Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:1-28)
Câu Gốc:
Lại khi những người ngoại và người Giu-đa cùng các quan mình nổi lên đặng hà hiệp và ném đá các sứ đồ, thì hai sứ đồ đã biết trước, bèn trốn tránh trong các thành xứ Li-cao-ni, là thành Lít-trơ, thành Đẹt-bơ, và miền chung quanh đó, mà giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:5-7).
Adoniram Judson là con của một mục sư. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, đỉnh ngộ. Năm ba tuổi ông bắt đầu tập đọc. Đến năm 10 tuổi ông học cả hai ngôn ngữ La-tinh và Hy-lạp. Năm 12 tuổi ông thông thạo ngôn ngữ Hy-lạp. Ông học các môn trong ngành thần học rất chuyên tâm, chăm chỉ. Năm 16 tuổi ông được nhận vào Viện Đại Học Brown. Ba năm sau đó ông tốt nghiệp thủ khoa. Với năng khiếu văn chương lỗi lạc Adoniram Judson nghĩ là ông có thể thành công khi quyết định lên đường đi Nữu Ước để làm việc với các nhà xuất bản danh tiếng. Tuy nhiên, Adoniram bỏ ý định đi về miền tây. Ông quay trở về Plymouth và kết bạn với nhiều người chăm học Kinh Thánh. Vào tháng 12 năm 1808 Adoniram Judson quyết định dâng trọn đời mình cho Chúa. Ông cảm nhận sự thôi thúc của Chúa để đi truyền giáo. Ngày Adoniram và Ann Hudson đặt chân lên Calcutta cũng là ngày cuộc chiến chuyển biến. Chính quyền nơi này không cho họ truyền giáo. Dầu vậy, ông bà Judson vẫn không nản chí. Trong khi Luther Rice trở lại Hoa Kỳ vận động tài chánh ông bà Judson lên thuyền sang Rangoon. Chuyến đi đó vô cùng gian nan vì thuyền bị bão và cơ thể của Ann Judson lại quá yếu. Nhiều lần Adoniram tưởng chừng như vợ mình phải chết vì đuối sức. Khi lên bờ người ta phải khiêng bà đi trên chiếc băng-ca. Họ hầu việc Chúa hai năm rưỡi mới nhận được thư từ tin tức bên Hoa Kỳ gởi sang. Ban ngày họ phải làm lụng cực nhọc để tìm phương kế sinh nhai. Ban đêm họ cố công trau dồi kiến thức về ngôn ngữ để có thể nói và viết y hệt như một người có học vấn khá tại địa phương. Bất kỳ khi nào có dịp tiện làm chứng cho những người mê tín họ phải làm chứng cách thận trọng vì nhà vua tuyệt đối cấm cản việc dạy đạo lý cho dân chúng. Tuy nhiên nhờ một ít kiến thức và kinh nghiệm y khoa, ông bà giáo sĩ Judson bắt đầu được nhà vua đối xử tử tế hơn. Nhà vua cho phép họ mở mang công việc Chúa ở Ava và còn hứa cho họ đất đai nữa. Điều đáng buồn là tình hình chính trị thay đổi đột ngột khiến cho biết bao nhiêu thiện cảm bị lấn áp bởi bạo động . Kể từ ngày 24 tháng 6 năm 1824 hai ông bà giáo sĩ Judson phải ở trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh. Họ sống trong nỗi kinh hoàng, cơ cực. Trên đây chỉ là một phần trong chức vụ hầu việc Chúa của Ông Bà Giáo Sĩ Adoniram và Ann Hudson. Trong bài học kế tiếp chúng ta sẽ biết thêm về sự dấn thân và tinh thần truyền giáo của họ.
1. Tiếp Tục Dù Bị Chống Đối (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:1-3)
Nói đến phục vụ tất phải nói đến sự dấn thân và hiến dâng. Phao-lô nói đến sự hiến dâng thân thể làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đó là sự thờ phượng phải lẽ. Người thờ phượng Chúa cách tốt lành và phục vụ Chúa cách đầøy ý nghĩa là người không làm theo đời này nhưng biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần và cảm nghiệm được ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Người không muốn có tư tưởng cao quá lẽ nhưng muốn có tâm tình bình thường và chăm chỉ làm phận sự riêng của mình. Khi hiệp tác với người khác người biết quí mến và tôn trọng bạn đồng lao. Người cố gắng hết sức mình để gìn giữ tình hòa thuận với mọi người, nhất là đối với anh em cùng niềm tin. Khi dạy dỗ người chăm chỉ dạy dỗ. Khi khuyên bảo người khuyên bảo cách siêng năng. Khi hiến dâng người hiến dâng cách rời rộng. Khi yêu thương người yêu thương cách tự nhiên, chân thành. Người biết vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Người ăn ở, cư xử trong tình hòa thuận, với lẽ kính nhường và chăm làm điều thiện. Người chẳng để điều dữ hoặc sự ác chi phối tâm tư mình nhưng để Chúa cai quản sự suy nghĩ, thái độ và hành động của mình.
Người phục vụ Chúa chẳng nên mắc nợ ai, hoặc mắc nợ điều gì. Nếu có nợ chăng thì chỉ nợ về sự yêu thương mà thôi. Người không để cho sự chi ràng buộc mình ngoại trừ dây ân tình và xích yêu thương của Chúa. Người chẳng muốn bị lụy về việc đời này hầu có thể làm đẹp lòng Chúa là Đấng đã chiêu mộ mình. Nhận biết rằng ngày gần tàn, đêm hầu đến người quyết tâm lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. Bởi cớ đó người có thể bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày.
Khi đã hết lòng hiến dâng, khi đã dấn thân, cho dù có gặp sự chống đối như trong trường hợp của Phao-lô và Ba-na-ba tại Y-cô-ni, hai ông vẫn cứ tiếp tục hầu việc Chúa. Chống đối không làm họ chùng bước. Nghịch cảnh không khiến họ nản lòng.
2. Tiếp Tục Dù Bị Khước Từ (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:4-7)
Người phục vụ Chúa biết rằng mình sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa. Bởi lẽ đó hoặc sống hoặc chết người đều thuộc về Chúa cả. Người biết nâng đỡ anh em kém đức tin và chẳng dám để cho ai vì cớ mình mà vấp phạm. Người sẵn sàng gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức và hòa mình với người đồng niềm tin trong tình huynh đệ.
Nhờ tình yêu thiêng liêng của Chúa mà người có thể phục vụ trong tư cách của một người đầy tớ. Nhờ sức lực toàn năng của Ngài mà người chẳng mệt nhọc về sự làm lành. Nhờ sự thôi thúc của Chúa mà người tỉnh thức trong sự nguyện cầu, mạnh dạn trong sự chiến đấu. Lại nhờ sự an ủi của Chúa mà người có thể vượt qua những chặng đường thử thách cam go. Nếu có ai lưu tâm đến những nghịch cảnh người phải trải qua người không dám xem đó như là điều buồn tủi nhưng như cớ vui mừngï. Chính nhờ những hoạn nạn nhẹ và tạm đó mà người thấu hiểu được phần nào sự chịu đựng và hy sinh của Chúa. Dùø giàu có hay nghèo khó, dù dư hay thiếu, dù mạnh khỏe hay ốm đau... không gì có thể lay chuyển lòng biết ơn sâu xa, chân thành của người.
Nếu có ai thắc mắc về động lực khiến người dốc lòng phục vụ người ấy có thể nhìn thấy nơi người tấm lòng kính chúa yêu người hơn là bất kỳ điều gì khác.
Nếu có ai tìm hiểu về đối tượng mà người phục vụ người ấy có thể chứng nhận rằng người hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân hơn là chính bản thân.
Nếu có ai hỏi han người về điều kiện của sự phục vụ người sẽ có thể trả lời rằng vì Chúa yêu người cách vô điều kiện nên người chẳng dám đòi hỏi điều gì.
Nếu có ai nhắc nhở về phương tiện người dùng để phục vụ người xin thưa rằng mình chẳng có gì ngoài tấm lòng thành và chính bản thân.
Nếu có ai nói đến phần thưởng của sự phục vụ thì có lẽ người cần tự nhắc nhủ rằng chẳng có phần thưởng nào lớn hơn phần thưởng trên thiên đàng. Trong đời này cũng như trong đời sau sự phục vụ chỉ có ý nghĩa khi người luôn luôn qui vinh hiển về Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân. Bởi lẽ đó, cho dù bị khước từ, người có tinh thần dấn thân phục vụ như Phao-lô và Ba-na-ba vẫn cứ cậy ơn Chúa để tiếp tục hầu việc Chúa cách trung tín.
3. Tiếp Tục Dù Bị Tấn Công (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:19-22)
Chúa Giê-xu phán rằng Ngài đến thế gian không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người. Ai nấy trong chúng ta không nhiều thì ít đều phải phục vụ. Theo lời dạy của Chúa chúng ta nên lấy lòng vui mà làm. Thuận theo ý Chúa thì chúng ta dễ có lòng vui mừng bình an và hạnh phúc ngập tràn. May mắn lớn nhất của chúng ta là chúng ta hiện đang ngưỡng vọng và tôn thờ Đấng vô cùng xứng đáng. Khi đã ý thức cách rõ ràng điều này thì đương nhiên động lực phục vụ Chúa trong lòng chúng ta cũng phải trong sạch, lý tưởng phục vụ của chúng ta phải cao thượng và phương pháp phục vụ Chúa của chúng ta cũng phải tốt hơn thói thường của nhân gian.
Hết lòng phục vụ Chúa trong cách ăn ở cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã kêu gọi mình thì thật là quí hóa biết bao nhiêu! Vừa khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, lại vừa nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau và dùng dây hòa bình mà gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh thì thật không có gì đẹp đẽ hơn. Đó là điều mỗi con cái Chúa cần thực hành trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ lúc nào mình thích hoặc khi có cơ hội thuận tiện. Ngay cả khi bị công kích, đả phá, người có tinh thần dấn thân phục vụ cao độ cũng vẫn lấy lòng vui mà tiếp tục tiến bước.
4. Tiếp Tục Đến Khi Hoàn Tất (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:25-26)
Nhà văn Faber nhận xét thật đúng: Hoàng hôn rực rỡ hay là bầu trời đầy sao sáng, núi non hùng vĩ hoặc biển cả bao la, cho đến cả rừng cây đầy hoa thơm cỏ lạ cũng đẹp không bằng phân nửa linh hồn hết lòng phục vụ Chúa vì tình yêu giữa cuộc đời nhọc nhằn không có chút gì thơ mộng.
Có một bà mẹ nọ cả đời vất vả, lam lũ để nuôi con. Cho đến khi già yếu mà bà vẫn còn đẩy xe than đi bán dọc theo các đương phố. Hôm bà gần qua đời bà thì thào nói với vị mục sư của mình: Mục sư ơi, tôi lấy gì mà ra mắt Chúa đây? Mục sư nâng đôi bàn tay sần sùi của bà lên mà nói: Thưa bà, xin hãy để Chúa nhìn rõ đôi tay này, chạm đến đôi tay này, đôi tay đã được tận dụng để trưởng dưỡng những đứa con ngoan. Nghe xong lời ấy mắt bà long lanh ngấn lệ rồi bà mỉm cười mà qua đời.
Bước đường truyền giáo của Phao-lô và Ba-na-ba đầy những kết quả tốt lành cho Chúa nhưng cũng chan hòa nước mắt và những nỗi nhọc nhằn. Dầu vậy, họ vẫn cứ bền lòng hầu việc Chúa cho đến khi hoàn tất công tác Chúa trao phó dù có bị khước từ, chống đối hoặc tấn công.