Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 13

Cổ Động Công Tác Truyền Giáo

Kinh Văn: (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1-35)

Câu Gốc:

Vậy sau khi các người ấy được hội thánh đưa đường rồi, thì trải qua xứ Phê-nê-xi và xứ Sa-ma-ri, thuật lại sự người ngoại trở về đạo, và như vậy làm cho anh em thay thảy được vui mừng lắm (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:3).

Tấm gương dấn thân và tinh thần truyền giáo của Adoniram ít có ai bì. Trong sáu năm sau đó Adoniram bị tù hết hai năm và đứa con đầu lòng yêu dấu là Roger chỉ sống được có bảy tuần lễ mà thôi. Trong nỗi xót xa của mình, Ann vẫn cứ một lòng trung tín với Chúa và không ngừng thăm viếng, tận tâm săn sóc chồng mình.

Trong tù Adoniram cứ chuyên tâm phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Miến Điện. Năm 1824 đến năm 1825 là khoảng thời gian ông được cho ăn rất ít. Chân ông bị cùm suốt ngày. Tay ông lại bị trói. Đến tối bọn cai tù lại treo giò ông lên cao khỏi đầu. Cả đêm ông bị treo tòn teng như vậy. Trong sự đau đớn, khó chịu cùng tột của thân thể Chúa thêm sức cho ông.

Tâm trí ông sáng suốt và trí nhớ của ông tốt vô cùng. Bất kỳ khi nào ông đọc được một đoạn Kinh Thánh thì ông dịch ngay sang tiếng Miến Điện và tìm cách ghi lại hoặc thuật lại cho vợ mình biết khi vợ vào thăm nuôi. Lắm khi ông phải viết trên lá dừa rồi sau đó lén đưa cho vợ mang về viết lại. Ông thường dấu bản thảo trong cái bục kê ở đầu nằm. Đó là cái gối cứng ngắt không đáng chú ýù và chẳng ai màng đến việc kiểm soát nó bao giờ. Có lần Adoniram bị đau mắt và nhức đầu quá nặng trong thời tiết nóng bức tưởng chừng như không thể chịu đựng được. Trong những lúc như vậy ông chẳng còn có hy vọng nào khác hơn hy vọng trong Chúa.

Khi ra khỏi tù Adoniram lại phải trải qua kinh nghiệm hết sức đau thương. Vợ hiền yêu dấu của ông cùng với đứa con gái tên là Maria qua đời vì bệnh đậu mùa. Kể từ đó ông dồn hết thì giờ năng lực vào việc phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Miến Điện và hoàn tất công tác này trước khi trở lại Hoa Kỳ năm 1845. Sau đó không lâu Adoniram Judson lại trở sang Miến Điện với quyết tâm chứng đạo cho dân chúng tại đây. Thời còn thanh xuân ông đã từng nguyện ước không rời khỏi Miến Điện cho đến khi nào thập tự giá của Chúa đã được dựng lên cách vững vàng tại nơi này. Để thực hiện nguyện ước ông đã trở lại Miến Điện với tấm lòng sốt sắng nhiệt thành. Ông qua đời năm 1850 và lưu lại hậu thế ba công trình to lớn: phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Miến Điện, biên soạn tự điển Anh Ngữ Miến Điện, và biên soạn phần lớn tự điển Miến Điện Anh Ngữ. Ba mươi năm sau khi ông qua đời trên đất Miện Điện có 63 hội thánh được thành lập với 163 giáo sĩ hầu việc Chúa giữa vòng 7000 người qui đạo.

Lời Chúa được lưu truyền, bảo trọng từ đời này sang đời kia nhờ có những người như Adoniram Judson. Mong sao chúng ta sẽ sống xứng đang hơn cho Chúa và không làm uổng phí sự hy sinh cao quí của tiền nhân.

1. Nói Chuyện Về Việc Truyền Giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:1-3)

Khi hội thánh phát triển mạnh là khi dễ xảy ra những nan đề về tín lý hoặc về tổ chức. Số người nước ngoài gia nhập hội thánh tăng lên nhanh chóng làm cho một số tuyển dân Do Thái cảm thấy giống như họ bị đe dọa. Họ cũng muốn cho người nước ngoài trở lại cùng Chúa nhưng với điều kiện tiên quyết là những người đó cũng phải trở nên như người Do Thái. Dĩ nhiên Phao-lô và Ba-na-ba không thể đồng ý với quan niệm cố chấp và hẹp hòi đó. Hai ông hiểu rõ Đức Chúa Trời không phải chỉ của riêng người Do Thái mặc dù Ngài đã từng chọn họ làm tuyển dân trong thời kỳ Cựu Ước, thời kỳ của luật pháp. Đức Chúa Trời là Chúa của cả mọi dân tộc, không phải chỉ của riêng người Do Thái. Sự xung khắc giữa Phao-lô với Ba-na-ba và những người Do Thái quá khích trở nên mãnh liệt đến nỗi cần phải thỉnh cầu quyết định của hội thánh ở Giê-ru-sa-lem.

Trước mặt hội thánh ở Giê-ru-sa-lem các sứ đồ thuật lại cách Chúa đã ban ơn cho công việc truyền giáo khắp nơi khiến cho nhiều người trở lại cùng Ngài. Trọng tâm của vấn đề rất căn bản: Phải chăng Đức Chúa Trời có ý ban ơn cho cả nhân gian hay chỉ ban ơn riêng cho người Do thái? Phải chăng Đức Chúa Trời cho phép củng cố bức tường ngăn cách hay triệt hạ nó xuống hầu cho mọi dân mọi nước đều có thể đến cùng Ngài để sống dưới ơn phước bao la, rời rộng cách thuận hòa, bình đẳng?

Thời kỳ Cựu Ước là thời kỳ luật pháp. Thời kỳ Tân Ước là thời kỳ ân điển. Trong khi luật pháp nêu nên những cấm đoán, những giới hạn, những ngăn cách thì ân điển lại bày tỏ sự rộng lượng, bao dung, tha thứ của Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước dân Do Thái chỉ bận tâm đến sự cứu chuộc của chính mình mà thôi. Trong thời Tân Ước, Chúa Giê-xu nhiều lần nhắc nhớ môn đồ của Ngài làm chứng cho muôn dân, khiến họ trở nên môn đồ, và dạy họ vâng giữ hết thảy mọi điều Chúa đã phán truyền. Kèm theo mạng lịnh đó là lời Chúa hứa ở cùng các môn đồ luôn cho đến tận thế.

2. Trình Bày Cách Cặn Kẽ Về Việc Truyền Giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:7-11)

Để trả lời cho những người Do Thái cố chấp, Phi-e-rơ nhắc lại thể nào mười năm trước đó chính ông đã chịu trách nhiệm tiếp nhận Cọt-nây vào hội thánh. Sau việc đó Đức Chúa Trời đã ban phước rời rộng. Xét về mặt nghi lễ của người Do Thái người nước ngoài bị kể là ô uế nhưng căn cứ vào ân điển đã được ban cho bởi Đức Thánh Linh thì họ được kể như đã tinh sạch.

Việc vâng giữ hết thảy những điều răn trong luật pháp là việc không thể thực hiện được. Không ai có thể thỏa mãn luật pháp cách trọn vẹn. Như vậy, phương pháp duy nhất để tiếp nhận sự cứu rỗi của Chúa phải là sự nương tựa vào ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi.

Bàn về việc lành, có ai có thể cậy vào việc lành mà đổi lấy ân điển của Đức Chúa Trời chăng? Hoàn toàn không. Ai nấy đếu phải nhìn nhận tình trạng bất lực của mình để sẵn sàng hạ mình, lấy đức tin mà tiếp nhận ân điển của Chúa. Học giả Tân Ước William Barclay nhận xét thật rõ ràng:[6] Trong khi những người Do Thái cố chấp nói rằng tôn giáo có nghĩa là vâng giữ luật pháp để được đẹp lòng Đức Chúa Trời thì Phi-e-rơ nói rằng tôn giáo có nghĩa là gieo mình trong ân điển của Chúa. Nếu phải qua ngưỡng cửa Do Thái để có thể tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì Cơ Đốc Giáo chẳng qua chỉ như một nhánh của Do Thái Giáo mà thôi. Để được cứu một người chỉ cần ăn năn tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời và tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa và làm chủ đời mình. Người tin Chúa, theo Chúa không cần phải buộc trói chính mình trong Do Thái Giáo hoặc một tôn giáo nào khác.

3. Củng Cố Địa Bàn Truyền Giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:30-32,35)

Phao-lô và Ba-na-ba là người rất thận trọng trong việc củng cố địa bàn truyền giáo. Với số người tin Chúa ngày càng đông, uy tín của hai người ngày càng cao. Dầu vậy, hai ông lúc nào cũng tôn trọng người hầu việc Chúa tại hội thánh địa phương và những quyết định của hội thánh. Hai ông hết lòng hướng dẫn, giảng dạy để giúp đỡ tôi tớ Chúa, con cái Chúa lớn lên trong Chúa. Đến khi cần phải quyết định việc gì, hai ông để cho hội thánh quyết định.

Những người có lòng nhiệt thành với công việc nhà Chúa dễ gặp phải những sự xung khắc hoặc đụng chạm. Chính Phao-lô và Ba-na-ba cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại phản ứng của họ trước những sự ngăn trở, chúng ta không khỏi thán phục họ. Thay vì phản ứng tức thời để bênh vực cho lập trường của mình, hai ông đã kiên nhẫn chờ đợi hầu cho những người đối nghịch mình cuối cùng phải hớn hở chấp nhận rằng hai ông đúng. Xét về đời sống tin kính sau khi tin Chúa, chắc gì Phi-e-rơ đã được ơn hơn Phao-lô. Xét về lập luận và tín lý, chắc gì Phi-e-rơ đã vững vàng hơn Phao-lô. Thế nhưng lới chứng của Phi-e-rơ vô cùng quan trọng. Hơn thế nữa, Phi-e-rơ đã từng được chính Đức Chúa Giê-xu Christ trao phó trọng trách chăn chiên của Ngài. Ở đây chúng ta có thể học được một bài học thật hay. Đó là công việc của Chúa được củng cố không phải bởi cố gắng chứng minh khả năng cá nhân nhưng bởi sự khiêm tốn hạ mình và giữ tình hòa thuận với anh em đồng lao trong Chúa.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] William Barclay, Công Vụ Các Sứ Đồ, The Saint Andrew Press, 1992 p. 29-31

[2] MNPHUNG@ntu.edu.sg, Em Bé, VHNT số 471, ngày 3 tháng 9 năm 1999.

[3] William Barclay, Công Vụ Các Sứ Đồ, The Saint Andrew Press, 1992 p. 45

[4] William Barclay, Công Vụ Các Sứ Đồ, The Saint Andrew Press, 1992 p. 94

[5] William Barclay, Công Vụ Các Sứ Đồ, The Saint Andrew Press, 1992 p. 105

[6] William Barclay, Công Vụ Các Sứ Đồ, The Saint Andrew Press, 1992 p. 123