Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19-30)
Câu Gốc:
Khi người đến nơi và thấy ơn Đức Chúa Trời, bèn vui mừng và khuyên mọi người phải cứ vững lòng theo Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:23).
Tinh thần hiếu học là tinh thần đáng được đề cao. Tại Viện Thần Học New Orleans Baptist Theological Seminary có người tốt nghiệp Cao Học Thần Học năm 80 tuổi. Người ấy hiện đang theo học học trình tiến sĩ. Những người dạy bà học là những người đáng tuổi con cháu. Tuy nhiên, với tinh thần hiếu học cao độ, bà là sinh viên gương mẫu. Với những sinh viên như bà, giáo ban chẳng dám lôi thôi, tắc trách trong công tác giảng dạy, hướng dẫn, huấn luyện. Họ rất tận tâm dạy dỗ.
1. Trở Nên Cơ Đốc Nhân (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19-21)
Với mấy giòng chữ ngắn gọn Bác Sĩ Lu-ca thuật lại một biến cố vô cùng quan trọng trong lịch sử Cơ Đốc Giáo. Đây là lúc Đạo Chúa được rao truyền cách mạnh mẽ, qui mô cho người nước ngoài. Trong những bài học trước chúng ta thấy Phi-líp đã từng làm chứng cho hoạn quan xứ Ê-thi-ô-bi và Phi-e-rơ tiếp nhận Cọt-nây. Đây là những trường hợp chứng đạo cá nhân và tiếp nhận từng người. Trong bài học này chúng ta thấy cách rõ ràng có rất nhiều người không thuộc giòng tộc Do Thái đã trở lại cùng Chúa qua nỗ lực truyền giáo của hội thánh. Trước dây hoạn quan xứ Ê-thi-ô-bi và đội trưởng Cọt-nây đều là những người đã sẵn lòng tìm cầu Chúa. Họ mong được dẫn dắt. Họ muốn được tiếp nhận. Trong bài học hôm nay chúng ta thấy rõ hội thánh không chờ người khác đến với hội thánh. Con cái Chúa đã đi ra làm chứng cho Chúa để dẫn dắt thật nhiều người đến cùng Ngài. Họ đã được dạy dỗ, huấn luyện để trở nên hiệu quả cho Chúa trong công tác chứng đạo cá nhân.
Học giả Tân Ước William Barclay có nhận xét thật hay về một chi tiết trong đoạn kinh văn này:[4]
Tại đây chúng ta có một điều đáng ngạc nhiên. Hội thánh đã có một bước tiến lịch sử nhưng tên của những người thực hiện bước tiến đó chúng ta không được biết. Tất cả những gì chúng ta được biết ấy là họ đến từ Chíp rơ và Sy-ren. Họ đi vào lịch sử với tư cách những nhà tiến phong vô danh của Chúa Cứu Thế. Một trong những thảm kịch của hội thánh, ấy là có rất nhiều người luôn luôn muốn được người ta chú ý và xướng danh khi họ làm được việc gì đáng kể. Điều mà có lẽ hội thánh cần hơn bất cứ điều gì khác, ấy là những người chỉ lo sao cho công việc được thành tựu, mà không quan tâm đến việc ai là người được ghi công trạng. Có thể tên của những người ấy không hề được ghi vào sử sách của loài người, nhưng tên họ đã được vĩnh viễn ghi vào Sách Sự Sống của Đức Chúa Trời.
Hội thánh của Chúa đã phát động kế hoạch truyền giáo qui mô tại Ăn-ti-ốt, một thành phố lớn, đứng hàng thứ ba sau La-Mã và Alexandria. Đây là nơi tổ chứa những cuộc đua, những trò chơi trác táng. Đây là nơi nhiều người ngã vào vòng trụy lạc, sa đọa. Đây cũng là nơi người ta thích thờ tà thần, nhất là nữ thần Daphne và nam thần Apollo. Một nơi như vậy hẳn phải là nơi khó truyền giáo. Thế nhưng hội thánh đã trung tín, mạnh dạn ảnh hưởng trên cộng đồng cho nên có rất nhiều người nơi này đã trở lại cùng Chúa và làm cho hội thánh tăng trưởng rất đông.
2. Được Khuyến Khích (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:22-24)
Tiếng đồn về công việc Chúa tại Ăn-ti-ốt vang đến tận Giê-ru-sa-lem. Hội thánh tại đây liền cửa Ba-na-ba sang thăm. Vừa đến nơi Ba-na-ba thấy công việc Chúa được hưng thạnh cho nên ông vui mừng vô cùng. Trong tư cách của một vị lãnh đạo tốt lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin, Ba-na-ba khuyên mọi người cứ vững lòng theo Chúa. Lời khuyến khích của ông quan trọng vô cùng.
Khuyến khích tựa như gieo hạt giống tốt. Có lắm khi chúng ta chỉ gieo ra có một nụ cười mà chúng ta lại có thể gặt được cả một mùa xuân tươi thắm. Có khi chúng ta khuyến khích, ủng hộ chỉ với một đôi lời chân thành mà lại ảnh hưởng trên cả một tương lai. Có khi chúng ta chỉ cần có lòng khiêm tốn đủ để nín lặng, có lòng độ lượng đủ để cảm thông thì chúng ta lại có thể gặt hái cả một mối tương giao lâu dài, đậm đà, thắm thiết trong tình yêu, trong ân điển của Thiên Chúa.
Lời khuyến khích của Ba-na-na giúp cho anh chị em trong Chúa tại Ăn-ti-ốt càng thêm vững lòng bền chí. Họ hầu việc Chúa sốt sắng dean nỗi có rất nhiều người nghe biết đạo Chúa cách rõ ràng và đáp ứng lời mời gọi cách nhiệt thành. Chỉ trong thời gian ngắn, hội thánh đông hơn bội phần.
3. Được Nuôi Dưỡng (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:25-26)
Nhân số hội thánh tăng trưởng mà không được nuôi dưỡng là cả một sự thiếu sót lớn lao. Nói cách khác, sự tăng trưởng về lượng phải kèm theo sự tăng trưởng về phẩm. Giúp cho một người tin Chúa rồi, hội thánh còn có bổn phận giúp người đó lớn lên trong sự tin kính nữa. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ là sách viết về việc phát triển Đạo Chúa trong thế kỷ ban đầu. Sách này nhấn mạnh đến sự tăng trưởng về số lượng cũng như vê niềm tin. Tuy nhiên, trong hầu hết các thư tín của Phao-lô, diều được nhấn mạnh nhiều hơn lại là sự tăng trưởng về sự tin kính. Tại sao? Rất có thể Phao-lô nghĩ rằng nhờ những tín hữu trưởng thành trong Chúa hội thánh thể nào cũng lớn mạnh. Điều ngược lại chưa hẳn đã đúng bởi lẽ nhân số đông mà niềm tin hời hợt, lẽ đạo mù mờ, hiểu biết nông cạn thì không thể làm sáng danh Chúa được.
Sự tăng trưởng về chiều sâu quan trọng vô cùng. Đó là lý do Ba-na-ba và Phao-lô ơ lại Ăn-ti-ốt trọn cả năm để dạy dỗ nhiều người. Từ nhóm người đó, những người theo Chúa được người ta gọi là Cơ-rê-tiên, nghĩa là Cơ Đốc Nhân.
Đểâ có thể giúp cho con cái Chúa trong hội thánh trưởng thành nhanh chóng, cần phải có lãnh đạo được đầy ơn của Chúa. Riêng đối với hội thánh ở Ăn-ti-ốt, nơi xen lẫn văn minh Do Thái, Hy Lạp và La Mã, cần phải có người có biệt tài, đã được huấn luyện kỹ lưỡng và tận tâm, tận lực hầu việc Chúa. Không ai ngoài Phao-lô có thể làm được việc đó. Ba-na-ba đã quyết định vô cùng sáng suốt khi tiến cử Phao-lô với hội thánh và đồng thời ủng hộ Phao-lô cho đến khi công việc được thành tựu theo thánh ý của Chúa.
4. Dấu Hiệu Trưởng Thành (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:27-30)
Hãy tưởng tượng xem nếu chúng ta sanh con ra, cố gắng săn sóc, nuôi nấng cho con mình khôn lớn mà chúng nó không khôn, cũng chẳng lớn, chắc là chúng ta buồn lắm. Để có thể trưởng thành chúng ta cần noi theo gương mẫu của Chúa. Ngoài ra, còn có những Cơ Đốc Nhân tiền bối hoặc đương thời có thể làm gương tốt cho chúng ta. Chúng ta cần cố gắng học hỏi từ nơi họ. Chúa dạy chúng ta phải mặc lấy người mới tức là người được dựng nên theo ảnh tượng của Chúa. Một trong những dấu hiện tốt chứng tỏ chúng ta đang trưởng thành trong Chúa là sự chuyên tâm. Phao-lô nhắc nhở chúng ta chuyên tâm để được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Khi chúng ta chuyên tâm hầu việc Chúa, có một số nguyên tắc cần được ghi nhớ:
* Tài nguyên và năng lực cần được tập trung, không nên để tản mác hoặc làng phí.
* Tài nguyên và năng lực cần được tận dụng hầu có thể làm được việc lớn và khó cho Chúa.
* Lúc tận tâm tận lực là lúc chúng ta ý thức rằng mình làm cho Chúa.
* Lúc nhàn nhã thư thả là lúc mình càng phải gần gũi Chúa hơn hết (không như Đa-vít).
* Khi mức độ tin cậy và hợp tác gia tăng là khi tài nguyên và năng lực được tập trung cách hiệu quả.
* Khi tài nguyên và năng lực được tận dụng và được tập trung cách hiệu quả thì trí óc có thể trở nên minh mẫn, môi miệng có thể nói ra lời ân hậu mặn mà, cảnh tay có thể trở nên mạnh mẽ, bàn chân có thể trở nên mau mắn lẹ làng và trên bước đường theo Chúa hầu việc Chúa không sợ mệt mỏi nhưng cứ miệt mài dấn thân.