Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 2

TIẾN BỘ (1:3-11)

3 Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta 4 và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

5 Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức, thêm cho nhân đức sự học thức, 6 thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính, 7 thêm cho tin kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến. 8 Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đâu. 9 Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù, quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.

10 Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã. 11 Dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.

 

1. “Sự sống” và “tin kính” (c. 3a) nói đến điều gì?

2. “Lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta” (c. 3b) nghĩa là thế nào?

3. “Lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta” (c. 4a) là lời hứa gì?

4. “Trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời” (c. 4b) nghĩa là thế nào?

5. Chữ “thêm cho” được nhắc lại nhiều lần trong câu 5-7 mang ý nghĩa gì? “Thêm cho” nghĩa là thế nào?

6. Xin viết xuống những điều cần phải “thêm cho” trong câu 5-7 và ý nghĩa của mỗi điều:

(1) _____________________________

(2) _____________________________

(3) _____________________________

(4) _____________________________

(5) _____________________________

(6) _____________________________

(7) _____________________________

(8) _____________________________

7. Xin cho biết kết quả khi có những điều nầy và hậu quả nếu không có.

8. Thế nào là “ở dưng” (c. 8a)?

9. Xin giải thích chữ “cận thị” trong câu 9a.

10. Làm thế nào để “chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa” chúng ta (c. 10a)?

 

Sau lời chào, sứ đồ Phi-e-rơ mở đầu lá thư như sau:

Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta (c. 2, BHĐ)

Cấu trúc lời mở đầu nầy dựa trên nguyên văn như sau:

Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài (c. 3, BHĐ)

Ý của Phi-e-rơ  là, mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính đã được ban cho qua việc chúng ta nhận biết Chúa. Sự ban cho đó đến từ quyền năng của Đức Chúa Trời và Ngài đã gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.

Câu nầy cho thấy tất cả những gì chúng ta cần có để sống trên đời với lòng tin kính đều đến từ quyền năng của Đức Chúa Trời qua việc chúng ta nhận biết Chúa tức là có mối tương giao mật thiết với Ngài. Điều nầy thật sự đến từ Đức Chúa Trời vì Chúa đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài. Vinh quang và nhân đức nói đến những gì tuyệt đối, dựa trên bản chất và trên phương diện đạo đức của Ngài.

Cùng với sự kêu gọi, Đức Chúa Trời cũng ban lời hứa của Ngài cho chúng ta:

Và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời (c. 4)

Lời hứa nầy cũng dựa trên vinh quang và nhân đức của Đức Chúa Trời và đó là chúng ta được trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời (c. 4c). Dự phần bản tính Đức Chúa Trời mang ý nghĩa chúng ta là con của Chúa, được tái sinh và có sự sống của Chúa trong chúng ta. Chúng ta được mang bản tính thánh khiết của Chúa như lời của Phao-lô trong Ga-la-ti 2:20: “Tôi sống không phải là tôi sống nữa nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” Với bản tính của Chúa trong chúng ta, chúng ta được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến (c. 4b) nghĩa là “có thể tránh khỏi sự băng hoại trong thế gian, gây nên bởi tham dục” (BHĐ). Con cái thật của Chúa, mang bản tính của Chúa sẽ có thể tránh khỏi băng hoại của trần gian, ở trong trần gian nhưng không thuộc về trần gian (Giăng 17:15).

Dựa trên sự kiện Chúa đã gọi (c. 3) và ban lời hứa (c. 4), Phi-e-rơ kêu gọi độc giả:

Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức… (c. 5a)

Cứu rỗi và ban lời hứa là phần của Chúa, phần của chúng ta là phải gắng hết sức, đây là cố gắng của con người, không phải để được cứu nhưng để tăng trưởng. Phi-e-rơ nói chúng ta phải gắng hết sức THÊM CHO… Thêm cho là một từ chuyên môn, nói về việc các nhà quý phái tài trợ cho những chương trình nghệ thuật trong xã hội Hy-lạp ngày xưa và hàm ý rộng rãi, dư dật, hào phóng. Nói như vậy nghĩa là khi đã tin Chúa rồi, đã là con của Chúa rồi, chúng ta không thể cho đó là đủ mà phải tiếp tục thèm khát bước đến những bước cao hơn. Những bước cao hơn đó, theo thứ tự như sau:

·      Đức tin

·      Nhân đức

·      Học thức

·      Tiết độ

·      Nhịn nhục

·      Tin kính

·      Tình yêu thương anh em

·      Lòng yêu mến

1. Đức tin (faith)

Đức tin nói đến việc chúng ta mở lòng tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Đây là căn bản của đời sống theo Chúa. Chúng ta bắt đầu với đức tin nhưng không dừng lại ở đó mà phải thêm cho đức tin lòng nhân đức.

2. Nhân đức (goodness). Nhân đức mang ý nghĩa “tốt nhất” hay “thích hợp nhất” “đúng mục đích nhất.” Ví dụ: cái thích hợp nhất của con dao là để cắt, cái thích hợp nhất của con ngựa là để chạy và cái thích hợp nhất của người tin Chúa là nhân đức! Nhân đức mang ý nghĩa tuyệt vời, giống như Chúa Giê-xu. Sau khi tin Chúa, mục đích chúng ta phải hướng đến là trở nên giống như Chúa: đức tin của chúng ta phải thể hiện trong một đời sống tốt lành, nhân đức như Chúa trong nếp sống hằng ngày. Đã tin Chúa mà vẫn còn sống như người đời trong lời ăn tiếng nói, trong cách xử sự, trong thái độ là chúng ta chưa có nhân đức thật. Đời sống chúng ta phải được biến đổi thật sự để người khác có thể thấy điều tốt lành trong đời sống chúng ta. Sau đức tin phải có nhân đức, sau tin đạo phải có sống đạo.

3. Học thức (knowledge)

Học thức không phải là đi học thêm nhưng là hiểu biết. Đây là hiểu biết bằng kinh nghiệm không phải bằng trí óc. Đây là khôn ngoan trong thực tế, trong đời sống. Hiểu biết đây là biết phân biệt phải trái, giữa điều tốt và điều xấu.

4. Tiết độ hay tự chế (self-control)

Tiết độ là một trong những trái của Thánh Linh và là trái cuối cùng. Điều nầy rất quan trọng vì nó cho ta thấy đời sống của người tin Chúa là đời sống kỷ luật và quân bình. Tự chế là điều tiếp theo hiểu biết cho nên có thể nói, người hiểu biết thật sự là người biết tự chế, có đời sống kỷ luật, quân bình, bất cứ điều gì thái quá cũng có hại.

5. Nhịn nhục (endurance)

Mang ý nghĩa nhịn nhục trong những hoàn cảnh khó (Gia-cơ 1:2-4). Tiết độ và nhịn nhục đi gần nhau, vì vậy, có thể nói: trong sung sướng chúng ta cần tiết độ, trong gian khổ, cần nhịn nhục. Hay nói ngược lại, chúng ta cần tiết độ khi thụ hưởng và cần nhịn nhục khi gặp thử thách. Đó là đời sống quân bình: không buông thả trong khoái lạc, không than phiền, oán trách trong hoạn nạn.

6. Tin kính (godliness)

Mang ý nghĩa sống đời sống đẹp ý Chúa và vui lòng người như Chúa Giê-xu: “Càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu-ca 2:52). Tin kính là tôn Chúa làm chủ trong mọi khía cạnh của đời sống, có Đức Chúa Trời hiện diện trong mỗi chi tiết của đời sống. Nhờ đó, cách chúng ta xử sự với người khác sẽ tốt đẹp!

7. Tình yêu thương anh em (brotherly love)

Trong nguyên ngữ là philadelphia, gồm hai chữ: phileo (yêu thương) và adelphia (anh em). Đây là tình huynh đệ, nói đến tình yêu thương của anh chị em trong Chúa.

8. Lòng yêu mến (love)

Nguyên ngữ là agape, tình yêu thương vị tha, vô điều kiện, vì phúc lợi của người mình yêu thương. Đây là tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với con người (Giăng 3:16). Đặc tính của tình yêu nầy được mô tả chi tiết trong I Cô-rinh-tô 13:4-7. Đây là tột đỉnh của tình yêu, là mục đích tối hậu của người tin Chúa.

Tin kính nhấn mạnh mối quan hệ với Chúa, tình yêu thương anh em: mối quan hệ với người, lòng yêu mến đối với tất cả!

Một người tin Chúa có đầy đủ những đức tính nầy, sẽ đưa đến kết quả sau:

Nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đâu (c. 8)

Ở dưng nghĩa là “thiếu hiệu năng” (BHĐ). Phi-e-rơ cho thấy, nếu chúng ta luôn luôn tăng trưởng, tiến bộ với những đức tính kể trên, chúng ta sẽ có một đời sống kết quả và hầu việc Chúa cách hữu hiệu. Phi-e-rơ chẳng những nói có đủ các điều nầy nhưng cũng đầy dẫy nữa. Điều nầy cho thấy chúng ta không nên thỏa mãn trong tiến bộ thuộc linh mà phải luôn luôn mong ước “lên chốn cao hơn” trong đời sống đức tin.

Kết quả tâm linh Phi-e-rơ nhắc đến là kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 8b). Sự nhận biết Chúa nói đến mối tương giao giữa chúng ta với Chúa, kinh nghiệm giữa chúng ta với Chúa ngày càng sâu đậm. Nhận biết Chúa” là gốc rễ và là mục tiêu của người tin Chúa (Phi-líp 3:8-10).

Ngược lại với những kết quả trên, người thiếu tiến bộ tâm linh sẽ là người cận thị, người mù, quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước (c. 9). Trong nguyên văn, chữ đi trước chữ cận thị. Cả hai đều mang nghĩa bóng, chỉ về người thiếu nhãn quang tâm linh và vì vậy có cái nhìn thiển cận vào vấn đề. Đó là người quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước (c. 9b). Không tiến bộ trên phương diện tâm linh sẽ kéo chúng ta trở lại đời sống cũ, trước khi tin Chúa, như câu “đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến, ắt lùi!”

Vì vậy, Phi-e-rơ khuyên:

Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã. Dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta (c. 10-11)

Chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình không có nghĩa xét xem mình có được Chúa kêu gọi và chọn lựa hay không nhưng nghĩa là “cố gắng hơn nữa để xác định sự kêu gọi và sự chọn lựa của mình” (BHĐ). Kêu gọichọn lựa là hai yếu tố quan trọng trong sự cứu rỗi và đều đến từ Đức Chúa Trời, con người chúng ta chỉ đáp ứng lại sự kêu gọi và chọn lựa đó. Câu: Chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình hàm ý nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa đã yêu thương, Chúa đi trước kêu gọi và chọn lựa. Chúng ta phải nhớ điều đó để sống xứng đáng với sự kêu gọi và chọn lựa của Ngài. Phi-e-rơ cho biết, khi sống như vậy anh em sẽ không hề vấp ngã (c. 10b).

Không hề vấp ngã không phải là không còn phạm tội nữa (Gia-cơ 3:2) nhưng được Chúa gìn giữ để không bị sa ngã, trở về tình trạng tội lỗi cũ (Rô-ma 11:11a). Tác giả Lucas & Green (trang 63) nói rằng: “Đức Chúa Trời không bao giờ đổi ý về việc đưa người vào thiên đàng và Ngài cũng không xua đuổi vì chúng ta không tốt lành. Một người khi đã quyết tâm tin Chúa sẽ không bao giờ rơi vào lỗi lầm của các giáo sư giả (II Phi-e-rơ 2) nghĩa là mù và thiển cận tâm linh. Do đó, quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước (c. 9b).”

Câu 11 là lời đảm bảo cho chúng ta về sự cứu rỗi khi chúng ta ghi nhớ sự kêu gọi của Chúa và sống đúng với sự kêu gọi đó:

Dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta (c. 11)