Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 4

“DƯỚI THIÊN SỨ MỘT CHÚT” (2:5-9)

5 Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ. 6 Nhưng có kẻ đã làm chứng rằng:

Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến?

Con người là ai, mà Chúa săn sóc đến?

7 Chúa đã đặt Người ở dưới thiên sứ một chút,

Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng

8 Và đặt mọi vật dưới chân Người. 

Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Giê-xu như vậy thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài, song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài. 9 Nhưng Đức Chúa Giê-xu nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu đã vì mọi người nếm sự chết.

 

1. “Thế gian hầu đến” (c. 5a) chỉ về điều gì?

2. Xin đọc Thi thiên 8:4-6 và so sánh với câu 6-8. Hai phần Kinh Thánh nầy giống nhau và khác nhau thế nào? Tại sao?

3. Xin cho biết ý của tác giả trong câu 8b.

4. “Vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng” (c. 9b) nói lên điều gì?

5. “Đức Chúa Giê-xu đã vì mọi người nếm sự chết” (c. 9c) nghĩa là thế nào?

 

Hê-bơ-rơ 1:5 – 2:18 là phần nói về Đức Chúa Con và thiên sứ. Trong phần đầu (1:5-14) tác giả cho thấy Đức Chúa Con cao trọng hơn thiên sứ. Phần còn lại (2:5-18) cho thấy sự hạ mình và được tôn cao của Đức Chúa Con đối chiếu với thiên sứ. Tác giả trích Thi thiên 8:4-5 để minh chứng cho điều nầy. Lời trích nầy cũng như những chỗ khác trong Thư Hê-bơ-rơ dựa trên Bản Bảy Mươi (LXX, Bản dịch Hy-lạp Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ) nên có phần khác với các câu trong Cựu Ước tiếng Hê-bơ-rơ.

Phần nầy bắt đầu như sau:

Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ (c. 5)

Chữ thế gian tác giả nhắc đến trước đó (1:6) chỉ về thế giới loài người, còn ở đây, ông nói thế gian hầu đến, chỉ về vương quốc Đức Chúa Trời thiết lập trong tương lai qua Chúa Giê-xu.

Trong 1:6:

khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào THẾ GIAN, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con (1:6)

Còn ở đây (2:5):

THẾ GIAN HẦU ĐẾN mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ (2:5)

Trong cả hai trường hợp, Chúa Giê-xu đều vượt trội hơn thiên sứ:

(1) Thiên sứ phải thờ lạy Chúa Giê-xu (1:6).

(2) Thế giới tương lai không phục dưới quyền các thiên sứ (2:5).

Sau khi cho thấy thế giới tương lai không phục dưới quyền các thiên sứ (c. 5), tác giả nói đến việc Chúa Giê-xu giáng sinh làm người mà ông gọi là Ngài ở dưới các thiên sứ một chút (c. 7a; 9a). Trong Thi thiên 8:5, chữ các thiên sứ trong tiếng Hê-bơ-rơ là Elohim (số nhiều) có thể dịch là “Đức Chúa Trời” hay “các thần.” Bản Bảy Mươi (LXX) dịch là “các thiên sứ.” Ở đây, tác giả Thư Hê-bơ-rơ đã dùng Bản Bảy Mươi để trích dẫn và áp dụng vào Chúa Giê-xu hàm ý, trong thời gian tại thế Chúa Giê-xu đã trở thành người và đó là lúc Chúa ở dưới thiên sứ một chút (c. 7a; 9a).

Tác giả cũng áp dụng phần còn lại vào Chúa Giê-xu:

Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng,

Và đặt mọi vật dưới chân Người (c. 7b-8a)

Ông giải thích:

Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Giê-xu như vậy thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài, song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài (c. 8b)

Tác giả muốn nói rằng việc muôn vật phục dưới quyền của Chúa Giê-xu sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều ông muốn nhấn mạnh bây giờ là việc Chúa Giê-xu hạ mình chịu chết đã đem lại sự cứu rỗi và giải thoát cho nhân loại (c. 14-15)

Như vậy tác giả dùng đề tài thiên sứ để trước hết cho thấy Chúa Giê-xu cao trọng hơn thiên sứ (1:4-14). Trong phần còn lại (2:5-16), ông nói hai điều liên quan đến thiên sứ:

(1) Trong thời gian nhập thể (incarnation) Chúa Giê-xu tự đặt mình “thấp hơn” thiên sứ để chịu chết thay cho nhân loại.

(2) Chúa đến thế gian không phải vì thiên sứ nhưng vì con dân của Ngài (c. 16).

Hai điều tác giả nói về Chúa Giê-xu khi Ngài ở thế hạ (c. 9b) là:

(1) Chúa chịu chết.

(2) Chúa được đội mão triều vinh hiển tôn trọng.

Trong Thi thiên 8:5b việc đội mão triều vinh hiển tôn trọng áp dụng cho con người nhưng tác giả Thư Hê-bơ-rơ đã dùng cụm từ đó áp dụng cho Chúa Giê-xu, hàm ý rằng, sau khi chịu chết, Chúa đã sống lại và thăng thiên. Chúa được đội mão triều vinh hiển tôn trọng chỉ về điều đó.

Chúa chịu chếtChúa được đội mão triều vinh hiển tôn trọng là giai đoạn hạ mình và giai đoạn được tôn cao trong cuộc đời Chúa Giê-xu (Phi-líp 2:7-11).

Điểm tác giả nhấn mạnh trong phần nầy là cái chết thay thế của Chúa Giê-xu trên thập tự giá đem lại sự cứu rỗi cho toàn thể nhân loại:

Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-xu đã vì mọi người nếm sự chết (c. 9b)

Bởi ân điển của Đức Chúa Trời cho thấy chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại dựa trên ân sủng của Ngài, không dựa trên công đức của con người. Động từ nếm nói đến sự kinh khiếp của cái chết, chết thật chứ không phải chỉ nếm mà thôi (cùng một động từ chết dùng trong Ma-thi-ơ 16:28 và Mác 9:1). Những chữ vì mọi người nghĩa là thay thế cho mọi người, đứng thế chỗ cho nhân loại. Đó là ý nghĩa đích thực về sự chết của Chúa Giê-xu: cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết thay thế, Chúa không phải chết nhưng Chúa đã chết thay cho chúng ta, để chuộc tội cho chúng ta.