Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 6

Đời Sống Ngưỡng Vọng

Có người thuộc binh chủng hải quân thuật lại kinh nghiệm của mình như sau: Lúc tàu cập bến có chừng 5 phần trăm thủy thủ dự nhóm thờ phượng. Khi tàu ở ngoài khơi số người thờ phượng là 10 phần trăm. Khi tàu lâm chiến và trong tình trạng nguy kịch số người thờ  phượng có khi lên đến 100 phần trăm. Thông thường, khi không cảm thấy cần, người ta không tự nhiên thờ phượng Chúa.

Cho dù chúng ta có cảm thấy cần hay không, nhu cầu thờ phượng Chúa vẫn hằng có luôn. Nơi chúng ta nhóm lại để thờ phượng Chúa là thánh đường hoặc nhà thờ. Từ ngữ hội thánh được dùng để nói đến đoàn thể tín nhân. Chúng ta nhóm lại với các tín hữu khác trong hội thánh để làm gì? Bạn hãy đánh dấu vào ô vuông nếu hội thánh có giúp ích cho bạn trong những sinh hoạt sau đây:

q    Học Kinh Thánh

q    Thờ phượng

q    Dự Tiệc Thánh

q    Chịu báp têm

q    Kết bạn với các tín hữu khác

q    Chứng đạo

q    Hành lễ hôn phối

q    Xử dụng ân tứ Chúa ban cho

q    Dạy dỗ cho cái trong nếp sống tin kính

q    Huấn luyện, trang bị cho mục vụ

q    Tập tành nếp sống tin kính

q    Học tập giáo lý

q    Thăm viếng trong gia đình

q    Thăm viếng trong bệnh viện

q    Giải hòa khi có xung khắc

q    Đỡ đần trong lúc khó khăn

q    Ủy lạo

Bạn hãy viết một đoạn văn ngắn cho biết điều bạn thường đóng góp trong những sinh hoạt trong hội thánh:

______________________________________________

______________________________________________

______________________________________________

______________________________________________

______________________________________________

______________________________________________

 

Con người được dựng nên để tương giao cùng Thượng Đế qua nhiều cách khác nhau: tìm kiếm, chiêm nghiệm, tôn vinh, van khẩn, tạ tội, nài xin, v. v. . . . Qua Kinh Thánh chúng ta biết con người có thể tương giao cùng Chúa qua sự suy gẫm lời Chúa, qua sự cầu nguyện, và nhất là qua sự thờ phượng Ngài. Thờ phượng Chúa có nghĩa là gì? Có người đã nói thờ phượng Chúa có nghĩa là:

v    dâng trọn bản thể chân thật chúng ta cho Chúa,

v    thôi thúc lương tâm chúng ta bằng sự thánh khiết của Chúa,

v    nuôi dưỡng trí tuệ chúng ta bằng chân lý của Chúa,

v    luyện lọc mộng mơ chúng ta bằng vẻ đẹp của Chúa,

v    mở rộng tâm hồn chúng ta bằng tình yêu của Chúa,

v    hiến dâng ý chí chúng ta cho mục đích của Chúa,

v    và hết thảy mọi điều này đều phải hướng đến sự ngưỡng mộ, tôn sùng và hết lòng, hết ý, hết trí, hết sức phục vụ Ngài.

Thật vậy, sự thờ phượng Chúa trước hết phải bao hàm sự dâng hiến cách trọn vẹn cả tâm thần, linh hồn và thân thể cho Chúa. Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 có lời nguyện cầu của Phao-lô: Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin, tâm thần, linh hồn và thân thể anh em đều được giữ vẹn không chỗ trách được, khi Đức Chúa Giê-xu chúng ta đến! Người thờ phượng Chúa là người biệt riêng ra cho Chúa trong khung cảnh trang nghiêm, tôn kính.

Người thờ phượng Chúa cách kỉnh kiền là người không để cho ngoại cảnh chi phối mình. Trong sự hiện diện thánh khiết của Chúa, lương tâm người được Chúa lay động, thôi thúc. Động lực đơn thuần đó khiến người tỉnh thức và sáng suốt chu toàn trách nhiệm của mình trước mặt Chúa. Động lực đó còn khiến lương tâm người luôn được trong sạch, ngay thẳng. Nhờ vậy mà người được mạnh mẽ, vững vàng trên bước đường theo Chúa.

Kế đến, người thờ phượng Chúa cách khôn ngoan là người biết nuôi dưỡng trí tuệ mình bằng chân lý và quyền phép của Ngài. Trong I Cô-rinh-tô 2:1-5, Phao-lô tâm sự: 1Hỡi anh em, về phần tôi, khi tôi đến cùng anh em, chẳng dùng lời cao xa hay là khôn sáng mà rao giảng cho anh em biết chứng cớ của Đức Chúa Trời. 2Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ, và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. 3Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẫy lắm. 4Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; 5hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.

Sau nữa, người thờ phượng Chúa cách linh động là người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chúa trong tâm tưởng của mình. Tác giả Thi Thiên 42 viết: 1Đức Chúa Trời ôi, linh hồn tôi mơ ước Chúa như con nai cái thèm khát khe nước. 2Linh hồn tôi khác khao Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hằng sống . . . Tác giả Thi Thiên 63 lại viết: 1Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước. Linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa 2đặng xem sự quyền năng và sự vinh hiển của Chúa, như tôi đã nhìn xem Chúa tại trong nơi thánh. . . 6Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm. Dù giấc mộng của người thờ phượng Chúa có đẹp đẽ đến mấy chăng nữa cũng không thể đẹp đẽ hơn hình ảnh của Chúa trong lòng người. Dù mơ ước của người thờ phượng Chúa có rực rỡ đến mấy chăng nữa cũng không thể rực rỡ hơn vinh quang của Chúa trong lòng người.

Điều quan trọng kế tiếp mà lòng người thờ phượng Chúa luôn kinh nghiệm là sự yêu thương. Tâm hồn người thờ phượng Chúa là tâm hồn được Chúa mở rộng bằng tình yêu của chính Ngài. Nếu không thể yêu anh em mình đang thấy trước mắt thì người thờ phượng Chúa làm sao có thể nói rằng mình yêu mến Chúa là Đấng mình chẳng thấy! (I Giăng 4:20). Bởi vậy cho nên khi còn tại thế Chúa Giê-xu đã từng nhắc nhở các môn đồ của Ngài phải về làm hòa với anh em mình trước, phải tỏ lòng yêu thương anh em mình trưóc rồi mới có thể đến đền thờ dâng của lễ và thờ phượng Chúa (Ma-thi-ơ 5:21-24).

Trở ngại của rất nhiều người là lòng họ yêu anh em mình không đủ để khỏa lấp những sự bất toàn và che đậy vô số tội lỗi, cũng không đủ để mang lấy gánh nặng cho nhau. Tại sao vậy? Chẳng qua chỉ vì họ đã cố gắng yêu thương với sức lực của riêng mình. Chỉ khi nào người thờ phượng Chúa để cho Chúa chan hòa tình yêu của Ngài vào lòng mình, đong đầy đến nỗi tuôn tràn, bấy giờ người mới có thể yêu như Chúa đã từng yêu. Sứ đồ Giăng nhắc nhở như sau: 7Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. 8Ai chẳng yêu thì không biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.

Nói đến lương tâm, trí tuệ và tâm hồn của người thờ phượng Chúa, không thể không nói đến ý chí của người thờ phượng Chúa. Ý chí của người thờ phượng Chúa phải là ý chí được hiến dâng cho mục đích của Đức Chúa Trời. Khi được Chúa dựng nên và được Chúa ban cho ý chí tự do, mỗi người xử dụng ý chí tự do đó cách khác nhau. Người không nghe biết chi hết về Tin Lành cứu rỗi thì thờ các thần khác nhau. Có người chẳng có niềm tin tôn giáo chi cả và chỉ muốn theo chủ thuyết vô thần. Có người chuộng theo vật chất, phủ nhận cả thế giới tâm linh và chủ trương phiếm thần. Có người lại có quá nhiều thần để tôn thờ và như vậy họ mặc nhiên chấp nhận chủ thuyết đa thần. Đức Chúa Trời cho con người sự tự do, kể cả tự do khước từ Ngài. Riêng đối với những người thờ phượng Chúa, họ biết dùng sự tự do đó để hiến dâng ý chí của mình cho mục đích của Chúa. Trước ngày ăn năn tội lỗi, tin nhận Chúa và bước đi theo Ngài họ được quyền tự do chọn Chúa để thờ phượng hoặc chọn một thần nào khác để sùng bái, suy tôn. Sau khi đã tin Chúa người tin vẫn còn sự tự do trên bước đường theo Chúa. Hằng ngày người theo Chúa có thể làm theo ý riêng của mình hoặc theo thánh ý của Chúa. Người tin Chúa cách nông cạn, hời hợt rất dễ chìu theo ý riêng và coi thường ý Chúa. Chỉ có người nào thành tâm đặt mình dưới sự tể trị của Chúa, để cho Thánh Linh Chúa hành động cách mạnh mẽ trong lương tâm mình, để cho chân lý của Chúa đong đầy trong trí tuệ mình, để cho tình yêu của Chúa tràn ngập tâm hồn mình thì mới có thể hoàn toàn đầu phục thánh ý của Chúa và thờ phượng Chúa cách phải lẽ.

Phao-lô có lời khuyên thật tốt cho những người hết sức ao ước thờ phượng Chúa cách phải lẽ trong Rô-ma 12: 1Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em phải dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2Đừng làm theo đời này nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Làm thể nào để tâm thần người thờ phượng Chúa luôn được đổi mới để nghiệm biết thánh ý tốt lành và trọn vẹn của Đức Chúa Trời? Chỉ có một cách mà thôi. Đấng mà người ấy thờ phượng phải là Chúa hằng sống đầy quyền năng. Gần hai ngàn năm trước đây Đức Chúa Trời đã chứng minh cho nhân gian thấy rõ Ngài là ai. Chúa sống lại để cho những ai biết lấy tâm thần và lẽ thật thờ phượng không thể nào không ngưỡng mộ, tôn sùng và hết lòng, hết ý, hết trí, hết sức phục vụ Ngài.

Ngay sau khi Chúa Giê-xu sống lại Ngài tiếp tục thăm viếng, an ủi, trấn an, chỉ dạy các môn đồ. Ngài không muốn những người theo Ngài lúc nào cũng đóng khung sự thờ phượng trong bốn bức vách của nhà thờ. Sự thờ phượng Đấng Hàng Sống phải mang tính cách sinh động, phải nảy sinh ra các việc lành, phải gắn bó với sự phục vụ, qua đó nhân thế cảm thấy gần Chúa hơn thay vì thấy Chúa cách xa.

Ê-phê-sô 5:19-20 dạy con cái Chúa Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhơn danh Ðức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Ðức Chúa Trời, là Cha chúng ta.

Hê-bơ-rơ 10:24-25 nhắc nhở Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

Thi Thiên 51:15-17 thuật lại lời van nài thống thiết của Đa-vít: Chúa ơn, xin mở mắt tôi, Rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi khen Chúa.  Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa:  Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Ðức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.

Trong khi thờ phượng chúng ta tôn vinh, ngợi khen, cảm tạ, nài xin Chúa. Ngoài ra, khi thờ phượng Chúa chúng ta còn đầu phục và hiến dâng điều tốt nhất cho Ngài. Thờ phượng Chúa càng siêng năng, chúng ta càng thêm mạnh mẽ trong niềm tin, vững vàng trong sự hiểu biết lẽ đạo.

Ảnh hưởng của sự chiêm ngưỡng Chúa, tôn sùng Chúa là gì? Đó là sự tể trị của Chúa trong đời sống chúng ta. Trí óc chúng ta không thuộc về mình nữa nhưng thuộc về Chúa. Trái tim chúng ta cũng vậy, nó không còn thuộc về mình nhưng thuộc về Chúa. Đúng ra, trọn cả đời sống của con dân Chúa phải thuộc về Chúa và ở dưới quyền tể trị của Ngài, không phải chỉ trong Chúa Nhật nhưng trong suốt cả tuần lễ, suốt cả đời sống. Sự vui mừng, bình an, yêu thương chúng ta kinh nghiệm trong sinh hoạt thờ phượng phải thẩm thấu mọi sinh hoạt khác trong đời sống chúng ta và phải chan hòa nơi chúng ta làm lụng hoặc cư ngụ.

 


Tứ Mùa Tâm Linh

Tân Tạo

Tươi Tỉnh

Tăng Tiến

Tịnh Tâm