13 Khi Đức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham và vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề với người rằng: 14 Chắc ta sẽ ban phước cho ngươi nhiều, và khiến hậu tự ngươi sanh-sản đông thêm. 15 Ấy, Áp-ra-ham đã nhịn nhục đợi chờ như vậy, rồi mới được điều đã hứa.
16 Người ta thường mượn danh một Đấng lớn hơn mình mà thề, phàm có cãi lẫy điều gì, thì lấy lời thề mà định. 17 Đức Chúa Trời cũng vậy, muốn càng tỏ ra cho những kẻ hưởng lời hứa biết ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi, thì dùng lời thề, 18 hầu cho nhờ hai điều chẳng thay đổi đó — và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối — mà chúng ta tìm được sự yên ủi lớn mạnh, là kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu, mà cầm lấy sự trông cậy đã đặt trước mặt chúng ta.
19 Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, 20 trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-xu đã vào như Đấng đi trước của chúng ta, vì đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc.
1. Tại sao tác giả chuyển đề tài để nói về Áp-ra-ham ở đây (c. 13)?
2. “Đức Chúa Trời chỉ chính mình Ngài mà thề” (c. 13) mang ý nghĩa gì?
3. Áp-ra-ham đã làm gì rồi mới được điều đã hứa (c. 14)?
4. “Hai điều chẳng thay đổi đó” (c. 18a) là hai điều gì?
5. “Kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu” (c. 18b), nói lên hình ảnh gì?
6. “Như cái neo” (c. 19a) nghĩa là thế nào?
7. Tại sao tác giả lại nói, “Thấu vào phía trong màn” (c. 19b)? “Màn” chỉ về điều gì?
Phần cuối câu 12, tác giả nhắc đến những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa (c. 12b). Đây là điều nói về Áp-ra-ham (Rô-ma 4:2-21) cho nên ông viết tiếp về Áp-ra-ham như sau:
Khi Đức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham và vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề với người rằng: Chắc ta sẽ ban phước cho ngươi nhiều, và khiến hậu tự ngươi sanh sản đông thêm (c. 13-14)
Đây nhắc lại việc Áp-ra-ham vâng lời Đức Chúa Trời và đã sẵn sàng dâng đứa con duy nhất của mình cho Ngài. Đức Chúa Trời đã nói với Áp-ra-ham những lời như sau:
Vì ngươi đã làm điều đó, không tiếc con người, tức con một ngươi thì TA LẤY CHÍNH MÌNH TA MÀ THỀ RẰNG, sẽ ban phước cho người, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển… (Sáng thế ký 22:16-17)
Đức Chúa Trời đã chỉ chính mình Ngài mà thề với Áp-ra-ham (Sáng 22:16) và đây là điều tác giả Thư Hê-bơ-rơ nhắc lại (6:13-17). Thề hay tuyên thệ là cách người xưa dùng để bày tỏ tính cách chắc chắn điều mình nói. Con dân Chúa luôn luôn chỉ đến Đức Chúa Trời là Đấng cao hơn mình để thề. Trong trường hợp nầy, Đức Chúa Trời là Đấng cao cả nhất nên Ngài phải chỉ chính mình Ngài mà thề (c. 13b).
Điều Đức Chúa Trời thề là ban phước cho Áp-ra-ham (c. 14a). Đây là lời hứa của Chúa cho ông. Đức Chúa Trời luôn luôn giữ lời hứa của Ngài. Đức Chúa Trời chỉ hứa thôi cũng là đủ, nhưng ở đây Đức Chúa Trời vừa hứa lại vừa thề, nên tác giả nói:
Hầu cho nhờ hai điều chẳng thay đổi đó – và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối (c. 18a)
Hai điều chẳng thay đổi vì vậy là lời hứa và lời thề của Đức Chúa Trời.
Tác giả dùng Áp-ra-ham để minh họa điều ông nói trong câu 12:
Anh em không trễ nãi, nhưng cứ học đòi những kẻ bởi đức tin và lòng nhịn nhục mà được hưởng lời hứa (c. 12)
Ông cho độc giả thấy rằng, Áp-ra-ham đã nhịn nhục đợi chờ như vậy rồi mới được điều đã hứa (c. 15) và ông muốn chúng ta học đòi gương đức tin của Áp-ra-ham và đợi chờ như vậy. Đức Chúa Trời đã hứa và thề với Áp-ra-ham thể nào thì Ngài cũng hứa và thề với chúng ta như vậy, chúng ta chỉ cần lấy đức tin và nhịn nhục chờ đợi.
Tác giả nói ngay đến kết quả của việc lấy đức tin và nhịn nhục chờ đợi nầy:
… mà chúng ta tìm được sự yên ủi lớn mạnh, là kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu, mà cầm lấy sự trông cậy đã đặt trước mặt chúng ta (c. 18b)
Ngày xưa, Áp-ra-ham bởi đức tin, nhịn nhục chờ đợi và nhận được lời hứa thể nào thì đối với chúng ta ngày nay cũng vậy, khi lấy đức tin, nhịn nhục chờ đợi, chúng ta sẽ tìm được sự yên ủi lớn mạnh (c. 18b). Tìm được sự yên ủi lớn mạnh nghĩa là chúng ta được an ủi và khích lệ rất nhiều khi chạy đến ẩn náu nơi Chúa: Là kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu (c. 18c). Đây là hình ảnh các thành ẩn náu Chúa bảo con dân Chúa thiết lập ngày xưa (Phục truyền 19:1-13; Giô-suê 20). Ở đây, ẩn náu mang ý nghĩa tìm thấy giúp đỡ nơi Chúa giữa những phiền muộn, khó khăn của đời sống như hình ảnh người cô thế tìm được sự bảo vệ của người có thẩm quyền.
Tìm được sự yên ủi lớn mạnh (c. 18b) được mô tả là cầm lấy sự trông cậy đã đặt trước mặt chúng ta (c. 18d). Cầm lấy mang ý nghĩa nắm chặt: “Nắm chắc niềm hi vọng đã đặt trước mặt mình” (BHĐ). Sự trông cậy hay hy vọng chúng ta nắm chắc chính là Chúa Giê-xu:
Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt, thấu vào phía trong màn, trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-xu đã vào như Đấng đi trước của chúng ta, vì đã trở nên thầy tế lễ thượng phẩm đời đời, theo ban Mên-chi-xê-đéc (c. 19-20)
Sự trông cậy của người tin Chúa được mô tả là như cái neo của linh hồn (c. 19a). Cái neo là vật giữ cho chiếc tàu đứng yên, không bị lay động. Cái neo của linh hồn hàm ý giúp cho linh hồn chúng ta vững vàng, không bị dao động. Đây là chiếc neo vững vàng và bền chặt (c. 19b) nói lên ý chắc chắn, không thể lay chuyển.
Thấu vào phía trong màn (c. 19c) là hình ảnh bức màn ngăn cách giữa nơi thánh và nơi chí thánh (Xuất 26:31-33). Đây là bức màn bị xé ra làm hai từ trên chí dưới (Ma-thi-ơ 27:51a). Tác giả nhắc đến bức màn ở đây nhằm giới thiệu chủ đề Chúa Giê-xu là thầy tế lễ đời đời trong phần tiếp theo (7:1-28).
Trong hệ thống tế lễ cũ, chỉ một mình thầy tế lễ thượng phẩm mới được phép vào phía trong màn mỗi năm một lần (9:7). Khi Chúa Giê-xu chịu chết, bức màn đó bị xé bỏ, nghĩa là ngày nay, con đường đến với Đức Chúa Trời không qua thầy tế lễ nữa nhưng qua Chúa Giê-xu. Thật ra, mỗi người tin Chúa đều có thể trực tiếp đến với Đức Chúa Trời nhờ cái chết của Chúa Giê-xu (10:19-20). Tác giả nói:
Trong nơi thánh mà Đức Chúa Giê-xu đã vào như Đấng đi trước của chúng ta (c. 20a)
Đây là đặc ân của người tin Chúa trong giao ước mới và cũng là chủ đề của Thư Hê-bơ-rơ. Với lời xác nhận nầy, tác giả giới thiệu phần tiếp theo: “Chúa Giê-xu là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời” (7:1-28).