Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

LỜI ĐẦU THƯ (1:1-2)

1 Si-môn Phi-e-rơ, làm tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, gởi cho những kẻ cậy sự công bình của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa là Đức Chúa Giê-xu Christ, đã lãnh phần đức tin đồng quí báu như của chúng tôi: 2 Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta!

 

1. Phi-e-rơ gọi mình là “tôi tớ” và “sứ đồ” (c. 1a). Hai danh xưng nầy nói lên điều gì?

2. Theo câu 1b, điểm giống nhau giữa Phi-e-rơ và độc giả là gì? Dựa trên căn bản nào?

3. “Sự nhận biết” Chúa (c. 2b) nói lên điều gì?

 

Trong lá thư thứ nhất, Phi-e-rơ xưng mình là Phi-e-rơ còn trong lá thư thứ hai nầy, ông gọi mình là Si-môn Phi-e-rơ (c. 1a). Si-môn là tên cũ của Phi-e-rơ. Khi gặp Chúa, Ngài đã đổi tên ông thành Sê-pha – nghĩa là Phi-e-rơ (Giăng 1:42). Sê-pha là tiếng A-ram, ngôn ngữ người Do-thái sử dụng trong thời Tân Ước. Phi-e-rơ là tiếng Hy-lạp, ngôn ngữ phổ thông của thế giới thời Tân Ước. Kinh Thánh Tân Ước được viết bằng ngôn ngữ nầy.

Theo Michael Green, hai tên gọi Si-môn và Phi-e-rơ đi chung với nhau nhằm giúp độc giả nhận diện hai con người:

Một ngư phủ Do-thái với một vị sứ đồ Cơ-đốc, một cuộc đời cũ với một đời sống mới và một con người của Giao Ước Cũ với một con người của thời đại Cơ-đốc (Green, trang 67)

Ngoài hai tên gọi Si-môn và Phi-e-rơ, tác giả cũng nói đến hai chức vụ: tôi tớsứ đồ. Tôi tớ cho thấy sự khiêm nhường sứ đồ nhấn mạnh đến thẩm quyền. Phi-e-rơ là nô lệ của Chúa nhưng cũng là sứ đồ của Ngài.

Phi-e-rơ gọi độc giả là những người đã lãnh phần đức tin đồng quí báu như của chúng tôi (c. 1b). Câu: Phần đức tin đồng quí báu như của chúng tôi cho thấy không có sự khác biệt trong ơn cứu rỗi giữa vị sứ đồ và độc giả. Cả hai đều nhận ơn cứu rỗi bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu. Trong Chúa, chỉ có một hạng tín đồ mà thôi! Và tất cả chúng ta nhận được ơn cứu rỗi nhờ sự công bình của Chúa.

Lời chúc đầu thư của Phi-e-rơ chẳng những là ân điển và bình an nhưng là được gia thêm hàm ý tràn đầy (BHĐ). Điều nầy xảy ra bởi sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta (c. 2b). Sự nhận biết mang ý nghĩa nhận biết qua kinh nghiệm, không phải chỉ là hiểu biết của tâm trí. Người biết Chúa thật là người có đức tin thật nơi Chúa và đời sống được biến đổi. Ân sủng và bình an sẽ gia tăng cho những người như vậy.