(23 tháng 9)
Kinh Văn: 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17 3:5
Câu Gốc: Vậy, không thể đợi lâu hơn nữa, nên tôi đã sai Ti-mô-thê đi, để cho biết đức tin anh em ra làm sao, e rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em, mà công phu của chúng tôi trở nên vô ích chăng. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:5)
Vào đầu thập niên 1970, đội banh thua nhiều hơn thắng. Huấn luận viên Pepper Rodgers bị nhiều người chỉ trích cách gay gắt. Mỗi lần đi nơi này nơi nọ, ông buồn bã vì ít khi tìm gặp được bạn thân. Ông than van: Bạn thân nhất của tôi bây giờ là con chó. Trong năm đóù, vợ Pepper Rodgers mua thêm cho ông một con chó khác nữa.[4]
Tìm được người bạn chân thành không phải là điều dễ. Khi Howard Hughes tạo được tài sản trị giá 4 tỉ Mỹ Kim rồi, ông ta nói: Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả sự sản để có được một người bạn chí thân.[5]
Theo Leonard Syme, giáo sư tại Đại Học California tại Berkeley, tuổi thọ con người tỉ lệ thuận với tương quan tốt trong xã hội, văn hoá và truyền thống. Trong một tài liệu được xuất bản vào năm 1985, ông đơn cử một ví dụ tại Nhật Bản, nơi sức khỏe quần chúng được chăm sóc cách khá chu đáo.[6] Tại đây, người nào có bạn thân, hay góp phần làm việc công ích thì có tuổi thọ cao hơn người khác. Tương quan tốt trong cộng đồng tựa như thuốc bổ giúp người ta sống cách khỏe khoắn hơn.
Trong khi đi truyền giáo Phao-lô trở thành người bạn thân của những người ông quen biết. Là bạn thân, ông luôn luôn quan tâm đến các tín hữu ở khắp mọi nơi. Họ là niềm vui và cũng là niềm an ủi cho ông.
Bài học này nói lên mối quan tâm của Phao-lô về việc các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca phải trải qua cơn thử thách và bắt bớ. Phao-lô cho biết ông gởi Ti-mô-thê đến Tê-sa-lô-ni-ca để phục vụ họ và báo cáo cùng ông tình cảnh của hội thánh Chúa tại đây. Trọng tâm của bài học hướng đến việc giúp chúng ta bày tỏ lòng quan tâm thuộc linh cách thích hợp.
Ngoài vòng gia đình một số con cái Chúa chẳng hề quan tâm đến các anh chị em của mình trong Chúa. Họ lập luận rằng đời sống thuộc linh của người khác mang tính cách cá nhân. Một số người khác tuy quan tâm nhưng chẳng làm chi cả. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài quan tâm cho nhau và bày tỏ mối quan tâm đó cách khéo léo, tế nhị và chân thành.
I. Nói Ra Lời Quan Tâm (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17-20)
Một đặc điểm trong công truyền giáo của Phao-lô là sự lưu tâm, chăm sóc. Phao-lô không phải chỉ giảng đạo để cứu người nhưng còn dạy đạo để nuôi người. Ông luôn nhớ đến những người ông đã từng mang đến cùng Chúa. Ông thương họ chẳng khác chi người thân yêu trong gia đình mình. Ông nói: Hỡi anh em, về phần chúng tôi, đã xa cách anh em ít lâu nay, thân tuy cách nhưng lòng không cách, chúng tôi đã nôn nả biết bao, tìm phương để thỏa lòng ao ước, lại thấy mặt anh em. (câu17)
Phao-lô xem những tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca như những người bạn yêu dấu trong đời. Phao-lô đã noi theo gương Chúa Giê-xu, Đấng đã từng phán trong Giăng 15:12-17 rằng: 12Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. 13Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. 14Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta. 16Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhơn danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi. 17Ta truyền cho các ngươi những điều răn đó, đặng các ngươi yêu mến lẫn nhau vậy. Noi theo gương mẫu của Chúa, Phao-lô là người thành thật, thẳng thắn và sẵn sàng bộc lộ tấm lòng thân thiện của mình. Khi ông kể những tín hữu ở thành Tê-sa-lô-ni-ca như là bạn thì ông nói ra điều đó cách rõ ràng. Khi ông nhớ họ thì ông nói rõ là ông nhớ họ. Với tâm tình cởi mở đó Phao-lô có thể kết thân với người khác cách dễ dàng và có thể giúp họ lớn lên trong Chúa cách mau chóng.
II. Bày Tỏ Lòng Quan Tâm (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-5)
Phải chăng bạn hữu là người hiểu thấu được tâm sự thầm kín? Phải chăng bạn hữu là người luôn đứng bên ta cho dù chẳng còn ai muốn làm bạn cùng mình? Phải chăng bạn hữu là người làm gia tăng niềm vui, làm giảm đi nỗi buồn, và là người luôn luôn thành thật, thân thiện, thẳng thắn? Phải chăng bạn hữu chân thật luôn luôn chân thành, chung thủy, chí thân?
Phao-lô tò lòng quan tâm đến các tín hữu tại thành Tê-sa-lô-ni-ca không phải chỉ qua lời nói ân cần nhưng còn qua việc làm cụ thể. Ông cử Ti-mô-thê sang Tê-sa-lô-ni-ca để giúp các tín hữu tại đó đứng vững trong đức tin. Ông không muốn cho họ bị giao động hoặc thối chí. Ông không muốn cho họ bị thất vọng hoặc nản lòng. Cho dù có khốn khó xảy đến, họ cần hiểu rằng điều đó cũng không nằm ngoài chương trình của Đức Chúa Trời. Chúa biết điều tốt hơn cho đời sống của mỗi người theo Ngài cho nên khi thoạt nhìn có một số điều có vẻ như không tốt hoặc không có ý nghĩa. Tuy nhiên, Chúa có ý định tốt lành của Ngài như đã từng được Phao-lô nói đến trong Rô-ma 8:28 Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Theo lời khuyên của Phao-lô, các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca không nên ngạc nhiên khi phải đối phó với những khốn khó. Đó là điều Phao-lô đã nói trước cùng họ. Chính những điều đó đã xảy ra từ trước. Bởi vậy nên, cách tốt nhất là cứ chấp nhận những điều không thể thay đổi và cầu xin Chúa cho có đủ nghị lực chịu đựng hầu có thể trung tín cho đến giây phút cuối cùng. Điều mà các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca trải qua là điều Phao-lô biết rõ. Ông quan tâm thật nhiều, ông cầu thay cho họ, và ông cử Ti-mô-thê sang ở bên cạnh họ để phục vụ, chăm sóc.
Vào năm 1936, một lực sĩ điền kinh của Hoa Kỳ tên là Jessy Owens được cử sang Bá Linh để tham dự Thế Vận Hội. Anh ta là một người da đen có biệt tài nhảy xa. Năm trước đó anh đã từng nhảy xa 26 bộ 8 phân ¼, một kỷ lục đứng vững trong suốt 25 năm. Khi tham dự Thế Vận Hội vào năm 1936, Jessy Owens gặp một lực sĩ người Đức tên là Luzlong đang tập nhảy ở mức 26 bộ. Jessy Owens lo lắng vì bổn tánh tự cao, háo thắng của dân Đức vào thời bấy giờ. Khi ra tranh tài, một người vốn là con của nột nông dân chẳng ai biết đến, đang đơn phương đứng giữa đất khách, quê người; còn người kia thì được sự ủng hộ, cổ võ của khán giả, kể cả thủ tướng. Trong vòng chung kết, Jessy Owens đoạt giải nhất. Với giải nhất này, Jessy Owens mang về cho Hoa Kỳ huy chương vàng thứ nhì trong số bốn huy chương vàng anh đã nhận được trong Thế Vận Hội năm 1936 tại Bá Linh. Ai là người đầu tiên chúc mừng Jessy Owens? Luz Long.[7]
Sau đó không bao lâu, Luz Long chết trong Thế Chiến Thứ Nhì và Jessy Owens không còn gặp lại Luz Long nữa. Tuy nhiên tình bạn ngắn ngủi của họ là tình bạn đáng giá đến nỗi Jessy Owens có lần đã viết: Nếu làm tan chảy hết thảy những huy chương tôi đã có thì cũng không đủ để phủ trên tình bạn của chúng tôi.
Áp Dụng:
Qua bài học này có lẽ chúng ta đã hiểu rõ hơn tâm tình của Phao-lô đối với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Một khi đã đưa dẫn người nào đến cùng Chúa Phao-lô luôn nhớ cầu nguyện cho người đó, chăm sóc cho người đó. Cho dù có xa xôi cách trở Phao-lô cũng tìm cách giúp đỡ cho người đó đứng vững trong đời sống theo Chúa. Ngày nay, chúng ta nên chú trọng đến công tác chăm sóc. Theo thống kê của các soạn giả chuyên về truyền đạo thì số người gia nhập vào cửa trước của các hội thánh tuy khá nhiều nhưng số người rời bỏ hội thánh qua cửa sau cũng chẳng kém. Tín hữu trong các hội thánh cần hổ trợ và hợp tác với mục sư trong việc chăm sóc lẫn nhau. Chăm sóc cho người thân thương trong gia đình, trong hội thánh là lẽ tự nhiên, là điều cần thiết. Gia đình hạnh phúc là gia đình trong đó mỗi người tỏ lòng yêu thương, chăm sóc lẫn nhau cách tận tình. Hội thánh vững mạnh là hội thánh trong đó mỗi tín hữu yêu mến Chúa cách thiết tha và yêu mến lẫn nhau cách thật thà. Họ chẳng cần dùng lời màu mè hoặc mỹ miều, chỉ cần dùng lời mềm mại, mặn mà là đủ. Khi tôi tớ Chúa, con cái Chúa cư xử với nhau trong tình tương thân tương ái, luôn chăm sóc cho nhau, tôn trọng lẫn nhau, hy sinh cho nhau thì chắc chắn họ sẽ được Chúa ban phước dư dật.
Tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác có ngành học chuyên môn về giao tế. Nói chung, thành công trong việc làm không phải chỉ do kiến thức chuyên môn hoặc khả năng làm việc nhưng còn tùy thuộc vào tương quan tốt với đồng nghiệp. Khi làm việc ta nên lưu tâm đến những điều bạn mình thích hoặc không thích; nên nhớ những chi tiết về cá nhân, gia đình, con cái của bạn mình; nên nói chuyện cách cởi mở, vui vẻ; và nên tìm dịp tiện cư xử cách tử tế, ân cần. Thỉnh thoảng chúng ta nên tự hỏi chính mình: Nếu tôi có thể trở thành người khác, tôi có muốn làm bạn với chính mình tôi không? Nếu không, chúng ta nên cố gắng cậy ơn Chúa để thay đổi đời sống mình để có thễ dễ trở nên người bạn thân thích, ích lợi cho người khác. Khi chúng ta tỏ lòng quan tâm chinh chúng ta cũng sẽ được quan tâm đến. Khi chúng ta chăm sóc cho người khác, chính chúng ta cũng sẽ được chăm sóc.
Có chuyện vui về hai người kia cùng đi săn với nhau. Đang khi dựng lều, chuẩn bị chòi săn thì đột nhiên hai người đó thấy có con gấu đang lừ lừ bương tới. Một người quýnh quáng tìm phương chống đỡ, một người quờ quạng tìm đường tháo chạy. Thấy bạn mình lo mang giày vào chân cẩn thận, một người nói: Chắc là mình chạy không kịp con gấu kia đâu, mang giày vào mà làm gì cho khổ thân. Người kia đáp: Tôi biết tôi chẳng chạy nhanh hơn con gấu. Tôi chỉ cần chạy nhanh hơn anh là đủ rồi. Bạn bè mà như thế thì phiền thật. Mong sao con cái Chúa phải tốt hơn.