(25 tháng 11)
Kinh Văn: 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-18
Câu Gốc: 7Chính anh em biết điều mình phải làm để học đòi chúng tôi; vì chúng tôi không có ăn ở sái bậy giữa anh em, 8chưa từng ăn dưng của ai, nhưng đêm ngày làm lụng khó nhọc, để khỏi lụy đến một người nào trong anh em hết.
(2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-8).
Bài học này bàn về lời Phao-lô khuyên các tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca sống cách gương mẫu, đầy tinh thần trách nhiệm. Trọng tâm của bài học nói lên giá trị của sự hầu việc Chúa cách tân tâm và chu toàn bổn phận cá nhân trong đời sống tin kính. Về mặt đạo đức lẫn tâm linh, con cái Chúa cần xử dụng tài nguyên, năng lực Chúa ban cho cách ích lợi cho chính thân mình và cho công việc nhà Chúa. Con cái Chúa cần xử dụng những ta lâng Chúa ban cho cách hiệu quả tùy theo thánh ý của Chúa.
Một số người muốn chăm lo cho chính mình nhưng có khi vì những lý do bất khả kháng không thể làm lụng. Trong khi đó, một số người khác tuy có khả năng làm lụng để nuôi dưỡng chính mình nhưng lại không chịu làm việc. Họ nương tựa vào sự chu cấp của người khác. Không những vậy, có khi họ lại còn gây thêm phiền toái rắc rối nữa. Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài chăm chỉ làm lụng và siêng năng cần mẫn trong công việc làm thường ngày cũng như trong đời sống tin kính để không khải lụy đến ai. Nếu chưa già nua, cũng chẳng có bệnh tật thì chúng ta nên làm việc có ích vì những việc ấy dù nhọc nhằn cũng vẫn tốt hơn cho tinh thần lẫn thể chất. Người cần mẫn, chăm chỉ, siêng năng dễ thành công hơn người khác và dễ sống cách hạnh phúc hơn những người khác.
I. Noi Theo Gương Mẫu Tốt Lành (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3-6-10)
Trong thơ Phi-líp 2:1-5, Phao-lô có nói nói: 1Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, 2thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. 3Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. 4Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. 5Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Không có gương mẫu nào tốt hơn gương mẫu của Đấng Christ. Phao-lô đã học theo gương mẫu của Chúa, và Phao-lô khuyên các tín hữu ngày xưa cũng học theo những điều tốt lành được mô tả trong Phi-líp 4:8-9: 8Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều cho chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. 9Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.
Trong phần cuối của thơ Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhì, Phao-lô xác nhận cùng các tín hữu tại đây rằng trông mong Chúa tái lâm là điều rất tốt. Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi Chúa tái lâm, con cái Chúa, tôi tớ Chúa vẫn phải làm những việc tốt lành, cần thiết mỗi ngày. Khi Chúa đến chắc chắn Chúa không muốn trông thấy ai bê trễ hoặc lười biếng. Con cái Chúa, tôi tớ Chúa phải là những người đóng góp tích cực cho hội thánh, cho xã hội mình đang cư ngụ.
Henry Ford ngày nọ nằm trên giường bịnh trong căn phòng mát mẻ đầy đủ tiện nghi. Ông nhìn ra sân cỏ thấy có người làm vườn cắt cỏ ngoài nắng. Đến giấc trưa, người làm vườn ấy lấy bánh mì ra ăn. Người ấy cắn có mấy miếng là hết cả ổ bánh mì,. Ăn xong rồi người đó uống nước mấy hơi ừng ực trông ngon lành vô cùng. Sau đó người làm vườn nằm dưới bóng cây ngủ trưa cách dễ dàng. Henry Ford buột miệng nói: Phải chi lúc này tôi được như người làm vườn kia. Có công việc ý nghĩa để làm là điều đáng mừng, đáng quí. Có đủ sức khỏe để làm việc ấy là càng quí hơn nữa.
II. Chu Toàn Bổn Phận Của Chính Mình (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:11-13)
Trong ba câu 11, 12 và 13 của 2 Tê-sa-lô-ni-ca đoạn 3, Phao-lô cẩn thận căn dặn các tín hữu không được phép ăn ở bậy bạ, không được biếng nhác, không được phí phạm thì giờ và năng lực vào những việc vô ích. Trái lại, họ cần yên lặng làm việc để chu toàn bổn phận cá nhân. Khi noi theo gương mẫu của Chúa và các thánh nhân ngày xưa, họ sẽ chẳng bao giờ mệt nhọc về sự làm lành.
Ngày nay, có một số điều chúng ta cần có có thể trau dồi chính bản thân mình, khiến mình hữu dụng cho công việc nhà Chúa: (1) tinh thần hiếu học, (2) tinh thần phục vụ, (3) thái độ tích cực, (4) thái dộ tin cậy, (5) ý thích sinh hoạt cộng đồng, (6) ý
thích cầu tiến, (7) ý thích kiện toàn, và (8) ý thích cọng tác. Khi ước muốn, năng khiếu và sự hiểu biết của chúng ta có cùng hướng phát triển, chúng ta sẽ dễ thành công hơn trong những việc chúng ta làm thường ngày.
Tinh thần hiếu học là biểu hiệu của sự khiêm nhường. Nhờ nó mà chúng ta có thể mở rộng kiến thức, gia tăng kinh nghiệm và dễ hòa hợp vời người khác.
Tinh thần phục vụ là bằng cớ chứng tỏ chúng ta noi theo gương mẫu của Chúa, Đấng đã từng phán: Ta đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và để phó sự sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người.
Thái độ tích cực là điều cần thiết để nhìn thấy ưu điểm thay vì khuyết điểm, để tìm thấy giải pháp cho nan đề thay vì nhìn thấy nan đề trong giải pháp, để hợp tác thay vì chỉ trích.
Thái độ tin cậy là điều càng cần thiết hơn nữa trong việc gầy dựng tương quan tốt đẹp, sâu đậm với Chúa và với người khác. Trong mọi mối giao dịch, khi mọi người đều tôn trọng chữ tín, công việc dễ suông sẻ và có kết quả hơn mọi bề.
Sinh hoạt cộng đồng giúp con cái Chúa dễ cởi mở hơn, phóng khoáng hơn và có cơ hội để san sẻ niềm vui, nỗi buồn hoặc để nâng đỡõ, ủng hộ nhau nhiều hơn.
Cầu tiến, kiện toàn, cọng tác phải là phương châm của những người hết lòng chăm lo công việc Nhà Chúa. Muốn mỗi ngày trở nên tốt hơn, khá hơn, chúng ta cần cầu tiến. Muốn được đẹp lòng Chúa hơn trong cách ăn nết ở, lời nói, việc làm của mình, chúng ta cần kiện toàn. Muốn gầy dựng công việc Nhà Chúa ngày càng hưng thạnh, chúng ta cần cọng tác với những anh chị em trong Chúa.
Khi cọng tác với nhau như vậy, chúng ta cần bắt đầu với mục tiêu rõ ràng, cụ thể, dễ đo lường, dễ lượng định. Điều này rấ hợp lý tựa như người thầu khoán xây cất trước khi làm nhà cần phải có bản vẽ, người thợ mộc trước khi cắt cần phải đo, người đi du hành trước khi đi cần phải biết mình di đâu.
Để dễ dàng làm việc với nhau con cái Chúa cần sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa theo tính cách quan trọng và tầm ảnh hưởng. Cần phải phân biệt thật rõ việc chi đáng làm, cần làm, phải làm, nên làm. . . Sau đó con cái Chúa còn phải
(1) Xác định các nguồn tài nguyên, năng lực
(2) Qui định tiêu chuẩn hành động
(3) Lượng định giới hạn sai biệt, và
(4) Thẩm định thành quả
III. Nhắc Nhở Lẫn Nhau Về Trách Nhiệm Bản Thân (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:14-15)
Trong hai câu 14 và 15 của 2 Tê-sa-lô-ni-ca đoạn 3, Phao-lô trình bày cách xử thế đối với những người không vâng lời ông viết trong thơ. Tốt nhất là cần phải tránh xa họ hầu cho họ biết rõ là họ sai quấy nhưng không coi họ là thù nghịch. Nói cách khác, Phao-lô khuyên các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca không để những người xa cách Chúa lôi kéo mình hoặc ảnh hưởng trên mình. Ngược lại, họ cần răn bảo những người kia.
Bàn về việc quản trị, có một số nguyên tắc khá phổ thông và rất hữu dụng cho sinh hoạt tập thể:
1. Cố gắng mang lại thắng lợi cho cả hai - cho người khác lẫn chính mình bằng cách làm những việc sau đây:
Ø Luôn nhớ đầu tư nhân lễ nghĩa trí tín vào ngân hàng cảm xúc.
Ø Thường bày tỏ sự ân cần, tử tế, quan tâm, chân thành.
Ø Lúc nào cũng phải thẳng thắn, thành thật, thân thiện.
Ø Trong bốn trường hợp sau, nên chọn trường hợp thứ tư
(1) Thắng thế / thua thiệt: Có nghĩa là muốn mình được hơn và muốn người khác chịu kém. Đây là trường hợp của người ham độc tài, thích lấn lướt.
(2) Thua thiệt / thắng thế: Có nghĩa là chịu thua và lúc nào cũng sẵn sàng để cho người khác trỗi hơn mình. Đây là trường hợp của người bi quan, yếm thế
(3) Thua thiệt / thua thiệt: Có nghĩa là nếu không có lợi cho chính mình thì nhất định làm hư hoặc phá hỏng để cho chẳng ai được lợi. Đây là trường hợp của người chẳng màng chi đến sự lãng phí hoặc tổn hại.
(4) Thắng thế / thắng thế: Có nghĩa là cố gắng hết sức mình để mang lại kết quả tốt đẹp cho hết thảy những người liên hệ. Đây là trường hợp của người biết cầu tiến, kiện toàn, cọng tác. Trường hợp này tốt cho mọi người.
2. Cảm thông người khác trước khi nhận được sự thông cảm bằng cách:
Ø Tập luyện cho đôi tai biết lắng nghe bởi lẽ chúng ta phải thật sự nghe người khác nói sau đó mới mong người khác nghe mình.
Ø Bao dung, chấp nhận, yêu thương để khóa lấp tội lỗi hoặc sự bất toàn.
Ø Kể điều quan trọng của người khác như là điều quan trọng của chính mình.
Ø Chú ý đến những việc tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa đối với người khác.
Ø Không nề hà chuyện khó, tiếp tục dấn thân.
Ø Xác định kỳ vọng, nói rõ điều mình mong mỏi.
3. Tập Trung Tài Nguyên, Năng Lực: Tài nguyên và năng lực cần được tập trung, không nên để tản mác hoặc làng phí vì những lý do sau đây:
Ø Tài nguyên và năng lực cần được tận dụng hầu có thể làm được việc lớn và khó cho Chúa.
Ø Lúc tận tâm tận lực là lúc chúng ta ý thức rằng mình làm cho Chúa.
Ø Lúc nhàn nhã thư thả là lúc mình càng phải gần gũi Chúa hơn hết để không vấp ngã như Đa-vít ngày xưa.
Ø Khi mức độ tin cậy và hợp tác gia tăng là khi tài nguyên và năng lực được tập trung cách hiệu quả.
Ø Khi tài nguyên và năng lực được tận dụng và được tập trung cách hiệu quả thì trí óc có thể trở nên minh mẫn, môi miệng có thể nói ra lời ân hậu mặn mà, cánh tay có thể trở nên mạnh mẽ, bàn chân có thể trở nên mau mắn lẹ làng và trên bước đường theo Chúa, hầu việc Chúa không sợ mệt mỏi nhưng cứ miệt mài dấn thân.
4. Siêng Năng Tập Luyện Tinh Thông: Sự tập lành thân thể quả có ích lợi - Tập tành sự tin kính còn ích lợi hơn cả mọi bề. Máy móc làm ra là để hoạt động, ngay cả máy phát điện dự phòng cũng cần được khởi động thương xuyên. Thân thể được Chúa dựng nên để sinh hoạt. Người lớn tuổi chịu khó đi bộ, tập thể thao, ăn uống chừng mực, điều độ và nhất là gìn giữ lòng mình được bình tịnh trong ơn lành của Chúa sẽ dễ khỏe khoắn và trường thọ hơn. Trong khoảng thập niên 1970 có Cụ Xuân, một cụ già 80 tuổi, mắt làng, chân mỏi nhưng vẫn ham muốn học Kinh Thánh, chứng đạo, tôn vinh. Chúa cho ông cụ có trí nhớ phi thuờng. Vì mắt đã làng nên cụ phải nhờ các cháu trong gia đình đọc Kinh Thánh cho cụ nghe. Các cháu đọc đoạn Kinh Thánh cụ chọn chừng vài lần là cụ nhớ đoạn đó. Đến Chúa Nhật, trong giờ thờ phượng tại Hội Thánh Báp-tít Phú Thọ Hòa, cụ thường đọc thuộc lòng một đoạn Kinh Thánh và hát tôn vinh Chúa một thánh ca. Có lần một số tín hữu trong hội thánh muốn trắc nghiệm trí nhớ của cụ bằng cách xin cụ đọc thuộc lòng Thi Thiên 119. Hai tuần sau, trong giờ thờ phượng, cụ đọc thuộc lòng Thi Thiên đó, không sai một chữ. Dù đã cao tuổi cụ vẫn luôn tập tành sự tin kính, mang lại ích lợi không những cho bản thân nhưng còn cho mọi người có diễm phúc gặp gỡ và hàn huyên tâm sự với cụ.
IV. Nương Tựa Vào Ân Điển Của Chúa (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:16-18)
Những câu sau cùng Phao-lô gởi cho những tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là những câu chứa chan ân tình. Ông cầu xin chính Chúa bình an ban sự bình an cho họ trong mọi khi, đủ mọi cách! Lại xin Chúa ở cùng hết thảy mọi người luôn luôn! Trong một số thơ tín khác, có thể Phao-lô đã phải đọc cho người khác viết nhưng trong thơ gởi cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca, chính Phao-lô là người viết thơ với con dấu ký của ông. Sau cùng, ngoài sự bình an, Phao-lô còn nài xin Chúa ban cho họ ân điển của Ngài. Trong phần đầu của thơ Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô cho biết đây là thơ gởi đến hội của những người thuộc về Chúa, những người được Chúa kêu gọi ra khỏi vòng trần thế để trở thành tuyển dân của Ngài. Trong phần cuối của bức thơ, lời cầu chúc của Phao-lô tương tự như lời chào thăm trong phần đầu.
Lời chào thăm trong ân điển hoặc lời cầu chúc ân điển (cavri") là lời đầu môi thường lệ giữa vòng những người Do Thái. Ân điển có nghĩa là ơn từ trên cao. Ân tứ thiên thượng đó phải xuất phát từ trời, không tự nhiên mà có giữa vòng trần thế. Cũng vậy, lời cầu chúc bình an (eijrhvnh) là lời cầu chúc hằng ngày của người Do Thái. Tuy nhiên, Phao-lô đã xử dụng hai chữ này cách cẩn thận và đầy ý nghĩa hơn là lời thăm hỏi xã giao thông thường. Phao-lô phần nào đó đã cắt nghĩa cho Hội Thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca biết rõ ân điển và bình an có liên hệ đến cả hai phương diện của sự cứu rỗi: đó là công bình và nên thánh.
Người tin Chúa có thể tin cậy vào ân điển của Chúa đểû được tha tội và được kể là công bình. Kế đến người tin Chúa còn phải tiếp tục nương tựa nơi Chúa, ngày càng gần gũi Chúa, và nhờ đó mà được nên thánh, được bình an (Gia-cơ 2:16).
Như vậy, trong lời chào thăm ban đầu cũng như trong lời cầu chúc sau cùng, Phao-lô đã gói ghém phần nào sứ điệp tin lành.
Áp Dụng:
Là con cái yêu dấu của Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ muốn sống cách gương mẫu, đầy tinh thần trách nhiệm. Chúng ta đã hiểu rõ giá trị của sự hầu việc Chúa cách tân tâm và chu toàn bổn phận cá nhân trong đời sống tin kính. Bởi lẽ đó, chúng ta cần xử dụng tài nguyên, năng lực Chúa ban cho cách ích lợi cho chính thân mình và cho công việc nhà Chúa. Chúng ta nên thường xuyên áp dụng những đề nghị trong bốn tiểu mục của bài học hôm nay hầu cho Chúa sẽ ban phước trên mỗi chúng ta ngày càng hơn trong đời sống tin kính và trong sự hầu việc Chúa cách hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mình. Muốn thật hết lòng.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân, Cổ Học Tinh Hoa, Quyển Thứ Nhất, trang 146-147.
[2] David Watson, Called & Committed: World-Changing Discipleship, (Harold Shaw Publishers, Wheaton, IL; 1982), trang 142-143
[3] The Word in Life Study Bible, New Testament Edition, (Thomas Nelson Publishers, Nashville; 1993), trang 622-623
[4] Today in the Word, November, 1996, trang 27.
[5] The Hidden Value of a Man, Smalley, Trent, kể từ trang 133ff
[6] Martin & Diedre Bobgan, How To Counsel From Scripture, Moody Press, 1985, trang 18
[7] David Wallechinsky, The Complete Book of the Olympics