4 Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét. 5 Nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi. 6 Nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau. 7 Nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, 8 (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình), 9 thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét, 10 nhứt là những kẻ theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt, khinh dể quyền phép rất cao.
1. Những chữ “nếu” trong các câu 4, 5 và 6 cho thấy điều gì?
2. “Các thiên sứ đã phạm tội” (c. 4a) là ai?
3. “Thế gian xưa” (c. 5a) chỉ về điều gì?
4. Lý do nào khiến thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị đoán phạt (c. 6)?
5. Tại sao Lót được gọi là “người công bình” (c. 7-8)?
6. Những lời trong câu 10 chỉ về ai?
Những chữ nếu trong các câu 4, 5 và 6 nói về ba trường hợp phạm tội trong Cựu Ước đã không tránh được hình phạt của Đức Chúa Trời: (1) Các thiên sứ, c. 4. (2) Nhân loại thời Nô-ê, c. 5. (3) Sô-đôm và Gô-mô-rơ, c. 6. Cả ba trường hợp đều nói về hình phạt của Đức Chúa Trời: Nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc… Ngài đã đoán phạt. Ba ví dụ nầy cho thấy Chúa chắc chắn sẽ hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét (c. 9b).
(1) Các thiên sứ. Phi-e-rơ cho biết đây là các thiên sứ đã PHẠM TỘI (c. 4a). Giu-đe thì cho biết đây là các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình (Giu-đe 6a). Không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình hàm ý phản loạn, chống lại Đức Chúa Trời.
Số phận của các thiên sứ phạm tội nầy là:
Quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét (c. 4b)
Điều nầy cho thấy trong hiện tại có một nơi gọi là vực sâu và các thiên sứ phạm tội nầy đang bị giam giữ tại đó và sẽ đến ngày họ bị phán xét. Phi-e-rơ đưa ra hai ví dụ nữa cho thấy rằng tội lỗi chắc chắn sẽ bị hình phạt, để cảnh cáo độc giả về các giáo sư giả.
(2) Nhân loại thời Nô-ê (c. 5). Tương tự như trường hợp các thiên sứ phạm tội, nhân loại thời Nô-ê đã bị hủy diệt hoàn toàn vì tội lỗi của mình (Sáng 6:11-13) ngoại trừ Nô-ê và gia đình (I Phi. 3:20). Nô-ê được gọi là thầy giảng đạo công bình nghĩa là đời sống thánh sạch của ông là tiếng nói công chính. Người đương thời nhìn vào ông thấy thể hiện sự công chính. Nô-ê giảng đạo công bình bằng chính đời sống mình.
(3) Sô-đôm và Gô-mô-rơ (c. 6). Câu chuyện về thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ được ghi rõ trong Sáng thế ký 13:13; 19:24-25.
Nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau (c. 6)
Khiến hóa ra tro hàm ý bị thiêu hủy hoàn toàn. Đây cũng là thành ngữ được các sử gia dùng để mô tả việc thành phố Pompeii bị núi lửa Vesuvius chôn vùi vào năm 79 S.C. Phi-e-rơ nhấn mạnh: Để làm gương cho người gian ác về sau. Sô-đôm và Gô-mô-rơ chẳng những bị đoán phạt nhưng cũng là gương để cảnh báo người đời sau.
Sau những câu: Nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc… nhưng quăng vào trong vực sâu… Nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, sai nước lụt phạt đời gian ác nầy… Nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ… chúng ta nghĩ rằng Phi-e-rơ sẽ viết: “Thì Ngài cũng sẽ hình phạt tội lỗi ngày nay như vậy,” nhưng trái lại, ông viết:
Nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình), thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ… (c. 7-9a)
Như vậy, chúng ta thấy Phi-e-rơ nhấn mạnh về sự giải cứu của Chúa trong ví dụ thứ ba (Sô-đôm và Gô-mô-rơ) đó là việc giải cứu ông Lót và gia đình. Lót được gọi là người công bình (c. 7a). Những chi tiết trong Sáng thế ký cho thấy Lót không phải là người công bình cho nên “người công bình” trong trường hợp nầy mang ý nghĩa Lót là người tốt so với dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Phần trong ngoặc cho thấy ý nghĩa đó:
Vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình (c. 8)
Lót là người công bình, ít nhất là trong lương tâm, ông đau xót về nếp sống tội lỗi của dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ:
Người công chính nầy sống giữa họ, ngày lại ngày linh hồn công chính của ông bị dằn vặt bởi những hành động vô luân của họ (c. 8, BHĐ)
Phi-e-rơ kết thúc phần nầy với câu:
Thì Chúa biết cứu chữa những người tin kính khỏi cơn cám dỗ (c. 9a)
Bản Hiệu Đính dịch:
Thì Chúa biết làm thế nào để giải cứu những người tin kính khỏi sự thử thách (c. 9a)
Thử thách và cám dỗ là cùng một từ trong nguyên văn (peirasmos) nên tùy văn mạch để hiểu nghĩa từ nầy. Ngoài ra, cám dỗ cũng mang ý nghĩa thử thách đối với người chiến thắng cám dỗ. Người chiến thắng cám dỗ là người vượt qua được thử thách. Thử thách đến từ Chúa hay được Chúa cho phép để rèn luyện chúng ta còn cám dỗ đến từ ma quỷ.
Trong trường hợp nầy, Phi-e-rơ nói về việc Chúa giải cứu Lót (c. 7) để kết luận Chúa cũng cứu những người tin kính (c. 9) nên mang ý nghĩa Chúa cứu chúng ta khỏi thử thách. Cứu khỏi thử thách không phải là KHÔNG bị thử thách nhưng được Chúa giải thoát ra khỏi thử thách (I Cô. 10:13; Khải 3:10).
Người tin kính thì được giải cứu khỏi sự thử thách còn người không công bình sẽ bị hình phạt (c. 9b) và bị cầm giữ chờ ngày phán xét như điều đã xảy ra cho các thiên sứ phạm tội (c. 4).
Như vậy, II Phi-e-rơ 2:1-10a một mặt là lời cảnh cáo những người phạm tội, mặt khác, là lời hứa cho người tin kính. Phi-e-rơ đang cảnh cáo độc giả về các giáo sư giả nên ông viết:
Nhứt là những kẻ theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt, khinh dể quyền phép rất cao (c. 10a)
Đó là đặc tính của giáo sư giả được mô tả trong phần tiếp theo.