"Chúa Giê-xu đưa tay rờ người và phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi" (c. #3).
Câu hỏi suy ngẫm: Người phung đến cùng Chúa với thái độ nào? Chúa phản ứng thế nào đối với thái độ đó? Bạn học được điều gì qua cách Chúa chữa lành người phung và áp dụng thế nào trong cuộc sống?
Trong câu chuyện này chúng ta chú ý hai điều: người phung lại gần và Chúa Giê-xu đáp ứng. Trong sự tiến đến gần của người phung có ba yếu tố:
1. Người phung đến với lòng tin tưởng. Người chắc chắn, nếu Chúa Giê-xu muốn, Ngài chữa lành. Đây chính là đức tin, vì không một người phung nào dám đến gần một ra-bi hay một thầy thông giáo chính thống vì biết sẽ bị liệng đá đuổi đi, nhưng người này đã đến với Chúa Giê-xu. Người phung hoàn toàn tin tưởng Chúa Giê-xu sẵn sàng tiếp đón một kẻ bị mọi người xua đuổi, bởi đó không một ai nên nghĩ mình quá ô uế, không được đến gần Chúa. Người phung này hoàn toàn tin cậy nơi quyền năng của Chúa Giê-xu dù phung là bịnh nan y đối với phương thức chữa chạy. Người này tin Chúa làm điều mà không ai khác có thể làm.
2. Người phung đến với lòng khiêm cung. Người không đòi được chữa lành, chỉ thưa: "Nếu Chúa muốn, Ngài có thể chữa cho tôi được lành bịnh." Dường như người đã nói: "Tôi biết mình chẳng ra gì, mọi người đều xa lánh và không muốn có bất cứ quan hệ nào với tôi, tôi biết không có quyền gì kêu cầu Ngài, nhưng do lòng hạ cố thiên thượng, Ngài bày tỏ quyền năng cho một kẻ khốn nạn như tôi." Chính lòng khiêm nhường không ý thức điều gì khác hơn là nhu cầu của mình, tìm đến với Chúa Cứu Thế, người được lành.
3. Người phung đến với lòng sùng kính. Động từ Hi Lạp ở đây là proskunein, từ ngữ chỉ dùng cho sự thờ phượng các thần. Nó diễn tả xúc cảm và hành động của con người trước hiện diện của thần linh. Người phung này không thể thố lộ với ai suy nghĩ của mình về Chúa Giê-xu, anh biết đứng trước Chúa là anh đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không cần phải trình bày điều này bằng ngôn ngữ thần học hay triết học, chỉ cần đứng trước Chúa Giê-xu đủ khiến chúng ta thấy mình đối diện với tình yêu và quyền phép của Đức Chúa Trời cao cả.
Vì thế khi người phung tiến đến, Chúa Giê-xu có phản ứng. Trước tiên và sâu xa hơn hết là Ngài dủ lòng thương xót. Luật pháp qui định không ai được đụng đến người phung, nhưng Chúa Giê-xu lại đưa tay ra chạm đến người. Kiến thức y học đương thời cho là khi làm vậy Chúa Giê-xu đã liều lĩnh coi thường sự lây bệnh. Đối với Chúa Giê-xu, trong cuộc sống chỉ có một bó buộc duy nhất, buộc phải giúp đỡ và chỉ có một luật duy nhất là yêu thương. Bổn phận thương xót và yêu thương phải đặt trước mọi qui định, luật pháp và luật lệ, nó khiến Ngài coi thường mọi hiểm nguy thân xác. Cơ Đốc nhân chân chính sẵn sàng liều mình giúp đỡ những người cùng khốn.
Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu của Ngài để không có ngăn trở nào làm ngưng trệ sự giúp đỡ người khác mà Chúa muốn con thực hiện.
(c) 2024 svtk.net