Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:32-11:18)
Câu Gốc:
Phi-e-rơ bèn mở miệng nói rằng: Ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể (thiên vị) ai (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34).
Giả sử bạn đi vào nhà hàng mà người ta không chịu tiếp đón vì cớ màu da của bạn, bạn có buồn chăng? Hay là bạn lên xe bus mà người ta bắt buộc bạn phải ra phía sau mà ngồi vì cớ bạn thuộc giống dân thiểu số, bạn có chấp nhận không? Hay là người ta cố tình đánh rớt bạn trong kỳ thi tuyển vấn đáp vào trường thuốc vì người ta chủ trương ngăn chặn dân da màu hành nghề y dược tại một địa phương nào đó, bạn có công phẫn chăng? Tất cả những điều trên đây và rất nhiều điều tương tự như vậy đã xảy ra tại Hoa Kỳ mãi cho đến thời gian rất gần đây.
Vì lòng vị kỷ, vì ý tự tôn, có rất nhiều người chủ trương khinh thường, kỳ thị những dân tộc khác cách trắng trợn hoặc ngấm ngầm. Đức Chúa Trời không cho phép điều đó xảy ra. Người kỳ thị không những mắc tội với đồng loại mà còn mang tội với Chúa nữa.
1. Dấu Hiệu Kỳ Thị (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:9-15)
Những người Do Thái tin đạo cách khắt khe thường nghĩ rằng ân huệ của Đức Chúa Trời chỉ dành cho người Do Thái mà thôi. Theo quan niệm của họ dân ngoại hoặc người nước ngoài không được hưởng phần tốt của Đức Chúa Trời, chỉ có tuyển dân của Chúa mới xứng đáng nhận lãnh sự ban cho đến từ Chúa. Phi-e-rơ cũng chịu ảnh hưởng của quan niệm này.
Để thay đổi sự suy nghĩ của Phi-e-rơ, Chúa tỏ cho ông một sự hiện thấy đặc biệt. Trong khi Phi-e-rơ lên mái nhà để cầu nguyện khoảng giữa trưa, ông bị ngất trí. Lúc ông bị ngất trí, Chúa cho ông thấy có vật gì giống như cái khăn lớn có bốn chéo níu lên, trong đó có những loài thú bốn chân đủ loại, cùng các loài động vật và chim chóc khác. Phi-e-rơ nghe tiếng phán: Hãy dậy, làm thịt và ăn. Song Phi-e-rơ thưa ràng: Lạy Chúa, chẳng vậy, vì tôi không ăn vật chi dơ dáy, chẳng sạch bao giờ. Bấy giờ Chúa lại phán cùng Phi-e-rơ: Phàm vật chi Đức Chúa Trời làm cho sạch chớ nên kể là ô uế. Lời đó phán cùng Phi-e-rơ ba lần rồi vật ấy được thâu lên trời.
Kỳ thị càng nặng càng khó chấp nhận và phục vụ người khác.
Để chuẩn bị cho Phi-e-rơ với tinh thần phục vụ không biên giới, không ngăn cách, Đức Chúa Trời đã cho ông nhận được sự hiện thấy trên đây. Nguyên tắc căn bản là nguyên tắc này: Phàm vật chi Đức Chúa Trời làm cho sạch chớ nên kể là ô uế. Áp dụng cách rộng rãi hơn nữa, không phải chỉ thức ăn, nhưng tất cả các thứ khoáng vật, các loài thực vật hoặc động vật do Chúa dựng nên đều tốt lành khi được xử dụng hợp với mục đích của Đấng Sáng Tạo. Sáng Thế Ký có chép điệp khúc Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. Điều này tỏ cho thấy chúng ta không nên xem thường các loài thọ tạo của Chúa, nhất là con người. Mãi về sau này trong luật pháp của Hoa Kỳ mới nói rõ: Federal law prohibits discrimination based on race, color, national origin, religion, sex, family status, or disability. Luật pháp liên bang cấm kỳ thị về chủng tộc, màu da, nơi sanh quán, tôn giáo, tính phái, tình trạng gia đình hoặc tật nguyền.
2. Không Bằng Lòng Kỳ Thị (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:27-29)
Phi-e-rơ là người có tinh thần phục thiện. Ông học rất mau mắn, thấu đáo. Khi nhận được lời mời đến nhà Cọt-nây, ông nhận lời ngay. Cọt nây làm đội trưởng của đội binh Y-ta-li ở thành Sê-sa-rê. Cọt-nây là người đạo đức, cùng cả nhà mình đều kính sợ Đức Chúa Trời. Ông thường hay làm việc thiện và cầu nguyện không thôi.
Việc đến nhà Cọt-nây có lẽ không khó mấy vì cớ trước khi đến nhà Cọt-nây, Phi-e-rơ đã từng ở trọ tại nhà Si-môn, một người thợ thuộc da bên bờ biển. Nghề thuộc da là một nghề vất vả, hôi hám. Có lẽ vì cớ đó nên Si-môn phải ở tận mãi mé biển, nơi cách xa mọi người. Vốn là người bình dân Phi-e-rơ không ngại ngùng gì trong việc tạm trú tại nhà Si-môn. Tuy nhiên, chúng ta hãy nghe lời ông nói cùng Cọt-nây khi mới vừa đến nhà này: Người Giu-đa vốn không được phép giao thông với người ngoại quốc hay là tới nhà họ; nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ cho ta biết chẳng nên coi một người nào là ô uế hay chẳng sạch (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:28).
3. Trừø Khử Kỳ Thị (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34-36)
Sau khi có dịp hỏi han, giới thiệu cùng nhau, Phi-e-rơ nói tiếp: Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai, nhưng trong các dân hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình thì nấy được đẹp lòng Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34-35). Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta chẳng phải vì thân thể chúng ta đẹp hay xấu, màu da chúng ta nhạt hay đậm, gốc gác chúng ta bần cùng hay khá giả, chúng ta từ vùng này hay vùng khác đến định cư. Đức Chúa Trời cũng không yêu thương chúng ta vì chúng ta chọn tôn giáo này hay tôn giáo khác. Ngài biết chúng ta cần sự cứu rỗi hơn là cần tôn giáo. Ngài biết chúng ta cần Cứu Chúa hơn những lãnh tụ để tôn thờ. Đức Chúa Trời cũng không yêu thương chúng ta vì cớ chúng ta là nam hay nữ, có gia đình hay sống độc thân. Đức Chúa Trời cũng không yêu thương chúng ta vì chúng ta lành mạnh hay vì chúng ta tât nguyền. Đức Chúa Trời yêu thương tất cả mọi người. Ngài chẳng hề thiên vị người nào. Càng được ơn của Chúa chúng ta càng phải thận trọng, vì lời Chúa có dạy rằng: những kẻ tưởng mình đang đứng hãy cẩn thận coi chừng kẻo ngã. Ngoài ra, Chúa muốn chúng ta quí mến, tôn trọng lẫn nhau. Từ sự quí mến và tôn trọng đó chúng ta dễ chung sống cách an lạc, hòa bình.
Mong sao chúng ta biết sống cách hòa đồng với các sắc dân, các chủng tộc khác nhau. Mong sao chúng ta ý thức trách nhiệm làm cho người hòa thuận vì chính Chúa đã phó đạo giảng hòa cho chúng ta. Hãy sống thể nào hầu cho người khác không thể kỳ thị chúng ta. Về phần chính mình, dĩ nhiên chúng ta sẽ không muốn phạm tội kỳ thị người khác. Có như vậy chúng ta mới có thể làm chứng tốt về Chúa cho người khác.
Trong số các quốc gia trên thế giới, Hoa Kỳ là một nước khá trẻ trung và có tinh thần cởi mở về phương diện chủng tộc. Khi chuyển ngữ tên gọi quốc gia này, người Việt nam chúng ta dùng một tên khá chính xác: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thật vậy, mặc dù các chủng tộc khác nhau tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ những nét cá biệt nhưng trong những sinh hoạt cộng đồng, trong lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoáa, v. v. . . phần lớn dân chúng Hoa Kỳ đều ý thức rằng kỳ thị là điều cần phải loại bỏ ra khỏi tư tưởng và nếp sống thường ngày. Kỳ thị chẳng giúp ích được gì cho ai, chỉ gây tổn thương và tai hại mà thôi.
Dân tộc nào cũng có những cái hay, cái dở. Chúng ta nên tập chú ý đến những điều hay của người khác để khen tặng và nếu cần thì có thể bắt chước. Còn cái dở của họ chúng ta không nên bận tâm vì trí óc chúng ta không đủ chỗ để chất chứa tất cả những điều đó. Có lẽ trí óc chúng ta chỉ vừa đủ chỗ để chất chứa những điều tốt lành mà thôi.
Giả sử bạn là giáo sư và trong lớp bạn có các sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau, bạn sẽ muốn đối xứ với các sinh viên đó cách công bằng trong việc hướng dẫn và chấm điểm.
Trường hợp khác, nếu bạn là y sĩ, bạn sẽ muốn tận tâm chữa trị cho bịnh nhân của mình. Bịnh nhân của bạn càng đau yếu nhiều chừng nào bạn lại càng muốn chữa trị cẩn thận, chu đáo chừng nấy.
Nếu không may có người trong vòng chúng ta bị tai nạn bất ngờ, trong lúc hôn mê chúng ta không biết các bác sĩ, các y tá cứu giúp chúng ta là ai. Lúc tỉnh dậy có lẽ chúng ta muốn tạ ơn Chúa và cám ơn người đã cứu giúp mình. Người đó màu da nhạt hay đậm, nét mặt người đó có đẹp đẽ hay không, v. v không phải là vấn đề chúng ta muốn lưu tâm. Điều quan trọng là người đó đã cứu giúp mình kịp thời và đúng lúc. Trong đời sống chúng ta có khi chúng ta gặp phải người có dáng vẻ bên ngoài tầm thường lắm nhưng lại có tâm hồn cao thượng vô cùng. Có lẽ chúng ta nênhữngoi theo gương Chúa, chú tâm đến giá trị bên trong thay vì bận tâm về dáng vẻ bên ngoài.