10 Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm. 11 Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em, 12 khi Ngài có phán:
Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi,
Và ngợi khen Chúa ở giữa hội.
13 Ngài lại phán: Ta sẽ phó thác ta cho Chúa.
Lại phán: Ta đây, ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho ta.
14 Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Giê-xu cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, 15 lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời. 16 Vì quả thật không phải Ngài đến vùa giúp các thiên sứ, bèn là vùa giúp dòng dõi của Áp ra-ham, 17 Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. 18 Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.
1. “Muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài” (c. 10a) nghĩa là thế nào? “ĐẤNG mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài” là ai?
2. “ĐẤNG làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy” (c. 10b) là ai?
3. “Nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành” (c. 10c) nghĩa là thế nào?
4. “Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh” (c. 11a) chỉ về những ai?
5. Chúa “không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em” (c. 11b) hàm ý gì?
6. “Có phần về huyết và thịt” (c. 14a) nghĩa là gì?
7. Tại sao “bởi sự chết” mà Chúa Giê-xu có thể “phá diệt kẻ cầm quyền sự chết” (c. 14b)?
8. “Dòng dõi của Áp-ra-ham” (c. 16b) chỉ về ai?
9. Chúa “phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự” (c. 17a) nghĩa là thế nào?
10. Tại sao Chúa Giê-xu được gọi là “thầy tế lễ thượng phẩm” (c. 17a)?
11. Chúa Giê-xu “chịu khổ trong khi bị cám dỗ” (c. 18a) nghĩa là thế nào?
12. Chúa “có thể cứu những kẻ bị cám dỗ” (c. 18b) như thế nào?
Câu 10 có phần phức tạp nên cần được phân tích như sau để thấy rõ:
Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm (c. 10)
Chủ từ: Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài (tức là Đức Chúa Trời).
Động từ: Khiến nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành.
Túc từ: Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy (tức là Chúa Giê-xu).
Đối với điều nầy, tác giả nói: Thật… là phải lắm!
Bản Hiệu Đính dịch như sau:
Vì muôn vật hiện hữu là do Đức Chúa Trời và vì Đức Chúa Trời, nên khi muốn đem nhiều con cái đến vinh quang, Ngài đã khiến Đấng làm cội nguồn ơn cứu rỗi của họ phải trải qua đau khổ để được toàn hảo là điều thích hợp (c. 10, BHĐ)
Hai ý chính trong câu nầy là:
1. Đức Chúa Trời muốn đem nhiều con cái đến vinh quang (c. 10a)
2. Để làm điều nầy, Đức Chúa Trời khiến Chúa Giê-xu phải chịu khổ để hoàn thành mục đích đó (c. 10b).
Tác giả gọi Đức Chúa Trời là Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài hàm ý Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và bảo tồn muôn vật.
Ông gọi Chúa Giê-xu là Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy. Đấng làm cội rễ (archegos, 12:2) mang ý nghĩa “đầu tiên và lãnh đạo” tức là “cội nguồn” (BHĐ).
Nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành nói đến tất cả những đau đớn Chúa Giê-xu phải gánh chịu là để hoàn thành sự cứu rỗi cho chúng ta. Trọn lành mang ý nghĩa hoàn tất công tác cứu rỗi của Ngài.
Muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển chỉ về mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi nhân loại (Rô-ma 8:30). Chúng ta sống trong sự hiện diện của Chúa và sẽ trở nên giống như Chúa (I Giăng 3:2) trong ngày cuối cùng. Đây chính là trở lại tình trạng ban đầu, trước khi phạm tội vì phạm tội không gì khác hơn là thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23).
Tác giả nói về việc Chúa Giê-xu mang thân xác con người để chịu chết chuộc tội cho chúng ta (c. 9) và ông xác nhận điều nầy nên đã nói: Thật… là phải lắm (c. 10).
Điểm tác giả nhấn mạnh trong câu 11-13 là liên kết giữa Chúa Giê-xu và người tin Chúa:
Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em (c. 11)
Đấng làm nên thánh là Chúa Giê-xu (9:13-14) và kẻ được nên thánh là người tin Chúa. Cả hai đều bởi một Cha mà ra (nguyên văn không có chữ Cha: “Cả hai đều từ MỘT mà ra”) hàm ý Chúa Giê-xu và người tin Chúa đều phát xuất từ một nguồn gốc. Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời và chúng ta cũng là con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).
Vì có cùng nguồn gốc nên mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa Giê-xu là mối quan hệ anh em. Tác giả nói:
Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em (c. 11b)
Tác giả nói, Ngài không thẹn vì độc giả Thư Hê-bơ-rơ lúc bấy giờ bị coi thường, khinh miệt, sỉ nhục (10:32-33). Ông nhắc cho họ nhớ rằng Chúa Giê-xu, Đấng mà họ tin là anh em với họ. Chúa không thẹn hàm ý Chúa hãnh diện về họ, Chúa vui vì được làm anh em với họ. Tác giả trích hai câu trong Cựu Ước để chứng mình cho điều đó:
Tôi sẽ truyền danh Chúa cho anh em tôi và ngợi khen Chúa ở giữa hội (Thi thiên 22:22)
Ta sẽ phó thác ta cho Chúa… Ta đây, ta với các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho ta (Ê-sai 8:17-18)
Từ chỗ liên kết Chúa với người tin Chúa là anh em, tác giả kết luận:
Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Giê-xu cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ (c. 14)
Có phần về huyết và thịt (c. 14a) nghĩa là mang bản tính người (nhân tính). Chúa Giê-xu có nhân tính như chúng ta (chữ con cái được dùng ở đây là để tiếp nối với chữ con cái trong câu 13, trích trong sách Ê-sai). Người tin Chúa là anh em với Chúa Giê-xu (c. 11) nên Chúa và chúng ta có cùng nhân tính. Chúa Giê-xu mang nhân tính như chúng ta, ngoại trừ bản tính tội lỗi. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết của thể xác con người nhưng làm sao cái chết đó có thể phá diệt kẻ cầm quyền sự chết là ma quỷ (c. 14b)?
Chữ phá diệt trong câu nầy mang ý nghĩa “tước đi sức mạnh” của ma quỷ. Đến cuối cùng, ma quỷ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, còn bây giờ, qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu, ma quỷ không thể lộng hành, khiến cho người tin Chúa phải sợ hãi:
Lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời (c. 15)
Câu nầy cho thấy người tin Chúa không còn sợ chết, chết không còn là chủ nhân ông bắt chúng ta làm nô lệ. Sứ đồ Phao-lô cho biết:
Tôi chắc rằng bất kỳ sự chết… hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta (Rô-ma 8:38-39)
Chúng ta liên kết với Chúa Giê-xu trong sự chết (có phần về huyết và thịt) nên sự chết không còn ảnh hưởng gì trên chúng ta.
Chủ đề của 1:4 –2:18 là “Đức Chúa Con Và Thiên Sứ.” Ba điều tác giả đối chiếu giữa Chúa Giê-xu và thiên sứ là:
o Đức Chúa Con cao trọng hơn thiên sứ (1:4-14)
o Đức Chúa Con ở dưới các thiên sứ một chút trong thân xác con người để chịu chết chuộc tội cho con người (2:5-9).
o Đức Chúa Con đến trần gian để cứu giúp con người không phải cứu giúp thiên sứ (2:16-18).
Vì quả thật không phải Ngài đến vùa giúp các thiên sứ, bèn là vùa giúp dòng dõi của Áp ra-ham (c. 16)
Dòng dõi của Áp-ra-ham chỉ về người Do-thái, độc giả của Thư Hê-bơ-rơ nhưng cũng bao gồm mọi người tin Chúa (Ga-la-ti 3:29). Câu nầy nhấn mạnh việc Chúa Giê-xu thông cảm với chúng ta vì Chúa đã làm giống như anh em mình trong mọi sự (c. 17a). Đây là chủ đề của phần tiếp theo (3:1 – 5:10) và chủ đề nầy được giới thiệu trong câu nầy (2:17) – Xin xem phần Cấu Trúc, trang 7.
Chủ đề: “Chúa Giê-xu Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hay Thương Xót Và Trung Tín” (3:1 – 5:10) được giới thiệu như sau:
Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân (c. 17)
Chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự nghĩa là “trở nên giống như anh em mình trong mọi phương diện” (BHĐ). Điểm nhấn mạnh ở đây là “Chúa chia sẻ mọi kinh nghiệm trong đời sống với chúng ta” (O’Brien, trang 119).
Đây là lần đầu tiên trong Thư Hê-bơ-rơ, Chúa Giê-xu được gọi bằng danh hiệu thầy tế lễ thượng phẩm (c. 17b). Thầy tế lễ là người đại diện loài người ra mắt Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ thượng phẩm là người mỗi năm một lần, đại diện cho toàn dân vào nơi chí thánh dâng của lễ chuộc tội (Lê-vi ký 16:1-19). Phần còn lại của Thư Hê-bơ-rơ cho thấy tất cả những nghi lễ trong Cựu Ước chỉ là hình bóng (9:1-10), Chúa Giê-xu mới là thầy tế lễ thượng phẩm thật sự, chịu chết, dâng chính mình Ngài làm của lễ để chuộc tội cho nhân loại (7:27).
Chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu gồm hai phương diện:
1. Thương xót và trung tín: thông cảm với chúng ta.
2. Đền tội cho chúng dân: chuộc tội cho chúng ta.
Thương xót là một trong những đặc tính của Đức Chúa Trời (Xuất 34:6). Chúa Giê-xu là thầy tế lễ hay thương xót nói lên ý Chúa đã trải qua những đau đớn và cám dỗ nên Ngài dễ dàng thông cảm với chúng ta và do đó thương xót, đáp ứng nhu cầu, nâng đỡ chúng ta (c. 18).
Cụm từ thầy tế lễ trung tín được nhắc đến trong I Sa-mu-ên 2:35, là lời tiên tri gián tiếp về chức vụ tế lễ trung tín của Chúa Giê-xu được trình bày trong 3:1-6. Trung tín mang hai ý nghĩa:
(1) Trung tín với Đức Chúa Trời trong chức vụ.
(2) Thầy tế lễ chúng ta tin cậy.
Chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu cũng là để đền tội cho chúng dân (c. 17c). Đền tội mang ý nghĩa chuộc tội và làm nguôi cơn giận của Đức Chúa Trời. Chúng dân nói đến toàn thể con dân Chúa là những người được Chúa cứu chuộc.
Áp dụng cho chúng ta, tác giả viết:
Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy (c. 18)
Chúa Giê-xu chịu khổ trong khi bị cám dỗ nghĩa là khi mang thân xác con người, Chúa Giê-xu thường xuyên bị cám dỗ (không phải chỉ ba lần trong đồng vắng) và trong những kinh nghiệm cám dỗ đó, Chúa đã phải chịu khổ, phải tranh đấu để vượt thắng cám dỗ. Vì vậy, Chúa thông cảm và có thể cứu giúp chúng ta.