1 Bởi cớ đó, hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy kỹ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Giê-xu, 2 Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se trung tín với cả nhà Chúa vậy. 3 Vì Ngài đã được xưng là đáng vinh-hiển cao trọng hơn Môi-se, chẳng khác nào thợ cất nhà được tôn trọng hơn chính cái nhà. 4 Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời. 5 Còn về Môi-se, người đã trung tín trong cả nhà Chúa, như một kẻ tôi tớ, gọi đến làm chứng về điều ngày sau sẽ được rao giảng. 6 Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa mà nhà Chúa tức là chúng ta, miễn là chúng ta giữ vững vàng cho đến cuối cùng lòng tin chắc và trông cậy, là sự chúng ta lấy làm vinh hiển.
1. Tác giả gọi độc giả là gì (c. 1a)? Mang ý nghĩa gì?
2. “Dự phần ơn trên trời gọi” (c. 1b) nghĩa là thế nào?
3. Chúa Giê-xu được gọi bằng hai danh hiệu gì trong câu 1c? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi danh hiệu.
4. Theo câu 2, Chúa Giê-xu và Môi-se giống nhau ở điểm nào?
5. Chúa Giê-xu khác với Môi-se như thế nào (c. 3, 5-6)?
6. “Miễn là” (c. 6b) hàm ý gì? Nhắc chúng ta điều gì?
Chủ đề của phân đoạn 3:1 – 5:10 là “Chúa Giê-xu Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hay Thương Xót Và Trung Tín.” Chủ đề nầy được giới thiệu trong 2:17:
Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân (2:17)
Tác giả khai triển hai chủ đề đó như sau:
1. Sự trung tín của Đấng Christ (3:1-6).
2. Lòng thương xót của Đấng Christ (4:14 – 5:10).
Giữa hai phần đó là:
3. Lời kêu gọi trung tín (3:7 – 4:13).
Sự trung tín của Đấng Christ (3:1-6)
Bởi cớ đó, hỡi anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi, hãy suy kỹ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Giê-xu (c. 1)
Bởi cớ đó (c. 1a) là điều tác giả vừa nói trong 2:18:
… chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy (2:18)
Chúa Giê-xu đã từng mang thân xác con người, chịu cám dỗ giống như chúng ta nên Ngài thông cảm với chúng ta, vì vậy tác giả bảo chúng ta Hãy suy kỹ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Giê-xu (c. 1b).
Tác giả gọi độc giả là anh em THÁNH hàm ý họ đã được Chúa Giê-xu khiến nên thánh (2:11). Nên thánh nghĩa là được biệt riêng cho mục đích của Đức Chúa Trời. Chữ anh em cũng cho thấy liên kết giữa tác giả và độc giả: ông và những người đọc thư đều ra từ một gốc (2:11).
Cùng với anh em thánh, ông nhắc cho người đọc nhớ họ là kẻ dự phần ơn trên trời gọi (c. 1b). Dự phần ơn trên trời gọi nghĩa là người dự phần trong sự kêu gọi thiên thượng, sự kêu gọi từ trên cao. Sự kêu gọi thiên thượng cho thấy Đấng kêu gọi đến từ trời và Chúa kêu gọi chúng ta hướng đến những điều thuộc về trời. Chữ dự phần xác nhận ý nghĩa của chữ anh em trước đó: cả ông và người đọc liên kết với nhau trong ơn kêu gọi của Chúa và cùng hướng về một mục đích chung trên trời.
Sau khi cho thấy họ cũng như ông, là anh em thánh, là những người cùng dự phần ơn kêu gọi trên trời, tác giả nói:
Hãy suy kỹ đến sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta tin theo, tức là Đức Chúa Giê-xu (c. 1c)
Suy kỹ nghĩa là “suy nghĩ kỹ càng,” không phải chỉ suy nghĩ không mà thôi. Động từ suy kỹ (katanoeo) mang ý nghĩa “tập chú,” nhìn vào và suy nghĩ (Ma-thi-ơ 7:3, Lu-ca 12:24). Ông kêu gọi chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giê-xu và suy ngẫm. Ông gọi Chúa Giê-xu là: sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm.
Sứ giả (apostolos) cùng một từ với “sứ đồ,” là người được sai phái. Tác giả muốn chúng ta suy nghĩ đến Chúa Giê-xu là người được Đức Chúa Cha sai phái (Giăng 20:21).
Thầy tế lễ thượng phẩm là chức vụ thay thế cho toàn dân để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu một mặt là sứ giả của Đức Chúa Trời, người được Đức Chúa Trời sai phái xuống trần gian. Mặt khác, Ngài là người đại diện cho nhân loại, dâng tế lễ hy sinh cho Đức Chúa Trời để chuộc tội cho loài người. Chúng ta cần suy nghĩ đến Chúa Giê-xu trong hai vai trò đó.
Tác giả nói đó là hai phương diện về Chúa Giê-xu mà chúng ta tin theo. Đây là hai điều về Chúa Giê-xu mà chúng ta “xưng nhận” (BHĐ). Chúng ta tin Chúa Giê-xu là Đấng đến từ Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Cha sai phái. Chúng ta cũng tin Chúa Giê-xu là Đấng mang tội của chúng ta, dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta.
Hai điều tác giả nhấn mạnh trong phân đoạn 3:1 – 5:10 là sự trung tín và lòng thương xót của Chúa Giê-xu. Ông dùng hình ảnh sứ giả để nói về sự trung tín và hình ảnh thấy tế lễ thượng phẩm để nói về lòng thương xót.
Nói về sứ giả trung tín, ông so sánh Chúa Giê-xu với Môi-se:
Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se trung tín với cả nhà Chúa vậy (c. 2)
Cả Chúa Giê-xu và Môi-se đều trung tín, nhưng điểm khác nhau như sau:
|
CHÚA GIÊ-XU |
MÔI-SE |
Câu 3 |
Thợ cất nhà |
Cái nhà |
Câu 5-6a |
Con trai |
Kẻ tôi tớ |
Sự trung tín của Môi-se được nhắc đến trong Dân số ký 12:7:
Người thật trung tín trong cả nhà Ta!
Trong hình ảnh cái nhà và thợ cất nhà, điểm nhấn mạnh là Tạo Hóa và tạo vật. Môi-se dù cao trọng đến đâu trong cái nhìn của người Do-thái (độc giả của Thư Hê-bơ-rơ), ông cũng chỉ là loài người được Đức Chúa Trời tạo dựng. Chúa Giê-xu được ví sánh với thợ cất nhà, tức là Đấng tạo dựng muôn vật.
Trong hình ảnh sau, Môi-se được so sánh với tôi tớ còn Chúa Giê-xu là người con trong nhà (c. 5-6a). Vai trò của Môi-se là gọi đến làm chứng về điều ngày sau sẽ được rao giảng (c. 5b). “Môi-se đã trung tín trong cả nhà Đức Chúa Trời như một đầy tớ, để làm chứng về những điều sẽ được công bố” (BHĐ). Lời nầy hàm ý tất cả mọi điều được ghi trong Ngũ Kinh Môi-se là những lời tiên tri về Chúa Giê-xu và đã thành sự thật qua điều tác giả sẽ trình bày trong phần tiếp theo.
Nhà Chúa (oikos) được tác giả nhắc đến nhiều lần trong phần nầy mang ý nghĩa “gia đình” hay Hội Thánh của Chúa, cho thấy tất cả chúng ta, dù là Do-thái hay Dân Ngoại đều thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-xu là đầu:
Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa mà nhà Chúa tức là chúng ta (c. 6a)
Đến đây, tác giả đưa ra lời cảnh báo:
Miễn là chúng ta giữ vững vàng cho đến cuối cùng lòng tin chắc và trông cậy, là sự chúng ta lấy làm vinh hiển (c. 6b)
Câu nầy KHÔNG gợi ý là chúng ta có thể không giữ vững vàng cho đến cuối cùng lòng tin chắc và trông cậy nhưng là lời kêu gọi chúng ta HÃY giữ vững vàng cho đến cuối cùng lòng tin chắc và trông cậy:
Giữ vững lòng tin cậy và niềm tự hào về hi vọng của chúng ta cho đến cuối cùng (c. 6b, BHĐ)
Với lời cảnh báo nầy, tác giả đưa lời kêu gọi trung tín (3:7 – 4:13).