Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

TIÊN TRI GIẢ (2:1-3)

1 Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em. Họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. 2 Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha. 3 Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối trá khoét anh em nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay và sự hư mất của họ chẳng ngủ.

 

1. Chữ “Dầu vậy” ở đầu câu 1 hàm ý gì?

2. Chữ tương đương với “tiên tri giả” (câu 1a) là gì? Xin cho biết đặc tính của tiên tri giả (c. 1b)?

3. Ảnh hưởng tai hại của tiên tri giả là gì (c. 2)?

3. “Lấy lời dối trá khoét anh em” (c. 3b) nghĩa là thế nào?

4. Hai điều xảy ra cho các tiên tri giả là gì (c. 3c)?

 

Chữ dầu vậy ở đầu câu 1 là để đối chiếu với điều Phi-e-rơ vừa nói ở cuối Chương 1. Chủ đề của Phi-e-rơ trong Chương 2 là vấn đề tiên tri giả ngược lại với tiên tri thật Phi-e-rơ nói trong 1:19-21. Phi-e-rơ cho thấy tiên tri giả đã có trong quá khứ và cũng sẽ có trong tương lai:

Trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em (c. 1a)

Trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả nói đến các tiên tri giả trong thời Cựu Ước, hàm ý nếu đã có tiên tri giả trong quá khứ thì tiên tri giả trong tương lai chắc chắn cũng sẽ có. Hai từ tiên tri giảgiáo sư giả được dùng tương đương với nhau. Tiên tri là người nhân danh Chúa, truyền ra sứ điệp của Ngài. Giáo sư cũng vậy nhưng nhấn mạnh đến khía cạnh giáo huấn, hàm ý giáo sư thật là người dạy dỗ chân lý của Chúa. Giả vì vậy nghĩa là không chân thật, không phát xuất từ Đức Chúa Trời (Phục truyền 18:15-22).

Đặc tính của tiên tri giảgiáo sư giả là:

Họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình (c. 1b)

Truyền những đạo dối làm hại là đặc tính của tiên tri giả. Chữ truyền trong nguyên văn mang ý nghĩa truyền rao cách bí mật (“bí mật truyền bá các tà giáo nguy hại,” BHĐ). Đây là từ được dùng trong Ga-la-ti 2:4, mang ý nghĩa “len lỏi.” Giáo sư giả là những người đem giáo lý sai lạc bên ngoài gieo vào trong Hội Thánh. Đạo dối nói đến quan điểm dạy dỗ sai lầm mà hậu quả là làm hại (đưa đến chỗ diệt vong). Chữ làm hại được dùng hai lần trong câu nầy: làm hạihủy phá.

Một đặc tính khác của giáo sư giả là chối Chúa đã chuộc mình. Chữ Chúa trong câu nầy mang ý nghĩa người có thẩm quyền như người chủ gia đình. Chuộc mang ý nghĩa mua như người chủ mua nô lệ. Chối Chúa đã chuộc mình hàm ý các giáo sư giả đã từng tin nhận Chúa nhưng lại phủ nhận Chúa trong nếp sống của mình, như trong câu tiếp theo:

Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng (c. 2a)

Giáo sư giả là người chối Chúa trong nếp sống buông thả, không xứng hợp với niềm tin chân chính.

Hậu quả mà giáo sư giả sẽ gặt hái là tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Thình lình mang ý nghĩa chắc chắn sẽ xảy ra, không thể tránh khỏi. Chủ trương của các giáo sư giả là tai hại (truyền những đạo dối LÀM HẠI) và sẽ đem lại tai hại cho chính họ (tự mình chuốc lấy SỰ HỦY PHÁ thình lình). Làm hạihủy phá là cùng một từ trong nguyên văn.

Một hậu quả tai hại khác do các giáo sư giả đem lại là:

Đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha (c. 2b)

Bản Hiệu Đính dịch: “Vì họ mà con đường chân lý bị xúc phạm.” Đây là tai hại kinh khủng khi một người không sống đúng với niềm tin của mình.

Động cơ thúc đẩy các giáo sư giả làm việc nầy không gì khác hơn là lòng tham:

Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối trá khoét anh em nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay và sự hư mất của họ chẳng ngủ (c. 3)

Đặc tính thứ ba của các giáo sư giả là lấy lời dối trá khoét anh em (“dùng những lời lẽ dối trá để trục lợi anh em,” BHĐ). Các giáo sư giả dùng những lời bịa đặt, không có thật, những giáo lý sai lầm nhằm thúc đẩy tín đồ cống hiến tiền bạc hay làm những điều có lợi cho họ. Họ làm điều nầy chỉ vì lòng tham (c. 3a).

Cũng như trong đặc tính thứ nhất (c. 1b), hậu quả của việc làm của các giáo sư giả là hư mất:

Nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay và sự hư mất của họ chẳng ngủ (c. 3b)

Bản Hiệu Đính dịch phần nầy như sau:

Án phạt dành cho họ từ lâu nay vẫn còn hiệu lực và sự diệt vong dành cho họ chẳng hề ngơi nghỉ (c. 3b, BHĐ)

Ba lần, chữ “diệt vong” “hư mất” “hại” hay “hủy phá” được dùng trong phần nầy (cùng một từ trong nguyên văn). Điều nầy cho thấy số phận hư mất chắc chắn của các giáo sư giả.