Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37-47)
Câu Gốc:
Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chịu báp têm để được tha tội mình; rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38)
Giả sử bạn là người nộp đơn xin việc làm tại một cơ quan, công ty hoặc xí nghiệp nào đó, có lẽ bạn phải chờ người ta duyệt xét đơn từ của mình. Nếu bạn hội đủ điều kiện tuyển dụng, người ta sẽ mời bạn vào phỏng vấn. Khi được phỏng vấn dĩ nhiên bạn sẽ muốn kể ra học vấn, khả năng, kinh nghiệm của mình cách đầy đủ, tốt đẹp. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem nếu những người sau đây được Chúa phỏng vấn cách kỹ lưỡng và được tuyển chọn theo tiêu chuẩn thông thường thì họ có thể nhận được việc Chúa trao cho không:
* Nô-ê, người say sưa sau biến động kinh hoàng,
* Môi-se, người cà lắm, lại phạm tội sát nhân,
* Áp-ra-ham, người già quá,
* Gia-cốp, người nói láo, kẻ tranh dành quyền lợi, địa vị,
* Na-ô-mi, người góa bụa cay đắng,
* Sam-sôn, người để tóc dài theo kiểu dân lãng tử,
* Đa-vít, khi còn là thiếu niên dáng người nhỏ quá, mặc áo giáp không vừa, chẳng có kinh nghiệm chiến trường,
* Đa-vít, khi lớn tuổi lại phạm tội tà dâm,
* Sa-lô-môn, khi còn trẻ thì tài hoa, giàu có quá,
* Sa-lô-môn, lúc về già lại đâm ra hư hỏng, hoang đàng,
* Ê-li, người kiệt lực, nản chí và chỉ muốn chết,
* Ô-sê, người kết hôn với một người nữ trắc nết,
* A-mốt, người trồng tỉa cây vả, ngoài ra chẳng biết gì khác,
* Giô-na, người trốn chạy, tránh né Chúa,
* Phi-e-rơ, người nóng nảy, bộp chộp,
* Ma-thê, người lo lắng những chuyện vu vơ, vớ vẩn, vụn vặt,
* Ma-ri, người lưỡi biếng, chẳng muốn phụ việc nhà,
* Giăng Mác, người buông cuộc khi gặp thách thức, khó khăn,
* Phao-lô, kẻ đã tàn hại hội thánh của Chúa,
* Ti-mô-thê, người đau bệnh kinh niên trong đường tiêu hóa
Bạn hãy yên tâm, Đức Chúa Trời không đòi hỏi chúng ta phải là người hội đủ những điều kiện về học vấn, khả năng và kinh nghiệm trước khi Ngài có thể xử dụng chúng ta. Ngài cũng không căn cứ vào khiếm khuyết hoặc lầm lỗi của chúng ta để khước từ chúng ta. Điều quan trọng trong sự hầu việc Chúa là sự thay đổi nhân cách để thích ứng với công tác thiêng liêng. Người hầu việc Chúa có thể là người có tài hoặc chẳng có tài nào đắng kể nhưng phải là người có đức và sẵn sàng để Chúa uốn nắn mình, tôi luyện mình, xử dụng mình cho mục đích tốt lành, xứng đáng và trọn vẹn của Ngài.
1. Được Đức Thánh Linh Cảm Thúc (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:37)
Lời Chúa có dạy rằng nếu chẳng phải bởi Đức Thánh Linh cảm động thì không ai có thể xưng nhận Đấng Christ. Cũng vậy, nếu chẳng phải bởi Đức Thánh Linh cảm động thì không ai có thể hầu việc Chúa cách hết lòng và đầy ý nghĩa. Khi ý thức rõ tình thương và sự hy sinh Chúa dành cho chính mình, chúng ta đáp ứng lại tình thương và sự hy sinh đó bằng niềm tin đơn sơ, chân thành. Khi nhận biết rõ trách nhiệm rao giảng tin lành, trưyền bá phúc âm của Chúa, chúng ta dâng mình hầu việc Chúa. Sự đáp ứng của chúng ta, sự dâng mình của chúng ta cần phải do Đức Thánh Linh cảm thúc. Không phải vì chúng ta muốn mà được. Nếu chẳng phải bởi ý Chúa, nếu chẳng do năng quyền của Chúa thì việc chúng ta làm có hay đến mấy hoặc có tốt đến mấy cũng chỉ là việc gượng ép mà thôi.
Sau khi dân chúng nghe Phi-e-rơ rao giảng lời Chúa, lòng họ cảm động và họ hỏi Phi-e-rơ và những sứ đồ khác: Hỡi anh em, chúng tôi phải làm chi? Có thể là lúc đó Phi-e-rơ rao giảng mà quên khuyên mời chăng? Chúng ta không biết có thật như vậy hay không, nhưng phản ứng của dân chúng quả là phản ứng đầy khích lệ. Khi đã được chính Đức Thánh Linh cảm thúc thì chẳng cần được nhắc nhở hoặc mời gọi, người nghe cũng đã sẵn sàng hầu việc Chúa.
2. Ăn Năn Tội Lỗi Trước Mặt Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38-41)
Ăn năn tội lỗi bao gồm ít nhất bốn điều: Buồn rầu, bức rức, bối rối, buông rơi. Người có lòng ăn năn thật không phải chỉ hối tiếc một chút về sự vấp phạm của mình nhưng còn khổ sở, đau đớn, buồn rầu vì nó nữa. Khi nhận biết tội lỗi của mình, Vua Đa-vít nói: 1Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhơn từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. 2Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. 3Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. 4Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, Và làm điều ác trước mặt Chúa; Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, Và được thanh sạch khi Chúa xét đoán (Thi Thiên 51:1-4). Sự buồn rầu của Đa-vít là sự buồn rầu hết sức chân thành.
Cũng vậy, khi nhận biết tội lỗi của mình, người con trai hoang đàng nói: Cha ơi, con đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa, xin cha đãi con như kẻ làm mướn của cha vậy (Lu-ca 15:19). Lương tâm của đứa con trai hoang đàng đó cứ bị dày vò, dằn vặt từ ngày này sang ngày khác khiến nó cứ phải bức rức, khó chịu mãi. Nó bối rối vì cớ tội lỗi nó đã vấp phạm. Và cuối cùng nó phải quyết định từ bỏ tội lỗi, dứt khoát buông rơi tội lỗi.
Ăn năn tội lỗi liên hệ đến ba phương diện: lý trí, cảm xúc và ý chí. Người có lòng ăn năn chân thành là người nhận biết cách rõ ràng tội của mình. Lý trí của người đó cho thấy rõ người đó đã vấp phạm. Người nhận biết tội của mình, không che đậy, không biện bạch, không bào chữa. Lòng người đó ghê tởm tư tưởng tà vạy, việc làm sai quấy của mình. Ý chí người đó dứt khoát chuyển hướng, quăng hết gánh nặng tội lỗi và hướng đến Chúa để nài xin Chúa thứ tha.
Người ăn năn tội lỗi và được Chúa thứ tha là người có đời sống dối mới, một đời sống hiến dâng, một đời sống phục vụ. Có người nói Đức Chúa Trời gớm ghét tội lỗi nhưng Ngài yêu thương tội nhân. Điều đó đúng nhưng không được lạm dụng. Người đã được Chúa thứ tha phải lấy lòng kỉnh kiền mà bước đi theo Chúa, phải thận trọng trong cách ăn nết ở của mình, không còn để mình bị buộc trói dưới ách tôi mọi của tội lỗi nữa.
Xét về thời gian, sự ăn năn tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời có ảnh hưởng trên quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Về quá khứ người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời biết rõ tội lỗi của mình đã được tẩy xóa và mình hoàn toàn được buông tha khỏi hình phạt do tội lỗi gây nên. Về hiện tại, người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời ý thức rằng mình đã được Chúa mua chuộc bằng giá rất cao, bởi đó người không dám tái phạm, không dám lầm lẫn, liều lĩnh, hoặc để cho ma quỉ lung lạc mình nữa. Về tương lai, người có lòng ăn năn thống hối trước mặt Đức Chúa Trời biết rõ sự cứu rỗi mình nhận được là sự cứu rỗi chắc chắn và mình sẽ được dự phần trong Nước Thiên Đàng của Chúa. Chúa đã tha tội một lần thì đủ cả. Sự cứu rỗi của người đó được bảo đảm bởi chính Đức Chúa Giê-xu Christ chớ chẳng phải bởi việc lành hoặc sự công bình của chính mình.
3. Hầu Việc Chúa Trong Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:42-47)
Sau khi ăn năn tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời và tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa, các môn đồ trong hội thánh ban đầu đã làm gì? Họ học hỏi Lời Đức Chúa Trời cách hào hứng. Họ thông công cách hớn hở. Họ đến cùng Chúa để cầu nguyện cách hân hoan. Họ hô hào, cổ động lòng kính sợ Chúa. Họ cứ hội hiệp lại với nhau và chuyên tâm thờ phượng Chúa và gìn giữ sự hòa thuận, hiệp một. Họ biết rằng khi hoàng hôn của đời này buông xuống, họ sẽ ra khỏi hình hài trần thế dể hồi hương trong nước huy hoàng của Chúa. Bởi vậy cho nên họ cứ làm chứng cho Chúa cách hăng hái, họ cứ hầu việc Chúa cách trung tín. Kết quả thật tốt lành: Chúa ban phước khiến cho hội thánh ngày càng đông người hơn.
Theo học giả William Barclay thì hội thánh ban đầu có chín đặc điểm:[1]
1. Đó là một hội thánh chịu học hỏi
2. Đó là một hội thánh của sự thông công
3. Đó là một hội thánh cầu nguyện
4. Đó là một hội thánh kính sợ Đức Chúa Trời
5. Đó là một hội thánh có nhiều dấu kỳ, phép lạ
6. Đó là một hội thánh biết chia xẻ
7. Đó là một hội thánh thờ phượng
8. Đó là một hội thánh đầy hạnh phúc
9. Đó là một hội thánh mà người khác không thể nào bắt chước để trở nên giống như vậy được.
Hội thánh ban đầu của Chúa là hội thánh có tinh thần vị tha rất cao. Khuynh hướng thông thường của con người là khuynh hướng vị kỷ. Tuy nhiên, khi được Chúa đổi mới con cái Chúa được Chúa tôi luyện để có thể suy nghĩ đến Chúa và tha nhân hơn là chỉ nghĩ đến chính mình. Đó là lý do khiến họ dám tình nguyện san xẻ hết những gì mình có thể san xẻ, đóng góp hết những gì mình có thể đóng góp mà không hề sợ bị thiêt thòi.