1 Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành, chớ nên lập lại nền nữa, tức là: từ bỏ các việc chết, tin Đức Chúa Trời, 2 sự dạy về phép báp têm, phép đặt tay, sự kẻ chết sống lại, sự phán xét đời đời. 3 Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó.
4 Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, 5 nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, 6 nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. 7 Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. 8 Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt.
1. “Các điều sơ học về Tin lành của Đấng Christ” (c. 1a) chỉ về điều gì?
2. Xin cho biết những điều tác giả gọi là “lập lại nền” (c. 1-2) và ý nghĩa mỗi điều:
(1) ______________________________________________________
(2) ______________________________________________________
(3) ______________________________________________________
(4) ______________________________________________________
(5) ______________________________________________________
(6) ______________________________________________________
3. “Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép” (c. 3a) hàm ý gì?
4. Người có những kinh nghiệm nào mà “nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn” (c. 4-5). Xin giải thích mỗi kinh nghiệm:
(1) ______________________________________________________
(2) ______________________________________________________
(3) ______________________________________________________
(4) ______________________________________________________
5. “Đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa” (c. 6b) nghĩa là thế nào?
6. Hình ảnh hai đám đất (c. 7-8) chỉ về gì?
Sau lời trách về tình trạng ấu trĩ (5:11-14), tác giả khuyên:
Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành, chớ nên lập lại nền nữa (c. 1a)
Các điều sơ học về Tin lành của Đấng Christ nói đến những điểm căn bản của niềm tin Cơ-đốc (5:12). Đây cũng là điều tác giả gọi là nền: Chớ nên lập lại NỀN nữa!
Sự trọn lành nói đến sự trưởng thành:
Vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về đạo Đấng Christ mà tiến tới sự trưởng thành, đừng đặt lại những vấn đề nền tảng nữa (c. 1, BHĐ)
Những điều tác giả gọi là lập lại nền (vấn đề nền tảng) bao gồm:
1. Từ bỏ các việc chết. Chữ từ bỏ trong nguyên văn là “ăn năn” (“ăn năn các công việc chết,” BHĐ). Điểm nền tảng đầu tiên của người tin Chúa là ăn năn, từ bỏ tội lỗi. Các việc chết hay “công việc chết,” tương tự như trong 9:14, nói đến lối sống tội lỗi đưa đến chỗ chết. Đây là điều phải làm nhưng việc nầy đã qua rồi, không nên nhắc lại. Tương tự như vậy với:
2. Tin Đức Chúa Trời hay “đức tin nơi Đức Chúa Trời” (BHĐ) là bước kế tiếp sau ăn năn. Đây cũng là điểm căn bản không cần nhắc lại.
3. & 4. Sự dạy về phép báp-têm và phép đặt tay nói đến những nghi lễ dành cho các tân tín hữu. Đây cũng là những điều căn bản tác giả bảo chúng ta hãy đi xa hơn.
5. & 6. Sự kẻ chết sống lại và sự phán xét đời đời nói đến hai niềm tin căn bản của mọi người tin Chúa về đời sau. Đây là điều ai cũng biết nên tác giả đề nghị người trưởng thành không cần phải nhắc lại những điều nầy nữa.
Sau khi bảo độc giả phải bỏ qua những điều căn bản của niềm tin như vừa nêu để tiến tới sự trưởng thành, tác giả viết:
Ví bằng Đức Chúa Trời cho phép, thì chúng ta sẽ làm điều đó (c. 3)
Câu nầy hàm ý, chúng ta sẽ có thể tiến tới sự trưởng thành với sự giúp sức của Chúa.
Sau lời kêu gọi tiến tới trưởng thành, tác giả đưa ra một lời khuyến cáo nghiêm trọng, hàm ý rằng nếu không trưởng thành trong Chúa, sẽ có nguy cơ đưa chúng ta đến chỗ bội đạo. Lời khuyến cáo như sau:
Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa (c. 4-6a)
Cụm từ không thể khiến họ lại ăn năn (c. 6a) được đặt ở đầu câu trong nguyên văn với ý nhấn mạnh. Tác giả cho biết, người đã có những kinh nghiệm sau mà vấp ngã thì không thể ăn năn:
1. Được soi sáng một lần hàm ý đã một lần tiếp nhận sứ điệp cứu rỗi hay đã một lần nhận biết lẽ thật (10:26a).
2. Đã nếm sự ban cho từ trên trời nghĩa là đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi.
3. Dự phần về Đức Thánh Linh nghĩa là đã kinh nghiệm sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống.
4. Nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau nói đến kinh nghiệm sự ngọt ngào của Lời Chúa và hy vọng về đời sau.
Một người đã có những kinh nghiệm trên mà nếu vấp ngã thì không thể ăn năn là:
Vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường (c. 6b)
Đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa nghĩa là coi thường “cái chết một lần đủ cả” của Chúa Giê-xu (điểm được nhấn mạnh trong lá thư, 9:28). Làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường hàm ý họ muốn diễn lại quang cảnh Chúa bị chê cười, chế nhạo lúc bị đóng đinh (Mác 15:29-32).
Người đã có những kinh nghiệm nói trên mà vấp ngã thì không thể ăn năn KHÔNG có ý nói rằng người tin Chúa thật có thể vấp ngã vì những lý do sau:
1. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng để độc giả cẩn thận giữ mình.
2. Văn mạch (c. 7-8) dùng hình ảnh hai đám đất cho thấy điểm tương tự với ví dụ về bốn loại đất của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 13:3-23), đó là, ĐÁP ỨNG của con người đối với Lời Chúa mới quan trọng. Một người có thể tiếp nhận Lời Chúa và đã có sự sống nhưng vẫn có thể bị héo hay nghẹt ngòi như chỗ đất đá sỏi hay bụi gai. David Peterson (trang 1335) cho biết: “Tái sinh thật là tái sinh được minh chứng trong đức tin bền đỗ,” nghĩa là người thật sự tin Chúa sẽ tiếp tục tin, không từ bỏ đức tin của mình.
3. Văn mạch (c. 9) cho thấy dù đưa ra lời cảnh báo trên, tác giả tin rằng độc giả của mình sẽ không rơi vào tình trạng đó.
Tác giả kết thúc lời cảnh báo về nguy cơ bội đạo như sau:
Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời. Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt (c. 7-8)
Hình ảnh hai đám đất cho thấy vấn đề là đất, không phải những gì được làm trên đất. Cả hai đám đất đều nhờ mưa đượm nhuần, nhưng đám đất thứ nhất thì sinh cây cỏ có ích cho người cày cấy. Đám đất thứ hai chỉ sinh ra những cỏ rạ, gai gốc. Tác giả có ý nhắn với độc giả là mỗi người tin Chúa với những kinh nghiệm được mô tả trong câu 4-5 phải tiến bộ và kết quả, nếu không sẽ không tránh khỏi hình phạt nặng nề: Bị bỏ và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt. Để tránh đi đến chỗ bội đạo, người tin Chúa phải tiến bộ và kết quả. Nói đúng hơn, không kết quả hay chỉ sinh cỏ rạ, gai gốc chứng tỏ người đó đã không thật sự tiếp nhận Lời Chúa giống như hạt giống nơi đất đá sỏi và bụi gai (Ma-thi-ơ 13:3-23).