7 Cho nên, như Đức Thánh Linh phán rằng:
Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài,
8 Thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn,
Là ngày thử Chúa trong đồng vắng,
9 Là nơi tổ phụ các ngươi thấy công việc ta làm trong bốn mươi năm,
Mà còn thử để dò xét ta!
10 Nhân đó, ta giận dòng dõi nầy,
Và phán rằng: Lòng chúng nó lầm lạc luôn,
Chẳng từng biết đường lối ta.
11 Nầy là lời thề mà ta lập trong cơn thạnh nộ, rằng:
Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ của ta!
12 Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng. 13 Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “Ngày nay,” hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng. 14 Vì chúng ta đã được dự phần với Đấng Christ, miễn là giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng, 15 trong khi còn nói rằng:
Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài,
Thì chớ cứng lòng, như lúc nổi loạn,
16 Vả, ai là kẻ nghe tiếng Ngài rồi nổi loạn, há chẳng phải những người nhờ Môi-se dẫn ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? 17 Đức Chúa Trời đã giận ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải giận những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? 18 Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? 19 Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin.
1. Câu 7b-11 được trích từ Thi thiên 95:7-11 nhưng tác giả nói đó là “Đức Thánh Linh phán” (c.7a). Như vậy nói lên điều gì?
2. Lời khuyên trong câu 12 cho thấy độc giả đang phải đối diện với nguy cơ gì?
3. Xin giải thích những chữ “có lòng dữ,” “chẳng tin” và “trái bỏ Đức Chúa Trời” (c. 12).
4. Tác giả áp dụng chữ “ngày nay” trong Thi thiên 95:7 trong câu 13 như thế nào? Áp dụng cho chúng ta như thế nào?
5. Xin đọc Dân số ký 14:26-35 và trả lời các câu hỏi trong câu 16-18.
6. Lý do chính khiến con dân Chúa không được vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời là gì (c. 19)?
7. Lời cảnh báo trong phân đoạn nầy dạy chúng ta điều gì?
Thư Hê-bơ-rơ có năm phân đoạn cảnh báo, kêu gọi độc giả, theo ý của chủ đề trình bày ngay trước đó (xin xem phần Cấu Trúc và Bố Cục, trang 7-9). Lời kêu gọi đầu tiên là Lời Kêu Gọi Giữ Vững Điều Đã Nghe Để Không Bị Trôi Lạc (2:1-14). Phân đoạn 3:7-19 là Lời Kêu Gọi Trung Tín hay giữ vững lòng tin, tiếp ngay sau lời dạy nói rằng Chúa Giê-xu là sứ giả (sứ đồ) trung tín.
Tác giả đưa ra lời kêu gọi giữ vững đức tin dựa trên Thi thiên 95:7-11. Cả Hê-bơ-rơ 3:7-19 và Thi thiên 95:7-11 đều dựa trên câu chuyện được ghi trong Dân số ký 14:26-35 nói về việc con dân Chúa phản loạn trong đồng vắng sau khi nghe báo cáo của mười hai thám tử. (Dân số ký 14:1-4).
Khi trích Thi thiên 95, tác giả nói:
Cho nên, như ĐỨC THÁNH LINH PHÁN RẰNG… (c. 7a)
Điều nầy xác nhận giáo lý Đức Thánh Linh soi dẫn các trước giả khi họ viết Lời Chúa (II Phi-e-rơ 1:21). Điều nầy giúp chúng ta tin quyết vào giáo lý hà hơi (inspiration) của Kinh Thánh.
Sau khi trích Thi thiên 95:7-11, tác giả viết:
Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng (c. 12)
Giữ lấy mang ý nghĩa “cẩn trọng” (BHĐ), chuẩn bị tư tưởng cho những việc cần thiết hay nguy hại. Điều nầy áp dụng cho mỗi cá nhân trong Hội Thánh: Ai trong anh em nghĩa là mỗi một người trong anh em!
Có lòng dữ và chẳng tin là thái độ của con dân Chúa ngày xưa (Dân số ký 14:27, 35) mà tác giả nhìn thấy nơi độc giả của mình hôm nay. Từ chỗ có lòng dữ và chẳng tin sẽ đưa đến việc trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống (c. 12b). Trái bỏ nghĩa là “xây bỏ” (BHĐ) hay khước từ, tức là đi đến chỗ bội đạo.
Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng, tác giả khuyên chúng ta phải tránh tội của con dân Chúa ngày xưa, chỉ vì thiếu lòng tin mà đi đến chỗ bội đạo.
Đối chiếu với lời cảnh báo là lời khuyên tích cực:
Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo lẫn nhau, đang khi còn gọi là “Ngày nay,” hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng (c. 13)
Để tránh tội không tin, có thể đưa đến chỗ bội đạo, tác giả khuyên: Hãy khuyên bảo nhau (c. 13a). Khuyên bảo mang ý nghĩa “thúc giục mạnh mẽ,” “thỉnh cầu.” Đây là điều tác giả bảo chúng ta phải làm hằng ngày, tức là thường xuyên thúc đẩy, khích lệ nhau. Đây là lợi ích trong cộng đồng con dân Chúa, trong Hội Thánh Chúa, chúng ta có thể thúc giục, khuyên bảo nhau giữ vững đức tin.
Tác giả nhắc lại chữ ngày nay đã trích trong câu 7 nhưng với ý nghĩa áp dụng cho độc giả hiện tại, hàm ý dịp tiện hôm nay vẫn còn:
… đang khi còn gọi là “Ngày nay” (c. 13b)
Lý do chúng ta cần khuyên bảo nhau thường xuyên là: Hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng (c. 13c). Lời khuyên trong Thi thiên 95 mà tác giả đã trích là: Chớ cứng lòng (c. 8a). Áp dụng lời khuyên đó cho người đọc hôm nay, ông nói: Hầu cho trong anh em không ai bị tội lỗi dỗ dành mà cứng lòng. Ông không muốn chúng ta mắc phải lỗi lầm của người xưa, đó là tội cứng lòng.
Cứng lòng mang ý nghĩa “bướng bỉnh, lì lợm, cố chấp, không chấp nhận sự thật, không muốn làm theo ý Chúa” (O’Brien, trang 142). Lý do đưa đến chỗ cứng lòng là tội lỗi dỗ dành (c. 13c), nghĩa là để cho ma quỷ cám dỗ, khiến chúng ta thiếu lòng tin và không vâng lời Chúa.
Dù cảnh cáo độc giả như vậy, ông cho họ thấy rằng cả ông và họ là những người đã được dự phần với Đấng Christ (c. 14a). Dự phần với Đấng Christ mang ý nghĩa “liên hiệp với Đấng Christ,” tương tự như cụm từ “ở trong Đấng Christ” của Phao-lô. Vì có mối quan hệ với Chúa như vậy, tác giả tin rằng mình có thể giữ lòng tin ban đầu của chúng ta cho vững bền đến cuối cùng (c. 14b).
Câu 16-18 là một loạt các câu hỏi tu từ mà câu trả lời có thể tìm thấy trong Dân số ký 14:26-35. Câu trả lời cho các câu hỏi nầy không gì khác hơn, đó là đoàn dân phản loạn, không tin Lời Chúa và đã bị phạt không được vào Đất Hứa. Lý do họ chịu hình phạt là không vâng lời (c. 18) và không tin (c. 19).
Sự giận dữ của Đức Chúa Trời (c. 17) nói lên bản tính thánh khiết của Ngài, không thể chấp nhận tội lỗi (không vâng lời và không tin). Thật ra, không vâng lời và không tin thì đương nhiên không thể kinh nghiệm được lời hứa an nghỉ của Ngài!