1 Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. 2 Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất, 3 vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. 4 Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.
5 Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam (tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng) 6 bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng phục; 7 lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó và ăn ở như vậy. 8 Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em. 9 Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, 10 mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn. 11 Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ, nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự.
1. Thế nào là “được sống lại với Đấng Christ” (c. 1a)
2. “Tìm các sự ở trên trời” là tìm điều gì?
3. “Ham mến các sự ở dưới đất” là ham mến những điều gì?
4. Xin giải thích ý nghĩa của chữ “chết” trong câu 3.
5. “Sự sống mình đã giấu với Đấng Christ” (c. 3b) nghĩa là thế nào?
6. Làm thế nào để “làm chết các chi thể ở nơi hạ giới” (c. 5a)?
7. Tại sao “tham lam” được kể là tương đương với “thờ hình tượng” (c. 5b)?
8. Xin cho biết những tội Phao-lô bảo phải trừ bỏ (c. 8-9).
9. “Người Sy-the” (c. 11) là người gì?
10. “Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự” (c. 11b) nghĩa là thế nào?
Những thư tín của Phao-lô thường gồm hai phần: phần đầu liên quan đến giáo lý và phần sau liên quan đến việc sống đạo. Thư Cô-lô-se cũng vậy, trong hai chương đầu ông cho thấy địa vị ưu việt của Chúa Giê-xu, công tác cứu rỗi đã được thực hiện trong Chúa Giê-xu và mối quan hệ giữa Chúa và những người tin nhận Ngài. Phao-lô cũng viết Thư Cô-lô-se trong bối cảnh của những tà thuyết đang tấn công Hội Thánh lúc bấy giờ dựa vào những lời truyền khẩu, muốn con cái Chúa phải tuân theo những luật lệ, quy tắc của con người.
Sau khi cho thấy chương trình cứu rỗi đã được thực hiện hoàn toàn qua sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá (2:14-15) và người tin Chúa được liên kết với Ngài (2:12-13) nên chúng ta không bị trói buộc với những luật lệ của con người (2:16-23). Cho nên, đây là những điều người tin Chúa phải làm.
Trước hết, ông đưa ra một nguyên tắc căn bản, đó là: Hãy tìm các sự ở trên trời (c. 1b). Tìm mang ý nghĩa đeo đuổi tìm kiếm, coi đây là mục tiêu của đời sống, như lời dạy của Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 6:33: Tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời! Lý do người tin Chúa phải đeo đuổi tìm kiếm các sự ở trên trời là vì chúng ta đã được sống lại với Đấng Christ (c. 1a). Theo cấu trúc ngữ pháp, chữ Nếu không mang ý nghĩa giả sử nhưng là điều khẳng định: “Vì anh em ĐÃ ĐƯỢC SỐNG LẠI với Đấng Christ!” Người tin Chúa là người đã được sống lại với Đấng Christ nên chúng ta phải đeo đuối tìm kiếm những điều ở trên trời. Được sống lại với Đấng Christ nói đến địa vị của người tin Chúa:
Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ (Ê-phê-sô 2:6)
Đây là địa vị cao quý Chúa ban khi chúng ta tin nhận Ngài. Trong tư thế và chỗ đứng đó, chúng ta phải đeo đuổi tìm kiếm những giá trị thiên thượng. Các sự ở trên trời là những giá trị cao quý đó. Người đời thường đeo đuổi theo những giá trị của trần gian: tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Người tin Chúa thì đeo đuổi những điều có giá trị đời đời như yêu thương, đức tin và những điều thuộc phạm vi tâm linh.
Phao-lô cho biết trên trời là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. “Ngồi bên hữu Đức Chúa Trời” nói đến quyền cai trị của Chúa Giê-xu (Thi thiên 110:1). Người tìm các sự ở trên trời là người suy nghĩ và hướng về nơi Chúa Giê-xu đang cai trị trong quyền uy. Suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta “sống trên trần gian nhưng có thể phản ánh nếp sống của thiên đàng” (Wright, trang 136).
Câu 2 nhắc lại điều đã nói trong câu 1: Hãy TÌM các sự ở trên trời (c. 1a) cũng có nghĩa là: Hãy HAM MẾN các sự ở trên trời (c. 2a). Ham mến mang ý nghĩa chú tâm vào (BHĐ).
Lời kêu gọi chúng ta đeo đuổi tìm kiếm và chú tâm vào những điều ở trên trời được xác quyết như sau:
Vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển (c. 3-4)
Đây là phần Kinh Thánh xác nhận giáo lý Liên Hiệp Với Đấng Christ rõ ràng hơn cả. Người tin Chúa là người đồng chết, đồng sống lại và cũng sẽ đồng được vinh hiển với Chúa. Người tin Chúa chẳng những được giấu với Đấng Christ, Ngài cũng là sự sống của chúng ta. Chúng ta được liên hiệp làm một với Ngài. Ngày Chúa hiện ra cũng là ngày chúng ta cùng được vinh hiển với Chúa (I Giăng 3:2). Tư tưởng nầy giúp chúng ta sống hướng thượng và xa lánh tội lỗi (I Giăng 3:3).
Sau nguyên tắc căn bản (c. 1-4), Phao-lô bắt đầu với những mạng lệnh cụ thể, những điều chúng ta phải làm nếu đeo đuổi tìm kiếm những điều ở trên trời:
Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam (tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng (c. 5)
Làm chết mang ý nghĩa tiêu diệt, làm cho tê liệt, không cho nó có sức mạnh. Làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới nghĩa là không để cho thân thể tội lỗi của chúng ta muốn làm gì thì làm, chúng ta phải triệt hạ nó. Chính chúng ta không thể tự diệt dục nhưng mối liên kết của chúng ta với Chúa sẽ giúp chúng ta vượt thắng tội lỗi. Phao-lô đưa ra hai danh sách tội lỗi mà người tin Chúa phải vượt thắng:
1. Những tội liên quan đến tình dục (c. 5b)
Tà dâm nói đến mọi quan hệ thân xác ngoài hôn nhân. Trong thời Phao-lô, đây thường chỉ về việc chung đụng với các nữ tư tế trong các đền thờ, một hình thức mại dâm.
Ô uế hàm ý tâm tính bị ô nhiễm do những hành vi tội lỗi gây ra.
Tình dục mang ý nghĩa để cho những ham muốn xấu xa lôi cuốn, không kiềm giữ.
Ham muốn xấu xa nói đến tư tưởng bất khiết mà nếu nuôi dưỡng sẽ đưa đến hành động tội lỗi. Phao-lô nói cần phải làm chết những tư tưởng như vậy từ đầu.
Tham lam là để cho ham muốn tình dục lấn át, không kiềm chế. Phao-lô nói điều nầy tương đương với tội thờ hình tượng. Thờ hình tượng là để cho bất cứ điều gì cao hơn và quan trọng hơn Chúa. Người để cho ham muốn tình dục lấn át không còn có lòng kính sợ Chúa và chỉ sống chiều theo tư dục.
Phao-lô nhắc cho các tín hữu Cô-lô-se nhớ đó cũng là nếp sống cũ của họ, là nếp sống không vâng phục Chúa và sẽ chịu hình phạt:
Bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng phục. Lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó và ăn ở như vậy (c. 6-7)
Đối chiếu với nếp sống tội lỗi cũ, Phao-lô cho các tín hữu Cô-lô-se biết đây là những điều họ phải từ bỏ:
Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau… (c. 8-9a)
2. Những tội liên quan đến giận dữ (c. 8-9a)
Thạnh nộ hàm ý giữ sự ganh ghét âm ỉ trong lòng.
Buồn giận bày tỏ sự tức giận trong hành động và lời nói.
Hung ác nói lên lòng ác độc, muốn hại người khác.
Nói hành (blasphemia) hàm ý vu khống, làm hại thanh danh người khác, tương tự như lời phạm thượng đối với Chúa.
Nói lời tục tĩu là dùng ngôn ngữ thô tục với dụng ý nhục mạ người khác.
Nói dối, nói không đúng sự thật hay chỉ nói một phần sự thật.
Đây là những điều Phao-lô bảo chúng ta phải trừ bỏ hay “từ bỏ” (BHĐ) như người cởi bỏ quần áo dơ bẩn và vứt đi. Ông nhắc lại ý nầy trong phần sau:
Vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn (c. 9b-10)
Câu nầy cho thấy mục đích tối hậu của người tin Chúa là trở nên giống như Chúa: Người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy (c. 10a và Rô-ma 8:29). Đạt đến sự hiểu biết đầy trọn (c. 10b) chẳng những nói đến nhận thức về Chúa nhưng cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa người tin Chúa và chính Chúa. “Sống đạo thật sự được xây dựng trên sự hiểu biết đầy trọn về Đức Chúa Trời và mối quan hệ giữa chúng ta với Ngài” (Wright, trang 143).
Phao-lô cho thấy khi liên kết với Chúa Giê-xu, Hội Thánh là một cộng đồng mới, bao gồm tất cả mọi người mà Chúa là tất cả mọi sự:
Tại đây không còn phân biệt người Gờ-réc hoặc người Giu-đa, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Sy-the, người tôi mọi hoặc người tự chủ, nhưng Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự (c. 11)
Trong bảng liệt kê những thành phần khác nhau trong Hội Thánh, Phao-lô nói đến người dã man và người Sy-the (c. 11b). Dã man là tiếng người Hy-lạp gọi chung những dân tộc không nói tiếng Hy-lạp để tỏ ý khinh miệt. Người Sy-the là giống dân ở vùng Tây Bắc Châu Á lúc bấy giờ, bị coi là nhóm người thấp nhất trong nhóm những người dã man. Phao-lô đưa ra những ví dụ về khác biệt quá mức giữa những dân tộc để cho thấy mọi hàng rào chủng tộc, tôn giáo, văn minh được xóa bỏ hoàn toàn trong Chúa Giê-xu.
Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự (c. 11c) hàm ý mọi người tin Chúa đều được kể là giống nhau vì chúng ta cùng giống như Chúa, không phân biệt một ai. Chúa Giê-xu được nhận diện trong mỗi người tin Ngài. Không có vấn đề phân biệt đối xử trong cộng đồng con dân Chúa dựa trên màu da, chủng tộc, trình độ văn hóa, địa vị xã hội hay tuổi tác, giới tính.