1 Vậy anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành, 2 thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, 3 nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào.
4 Hãy đến gần Ngài, là hòn đá sống, bị người ta loại ra, song được chọn và quí trước mặt Đức Chúa Trời 5 và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời.
6 Vì trong Kinh thánh có chép rằng:
Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu;
Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ.
7 Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quí nhưng cho những kẻ không tin, thì
Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra,
Bèn trở nên đá góc nhà,
là
Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã.
8 Họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi. 9 Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. 10 Anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót.
1. Xin cho biết những điều Phi-e-rơ bảo chúng ta phải từ bỏ (c. 1).
2. Sau khi từ bỏ những điều trong câu 1, Phi-e-rơ bảo độc giả phải làm gì (c. 2)? Mang ý nghĩa gì?
3. “Ham thích” (c. 2a) nghĩa là thế nào? “Sữa thiêng liêng của Đạo” chỉ về gì?
4. Người tin Chúa đã được cứu rỗi, tại sao Phi-e-rơ nói đến việc “rỗi linh hồn” (c. 2b)?
5. “Nếm biết Chúa là ngọt ngào”(c. 3) nghĩa là thế nào?
6. “Đến gần Ngài” (c. 4a) mang ý nghĩa gì?
7. Chúa Giê-xu được gọi là “hòn đá sống” (c. 4b) mang ý nghĩa gì?
8. “Nhà thiêng liêng” (c. 5b) chỉ về gì?
9. Xin giải thích “chức tế lễ thánh” và “của tế lễ thiêng liêng” (c. 5c).
10. Xin cho biết ý Phi-e-rơ muốn nói trong câu 6-7.
11. Người tin Chúa được gọi bằng những danh hiệu nào trong câu 9 và ý nghĩa của mỗi danh hiệu.
12. Những điều được đối chiếu trong câu 10 nói lên điều gì?
Chữ vậy ở đầu câu 1 nối tiếp với ý của 1:22 nói đến việc vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình (1:22a). Song song với việc làm sạch lòng mình là:
Từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành (c. 1)
Từ bỏ trong nghĩa đen là “lột bỏ y phục” (Công vụ 7:58). Ở đây, từ bỏ mang ý nghĩa vứt bỏ những thái độ hay thói quen gây thiệt hại cho người khác. Những điều chúng ta cần từ bỏ là:
(1) Độc ác: mưu tính hay hành động gây thiệt hại cho người khác.
(2) Gian giảo: gây thiệt hại cho người khác bằng sự dối trá hay lường gạt.
Cả hai hành động nầy, Phi-e-rơ nói mọi điều, nghĩa là dưới mọi hình thức: phải từ bỏ mọi hình thức độc ác và xảo trá.
(3) Giả trá: “đạo đức giả” (BHĐ) tương tự như trong Ma-thi-ơ 23:28, Mác 12:15 và Ga-la-ti 2:13.
(4) Ganh ghét: mang ý nghĩa ganh tị, không vui khi thấy người khác được phước.
(5) Nói hành: “vu cáo” (BHĐ) chỉ về mọi lời nói gây thiệt hại thanh danh người khác (Gia-cơ 4:11).
Trong 1:22, vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình đưa đến việc đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà. Vì vậy, những điều cần từ bỏ là những điều gây thiệt hại cho người khác, ngược lại với yêu thương là nâng đỡ người khác.
Sau khi bảo độc giả từ bỏ những điều gây thiệt hại cho người khác (c. 1), Phi-e-rơ viết:
Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào (c. 2-3)
Ham thích mang ý nghĩa “khao khát” (BHĐ) như trong Thi thiên 42:1; 84:2. Phi-e-rơ muốn độc giả có lòng khao khát Lời Chúa như em bé cần sữa, có lòng thèm khát, không có không được. Sữa trong I Cô. 3:2 và Hê-bơ-rơ 5:12-13 nói đến những điều sơ học trong đạo Chúa (đối chiếu với thức ăn đặc) nhưng trong lời khuyên nầy, sữa chỉ về thức ăn cần thiết để nuôi sống.
Phi-e-rơ gọi đây là sữa thiêng liêng, nghĩa là sữa thuộc linh, không phải sữa thông thường. Chữ của Đạo (người dịch thêm vào) nhằm cho thấy ý nghĩa thuộc linh đó. Câu nầy trong nguyên văn như sau:
Anh em hãy khao khát sữa thiêng liêng thuần khiết như trẻ sơ sinh, để nhờ đó anh em được lớn lên trong sự cứu rỗi, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào (c. 2-3, BHĐ)
Thuần khiết mang ý nghĩa không bị pha trộn. Lời Chúa là lời trong sạch, tinh khiết, không bợn nhơ, không dối gạt, không hướng dẫn sai lạc, không giả dối.
Người thèm khát Lời Chúa và nuôi mình bằng Lời Chúa sẽ nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn (c. 2b). Người tin Chúa đã được cứu rỗi, được rỗi linh hồn trong câu nầy mang ý nghĩa cứu rỗi toàn vẹn (1:5) trong Nước Chúa. Được lớn lên trong sự cứu rỗi (BHĐ) nghĩa là trưởng thành tâm linh. Người ham thích Lời Chúa, nuôi mình bằng Lời Chúa sẽ trưởng thành về mặt tâm linh.
Chữ nếu ở đầu câu 3 nên dịch là vì (theo cấu trúc văn phạm trong nguyên văn): VÌ anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào. Nếm biết nói lên kinh nghiệm bản thân, từng trải của mình. Đây là câu Phi-e-rơ trích từ Thi thiên 34:8. Nếm biết Chúa là ngọt ngào hàm ý khi chúng ta đọc hay nghe Lời Chúa là nghe chính Chúa phán với chúng ta. Đó là Lời nuôi sống linh hồn chúng ta. Đây là kinh nghiệm ngọt ngào cho đời sống vì chúng ta kinh nghiệm chính Chúa trong mối tương giao thân mật với Ngài.
Hãy đến gần Ngài (c. 4) bắt đầu một phần mới nói lên những đặc ân của người tin Chúa. “Đến gần Chúa” nói lên ý đến gần để thờ phượng và tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời, đặc ân chỉ dành cho các thầy tế lễ trong Cựu Ước.
Động từ đến gần (c. 4) đi chung với động từ được xây nên nhà thiêng liêng (c. 5) hàm ý chúng ta bắt đầu đến với Chúa khi tin nhận Ngài và rồi tiếp tục đến gần Chúa trong sự thờ phượng và cầu nguyện, chúng ta sẽ được xây nên nhà thiêng liêng, nghĩa là được lớn mạnh trong Hội Thánh của Chúa.
Chúa Giê-xu được gọi là hòn đá sống (c. 4b) mang ý nghĩa Chúa là đá góc nhà (c. 7b) nhưng còn vượt trội hơn nữa vì trong Chúa có sự sống và cách chúng ta đến với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu là con đường sống (Hê-bơ-rơ 10:20).
Cả phần còn lại, Phi-e-rơ nói về đá sống nầy:
(1) Bị người ta loại ra (c. 4c)
(2) Được chọn và quý trước mặt Đức Chúa Trời (c. 4d)
Đây là những điều đã được nói đến trong Thi thiên 118:22 và Ê-sai 28:16 và nay ứng nghiệm nơi Chúa Giê-xu. Bị người ta loại ra là cái nhìn của loài người về Chúa Giê-xu (Ê-sai 53:3). Được chọn và quý trước mặt Đức Chúa Trời là chương trình của Đức Chúa Trời về Chúa Giê-xu.
Phi-e-rơ cũng gọi độc giả là đá sống:
Anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Giê-xu Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời (c. 5)
Nhà thiêng liêng là nơi Chúa ngự, chỉ về đền thờ Giê-ru-sa-lem. Khi tin Chúa, mỗi chúng ta trở nên đền thờ đó (I Cô. 3:16). Người tin Chúa vừa là đền thờ (nhà thiêng liêng) vừa là người giữ chức tế lễ trong đền thờ: Làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng.
Đây là một huyền nhiệm: chúng ta vừa là đền thờ vừa là người giữ chức tế lễ. Cả đền thờ và của tế lễ chúng ta dâng đều mang tính cách thiêng liêng (nhà thiêng liêng và của tế lễ thiêng liêng). Thiêng liêng (pneumatikos) nghĩa là không phải bằng gỗ đá (như đền thờ ngày xưa) và cũng nói lên việc làm của Đức Thánh Linh (pneuma).
Đền thờ ngày xưa là nơi con dân Chúa tôn thờ Đức Chúa Trời và tương giao với Ngài. Ngày nay chính chúng ta là đền thờ và chính chúng ta giữ chức tế lễ trong đền thờ đó. Chúng ta có thể đến với Đức Chúa Trời trực tiếp, không qua một trung gian nào nhờ cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu (Hê-bơ-rơ 10:19-22).
Các câu 6-7 là nền tảng của những điều Phi-e-rơ nói trong câu 4-5 và 8. Ông trích Ê-sai 28:16, Thi thiên 118:22 và Ê-sai 8:14 cho thấy những lời đó đã được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu.
Chúa Giê-xu là đá quý nhưng chỉ là đối với người tin Ngài (c. 7). Đối với người không tin thì:
Là đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã. Họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi (c. 7b-8)
Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi, ban sự cứu rỗi, nhưng đối với người khước từ Chúa (không vâng phục Đạo) thì họ vì Chúa mà vấp ngã nghĩa là họ không chấp nhận sự việc Chúa phải chịu khổ, chịu nhục hình, chịu chết (I Cô. 1:23).
Câu: Điều ấy đã định sẵn cho họ rồi (c. 8b) không hàm ý họ không có sự lựa chọn nhưng đây là điều Phi-e-rơ nói để an ủi, khích lệ độc giả là những người đang bị những người không tin bắt bớ, gây khó khăn. Điều nầy hàm ý là những khó khăn các tín hữu đang trải qua nằm trong sự cho phép của Đức Chúa Trời.
Đối chiếu với những người không tin, người khước từ ơn cứu rỗi của Chúa, Phi-e-rơ viết về người tin Chúa như sau:
Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời (c. 9a)
Ông cho thấy người tin Chúa là:
(1) Dòng giống được lựa chọn: đây là từ dùng để chỉ con dân Chúa ngày xưa: “Dân Ta đã chọn” (Ê-sai 43:20). Ngày nay, qua Chúa Giê-xu, tất cả những ai tin Ngài đều thuộc về một dòng giống mới, một “nhân loại mới” (Ê-phê-sô 2:15).
(2) Chức thầy tế lễ nhà vua: danh hiệu nầy cũng được dùng cho người Y-sơ-ra-ên (Xuất 19:6) và nay áp dụng cho người tin Chúa. Danh hiệu nầy mang một ý nghĩa đặc biệt vì chức thầy tế lễ nói đến người trung gian giữa con người với Đức Chúa Trời. Con người không thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời nhưng phải qua các thầy tế lễ. Khi Chúa Giê-xu chịu chết, bức màn trong đền thờ đã bị xé làm hai (Ma-thi-ơ 27:51) con đường đến với Đức Chúa Trời được mở ra (Hê-bơ-rơ 10:16) và chúng ta được trực tiếp đến với Ngài, không phải qua trung gian của thầy tế lễ (priest) nữa. Giáo lý “Chức Vụ Tư Tế Của Mỗi Cơ-đốc nhân” (Priesthood of all believers) đặt căn bản trên câu Kinh Thánh nầy. Đây cũng là chức thầy tế lễ nhà vua (“hoàng gia,” BHĐ) tương đương với nước (vương quốc) thầy tế lễ (Xuất 19:6).
(3) Dân thánh: cũng là danh hiệu được nhắc đến trong Xuất 19:6, nay chỉ về tất cả những người tin nhận Chúa Giê-xu không phân biệt chủng tộc hay biên giới.
(4) Dân thuộc về Đức Chúa Trời: chúng ta quý báu vì chúng ta là gia sản của Đức Chúa Trời.
Chúng ta mang những danh hiệu quý báu trên với mục đích:
Hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. (c. 9b)
Chúa cứu chúng ta và ban cho chúng ta nhiều đặc quyền là để chúng ta “rao truyền công đức vĩ đại” (BHĐ) của Ngài. “Rao truyền” mang ý nghĩa ca ngợi. Điều Chúa làm cho chúng ta là đem chúng ta từ chỗ tối tăm đến nơi sáng láng. Được giải cứu khỏi bóng tối của tội lỗi để bước vào ánh sáng của Chúa là ơn lớn nhất Chúa đã làm mà chúng ta phải ca ngợi Ngài.
Phi-e-rơ nhắc cho độc giả nhớ điều đó:
Anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót (c. 10)
NGÀY TRƯỚC |
BÂY GIỜ |
Không phải là một dân |
Là dân Đức Chúa Trời |
Không được thương xót |
Được thương xót |
Điều nầy dành cho người Do-thái trong Ô-sê 2:23 nhưng ngày nay áp dụng cho chúng ta. Nghĩ đến điều nầy sẽ giúp chúng ta luôn sống với lòng biết ơn Chúa và ca ngợi Ngài: chúng ta là con dân Chúa, chúng ta được hưởng ơn thương xót của Ngài!