"Con kiến là vật yếu hèn, lo sắm sẵn vật thực mình trong mùa hạ" (c. #25)
Câu hỏi suy ngẫm: Con kiến có đặc điểm gì? Kiến cho chúng ta bài học về sự dự phòng, điều này có mâu thuẫn với lời Chúa dạy trong Ma-la-chi 6:14 không? Tại sao? Bạn áp dụng bài học này thế nào trong đời sống tâm linh?
Để học khôn, chúng ta thường tìm đến những vị thầy tài năng, đức độ, những vị có bằng cấp cao, học thức uyên bác. ít ai đi học khôn nơi loài vật, nhất là những con vật nhỏ bé. Tuy nhiên, có những loài vật nhỏ bé, dại dột thật, nhưng Chúa ban cho chúng khôn ngoan trên một khía cạnh đặc biệt, đáng cho người chúng ta học hỏi. Ch 30:24-28 nêu lên bốn con vật nhỏ bé là con kiến, thỏ rừng, cào cào và thằn lằn, "bốn vị thầy tí hon". Hôm nay chúng ta học khôn nơi vị thầy tí hơn thứ nhất: "Thầy Cả Kiến."
1)Thân thế sự nghiệp. Thầy Cả Kiến không thuộc dòng dõi cao sang quyền quí gì. Thầy thuộc họ hàng côn trùng, bà con với chú mối, cô rệp, bác nhện. Gia tộc toàn những anh chị em nhỏ bé, yếu mềm, sống chui nhủi trong những xó xỉnh tối tăm. Chính bản thân thầy cũng yếu ớt vô cùng. Thầy chỉ là mồi ngon cho chim chóc, cóc nhái. Một vũng nước nhỏ, rủi sa chân thì xem như cuộc đời thầy chấm dứt. Thầy bò trên đất, nhỡ ai đạp nhằm thì thầy cũng không mong sống sót. Đối với loài người thầy chẳng có ý nghĩa gì. Người ta thường nhạo "o " như kiến."
2) Khôn ngoan của thầy. Tuy nhỏ bé thấp hèn, nhưng thầy Cả Kiến có sự khôn ngoan đặc biệt; Biết dự phòng. Vâng thầy nhỏ bé thật, nhưng chúng ta hãy xem gương dự phòng của thầy. Trong mùa hè, khi nắng ấm, thầy cần mẫn làm việc. Khi người ta thong thả rong chơi, các thầy chăm chỉ làm việc. Nơi công viên, khi chúng ta vui vẻ ăn uống thì các thầy lặng lẽ tìm đến, âm thầm nhặt những hạt cơm rơi, những viên đường rớt. Khi chúng ta bỏ đi, các thầy mon men leo trên bàn, vơ vét những mẫu thức ăn thừa, những mẫu trái cây vụn. Các thầy gặm nhấm ăn uống no nê, rồi hì hục khiên những phần thức ăn không dùng hết về tổ. Mỗi thầy vác một chút, một chút. Các thầy không ngại đường dài, sức mọn, cứ siêng năng nối đuôi nhau vận chuyển lương thực về cho đầy kho, đầy vựa. Các thầy siêng năng làm việc như vậy vì biết rằng sẽ có lúc thầy không thể đi đâu được, nhưng các thầy vẫn ung dung vui vẻ với họ hàng mà không sợ đói khát. Thầy dạy chúng ta bài học biết dự phòng.
3) Bài học dự phòng. Là những người biết suy nghĩ, chúng ta đáng học bài học dự phòng nơi thầy Cả Kiến trên lãnh vực vật chất cũng như tâm linh. Về mặt vật chất, chúng ta cần làm việc siêng năng cần mẫn khi Chúa cho có khả năng và cơ hội để làm việc. Chúng ta cũng cần tích lũy của cải để dùng trong khi đau ốm, thất nghiệp, hay lúc tuổi già không thể làm việc được v..v.. "Ai thâu trữ trong mùa hè là con trai khôn ngoan; Song ngủ trong mùa gặt là con trai gây cho sỉ nhục." (Châm-ngôn 10:5) Chúa thường cảnh cáo chúng ta đừng quá lo lắng về đời này, và đừng để lòng tin cậy vào của cải. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta không siêng năng làm việc và không biết dự phòng. Chúng ta cần siêng năng làm việc, biết dùng của cải dâng hiến, giúp đỡ người khác, cũng như biết phòng hờ lúc bất trắc. Về mặt thuộc linh, chúng ta cần noi gương dự phòng của thầy kiến. Lúc có cơ hội, chúng ta hãy siêng năng ăn uống và thâu trữ lương thực thuộc linh là Lời Chúa, là liên hệ mật thiết với Ngài. Khi còn cơ hội bình yên, chúng ta đừng xao nhãng việc tích lũy linh lương. Vì sẽ có lúc mưa bão, giá lạnh đến với cuộc đời chúng ta. Những cơn mưa bão có thể là bắt bớ, hoạn nạn, đau ốm, khủng hoảng tài chánh, tình cảm, tang chế..v..v. Những người không biết thâu trữ linh lương sẽ vô cùng bối rối, mất thăng bằng, dễ vấp ngã khi mưa bão đến. Những người có Lời Chúa đầy đủ, có liên hệ mật thiết với Ngài sẽ bình tĩnh vượt qua các cơn giông bão của cuộc đời. Bạn có biết dự phòng về mặt vật chất cũng như thuộc linh không?
Lạy Chúa, trước mặt Ngài con cũng như loài kiến nhỏ bé. Xin giúp con biết nương cậy nơi Ngài, và ban cho con sự khôn ngoan biết dự phòng về mặt vật chất cũng như thuộc linh là những điều đưa con vào cõi đời đời Ngài dành cho con.
(c) 2024 svtk.net