Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Lời Cầu Nguyện Được Nhậm

Công-vụ các Sứ-đồ 12:12-19

"Người suy nghĩ lại điều đó, rồi đến nhà Ma-ri, mẹ của Giăng cũng gọi là Mác, là nơi có nhiều người đang nhóm lại cầu nguyện" (c. #12).

Câu hỏi suy ngẫm: Sau khi Phi-e-rơ được giải cứu khỏi ngục, ông đi đâu? Tại nhà của Ma-ri, mẹ của Giăng cũng gọi là Mác, nhiều người đang làm gì? Tại sao Phi-e-rơ bảo là phải báo tin cho Gia-cơ và anh em biết? Việc Chúa giải cứu Phi-e-rơ, và thái độ của tín hữu họp lại tại nhà của Ma-ri cho chúng ta bài học nào?

Phi-e-rơ được giải cứu chứng tỏ Chúa bảo vệ các chứng nhân của Ngài khi họ đi khắp nơi truyền bá Phúc Âm. Hê-rốt muốn giết các sứ đồ của Chúa để đẹp lòng người Do Thái. Hê-rốt Ạc-ríp-ba ở đây là người kế vị Hê-rốt lớn, là ông nội của ông ta; cả hai đều giống nhau về tính tình kiêu căng, độc ác. Gia-cơ là sứ đồ liên lạc mật thiết với Chúa Giê-xu bị giết. Mẹ của Gia-cơ đã một lần xin với Chúa Giê-xu cho con mình được tôn trưởng trong Nước Ngài. Chúa Giê-xu không từ chối, nhưng Ngài nói ông phải sẵn sàng uống chén đau khổ với Ngài. Gia-cơ là sứ đồ đầu tiên tuận đạo. Việc Chúa giải cứu Phi-e-rơ được kể lại rõ ràng, mạch lạc với nhiều chi tiết. Nhờ quyền phép siêu nhiên, nhờ một vị thiên sứ hướng dẫn, Phi-e-rơ đã thoát khỏi ngục và trở về gặp nhóm tín hữu đang họp tại nhà của Ma-ri để cầu nguyện.

Việc can thiệp của Chúa chứng tỏ biến cố ấy thật quan trọng, vì họ đang ở trong cơn hiểm nghèo, không quyền lực nào có thể tiêu diệt được Hội thánh của Đức Chúa Trời. Bởi lời cầu nguyện Chúa đã giải cứu Phi-e-rơ trở về bình an. Khi Phi-e-rơ trở về thì họ không tin đó là Phi-e-rơ. Chỉ có người đầy tớ gái là Rô-đơ tin. Nhiều khi chúng ta cũng vậy, khi cầu nguyện được Chúa nhậm lời lại tỏ ra hờ hững hoặc chậm tin; xin Chúa cho chúng ta có lòng tin trọn vẹn và cảm tạ ơn Chúa khi được Chúa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Phi-e-rơ sau khi gặp tín hữu tại nhà của Ma-ri, ông dặn rằng: "Hãy cho Gia-cơ và anh em biết điều này..." (c. #17). Gia-cơ này là em của Chúa Giê-xu, trong Giăng 7:5 anh em của Chúa không tin Ngài, nhưng sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài hiện ra cùng Gia-cơ (I Cô-rinh-tô 15:7). Theo tiến sĩ Barclay, có sách Phúc Âm cổ được gọi là Phúc Âm theo tiếng Hê-bơ-rơ đã kể rằng sau khi Chúa Giê-xu chết, Gia-cơ có thề rằng ông không ăn uống cho đến chừng nào ông nhìn thấy Chúa Giê-xu, và Chúa Giê-xu đã hiện ra với ông. Khi Chúa Giê-xu còn ở trong thế gian thì ông không tin Ngài, nhưng khi Chúa Giê-xu chịu chết trên thập tự giá thì đã làm ông tin Ngài, ông đã tận hiến đời mình để phục vụ Chúa. Sự thay đổi của Gia-cơ cho thấy chỉ có quyền năng của thập tự giá Chúa Giê-xu mới thay đổi được lòng người.

Cảm tạ Chúa, bởi sự chết của Ngài trên thập tự giá mà con được cứu chuộc. Chính quyền năng của thập tự giá đã thay đổi tấm lòng cứng cỏi và vô tín của con, và bao người trên trần thế trở thành con dân của Chúa, quyết tâm phục vụ Ngài.

(c) 2024 svtk.net