"Lạy Chúa, hẳn là vậy rồi, nhưng mà chó dưới bàn ăn mấy miếng bánh vụn của con cái...Ngài làm mọi việc được tốt lành..." (c. #28,37).
Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Chúa Giê-xu lại đi đến vùng dân ngoại bang? Câu Chúa nói với người phụ nữ Hy Lạp có phải là lời từ chối không? (c. #26) Lý do Chúa đuổi quỉ, chữa lành cho con bà? Việc Chúa chữa cho người điếc thể hiện điều gì?
Trong phân đoạn Kinh thánh hôm qua, Chúa Giê-xu đã vạch rõ cho người Do Thái thấy quan niệm sai lầm của họ trong việc phân biệt thánh sạch và ô uế. Người Do Thái cũng coi những người không phải Do Thái là thuộc hàng thấp kém và không bao giờ giao tiếp. Mác ghi lại chuyến đi đặc biệt của Chúa Giê-xu đến vùng miền Bắc xứ Ga-li-lê, qua thành Ty-rơ và Si-đôn thuộc xứ Phê-ni-xi (bây giờ là Li-băng). Mác muốn nhấn mạnh quan điểm này của Chúa Giê-xu bằng hành động. Trong Phúc Âm Giăng, Chúa đã nhiều lần bày tỏ quan niệm đó khi Ngài sẵn lòng trò chuyện với một phụ nữ Sa-ma-ri trên vùng đất người Do Thái không muốn dừng chân và khi Chúa nói: "Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này, Ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy và một người chăn mà thôi" (Giăng 10:16).
Câu chuyện ghi lại người phụ nữ Hy Lạp đến xin Chúa đuổi quỉ đang nhập vào con gái mình. Mới nghe nhiều người cảm thấy khó chịu về câu trả lời của Chúa Giê-xu. Đối với người ngoại bang và nhất là đối với người Do Thái, chó là loài vật đáng khinh bỉ. Tại sao Chúa lại nói như vậy? Chúng ta cần lưu ý bối cảnh câu Chúa nói, "hãy để con cái ăn no nê trước đã, vì không lẽ lấy bánh của con cái quăng cho chó." Trong khung cảnh bữa ăn gia đình, những con chó này không phải là chó sói hay chó hoang, nhưng là những con chó nhỏ ở trong nhà vẫn thường chơi đùa với đám trẻ. Câu trả lời của Chúa không hàm ý từ chối nhưng Chúa muốn nhấn mạnh đến thứ tự trước sau. "Để con cái ăn no nê TRƯỚC ĐÃ" sau đó mới đến chó con."
Lời đối đáp của người phụ nữ này cũng hàm ý cho thấy Chúa không có giọng trách mắng khi nói như trên, vì bà đã dám năn nỉ: "Lạy Chúa, hẳn vậy rồi; nhưng mà chó dưới bàn ăn mấy miếng bánh vụn của con cái!" Bà không yêu cầu Chúa làm trái với nguyên tắc của Ngài, nhưng xin Chúa cho phép con bà được hưởng một phần phước dư dật, thừa thãi từ bàn ăn của con cái rơi xuống.
Chúng ta không hiểu câu Chúa nói theo nghĩa đen, vì kết quả của lời yêu cầu cho thấy Chúa hoàn toàn không có ý phân biệt chủng tộc, nhưng nhấn mạnh đến vai trò của đức tin. Trong thực tế Chúa đã nhiều lần quở trách người Do Thái dựa dẫm vào huyết thống, hãnh diện là con cháu Áp-ra-ham, nhưng không có đức tin của Áp-ra-ham. Người phụ nữ Ca-na-an này tuy là dân ngoại nhưng đã bày tỏ lòng tin mạnh mẽ nơi Chúa, và đã được Ngài đáp ứng: "Hãy đi, vì lời ấy, quỉ đã ra khỏi con gái ngươi rồi."
Cách Chúa chữa lành người điếc cũng bày tỏ tấm lòng nhân từ của Chúa khi giúp anh có cơ hội đặt đức tin nơi Ngài. Người điếc chỉ có thể đoán biết nhờ vẻ mặt và cách ra dấu. Dân chúng thương người tàn tật này và đã xin Chúa dùm cho anh. Chắc họ đã cố gắng cho anh biết đôi điều về Chúa nhưng không chắc là anh hiểu hết. Đem anh riêng ra, bằng dấu hiệu, Chúa để ngón tay vào tai anh, thấm nước miếng xức lưỡi anh, cuối cùng Chúa ngửa mặt lên trời, thở ra, phán cùng anh "Ép-ra-ta." Tức khắc anh được lành, nghe được và nói năng rõ ràng. Mác đã ghi lại kết luận của dân chúng: "Ngài làm mọi việc được tốt lành: khiến kẻ điếc nghe, kẻ câm nói được."
Xin Chúa giúp con sống yêu thương và cảm thông với những người khác, nhất là không để những khác biệt về học thức, văn hóa, địa vị xã hội...làm méo mó cái nhìn của con về họ. Giúp con nhớ rằng mình cũng mang thân phận "dân ngoại" nhưng đã được Chúa cứu.
(c) 2024 svtk.net