“…đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em” (câu 21b).
Câu hỏi suy ngẫm: Cơ Đốc nhân phải nhận lấy Lời Chúa với thái độ ra sao? Lời Chúa có vai trò gì trong đời sống Cơ Đốc? Làm thế nào để bạn tiếp nhận Lời Chúa thường xuyên?
Ông Gia-cơ khuyên các tín hữu “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (câu 19). Thoạt nhìn thì đây là nguyên tắc cơ bản trong lãnh vực giao tiếp. Nhưng ở đây ông Gia-cơ không nói về sự lắng nghe thông thường mà nhấn mạnh về nghe “Lời đã trồng trong anh em, là Lời cứu được linh hồn của anh em.” “Lời” như mô tả ở đây chính là chân lý, là Lời Đức Chúa Trời.
Khi tiếp nhận Lời Chúa, ông Gia-cơ có một số lưu ý, thứ nhất, phải “mau nghe.” Đó là thái độ ham thích, sẵn sàng và nhanh chóng nắm bắt khi có cơ hội. Thứ hai, “chậm nói,” tức là tập trung chú ý vào nội dung sứ điệp mình nghe thay vì mải mê suy nghĩ về ý kiến cá nhân rồi nhanh chóng nói lại. Thứ ba, phải “chậm giận,” nghĩa là bày tỏ thái độ phục tùng Lời Chúa dù trong đó có những điều mình không thích hoặc lời đó động chạm vào cái tôi của mình. Chỉ khi chậm giận, để cho Lời Chúa chỉ ra những tội lỗi, sai trật, chúng ta mới có thể “bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại,” và mới có thể sống đẹp lòng Chúa theo sự công bình của Ngài. Đó chính là thái độ “đem lòng nhu mì nhận lấy,” tiếp nhận với tấm lòng rộng mở, để Lời Chúa tự do hành động.
Thật ra Lời Chúa đã được “trồng” trong mọi Cơ Đốc nhân, nghĩa là chúng ta đã tiếp nhận chân lý và kinh nghiệm ơn cứu rỗi khi đáp ứng bằng đức tin. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Lời Chúa còn là thức ăn thuộc linh, giúp nuôi dưỡng để đời sống tâm linh chúng ta ngày càng trưởng thành, để chúng ta được biến đổi và trở nên giống Chúa mỗi ngày càng hơn. Lời Chúa “dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17). Khi tiếp nhận Lời Chúa, mối liên hệ của chúng ta với Chúa sẽ mật thiết hơn, chúng ta sẽ hiểu được ý muốn Chúa và sống đẹp lòng Ngài.
Lời Chúa là để tiếp nhận mỗi ngày, tiếp nhận cách thường xuyên, đều đặn, trung tín. Mỗi chúng ta cần phải dành một khoảng thời gian cố định và một nơi cố định, theo lịch trình riêng của mỗi người để giữ kỷ luật đọc, học Lời Chúa. Ngoài ra, việc đọc sách bồi linh, tham gia những khóa học Kinh Thánh, hoặc thảo luận Kinh Thánh nhóm nhỏ... cũng là những cách hiệu quả để chúng ta nhận lấy Lời Chúa. Điều quan trọng là phải có tấm lòng ham thích học hỏi và đón nhận Lời Chúa trong mọi cơ hội Chúa ban.
Bạn đang ham thích đón nhận Lời Chúa như thế nào?
Lạy Chúa, xin dạy con biết lắng nghe và tiếp nhận Lời Ngài với lòng nhu mì, thuận phục. Xin Lời Ngài, là Lời đã trồng trong con, được lớn lên, biến đổi đời sống con, và sinh hoa kết trái, để cuộc đời con là minh chứng về quyền năng của Lời Chúa.
(c) 2024 svtk.net