12 Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi. 13 Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy 14 vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy, như Đức Chúa Giê-xu chúng ta đã bảo cho tôi. 15 Nhưng tôi ân cần rằng sau khi tôi đi, anh em có thể hằng nhớ điều tôi đã nói.
16 Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài. 17 Vì Ngài đã nhận lãnh sự tôn trọng vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.” 18 Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh. 19 Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra và sao mai mọc trong lòng anh em. 20 Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. 21 Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.
1. Câu: “Ở trong nhà tạm nầy” (c. 13a) chỉ về điều gi?
2. Phi-e-rơ có ý gì khi nói: “Tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy” (c. 14a)?
3. Mối quan tâm của Phi-e-rơ trong câu 12-15 là gì?
4. Phi-e-rơ nhắc lại kinh nghiệm của ông trên núi hóa hình (c. 16-18) với mục đích gì?
5. “Sao mai mọc trong lòng anh em” (c. 19b) nghĩa là thế nào?
5. “Bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (c. 21b” nghĩa là thế nào?
Sứ đồ Phi-e-rơ viết lên lời tâm tình của một mục sư đối với tín đồ:
Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi (c. 12)
Hai chữ “Bởi vậy” chỉ về những lý do Phi-e-rơ vừa nêu (c. 10-11). Đây là điều các tín hữu đã biết: Dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây. Dù họ đã biết, Phi-e-rơ nói: Tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi (c. 12b). Chẳng những nhắc nhở, ông cũng lấy lời răn bảo mà tỉnh thức họ (c. 13b).
Lý do Phi-e-rơ ân cần nhắc nhở như vậy là vì ông lo nghĩ đến tương lai của độc giả. Ba lần ông nói đến sự ra đi của mình:
· Tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu (c. 13a).
· Tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy (c. 14a).
· Sau khi tôi đi (c. 15a).
Nhà tạm (skenoma) là “trại” hay “lều,” cho thấy tính cách mong manh, tạm bợ của đời sống trên trần gian (II Cô. 5:1). Đi (exodos) nói đến sự chết (qua đời) (Lu-ca 9:31). Trong phần tiếp theo (c. 16-18), Phi-e-rơ nhắc lại sự kiện xảy ra trên núi hóa hình. Trong phần nầy, “nhà tạm” (trại) và “ra đi” (qua đời) cũng là hai từ được nhắc đến trong Lu-ca 9:28-36.
Phi-e-rơ được Chúa báo cho biết là ông sắp phải qua đời (c. 14) nên ông sợ rằng khi ông không còn, các tín hữu sẽ bị những người có niềm tin sai lạc dẫn dụ (Chương 2). Do đó, ông bảo họ phải khẳng định và đứng vững trong niềm tin và luôn ghi nhớ lời ông dạy bảo.
Bối cảnh của Thư II Phi-e-rơ là vấn đề giáo sư giả (Chương 2), vì vậy, Phi-e-rơ khẳng định cho độc giả thấy rằng những gì ông dạy dỗ họ là chân thật, đến từ kinh nghiệm của ông với Chúa, đặc biệt là kinh nghiệm trên núi hóa hình (Lu-ca 9:28-36):
Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài (c. 16)
Phi-e-rơ nhắc đến quyền phép (dunamis) và sự đến (parousia) của Chúa (c. 16a). Quyền phép nói đến việc hóa hình và sự đến là việc Chúa tái lâm (3:4, 12): “Quyền năng và sự quang lâm của Chúa chúng ta” (BHĐ). Có thể một số người cho rằng đó chỉ là những huyền thoại do Phi-e-rơ bịa đặt (c. 16b) nên ông khẳng định: Chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài, nhắc đến kinh nghiệm trên núi hóa hình.
Phi-e-rơ nhắc lại kinh nghiệm nầy với những từ oai nghiêm, tôn trọng, vinh hiển (“uy nghi, tôn trọng, vinh quang,” BHĐ) cho thấy thần tính của Chúa Giê-xu, Ngài chính là Đức Chúa Trời. Và lời phán: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” đến từ chính Đức Chúa Trời được gọi là Đấng tôn nghiêm rất cao (c. 17b).
Phi-e-rơ viết:
Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh (c. 18)
Đây là kinh nghiệm cá nhân của Phi-e-rơ: nghe tiếng từ trời trong sự hiện diện của Chúa Giê-xu. Ông gọi đó là hòn núi thánh, hàm ý có sự hiện diện của Chúa.
Sau khi kể lại kinh nghiệm trên núi hóa hình, Phi-e-rơ viết:
Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra và sao mai mọc trong lòng anh em (c. 19)
Nhân đó nghĩa là vì vậy, với kinh nghiệm đó, tức là kinh nghiệm trên núi hóa hình. Kinh nghiệm nầy giúp Phi-e-rơ càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn (c. 19a) nghĩa là “lời tiên tri chúng ta có càng được xác quyết hơn” (BHĐ). Lời các đấng tiên tri chỉ về Kinh Thánh Cựu Ước. Kinh nghiệm của Phi-e-rơ trên núi hóa hình là bằng chứng cho thấy những gì Kinh Thánh Cựu Ước nói về Chúa Giê-xu là đúng. Kinh Thánh đáng cho chúng ta tin cậy.
Sau khi xác quyết về giá trị của lời tiên tri, Phi-e-rơ khuyên:
Anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra và sao mai mọc trong lòng anh em (c. 19b)
Kinh Thánh được ví sánh như ngọn đèn (Thi thiên 119:105) và Phi-e-rơ khuyên độc giả nên chú ý lời đó trong viễn tượng ban ngày lộ ra và sao mai mọc trong lòng anh em. Sao mai nói đến hy vọng, đây là hy vọng về ngày Chúa tái lâm (Chương 3). Tác giả Michael Green tóm tắt sự dạy dỗ của phần nầy như sau:
Chúng ta là những khách hành hương trên trần gian tăm tối. Đức Chúa Trời đã vui ban cho chúng ta một ngọn đèn là Kinh Thánh. Nếu chúng ta chú ý đến sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, hướng dẫn và an ủi của Kinh Thánh, chúng ta sẽ bước đi an toàn trên đường đời. Không để ý đến Lời Chúa, chúng ta sẽ đi trong bóng tối. Cả cuộc đời chúng ta phải sống dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa (Green, trang 100)
Kết thúc lời khuyên cho độc giả, Phi-e-rơ viết:
Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời (c. 20-21)
Dựa vào văn mạch, vấn đề Phi-e-rơ nói đến ở đây không phải là việc giải nghĩa Kinh Thánh (lấy ý riêng giải nghĩa) nhưng là vấn đề viết Kinh Thánh vì trong câu trước, Phi-e-rơ nói:
Chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn (c. 19a)
Lời các đấng tiên tri chỉ về Kinh Thánh Cựu Ước, lời tiên tri đó là những lời bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời (c. 21b). Người ta chỉ về các tác giả của Kinh Thánh Cựu Ước, họ được Đức Thánh Linh cảm động để chỉ viết ra những điều Chúa muốn họ viết, đây không phải ý riêng của họ. Chữ “cảm động” (pheromene) là hình ảnh gió thổi vào cánh buồm để đưa con thuyền đi (Công vụ 27:15, 17). Người viết Kinh Thánh cũng để cho Thánh Linh hướng dẫn như vậy.
Thư II Ti-mô-thê 3:16 cho biết cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. Đây là giáo lý hà hơi hay thần cảm (inspiration). Thư II Phi-e-rơ 1:20-21 cho biết CÁCH Đức Chúa Trời soi dẫn: Ngài hướng dẫn để họ chỉ viết ra những gì Chúa muốn họ viết.