nên Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài nghĩa là “Muôn vật đã được dựng nên BỞI Ngài!” Những chữ bởi Ngài và vì Ngài (c. 16c) xác nhận điều nầy. Chúa chẳng những tạo dựng vũ trụ và thế giới vật chất, Ngài cũng tạo dựng những thẩm quyền cai trị thế giới (c. 16b).
4. Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài (c. 17). Câu nầy nhắc lại địa vị độc tôn của Chúa Giê-xu (có trước muôn vật) và Ngài chẳng những tạo dựng vũ trụ nhưng cũng bảo tồn vũ trụ (Hê-bơ-rơ 1:3a).
5. Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh (c. 18a). Chúa là ĐẦU của Hội Thánh nhấn mạnh mối quan hệ sống động giữa Chúa với Hội Thánh và Hội Thánh tùy thuộc nơi Ngài.
6. Ngài là ban đầu, sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng. (c. 18b). Chữ sanh trước nhất ở đây cũng là chữ prototokos trong câu 15b, nhấn mạnh đến địa vị độc tôn của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đứng hàng đầu trong muôn vật mọi loài, qua sự phục sinh của Ngài.
7. Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài (c. 19). Câu nầy xác nhận thần tính của Chúa Giê-xu (Ngài chính là Đức Chúa Trời) trong thân xác con người. Điều nầy đả phá mọi giáo lý sai lầm nhằm dựa vào những phương tiện khác (khổ tu, tuân giữ luật pháp, v.v…) để đến với Đức Chúa Trời. Chỉ đức tin nơi Chúa Giê-xu là đủ vì mọi sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời ở trong Chúa Giê-xu.
8. Bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời (c. 20). Hai từ quan trọng là huyết và hòa bình (hòa thuận). Huyết nói đến sự chết của Chúa Giê-xu và hòa thuận hay giải hòa nói đến việc con người tội lỗi được phục hồi mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu. Câu nầy tóm tắt tất cả ý nghĩa của sự cứu rỗi.
Vì giáo lý sai lầm tại Cô-lô-se khiến các tín hữu muốn cậy vào những đường lối khác để đến với Đức Chúa Trời nên Phao-lô nhấn mạnh địa vị độc tôn và vai trò của Chúa Giê-xu trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua đó mọi người thấy rằng không một ai hay một điều gì có thể thay thế Chúa Giê-xu.