12 Vậy, hãy giơ bàn tay yếu đuối của anh em lên, luôn cả đầu gối lỏng lẻo nữa. 13 Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường mà lại được chữa lành nữa.
14 Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
15 Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.
16 Hãy coi chừng, cho trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng. 17 Thật vậy, anh em biết rằng đến sau, người muốn cha mình chúc phước cho, thì lại bị bỏ vì dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi.
1. “Giơ bàn tay yếu đuối lên” (c. 12a) nghĩa là gì?
2. “Đầu gối lỏng lẻo” (c. 12b) mô tả điều gì?
3. “Làm đường thẳng” (c. 13a) mang ý nghĩa gì?
4. Hai mạng lệnh trong câu 14 liên quan đến ai? Mang ý nghĩa gì?
5. Thế nào là “trật phần ân điển của Đức Chúa Trời” (c. 15a)?
6. “Rễ đắng” (c. 15b) chỉ về điều gì?
7. Xin cho biết lỗi lầm của Ê-sau và hậu quả của lỗi lầm đó (c. 16-17)
Chúng ta có thể xem câu 4-11 là “phần trong ngoặc” nhằm nhắc độc giả về vấn đề sửa phạt của Chúa. Tiếp tục khích lệ về cuộc chạy đua (c. 1-3), ông viết:
Vậy, hãy giơ bàn tay yếu đuối của anh em lên, luôn cả đầu gối lỏng lẻo nữa (c. 12)
Tay và đầu gối thường được dùng để chỉ về hoạt động và sức mạnh, nhưng ở đây tác giả nói đến bàn tay yếu đuối và đầu gối lỏng lẻo. Những hình ảnh về thể xác nầy thật ra nói đến sự suy yếu tinh thần. Bàn tay yếu đuối và đầu gối lỏng lẻo nói lên sự mệt mỏi, ngã lòng. Cho nên giơ tay và làm vững mạnh hàm ý quyết tâm đứng lên để đạt mục đích.
Tiếp tục hình ảnh cuộc chạy đua, tác giả viết:
Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường mà lại được chữa lành nữa (c. 13)
Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo (c. 13a) hàm ý thẳng tiến tới mục tiêu, nói đến mục tiêu tối hậu của người tin Chúa. Phải nhắm thẳng mục đích đó mà tiến tới.
Lạc đường (c. 13b) dịch đúng hơn là “bị trẹo chân” (BHĐ). Kẻ què chỉ về thành phần yếu đuối trong cộng đồng đức tin mà các tín hữu có trách nhiệm nâng đỡ để họ được chữa lành và đi đúng đường.
Hãy làm đường thẳng cho chân anh em, để người què khỏi bị trẹo chân mà lại được chữa lành (c. 13, BHĐ)
Lời khuyên tiếp theo của tác giả là:
Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời (c. 14)
Chữ cầu và tìm theo là một chữ trong nguyên văn, hàm ý cố gắng tối đa, đeo đuổi:
Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người và đeo đuổi sự thánh khiết (c. 14a, BHĐ)
Lời khuyên nầy liên quan đến mối quan hệ giữa người với người và người với Chúa. Với người, chúng ta phải sống hòa thuận, TÌM CÁCH sống hòa thuận, cố gắng tối đa để làm điều nầy (Rô-ma 12:18).
Với Chúa, chúng ta phải sống đời thánh khiết, biệt riêng cho Chúa, không hòa mình với trần gian . Thấy Đức Chúa Trời nghĩa là sống trong sự hiện diện của Chúa, nói đến kinh nghiệm sự sống đời đời. Không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời (c. 14b) vì bản chất của Đức Chúa Trời là thánh khiết. Không mang cùng bản tính thánh khiết với Chúa, chúng ta không thể nào tương giao với Chúa, sống trong sự hiện diện của Ngài.
Phần còn lại (c. 15-17) là những lời khuyên cá nhân:
· Khá coi chừng:
o Kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời (c. 15a)
o Kẻo rễ đắng châm ra (c. 15b)
Trật phần ân điển cùng một chữ với bị trừ ra (4:1) mang ý nghĩa bị mất đi một điều gì đó vì lỗi của mình. Con dân Chúa ngày xưa đã được Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ tại Ai-cập. Họ đang trên đường vào Đất Hứa và sẵn sàng để chiếm lấy xứ nhưng vì thiếu lòng tin nên họ đã bị trừ ra, không được hưởng sự an nghỉ của Chúa, họ đã trật phần an nghỉ. Tương tự như vậy, người tin Chúa cũng có thể trật phần ân điển, là sự cứu rỗi sau cùng, khi chúng ta được an nghỉ đời đời trong Nước Chúa. Đây là lời khuyên nhằm ý cảnh báo chứ không nói chúng ta có thể bị mất sự cứu rỗi.
Lời khuyên tiếp theo:
Kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng (c. 15b)
Rễ đắng dựa vào ý trong Phục truyền 29:18 nói về việc con dân Chúa thờ tà thần và từ bỏ Đức Chúa Trời. Gốc rễ đó đưa đến sự bội đạo và ảnh hưởng đến người khác: “Kẻo rễ đắng đâm ra, gây rối và làm ô uế nhiều người trong anh em chăng” (BHĐ).
Ô uế là điều ngược lại với thánh khiết (c. 14). Tội lỗi của một người có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác, đó là điều tác giả cảnh báo.
· Hãy coi chừng:
o Cho trong anh em chớ có ai gian dâm (c. 16a)
o Cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau (c. 16b)
Câu chuyện Ê-sau bán quyền trưởng nam lấy bát canh phạn đậu được ghi trong Sáng thế ký 25:29-34. Câu chuyện nầy không nhắc gì đến Ê-sau gian dâm, tuy nhiên trong Cựu Ước, gian dâm thường được dùng để chỉ về việc thờ hình tượng và từ bỏ Đức Chúa Trời (Dân số ký 14:33; Phục truyền 31:16, Các quan xét 2:17; Ô-sê 1:2; Giê-rê-mi 2:20; 3:6-9, 20; Ê-xê-chi-ên 16:15, 23). Đó là thái độ của Ê-sau khi ông coi thường những giá trị tâm linh để đổi lấy những điều tạm bợ của trần gian.
Khinh lờn mang ý nghĩa “phàm tục” (BHĐ) ngược lại với thánh khiết, cao đẹp.
Lý do Ê-sau bị coi là gian dâm và phàm tục là chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng (c. 16b). Đây là một sự đổi chác không thể tưởng tượng được! Quyền con trưởng là quyền thừa kế, được hưởng gia tài gấp đôi (Phục truyền 21:17). Là con đầu của Y-sác, Ê-sau cũng được hưởng lời hứa của Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham (Sáng thế ký 12:3). Coi thường những ơn phước nầy cho thấy Ê-sau cũng coi thường giao ước lời hứa của Đức Chúa Trời để thỏa mãn nhu cầu thể xác trong chốc lát!
Những chữ CHỈ VÌ MỘT MÓN ĂN cho thấy quyết định vô cùng tai hại và sai lầm của Ê-sau. Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng cho mỗi chúng ta khi đeo đuổi những giá trị vật chất tạm bợ mà quên đi giá trị trường tồn của Nước Chúa.
Câu chuyện Ê-sau bán quyền trưởng nam để đổi lấy bát canh kết thúc như sau:
Thật vậy, anh em biết rằng đến sau, người muốn cha mình chúc phước cho, thì lại bị bỏ vì dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi (c. 17)
Những chữ Anh em biết rằng hàm ý độc giả biết rõ câu chuyện trong Sáng thế ký 27:30-40 về việc Ê-sau không được cha chúc phước. Câu chuyện bắt đầu với việc Y-sác muốn chúc phước cho Ê-sau nên sai ông đi săn để về dọn món ngon cho mình. Bà Rê-be-ca nghe được, đã bảo Gia-cốp giả làm Ê-sau để được cha chúc phước (Sáng thế ký 27:1-29). Khi Ê-sau về mới biết cha đã chúc phước cho em nên xin cha cũng chúc phước cho mình nữa. Nhưng Y-sác vì đã chúc phước một lần rồi, không thể chúc phước cho Ê-sau: Dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi (c. 17b).
Có thể nói, chính Ê-sau đã quyết định số phận của mình khi đồng ý đổi quyền trưởng nam để lấy bát canh phạn đậu. Việc Gia-cốp cướp phước lành và những diễn tiến tiếp theo là hậu quả tất nhiên của một quyết định sai lầm.