1 Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, gởi cho những người kiều ngụ rải rác trong xứ Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni, là những người được chọn, 2 theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Giê-xu Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài: Nguyền xin ân điển và bình an thêm lên cho anh em!
1. Xin cho biết tác giả và độc giả của Thư I Phi-e-rơ là ai? Chúng ta biết gì về tác giả và độc giả của lá thư?
2. Độc giả của Thư I Phi-e-rơ là “những người được chọn” (c.1b). “Được chọn” nghĩa là thế nào?
3. Xin cho biết những điều Phi-e-rơ nói về những người được chọn (c. 2) và ý nghĩa của mỗi điều.
4. Xin cho biết ý nghĩa của lời chúc “ân điển” và “bình an” (c. 2b).
Tác giả Thư I Phi-e-rơ là Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1a). Từ sứ đồ (apostolos) mang ý nghĩa “sứ giả” nhưng trong Tân Ước sứ đồ mang ý nghĩa sâu rộng hơn nhất là khi đi chung với danh hiệu của Chúa: sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ. Kinh Thánh không nói đến một chức vụ nào khác đi chung với danh hiệu của Chúa Giê-xu như vậy. Không có “giáo sư của Chúa Giê-xu Christ” hay “tiên tri của Chúa Giê-xu Christ” hay “trưởng lão của Chúa Giê-xu Christ!” Những người mang danh hiệu sứ đồ có thẩm quyền như các tiên tri trong Cựu Ước vì họ nói ra lời của chính Đức Chúa Trời (Công vụ 5:3-4; Rô-ma 2:16; I Tê. 2:13; II Phi. 3:2). Lời các sứ đồ viết ra chính là lời của Thánh Kinh Tân Ước (I Cô. 14:37; II Phi. 3:16; Khải 22:18-19).
Lời mở đầu: Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ cho thấy ông viết lá thư nầy với thẩm quyền của Chúa, đây là lời của chính Chúa và người đọc phải tiếp nhận, coi đây là lời của Ngài.
Độc giả của thư là những người kiều ngụ rải rác (c. 1b). Kiều ngụ mang ý nghĩa một người sống tạm ở một nơi không phải là quê hương của mình (Sáng 23:4; Hê-bơ-rơ 11:13).
Rải rác (diaspora) chỉ về những người Do-thái nói tiếng Hy-lạp sống khắp nơi lúc bấy giờ (Giăng 7:35). Từ này được dùng trong Gia-cơ 1:1 chỉ về Cơ-đốc nhân người Do-thái sống rải rác khắp nơi. Tuy nhiên, lúc Phi-e-rơ viết thư nầy, số tín hữu Dân Ngoại cũng không phải là ít, cho nên những người kiều ngụ rải rác nói đến toàn thể Cơ-đốc nhân (Do-thái và Dân Ngoại). Tất cả đều là những người kiều ngụ vì đang sống tạm ở trần gian mà quê hương thật là trên trời.
Các địa danh Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si và Bi-thi-ni (c. 1c) là tên bốn tỉnh thành (đơn vị hành chánh) của La-mã lúc bấy giờ. Tất cả những tỉnh nầy đều nằm ở phía Nam Hắc Hải, thuộc Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Bông và Bi-thi-ni nằm trong cùng một đơn vị hành chánh nhưng tách rời ra trong danh sách, có lẽ là vì người đem thư đến các Hội Thánh phải đi qua lộ trình với thứ tự nầy, nghĩa là bắt đầu từ xứ Bông (Pontus) ở vùng Đông Bắc, đi xuống phía Nam rồi vòng lên hướng Tây Bắc là Bi-thi-ni (Bithynia).
Độc giả Thư I Phi-e-rơ được gọi là những người được chọn (c. 1d). Thật ra, chữ được chọn là chữ đầu tiên nói về độc giả. Phi-e-rơ viết: “Những người được chọn kiều ngụ ở rải rác.” Dựa vào cách dùng từ này trong Cựu Ước và các phần khác của Tân Ước, được chọn mang ý nghĩa “được đặc ân, đặc quyền như dân Y-sơ-ra-ên của Cựu Ước: được Đức Chúa Trời bảo vệ, bảo tồn và ban phước” (Grudem, 48).
Cũng theo Grudem, độc giả của Thư I Phi-e-rơ được gọi là “những người kiều ngụ được chọn” mang ý nghĩa thuộc linh: họ là công dân thiên quốc và chỉ kiều ngụ trên trần gian. Nhưng họ là những kiều dân đặc biệt vì được Đức Chúa Trời lựa chọn làm tuyển dân của Ngài (như dân Y-sơ-ra-ên xưa) để thừa hưởng Nước Trời (Grudem, 49).
Việc được chọn nầy là theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha (c. 2a). Biết trước không chỉ mang ý nghĩa nhận thức một sự kiện nhưng nói đến việc Chúa có mối quan hệ riêng tư, yêu thương như một người cha với con (Rô-ma 8:29; 11:2; I Phi. 1:20; Giăng 10:14; I Cô. 8:3; II Ti. 2:19). Vì vậy, theo sự biết trước của Đức Chúa Trời mang ý nghĩa “theo lòng yêu thương chăm sóc của Đức Chúa Cha cho con cái Ngài trước khi sáng thế” (Grudem, 50).
Những chữ theo sự biết trước của Đức Chúa Trời không chỉ bổ nghĩa cho việc được chọn nhưng bổ nghĩa cho toàn câu nói về độc giả là “những kiều dân được chọn sống rải rác.” (Chữ được chọn trong nguyên văn là một tĩnh từ đứng ngay trước chữ “kiều dân” chứ không đứng gần chữ theo sự biết trước ở cuối câu). Nói khác đi, theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là nói đến toàn thể việc các tín hữu bị tan lạc, sống rải rác khắp nơi lúc bấy giờ chứ không nói về việc Chúa chọn họ.
Tình trạng của độc giả trong lời mở đầu gồm ba phần, sự việc họ là kiều dân được chọn sống rải rác là:
(1) Theo sự biết trước của Đức Chúa Trời (c. 2a).
(2) Được nên thánh bởi Đức Thánh Linh (c. 2b).
(3) Đặng vâng phục Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 2c).
Điều nầy cho thấy vai trò của cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi những kiều dân được chọn. Kiều dân được chọn là những người được Chúa Cha biết trước, được Đức Thánh Linh khiến cho nên thánh, để vâng phục Đức Chúa Con.
Nói ngắn lại, chúng ta không thể dựa vào I Phi-e-rơ 1:1-2 để nói rằng Chúa chọn chúng ta là vì Chúa biết trước chúng ta sẽ tin nhận Ngài. Nói khác đi, Chúa không chọn chúng ta dựa trên sự biết trước của Ngài. Sự biết trước trong câu nầy nói đến mối quan hệ riêng tư, yêu thương của Chúa với những người Ngài chọn.
Có phần trong sự rải huyết (c. 2d) là hình ảnh trong Lê-vi ký 14:6-7 nói về việc thầy tế lễ rảy huyết trên người bị phung được lành, chứng tỏ người đó tinh sạch. Ngụ ý trong câu nầy vì vậy là nói đến việc các tín hữu cần được thanh tẩy thường xuyên với đức tin trong huyết của Chúa Giê-xu tức là đức tin nơi sự chết chuộc tội của Ngài. Đây cũng là điều sứ đồ Giăng dạy trong I Giăng 1:7.
Như vậy, lời mở đầu của Thư I Phi-e-rơ cho thấy ý nghĩa sau: độc giả lá thư là những kiều dân được chọn đang sống rải rác, là những người được Đức Chúa Cha yêu thương, được Đức Thánh Linh khiến cho nên thánh và sống trong sự thanh tẩy của Chúa Giê-xu.
Lời chào đầu thư của Phi-e-rơ là:
Nguyền xin ân điển và bình an thêm lên cho anh em (c. 2e)
Khác với Phao-lô, lời chào của Phi-e-rơ nói đến ân điển và bình an THÊM LÊN cho anh em, hàm ý họ đã có rồi và bây giờ được gia tăng và đầy dẫy. Bình an là lời chúc thông thường của Cựu Ước, nói đến hưng thịnh cả hồn lẫn xác (III Giăng 2) và ân điển hay ân sủng, lời chúc thông thường của Tân Ước, nói đến ơn ban cho người không xứng đáng.