Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 3

NGUY CƠ TRÔI LẠC (2:1-4)

1 Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng. 2 Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, 3 mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? — là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, 4 Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó.

1. “Giữ vững” (c. 1a) nghĩa là gì?

2. “Trôi lạc” (c. 1b) là làm sao?

3. Có thể trả lời câu hỏi nêu trong câu 2-3 không? Tại sao?

4. Dựa trên câu 3-4, xin kể ra những yếu tố liên quan đến sự cứu rỗi.

 

Thư Hê-bơ-rơ chủ yếu nói về tính cách cao trọng của Chúa Giê-xu, nhưng xen vào phần chính của chủ đề là những “phân đoạn trong ngoặc” mang tính cách báo động hay cảnh cáo độc giả về những hiểm họa hay nguy cơ họ có thể rơi vào, nếu không cẩn thận. Những nguy cơ đó gồm có:

o  Nguy cơ bị trôi lạc                             2:1-4

o  Nguy cơ của lòng không tin           3:7-19

o  Nguy cơ bội đạo                                  6:4-8

o  Nguy cơ cố ý phạm tội                     10:26-31

o  Nguy cơ khước từ                              12:25-29

Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe, e kẻo bị trôi lạc chăng (c. 1)

Lý do tác giả nói về nguy cơ bị trôi lạc liên quan đến chủ đề thiên sứ vừa nêu (1:5-14):

Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? (c. 2-3)

Nhiệm vụ của thiên sứ là rao truyền, hàm ý rao truyền luật pháp của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:19b). Luật pháp đó vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi nghĩa là: “Lời thiên sứ rao truyền là chắc chắn và mọi sự vi phạm hay bất tuân đều bị báo ứng thích đáng” (BHĐ).

Tác giả đối chiếu hai điều:

1. Luật pháp do thiên sứ rao truyền trong quá khứ (c. 2).

2. Sự cứu rỗi Chúa truyền hôm nay (c. 3).

 

 

 

 

Đặc điểm luật pháp do thiên sứ rao truyền trong quá khứ:

(1) Chắc chắn (không thay đổi).

(2) Người vi phạm hay bất tuân luật pháp đó đều bị báo ứng thích đáng, nghĩa là chắc chắn bị hình phạt nếu bất tuân luật pháp.

Do đó, đối chiếu với sự cứu rỗi Chúa truyền hôm nay:

Nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được (c. 3a)?

Lời cảnh báo về nguy cơ bị trôi lạc (2:1-4) được đặt ở đây vì tác giả vừa nói đến thiên sứ với nhiệm vụ rao truyền cho nên sự cứu rỗi do chính Chúa rao truyền càng đáng cho chúng ta để tâm vâng phục để không bị hình phạt. Chữ trễ nải mang ý nghĩa “coi thường” (BHĐ).

 

 

NGUỒN RAO TRUYỀN

NỘI DUNG RAO TRUYỀN

KẾT QUẢ

Câu 2

Thiên sứ

Luật pháp

o  Chắc chắn

o  Báo ứng thích đáng

Câu 3

Chúa

Sự cứu rỗi

Không tránh khỏi hình phạt

 

Lời khuyên chính của phần nầy là:

Chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe (c. 1a)

Hay theo Bản Hiệu Đính:

Chúng ta càng phải chú ý kỹ hơn về điều mình đã nghe (c. 1a, BHĐ)

Giữ vững là để đối chiếu với nguy cơ trôi lạc, tác giả nói trong phần tiếp theo:

E kẻo bị trôi lạc chăng (c. 1b)

Trôi lạc là hình ảnh một chiếc thuyền không người lèo lái, bị trôi giạt và cuốn vào nơi nguy hiểm lúc nào không hay (nghĩa chính của chữ nầy là “tuột khỏi tay”). Chữ trôi lạc cùng với chữ trễ nải (c. 3a) nói đến một sự việc xảy ra từ từ, chính người trong cuộc cũng không hay và khi biết ra thì đã muộn. Trễ nải mang ý nghĩa coi thường hay hững hờ, bỏ qua. Trong đời sống đức tin, khi chúng ta bỏ qua việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện hay thờ phượng với các tín hữu khác, chúng ta sẽ dần dần bị trôi lạc như vậy.

Đối với độc giả Thư Hê-bơ-rơ, điều họ có thể bị trôi lạc khỏi là những gì họ đã nghe: Giữ vững lấy điều mình đã NGHE (c. 1a). Và điều họ đã nghe không gì khác hơn là sự cứu rỗi (c. 3a). Sự cứu rỗi nầy được mô tả như sau:

Là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó (c. 3b-4)

Bản Hiệu Đính dịch phần nầy như sau:

Đó là ơn cứu rỗi được Chúa công bố từ ban đầu, rồi những người đã nghe xác chứng cho chúng ta. Đức Chúa Trời cũng đã làm chứng bằng những dấu lạ, phép mầu và nhiều việc quyền năng cùng những ân tứ của Đức Thánh Linh được ban phát theo ý muốn Ngài (c. 3b-4, BHĐ)

Các chi tiết trong phần nầy cho thấy tác giả và độc giả Thư Hê-bơ-rơ là những người thuộc thế hệ thứ hai, không đồng thời với các sứ đồ: “Những người đã nghe xác chứng cho chúng ta” (c. 3b). Ngoài ra: “Đức Chúa Trời cũng đã làm chứng bằng những dấu lạ, phép mầu và nhiều việc quyền năng cùng những ân tứ của Đức Thánh Linh được ban phát theo ý muốn Ngài.” Lời nầy mô tả hoàn cảnh Hội Thánh trong thế kỷ thứ nhất với việc làm của Đức Thánh Linh trong Hội Thánh.

Sự cứu rỗi độc giả Thư Hê-bơ-rơ đã tiếp nhận là chân thật và chắc chắn (tương tự như luật pháp đã được Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài). Do đó, nếu coi thường hay hờ hững họ sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng trôi giạt và đánh mất đức tin của mình. Đây cũng là lời cảnh báo cho chúng ta trong hoàn cảnh hôm nay.