Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 25

Lòng và miệng

Châm-ngôn 10:1-32

"Người có lòng khôn ngoan, nhận tiếp những điều răn; nhưng kẻ có miệng ngu muội phải bị sa ngã." (c. #8)

Câu hỏi suy ngẫm: Người khôn ngoan và người ngu dại ở đây chỉ về ai? Lời nói của người khôn ngoan và người ngu dại có đặc điêm gì? Đem lại lợi ích gì và tai hại nào cho người khác? Làm sao để trở nên khôn ngoan?

Khôn hay dại trong Châm ngôn không phải chỉ là vấn đề của trí não, mà là vấn đề của tấm lòng. Lòng ở đây là nơi phát xuất những tình cảm, những quyết định. Tùy theo những tình cảm, những quyết định trong lòng mà chúng ta tỏ ra mình khôn hay dại. Còn miệng là cửa sổ của lòng, là môi giới của lòng. Ch 10:8 dạy rằng lòng người khôn ngoan tiếp nhận những điều răn. Nghĩa là người ấy ham thích Lời Chúa, và quyết định lắng nghe, học hỏi Lời Chúa, và dùng Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời sống của mình. Từ tấm lòng khôn ngoan mà sinh ra miệng khôn ngoan. Môi miệng của người khôn ngoan là nguồn sự sống (Châm-ngôn 10:11). Nó có giá trị giống như bạc cao (Châm-ngôn 10:21), là phương tiện để truyền bá, để nảy sinh ra khôn ngoan (Châm-ngôn 10:31). Miệng ấy phát ra những lời đẹp ý Chúa và ý người (Châm-ngôn 10:32) và còn đứng vững lâu dài (Châm-ngôn 12:19).

Người dại thì ngược lại. Lòng anh bị Chúa gớm ghiếc (Châm-ngôn 11:20) và chẳng có giá trị gì (Châm-ngôn 10:20). Miệng người dại lại còn nguy hại (Châm-ngôn 10:14). Từ tấm lòng ngu muội của mình, anh ta phát ra những lời nguy hiểm (Châm-ngôn 10:6, 11) gây tai hại cho chính anh ta cũng như cho người khác (Châm-ngôn 10:14, 31). Lời nói của người dại chẳng tồn tại bao lâu (Châm-ngôn 12:19). Bạn có muốn làm người khôn ngoan chăng? Hãy mở lòng ra để tiếp nhận lời Chúa, và hãy giữ đừng cho miệng mình buông ra những lời tai hại....

Lạy Chúa, xin giúp con tiếp nhận và làm theo lời Chúa để trở nên khôn ngoan.

(c) 2024 svtk.net