3 Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, 4 là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, 5 là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!
6 Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu 7 hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra. 8 Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến. Dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển: 9 nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình.
1. Phi-e-rơ ngợi khen Đức Chúa Trời điều gì trong câu 3?
2. Tại sao Phi-e-rơ gọi hy vọng của chúng ta là “sự trông cậy sống” (c. 3b)?
3. Theo câu 4, “sự trông cậy sống” của chúng ta là gì? Có những đặc điểm nào?
4. Tại sao Phi-e-rơ nói sự cứu rỗi của chúng ta “gần hiện ra” (c. 5b)?
5. Câu 5-6 dạy điều gì về thử thách trong đời sống?
6. Phi-e-rơ hàm ý điều gì trong câu: “Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến” (c. 8a)? Chúng ta được nhắc nhở điều gì qua câu nầy?
Sau lời chào, Phi-e-rơ bắt đầu lá thư với lời ca ngợi Đức Chúa Trời:
Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta (c. 3a)
Chữ ngợi khen mở đầu nầy là một chữ thường được dùng trong Cựu Ước (bản văn Hy-lạp, LXX) như trong Thi thiên 103:1: “Hỡi linh hồn ta hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va!” Đức Chúa Trời được gọi là Cha Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Cụm từ nầy nói lên thần tánh của Chúa Giê-xu trong mối quan hệ của Ngài với Đức Chúa Cha, như cách dùng trong Phúc Âm Giăng và các phần khác của Tân Ước (Giăng 10:30).
Bối cảnh của Thư I Phi-e-rơ là việc con cái Chúa đang sống trong khó khăn, thử thách (1:6; 2:12; 19-21; 3:9; 14; 4:12-16; 5:9) cho nên ca ngợi Chúa là một trong những phương cách giúp cho người tin Chúa không nao sờn (Grudem, 55).
Lý do độc giả nên ca ngợi Chúa là:
Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh (c. 3b)
Điều đầu tiên sứ đồ Phi-e-rơ nghĩ đến để ca ngợi Chúa là ơn cứu rỗi của Ngài. Ơn cứu rỗi nầy đến từ lòng thương xót cả thể của Chúa. Cả thể nghĩa là lớn, dư dật (BHĐ). Ơn cứu rỗi của Chúa được mô tả là khiến chúng ta lại sanh (“tái sinh,” BHĐ). Con người mới, đời sống mới của chúng ta đến từ quyền năng tái tạo của Đức Chúa Trời. Ơn tái sinh đó cho chúng ta hy vọng:
Chúng ta được tái sinh để có một hy vọng sống (BHĐ)
Hy vọng hay sự trông cậy đó là:
Cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em (c. 4)
Hy vọng nầy đặt nền tảng trên sự phục sinh của Chúa Giê-xu:
Nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 3b, BHĐ)
Sự sống lại của Chúa Giê-xu bảo đảm cho sự sống lại của người tin Chúa (I Cô. 15:23) và cũng bảo đảm cho chúng ta cơ nghiệp ở thiên đàng (Cô-lô-se 3:1; Ê-phê-sô 2:6). Phi-e-rơ gọi đây là hy vọng sống, mang ý nghĩa sống động: ngày càng gia tăng, không phải ngày càng yếu đi:
Đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giê-xu Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống (c. 3b)
Phi-e-rơ viết tiếp:
Là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em (c. 4)
Như vậy, hy vọng sống của chúng ta không gì khác hơn là cơ nghiệp của chúng ta ở trên trời. Cơ nghiệp nói đến “phần gia tài” của người tin Chúa ở thiên đàng. Đối với con dân của Chúa ngày xưa, phần gia tài của họ là Đất Hứa Ca-na-an. Với chúng ta ngày nay, đó là “trời mới đất mới” (Khải 21:1) cùng với những ơn phước trong trời mới đất mới đó (Khải 22:1-5).
Đặc điểm của cơ nghiệp nầy là không hư đi, không ô uế, không suy tàn (“không hư hoại, không hoen ố, không suy tàn,” BHĐ).
Không hư đi nói đến giá trị vững bền theo thời gian, ngược lại với những giá trị chóng phai tàn trên đời.
Không ô uế mang ý nghĩa không bị hoen ố vì tội lỗi (Khải 21:27).
Không suy tàn ngược lại với giá trị của trần gian (Gia-cơ 1:11).
Cơ nghiệp nầy được để dành trong các từng trời cho anh em (c. 4b). Để dành hàm ý đã chuẩn bị sẵn và có phần cho mỗi người tin Chúa: cho anh em!
Người nhận cơ nghiệp trên trời được đảm bảo như sau:
Là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt (c. 5)
Chữ quan trọng trong câu nầy là giữ cho. Giữ cho, mang ý nghĩa bảo vệ để không bị tấn công, cũng không bị cướp đi. Hai yếu tố giúp cho cơ nghiệp cứu rỗi của chúng ta ở thiên đàng được đảm bảo là đức tin của chúng ta và quyền phép của Đức Chúa Trời:
Là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho (c. 5a)
Chúng ta phải tiếp tục có đức tin nơi Chúa và Chúa bảo đảm sự cứu rỗi đó cho chúng ta. Phi-e-rơ nói, đây là sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt (c. 5b). Sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt nói đến sự cứu rỗi toàn vẹn, lúc Chúa trở lại (Rô-ma 8:23). Sự cứu rỗi của chúng ta trong quá khứ là việc chúng ta được xưng công chính. Trong hiện tại, là được thánh hóa và trong tương lai là được làm cho vinh hiển (Rô-ma 8:30). Đó là sự cứu rỗi toàn vẹn được thực hiện khi Chúa trở lại. Vì vậy mà Phi-e-rơ nói đó là sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt.
Những điều được mô tả trong câu 3-5 về hy vọng cứu rỗi, về cơ nghiệp vững chắc ở thiên đàng là điều giúp cho các tín hữu vui mừng:
Anh em vui mừng về điều đó (c. 6a)
Đối tượng của Thư I Phi-e-rơ là các tín hữu đang bị bách hại nên Phi-e-rơ cho họ thấy hy vọng trong tương lai để họ vững tâm và vui mừng. Chữ vui mừng (c. 6a) luôn luôn được dùng trong ý nghĩa thuộc linh mang ý nghĩa niềm vui sâu xa trong Chúa về những gì Chúa đã làm (Lu-ca 1:46-47; I Phi-e-rơ 4:13; Công vụ 16:34; Thi thiên 51:12). Phi-e-rơ cho thấy đây là niềm vui các tín hữu đang có dù đang sống trong thử thách. Thử thách trong đời sống là điều tất nhiên, đem lại đau buồn nhưng là đau buồn ngắn và tạm:
Dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu (c. 6b)
Phi-e-rơ cho thấy sự thử thách các tín hữu đang trải qua cũng tương tự như cách người ta dùng lửa để thử vàng (Ê-sai 48:10; Gióp 23:10). Dù là kim loại quý giá nhưng vàng cũng sẽ hư nát (II Phi-e-rơ 3:10) còn đức tin của người tin Chúa sẽ tồn tại mãi và nẩy sinh ngợi khen, vinh hiển, tôn trọng (c. 7b). Đây nói đến lời ca ngợi và phần thưởng của chúng ta lúc Chúa trở lại.
Niềm vui của người tin Chúa chẳng những trong tương lai khi Chúa trở lại, nhưng cũng ngay trong phút hiện tại. Phi-e-rơ viết:
Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến. Dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển: nhận được phần thưởng về đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình (c. 8-9)
Đây là một trong những câu cảm động nhất từ sứ đồ Phi-e-rơ, người nổi tiếng về tính nông nổi và bốc đồng. Chúng ta biết Phi-e-rơ theo Chúa suốt hơn ba năm, thật gần gũi với Chúa nhưng ông chỉ thật sự biết Chúa và yêu Chúa sau khi Chúa sống lại (Giăng 21:15-19). Bây giờ ông nói với các tín hữu câu nầy, hàm ý rằng họ là những người có đức tin lớn vì chính ông thấy Chúa tường tận, học được nhiều kinh nghiệm với Chúa nên yêu Chúa. Còn các tín hữu chưa bao giờ thấy Chúa nhưng họ yêu mến Ngài với đức tin và niềm vui lớn:
Dù chưa thấy Ngài, anh em vẫn yêu mến Ngài, dù chưa gặp Ngài anh em vẫn tin Ngài, và hân hoan trong niềm vui rạng ngời, khôn tả (c. 8, BHĐ)
Các tín hữu đã có thể vui mừng trong thử thách vì họ kinh nghiệm phần thưởng của đức tin ngay trong hiện tại:
Vì anh em nhận được thành quả của đức tin, là sự cứu rỗi linh hồn mình (c. 9, BHĐ)
Đây là sự cứu rỗi toàn vẹn Phi-e-rơ nói đến ở trên (c. 5).
Ước mong niềm vui và lòng yêu mến Chúa của độc giả Thư I Phi-e-rơ ngày xưa cũng là niềm vui và lòng yêu kính Chúa của chúng ta hôm nay.