17 Ấy là những suối không nước, những đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi và sự tối tăm mờ mịt đã để dành cho chúng nó. 18 Chúng nó dùng những lời văn hoa hư đản, đem những điều ham muốn của xác thịt và điều gian dâm mà dỗ dành những kẻ mới vừa tránh khỏi các người theo đường lầm lạc. 19 Chúng nó hứa sự tự do cho người, mà chính mình thì làm tôi mọi sự hư nát vì có sự chi đã thắng hơn người, thì người là tôi mọi sự đó.
20 Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. 21 Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn. 22 Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.
1. Hai hình ảnh: “Suối không nước” và “Đám mây bị luồng gió mạnh đưa đi” nói lên điều gì?
2. “Hứa sự tự do cho người, mà chính mình thì làm tôi mọi sự hư nát” (c. 19a) nghĩa là gì?
3. Tại sao Phi-e-rơ nói: “Số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu” (c. 20)?
4. Hai hình ảnh trong câu 22 nói lên điều gì?
Sau khi nói về đặc tính của giáo sư giả (c. 10b-16), Phi-e-rơ nói đến số phận hay hậu quả việc làm của họ (c. 17-22).
Trước hết, Phi-e-rơ gọi họ là suối không nước và mây bị luồng gió mạnh đưa đi (c. 17a).
Suối không nước nói đến việc không đem lại thỏa mãn. Tà giáo (sự dạy dỗ sai lầm của giáo sư giả) hứa hẹn nhiều điều nhưng trong thực chất không có gì cả! Đối chiếu với suối không nước là “sông nước hằng sống” (Giăng 7:38) và “mạch nước văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:13-14) chỉ về Chúa Giê-xu và Chúa Thánh Linh của người có đức tin thật và đạo thật trong Chúa. Tác giả Michael Green nói rằng, “Tà giáo nghe tươi mới trong lớp học nhưng tuyệt đối không đem lại thỏa mãn cho cộng đồng đức tin.”
Chữ mây trong câu: Mây bị luồng gió mạnh đưa đi (c. 17a) trong nguyên văn là homichlai, nói đến sương mù trong mùa khô dễ bị gió thổi tan. Đây nói đến tính cách không vững vàng và chóng qua trong giáo lý của giáo sư giả.
Sự tối tăm mờ mịt đã để dành cho chúng nó (c. 17b) hàm ý “các giáo sư giả tạo ra sự tối tăm tạm thời trong sự dạy dỗ của họ trên đời nầy thì họ sẽ phải lãnh chịu sự tối tăm đời đời trong tương lai” (Green trích Calvin, trang 137).
Chúng nó dùng những lời văn hoa hư đản, đem những điều ham muốn của xác thịt và điều gian dâm mà dỗ dành những kẻ mới vừa tránh khỏi các người theo đường lầm lạc (c. 18)
Lời văn hoa hư đản nghĩa là “những lời khoe khoang rỗng tuếch” (BHĐ), dùng những từ to lớn nhưng không có ý nghĩa. Chữ dỗ dành mang ý nghĩa “dụ dỗ” (BHĐ) như người dùng mồi để câu cá. Giáo sư giả là những người “dùng những tham muốn đồi bại của xác thịt mà dụ dỗ những người vừa thoát khỏi tay những kẻ sống trong lầm lạc” (c. 18b, BHĐ).
Chúng nó hứa sự tự do cho người, mà chính mình thì làm tôi mọi sự hư nát vì có sự chi đã thắng hơn người, thì người là tôi mọi sự đó (c. 19)
Sự tự do nói ở đây là tự do sống buông thả trong tội lỗi theo sự dạy dỗ của các giáo sư giả (c. 13-14). Tuy nhiên, kết quả sau cùng của họ sẽ là hư nát (làm tôi mọi sự hư nát, c. 19b). Chữ hư nát cũng là chữ chết đi (“diệt vong,” BHĐ) trong câu 12. Điều nầy cho thấy hứa hẹn của các giáo sư giả chỉ là hư ảo vì chính họ là người không có tự do nhưng là nô lệ cho sự diệt vong.
Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu (c. 20)
Đây là câu mô tả các giáo sư giả, là những người đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian (c. 20b). Động từ thoát khỏi ở thì quá khứ đơn (aorist) mang ý nghĩa đây là một hành động đơn độc trong quá khứ, KHÔNG PHẢI ở thì quá khứ hoàn tất (perfect), chỉ về tình trạng được thoát khỏi hoàn toàn.
Phi-e-rơ cho biết họ có sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 20a), tuy nhiên theo câu 2b, họ đã chối Chúa đã chuộc mình. Điều nầy chứng tỏ họ đã không có mối tương giao thật với Chúa.
Do đó, dù đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian (c. 20b), họ lại mắc phải và suy phục những sự đó (c. 20b). Lại hàm ý quay về tình trạng cũ. Mắc phải là hình ảnh đan dệt (Ma-thi-ơ 27:29a) cho thấy các giáo sư giả đã để cho nếp sống tội lỗi cũ (sự ô uế của thế gian) chen vào đời sống và vì vậy họ đã phải chịu suy phục những sự đó (c. 20b). Động từ suy phục ở thì diễn tiến (present) cho thấy họ tiếp tục bị nếp sống cũ đánh bại.
Phi-e-rơ kết luận phần nầy với câu:
Số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu (c. 20c)
Tác giả Steven Cole cho biết, Số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu vì:
1. Một người đã từng nghe về Chúa và có một vài kinh nghiệm về đạo rồi lui đi, rất khó cho họ kinh nghiệm hiểu biết đầy trọn với Chúa. Họ thường nói, “Tôi biết rồi!” (Ma-thi-ơ 12:43-45). Do đó sẽ khó cho họ ăn năn tin Chúa hơn những người chưa biết về Chúa.
2. Mỗi người sẽ chịu xét xử dựa trên những gì mình biết nhưng khước từ (Ma-thi-ơ 11:21-24). Đã biết chân lý nhưng lại khước từ chắc chắn sẽ bị hình phạt nặng hơn!
Phi-e-rơ nói lên một điều đáng tiếc nữa về các giáo sư giả:
Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn (c. 21)
Đường công bình nói đến đường lối hay tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Đường lối nầy được trình bày qua lời dạy của Chúa: Lời răn thánh đã truyền cho mình (c. 21b). Thà không biết Lời Chúa, còn biết nhưng bỏ đi thì thật đáng tiếc!
Phi-e-rơ kết thúc phần nói về giáo sư giả với hai hình ảnh thật rõ ràng:
Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn (c. 22)
Hình ảnh thứ nhất: Chó liếm lại đồ nó đã mửa (c. 22a) trích từ Châm ngôn 26:11. Hình ảnh thứ hai: Heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn (c. 22b) trích từ sách truyện của người Sy-ri. Cả hai hình ảnh nói lên việc từ bỏ nhưng không thật sự từ bỏ. Con chó mửa ra những gì trong bụng nhưng liếm trở lại cái nó đã mửa! Con heo dù tắm cho sạch cũng vẫn chỉ thích lăn lóc trong bùn!
Điều nầy cho thấy các giáo sư giả là những người không thật sự ăn năn hay thay đổi vì vậy họ luôn luôn trở về con đường tội lỗi của mình. Chó và heo cũng là hai hình ảnh Chúa Giê-xu dùng để mô tả những con người không nhìn biết giá trị tâm linh (Ma-thi-ơ 7:6).