1 Phàm thầy tế lễ thượng phẩm, từ trong loài người chọn ra, thì vì loài người lập lên hầu việc Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và hi sinh vì tội lỗi. 2 Người đã bị vây trong sự yếu đuối, nên có thể thương xót những kẻ ngu dốt sai lầm. 3 Ấy bởi sự yếu đuối đó mà người buộc phải vì tội lỗi mình dâng của tế lễ, cũng như vì tội lỗi của dân chúng.
4 Vả lại, không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình, phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A-rôn ngày xưa. 5 Cũng một thể ấy, Đấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm nhưng tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng:
Ngươi là Con ta,
Ta đã sanh ngươi ngày nay.
6 Lại nơi khác có phán cùng Ngài rằng:
Ngươi làm thầy tế lễ đời đời
Theo ban Mên-chi-xê-đéc.
7 Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời. 8 Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài. 10 Lại có Đức Chúa Trời xưng Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc.
1. Xin cho biết công tác của thầy tế lễ thượng phẩm (c. 1).
2. “Bị vây trong sự yếu đuối” (c. 2) nghĩa là gì?
3. Xin cho biết lý do thầy tế lễ trong Cựu Ước phải dâng của tế lễ (c. 3).
4. Xin cho biết điểm giống nhau giữa chức vụ tế lễ của A-rôn và của Chúa Giê-xu (c. 4-6).
5. Chúa Giê-xu “đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết” (c. 7) khi nào?
6. Những chữ, “Dầu Ngài là Con” (c. 8a) nhắc chúng ta điều gì?
7. “Cội rễ của sự cứu rỗi đời đời (c. 9a) nghĩa là gì?
Hê-bơ-rơ 3:1 – 5:10 là phần mô tả “Chúa Giê-xu Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hay Thương Xót Và Trung Tín” (xem bố cục, trang 8). Phần nầy được phân ra như sau:
o 3:1-6: Sự trung tín của Chúa
o 3:7 – 4:13: Kêu gọi trung tín
o 4:14 – 5:10: Sự thương xót của Chúa
Phần nói về “Sự thương xót của Chúa” (4:14 – 5:10) gồm hai phần:
Þ 4:14-16: Sự thương xót của Chúa trong vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm: thông cảm (trang 47).
Þ 5:1-10: Sự thương xót của Chúa trong vai trò của thầy tế lễ thượng phẩm: vâng lời.
Tác giả bắt đầu phần này nói về chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm trong Cựu Ước:
Phàm thầy tế lễ thượng phẩm, từ trong loài người chọn ra, thì vì loài người lập lên hầu việc Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và hi sinh vì tội lỗi (c. 1)
Mỗi thầy tế lễ thượng phẩm được chọn lựa trong loài người và được bổ nhiệm để thay cho loài người mà phục vụ Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và sinh tế vì tội lỗi (c. 1, BHĐ)
Thầy tế lễ thượng phẩm:
1. Được chọn lựa từ trong loài người.
2. Được bổ nhiệm để thay cho loài người mà phục vụ Đức Chúa Trời.
3. Để dâng lễ vật và sinh tế vì tội lỗi.
Chúa Giê-xu cũng thi hành chức vụ tế lễ tương tự. Hai cụm từ quan trọng là “THAY CHO loài người” và “VÌ tội lỗi.” Cả hai từ “thay cho” và “vì” là cùng một từ trong nguyên văn (huper) nói lên ý thay thế, thế chỗ cho.
Trong Cựu Ước, con dân Chúa không thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời nhưng phải qua trung gian thầy tế lễ. Và thầy tế lễ phải dâng lễ vật và sinh tế để đến với Đức Chúa Trời. Lễ vật nói đến của lễ chay và của lễ thù ân (Lê-vi ký 2-3), sinh tế chỉ về của lễ thiêu và của lễ chuộc tội (Lê-vi ký 1, 6). Các thầy tế lễ thay cho loài người mà phục vụ Đức Chúa Trời qua việc dâng tế lễ.
Một cụm từ quan trọng khác là từ trong loài người chọn ra (c. 1a) hàm ý thầy tế lễ cũng là một con người. Do đó, tác giả viết tiếp:
Người đã bị vây trong sự yếu đuối, nên có thể thương xót những kẻ ngu dốt sai lầm (c. 2)
Vì chính ông cũng bị bao vây trong sự yếu đuối nên có thể cảm thông với những kẻ u tối, lầm lạc (c. 2, BHĐ)
Chữ bị vây (c. 2a) cũng là chữ vây lấy (12:1) nói lên ý bị bao phủ như mặc vào mình. Người đã bị vây trong sự yếu đuối nghĩa là thầy tế lễ thượng phẩm cũng là một con người, có những yếu đuối, tội lỗi, sai lầm.
Từ thương xót trong nguyên văn mang ý nghĩa “ứng xử nhẹ nhàng, nhân hậu” (to deal gently) hay thương cảm.
Những kẻ ngu dốt sai lầm chỉ về những người lầm lỡ phạm tội (Lê-vi ký 4). Các thầy tế lễ cũng là người cho nên cũng mắc phải những lỗi lầm tương tự. Do đó, họ thông cảm với người có tội.
Thầy tế lễ loài người còn có thể thông cảm với chúng ta như vậy nên tác giả nối tiếp với ý trong 4:15, hàm ý Chúa Giê-xu có thể thông cảm và thương xót chúng ta nhiều hơn.
Tác giả viết thêm:
Ấy bởi sự yếu đuối đó mà người buộc phải vì tội lỗi mình dâng của tế lễ, cũng như vì tội lỗi của dân chúng (c. 3)
Câu nầy cho thấy sự khác nhau giữa thầy tế lễ loài người và Chúa Giê-xu. Thầy tế lễ loài người thông cảm vì cũng yếu đuối và có tội như mọi người. Chúa Giê-xu cũng thông cảm với yếu đuối của chúng ta nhưng Ngài là Đấng vô tội (4:15).
Điểm giống nhau giữa chức vụ tế lễ A-rôn và chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu như sau:
Vả lại, không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình, phải được Đức Chúa Trời KÊU gọi như A-rôn ngày xưa. Cũng một thể ấy, Đấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm nhưng tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Ngươi là Con ta, Ta đã sanh ngươi ngày nay (c. 4-5)
Cả Chúa Giê-xu và A-rôn đều nhận chức vụ tế lễ từ Đức Chúa Trời: A-rôn được Đức Chúa Trời kêu gọi và Chúa Giê-xu được Đức Chúa Cha bổ nhiệm:
Ngươi làm thầy tế lễ đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 6)
Tuy nhiên, điểm khác nhau giữa chức vụ tế lễ A-rôn và chức vụ tế lễ của Chúa Giê-xu là “ban thứ tế lễ” (order): Chúa Giê-xu theo ban Mên-chi-xê-đéc còn A-rôn theo ban thứ A-rôn hay Lê-vi. Chúng ta sẽ thấy điều nầy rõ hơn trong chương 7.
Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thông cảm (4:14 – 5:3) nhưng Ngài cũng là thầy tế lễ vâng lời (5:7-10):
Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời (c. 7)
Khi Đấng Christ còn trong xác thịt nói đến thời gian tại thế của Ngài, đặc biệt là trong lúc Chúa chịu khổ nạn. Chúa đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời (c. 7b) ý nói đến sự việc xảy ra trong vườn Ghết-sê-ma-nê lúc Chúa cầu nguyện, Không theo ý muốn Con mà theo ý muốn Cha (Ma-thi-ơ 26:39b). Đức Chúa Cha đã nhậm lời cầu nguyện của Ngài và để cho Ngài uống chén thịnh nộ thay cho nhân loại. Lòng nhân đức mang ý nghĩa “kính sợ Đức Chúa Trời và thuận phục ý muốn Ngài” (O’Brien, trang 199). Đây là gương của Chúa Giê-xu cho chúng ta noi theo: cầu nguyện với lòng kính sợ Đức Chúa Trời và sẵn sàng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.
Câu tiếp theo nhấn mạnh về gương vâng lời của Chúa:
Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu (c. 8)
Những chữ, Dầu Ngài là Con (c. 8a) nhằm nhắn nhủ độc giả, ngay cả Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời nhưng cũng đã học tập vâng lời qua khốn khổ. Chúng ta cũng nên học tập vâng lời như vậy. “Học tập qua khốn khổ” là một lối chơi chữ trong nguyên văn với hai chữ “học tập” và “khốn khổ” có lối phát âm gần nhau (emathen/epathen) tương tự như thành ngữ “No pain, no gain” trong tiếng Anh.
Học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu (c. 8b) mang ý nghĩa Chúa Giê-xu vâng lời Đức Chúa Cha tuyệt đối và những đau đớn Chúa trải qua chứng minh cho sự vâng lời của Ngài.
Kết quả của sự vâng lời nầy là:
Sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài (c. 9)
Chúa Giê-xu được làm nên trọn vẹn trong ý nghĩa Ngài hoàn tất những điều đòi hỏi để cứu rỗi nhân loại: Trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời (c. 9b). Cội rễ của sự cứu rỗi đời đời nghĩa là Chúa Giê-xu là nguồn cứu rỗi, ngoài Chúa, không có sự cứu rỗi. Chúa Giê-xu đã vâng phục cho đến chết (Phi-líp 2:8), vì vậy Ngài có thể chuộc tội cho nhân loại. Và để hưởng được ơn cứu rỗi đó, chúng ta phải vâng lời như Chúa đã vâng lời.
Câu 10 tiếp theo là câu giới thiệu chủ đề mới (xem phần Cấu Trúc, trang 7):
Lại có Đức Chúa Trời xưng Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 10).
Đây là chủ đề chính của Thư Hê-bơ-rơ: “Chúa Giê-xu Là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Toàn Hảo Theo Ban Mên-chi-xê-đéc Và Nguồn Cứu Rỗi Đời Đời” (5:11 – 10:39). Tác giả khai triển chủ đề nầy từ Chương 7, sau phần trong ngoặc, cảnh cáo về sự bội đạo (5:11 – 6:20).