(30 tháng 9)
Kinh Văn: 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-13
Câu Gốc: Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi, anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó. 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7
Ai trong chúng ta lại không cần đến sự nâng đỡ tinh thần? Dù là một em bé nhỏ hay là một người quyền cao chức trọng, ai nấy trong chúng ta đêu cần đến sự nâng đỡ tinh thần hoặc sự an ủi. Khi được tiếp đón cách hoan hỉ thì chúng tay dễ cảm thấy hăng hái. Khi cùng nhau hợp tác trong tinh thần hớn hở thì chúng ta dễ làm việc với nhau cách hân hoan. Bài học này trình bày niềm phấn khởi của Phao-lô khi nghe báo cáo của Ti-mô-thê về các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Ông dâng lời tạ ơn Chúa về lòng yêu thương và dời sống thánh khiết của họ. Trọng tâm của bài học hướng đến việc giúp chúng ta khuyến khích lẫn nhau trong niềm tin và sự yêu thương. Nhờ đức tin vững vàng của những tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca mà Phao-lô được khích lệ, được an ủi trong lúc gian nan khốn khó.
I. Gương Mẫu Đáng Theo (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6)
Sau khi Ti-mô-thê đi đến Tê-sa-lô-ni-ca để chăm sóc và phục vụ những tín hữu tại đó, ông trở về thuât lại cho Phao-lô tin tức thật tốt lành. Hạt giống đạo của Chúa đã được gieo vào lòng đất phì nhiêu, sanh ra lá, bông, hoa, quả tươi tốt. Trước kia Phao-lô đã từng nói trước về những thử thách thế nào cũng cảy đến trên bước đường theo Chúa và hầu việc Chúa (câu 4). Tuy nhiên, các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca vẫn một lòng trung kiên. Những điều họ đã học, đã nhận, đã nghe và đã thấy trong đời sống Phao-lô, và nhất là trong đời sống của Chúa Giê-xu, họ làm theo. Họ nhìn thấy gương tốt, noi theo gương tốt, và cuối cùng chính họ cũng trở nên gương tốt. Nhờ đức tin vững vàng và tình thương bao la của những tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca mà Phao-lô cảm thấy công khó của mình trở nên ích lợi, ý nghĩa và có giá trị. Đó la phần thưởng vô cùng quí báu dành cho tôi tớ Chúa.
Những người thông cảm, thương mến, quí trọng lẫn nhau tự nhiên muốn thăm viếng nhau thường xuyên. Khi các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca tỏ ý muốn gặp Phao-lô cũng là khi chính Phao-lô muốn gặp họ. Giữa hai đàng tựa như có mối thần giao cách cảm. Thâm tình họ dành cho nhau mạnh mẽ và tự nhiên như những giòng chữ trữ tình trong một bài thơ của Tế Hanh:
Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như con sông trở về với biển
Như qua mùa đông mùa xuân lại đến
Như sau cơn mưa là lúc mặt trời lên
Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như cái hoa đến ngày kết quả
Như con chim buổi chiều quay về tổ
Như máu trong người trở lại tim
Anh đến với em là lẽ tất nhiên
Như quyển truyện phải đến hồi kết thúc
Như cây kim địa bàn quay về hươ'ng bắc
Cuộc đời anh hướng đến cuộc đời em
Anh đến với em là lẽ tất nhiên.
Em đến với anh
Em đến với anh như tia nắng ấm
Giữa những ngày mây phủ bốn phương trời
Cơn gió lạnh mỗi giờ mỗi thấm
Nắng lên đi đẹp quá nắng ơi !
Em đến với anh như cơn gió mát
Cho một người giữa quãng đường xa
Chân đã mỏi mà cổ thì đói khát
Cơn gió về như nước xối chan hoà
Em đến với anh như thêm nguồn an ủi
Đau khổ thế nào vẫn giữ tấm lòng thơ
Đêm sắp hết và bình minh đang đến
Hạnh phúc không xa hãy đợi chờ
Em đến với anh thêm một lần thử thách
Tâm hồn anh còn rung cảm hay không
Khi quanh ta toàn những người thiết thực
Thấy bó rau xanh không thấy đóa hoa hồng
Như con vịt kia bỗng nhiên gãy cánh
Trở thành thiên nga bay khắp trời xanh
Anh ra khỏi nỗi buồn tật bệnh
Chào đón mùa xuân- em đến với anh
II. Ảnh Hưởng Đáng Nhớ (1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-10)
Có một đứa trẻ bị té xuống sông. Đứa bé đó bơi khá giỏi nhưng vì giòng nước mạnh quá nên tay chân nó mỏi. Nó cố gắng mãi mà vẫn không thể trở vào bờ. Khi sắp sửa kiệt lực, khi đã đuối sức, nó nhớ đến người mẹ dịu dàng, nhân đức. Thế là tự nhiên tay chân nó trở nên mạnh mẽ, nhanh nhẹn và cuối cùng nó bơi được vào bờ, nằm đó khóc nức nở. Nó sợ vì vừa mới thoát chết. Nó mừng vì sẽ trở về bên mẹ mình. Từ đó về sau nó cẩn thận lắm, vì nếu nó có mệnh hệ nào nó biết mẹ nó chắc chắn sẽ khổ lắm. Tứ ngày ba nó qua đời có lần mẹ nó đã nói rằng nó là lẽ sống của mẹ nó.
Phao-lô nói lời tương tự như trên đây trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8 Vì hiện nay chúng tôi sống, là tại anh em đứng vững trong Chúa. Nói cách khác, niềm tin vững vàng của các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là lý do, là lẽ sống của Phao-lô.
Người có niềm tin yếu ớt tựa như ghe nhẹ chẳng buông neo, có thể bị giông gió làm cho lay động. Người có niềm tin hời hợt tựa như cây mọc trên dất mỏng, nắng vừa lên thì cây khô héo. Phao-lô hết lòng ao ước những ai đã tin Chúa thì cứ bền lòng, trung tín với Chúa cho đến cuối cùng. Nhờ niềm tin vững vàng mà con cái Chúa mới có thể có sự bình an trong cơn hoạn nạn. Cũng nhờ niềm tin vững vàng mà con cái Chúa mới có thể hưởng trọn sự vui mừng trong khi chờ đợi Chúa tái lâm.
III. Nguyện Cầu Đáng Nghe ( Tê-sa-lô-ni-ca 3:11-13)
Trong đoạn kinh văn của phần hai, Phao-lô bày tỏ ao ước muốn đến cùng các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca để củng cố niềm tin của họ. Vì hoàn cảnh, Phao-lô không thể đến cùng anh chị em yêu dấu của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, lúc nào ông cũng khẩn thiết nài xin Chúa cho mình được thỏa nguyện. Lời nguyện cầu của Phao-lô là lời nguyện cầu đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa và đáng nghe, đáng nhớ.
Phao-lô cầu xin Đức Chúa Trời ban cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca tình yêu thương chan chứa và sâu đậm. Tình thương con người dành cho nhau dễ mang tính cách vị kỷ và thường có giới hạn. Tình thương Chúa ban cho con người là tình thương vị tha và vô giới hạn. Tình thương đến từ Đức Chúa Trời là tình thương cao thượng, thánh khiết và còn tồn tại cho đến muôn thu. Tình thương đó không bị trói buộc trong thời gian, không gian, hoặc hoàn cảnh. Tình thương đó không bị lệ thuộc vào tâm trạng hay thay đổi của con người.
Phao-lô cầu xin Chúa ban cho những tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca tình thương chan chứa đối với lẫn nhau và đối với mọi người. Ngoài ra ông còn cầu xin Chúa ban cho họ niềm tin vững vàng và cuộc đời thánh sạch tronh khi trông chờ ngày Chúa tái lâm. Phước thay cho những người trung tín với Chúa cho đến chết. Phước thay cho những người hằng ngày cứ làm đièu công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời.
Một ngày nọ có cụ già kia đến gặp Dante Bartiel Rossetti, vừa là thi sĩ vừa là họa sĩ danh tiếng của Nước Ý trong thế kỷ thứ 19. Cụ già đó đưa cho Dante Bartiel Rossetti xem những bức tranh với nét vẽ trau chuốt, với màu mực tương đối còn mới. Dante Bartiel Rossetti ngắm nghía những bức tranh ấy thật cẩn thận nhưng rất ngại ngần trong việc bình phẩm. Ông không muốn làm buồn lòng người đã vẽ những bức tranh ấy. Ông khéo léo nói: Còn những bức tranh kia cụ có thể cho tôi xem được không? Ông cụ đồng ý ngay. Khi xem những bức tranh này Dante Bartiel Rossetti thấy có những đường nét sáng tạo vô cùng sắc sảo, chứng tỏ tác giả là người đầy triển vọng. Khi nghe lời khen của Dante Bartiel Rossetti, cụ già nói: Phải chi tôi có diễm phúc gặp ông sớm hơn. Chính tôi vẽ những bức tranh này khi tôi còn trẻ, nhưng vào thời bấy giờ tôi chẳng hề nhận được một lời khen, một lời khuyến khích. Về sau tôi chẳng còn lý thú vẽ tranh và từ đó tranh tôi vẽ trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán.
Áp Dụng:
Như trong bài học kỳ trước, qua bài học này có lẽ chúng ta càng hiểu rõ hơn tâm tình của Phao-lô đối với các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca. Một khi đã đưa dẫn người nào đến cùng Chúa Phao-lô luôn nhớ cầu nguyện cho người đó, chăm sóc cho người đó. Cho dù có xa xôi cách trở Phao-lô cũng tìm cách giúp đỡ cho người đó đứng vững trong đời sống theo Chúa. Sau khi nghe báo cáo của Ti-mô-thê, Phao-lô tiếp tục cầu nguyện cho các tín hũu tại Tê-sa-lô-ni-ca và khuyến khích họ cứ trung tín với Chúa và yêu thương lẫn nhau. Ngày nay, chúng ta cần khuyến khích lẫn nhau trong sự trung tín với Chúa, yêu thương và quí mến mọi người.
Ngày xưa, sau khi chiến thắng Napoléon tại Waterloo, Công Tước Wellington được người ta hỏi có điều chi ông hối tiếc trong cách cư xử với các sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của mình hay chăng. Wellington đáp: Ước gì ngày trước tôi khen thưởng hạ cấp của tôi nhiều hơn, khuyến khích họ nhiều hơn.
Ngày nay chúng ta nên khuyến khích lẫn nhau, nâng dỡ lẫn nhau trên bước đường theo Chúa và hầu việc Ngài. Trong tuần này mỗi chúng ta nên nghĩ đến cách khen tặng cách tế nhị những anh chị em đồng niềm tin với mình. Chúng ta hãy bày tỏ lời khen cách thích hợp, chân thành và tự nhiên. Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn người đã giúp mình cho dù việc người đó giúp mình chỉ là việc nhỏ. Chúng ta nên tập lưu tâm đến việc người khác cố gắng thực hiện và nếu có thể được thì sẵn sàng hợp tác, ủng hộ. Tuy nhiên, theo lời khuyên của Marion Gilbert, chúng ta nên cẩn thận. Ông là người đã kể lại chuyện vui đã xảy đến cho mình: Buổi sáng hôm ấy, tôi mở cửa trước và thấy con chó miệng ngậm tờ báo đứng ngay trước cửa, đợi chờ cách kiên nhẫn. Tôi vuốt ve đầu nó, vỗ về cái vai, cái lưng của nó và cho nó ăn một bữa thật thịnh soạn. Sáng sớm hôm sau, vừa mở cửa ra là tôi đã thấy có 12 tờ báo nằm la liệt trước cửa nhà. Thế là tôi phải mất nguyên cả buổi sáng đem báo trả lại cho những nhà hàng xóm.