Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1

ĐỨC CHÚA TRỜI PHÁN DẠY (1:1-4)

1 Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, 2 rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian. 3 Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật. Sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, 4 vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu.

1. “Đời xưa” (c. 1a) là nói đến lúc nào?

2. Xin cho biết những “lần” và “cách” khác nhau Đức Chúa Trời đã dùng để phán dạy?

3. “Ngày sau rốt” (c. 2a) là khi nào?

4. Xin kể ra những đặc tính của “Con” trong câu 2-4 và ý nghĩa của mỗi điều:

(1) ______________________________________________________

(2) ______________________________________________________

(3) ______________________________________________________

(4) ______________________________________________________

(5) ______________________________________________________

(6) ______________________________________________________

(7) ______________________________________________________

 

Thư Hê-bơ-rơ là một lá thư đặc biệt gởi cho cộng đồng tín hữu Do-thái trong thế kỷ thứ nhất. Dù đã tin nhận Chúa Giê-xu, Do-thái giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh trên đời sống họ. Nhiều người có khuynh hướng lui đi để trở lại với niềm tin cũ. Tác giả viết thư nầy với mục đích cho độc giả thấy rằng, Chúa Giê-xu vượt trội hơn tất cả mọi điều họ vẫn tin xưa nay và Ngài là tiếng nói sau cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại.

Điều vượt trội đầu tiên tác giả cho thấy là vượt trội về phương cách mạc khải:

Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài… (c. 1-2a)

Đời xưa nói đến thời Cựu Ước và tiên tri là ngôn sứ hay người phát ngôn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán dạy nghĩa là Đức Chúa Trời truyền đạt thông điệp của Ngài qua các tiên tri (nghĩa chính của tiên tri là “người truyền ra”–forthteller). Đức Chúa Trời phán dạy nghĩa là Ngài mạc khải, trình bày chính mình Ngài cho nhân loại.

Đức Chúa Trời làm điều nầy nhiều lần nhiều cách. Ngài đã thể hiện, bày tỏ chính Ngài qua thiên nhiên (Thi thiên 19:1), Ngài đã hiện ra với Môi-se trong bụi gai cháy (Xuất 3:1-4), với Áp-ra-ham trong hình ảnh ba người (Sáng 18:1-2), với cha mẹ Sam-sôn trong hình dạng thiên sứ (Quan xét 13:3). Tất cả người Do-thái đọc Cựu ước đều biết những lần, những cách Đức Chúa Trời phán dạy tổ phụ, tức cha ông của họ.

Những ngày sau rốt nói đến thời đại Tân Ước, từ lúc Chúa Giê-xu giáng sinh. Mạc khải sau cùng của Đức Chúa Trời cho con người là Chúa Giê-xu, đầy đủ nhất, không cần một mạc khải nào khác.

Tác giả nói những điều sau đây về Chúa Giê-xu:

1. Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật

Kế tự nghĩa là “thừa kế” (BHĐ). Đức Chúa Trời lập Chúa Giê-xu làm người thừa kế muôn vật nghĩa là Chúa Giê-xu sở hữu và cầm quyền trên muôn vật.

 

2. Bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian

Bởi Con nghĩa là “qua Con” (BHĐ). Qua Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ (Giăng 1:3).

3. Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời

Chúa Giê-xu là “ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời” (BHĐ). Đây là hình ảnh của ánh nắng mặt trời lúc bình minh sau đêm dài tăm tối. Sự vinh hiển Đức Chúa Trời nói đến sự hiện diện của Ngài và sự hiện diện đó thể hiện trong Chúa Giê-xu (Giăng 1:14).

4. Hình bóng của bổn thể Ngài

Hình bóng là hình ảnh “con dấu,” nghĩa là hình trên con dấu như thế nào thì hình đóng ra từ con dấu cũng giống hệt như vậy: Chúa Giê-xu hình ảnh trung thực của bản thểĐức Chúa Trời (BHĐ). Bản thể nói đến thuộc tính, tức là đặc tính của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời có những thuộc tính nào thì Chúa Giê-xu cũng có những thuộc tính đó, Ngài chính là Đức Chúa Trời.

5. Lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật

Đức Chúa Trời là Tạo Hóa, tạo dựng vũ trụ nhưng Ngài không tạo dựng rồi để mặc cho vũ trụ xoay vần như chủ trương của những người theo Tự Nhiên Thần Giáo (Deism). Chúa tiếp tục nâng đỡ muôn vật, nghĩa là Ngài luôn chăm sóc, giữ cho vũ trụ nầy đứng vững. Chúa nâng đỡ bằng lời quyền phép của Ngài. Chúa Giê-xu chính là Ngôi Lời (logos). Ngôi Lời đã tạo dựng vũ trụ thì cũng chính Ngôi Lời nâng đỡ vũ trụ Ngài tạo dựng (Giăng 1:1-3).

6. Làm xong sự sạch tội

Những đặc tính trên nói về quyền năng của Chúa Giê-xu, Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng tác giả cho thấy Chúa Giê-xu cũng là Đấng cứu chuộc nhân loại. Sự sạch tội (“tẩy sạch tội lỗi, BHĐ) là hình ảnh của Đại Lễ Chuộc Tội (Lê-vi ký 16) trong đó các sinh tế được dâng cho Đức Chúa Trời để chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên. Tác giả muốn độc giả Do-thái thấy rằng, việc chuộc tội đó giờ đây đã được hoàn tất trong Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu chẳng những là Đấng toàn năng tạo dựng và nâng đỡ vũ trụ, Ngài cũng là Đấng tẩy sạch tội lỗi con người, đem họ trở về với Đức Chúa Trời.

7. Ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao

Đây là địa vị hiện tại của Chúa Giê-xu, địa vị vinh dự (ngồi bên hữu) và cũng là địa vị cầu thay cho chúng ta (Rô-ma 8:34).

Sau lời giới thiệu về Chúa Giê-xu là tiếng nói sau cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại: Ngài là Đức Chúa Trời quyền năng, cũng là Đấng cứu chuộc. Bây giờ tác giả so sánh Chúa Giê-xu với thiên sứ:

Vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu (c. 4)

Thiên sứ có một chỗ đứng quan trọng trong niềm tin của người Do-thái. Họ tin rằng, luật pháp đã được ban cho họ bởi các thiên sứ ( Công vụ 7:53; Ga-la-ti 3:19). Nhưng bây giờ tác giả Thư Hê-bơ-rơ minh chứng cho thấy Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ rất nhiều.