"Lòng người toan định đường lối mình; song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người" (Châm-ngôn 16:9).
Câu hỏi suy ngẫm: Khi xức dầu cho Giê-hu làm vua, môn đệ của Ê-li-sê được Đức Chúa Trời bảo nói tiên tri về điều gì? Những điều này cho thấy gì về giai đoạn lịch sử lúc đó? Về vai trò và con người của Giê-hu? Bạn học được điều gì về Đức Chúa Trời và lịch sử loài người qua phân đoạn này?
Ha-xa-ên và Giê-hu chỉ là công cụ trong tay Chúa để thi hành sự công bình cho nhà A-háp. Ê-li-sê đã già, đi lại khó khăn, nên sai một môn đệ thi hành mạng lịnh của Chúa là xức dầu cho Giê-hu làm vua Y-sơ-ra-ên (I Các Vua 19:15-17).
Môn đệ của Ê-li-sê đến Ra-mốt Ga-la-át, gặp lúc các tướng lãnh Ysơ-ra-ên đang họp bàn quân sự để đánh với Sy-ri, Giê-hu là một trong đám họ. Người môn đệ mời Giê-hu riêng ra đưa vào một phòng, đóng cửa lại, rồi đổ dầu trên đầu Giê-hu mà rằng: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vậy: Ta xức dầu cho ngươi làm vua Y-sơ-ra-ên, là dân sự của Đức Giê-hô-va. Người sẽ đánh giết nhà A-háp chủ ngươi và ta sẽ báo Giê-ru-sa-lem về huyết của các tiên tri, tôi tớ ta, cùng huyết của hết thảy tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Cả nhà A-háp sẽ bị diệt, các người nam của nhà A-háp vô luận kẻ nô lệ hay là người tự do ta sẽ giết khỏi trong Y-sơ-ra-ên" (#9:6-8).
Ôm-ri, cha A-háp và chính A-háp là hai vị vua có thế lực nhất trong lịch sử Y-sơ-ra-ên. Giô-ram, con A-háp đang làm vua mà Ê-li sai một môn đệ bí mật xức dầu cho Giê-hu làm vua, để Giê-hu hủy diệt cả nhà A-háp là một việc rất nguy hiểm. Song Ê-li-sê biết đó là mạng lịnh của Chúa đã ủy thác cho ông, nên ông trung tín thi hành. Ê-li-sê can đảm, môn đệ của ông cũng can đảm như ông. Trải qua các đời có những người quên mình vì Chúa, chính những kẻ đó mới được trọng dụng làm những việc lớn và khó. Đành rằng ai cũng muốn sống an nhàn, vô sự, nhưng Chúa đã kêu gọi và sai chúng ta vào một thế giới bội nghịch với mục đích chinh phục họ trở nên con cái Ngài, đồng thời lên án kẻ nào chống cự. Nhiệm vụ này không dễ dàng đâu. Nếu không đứng vào hàng ngũ của Ê-li-sê và môn đệ của ông thì không ai dám thi hành. Thiết tưởng, tội nhân còn được Sa-tan ban cho can đảm để làm dữ; phương chi chúng ta không được Chúa ban cho can đảm để làm lành sao?
Các việc ấy đã được Kinh Thánh ghi chép, không phải chỉ có tính cách lịch sử mà cũng có tính cách tiên tri. Đây là những bài về chân lý và công bình của Chúa. Kẻ ác, sớm hoặc muộn phải gặt lấy hậu quả thê thảm không lường hết được. Chúng ta thấy sự đắc thắng cuối cùng của sự công bình trên sự gian ác, chân lý trên giả ngụy, sự sống trên sự chết. Chân lý và công bình có thể tạm thời bị giày đạp, bất công và bạo lực được tôn sùng, song cuối cùng chỉ còn chân lý và công bình.
Chúa ơi, nhiều khi nhìn vào dòng đời con không thể hiểu được, bất công, bạo lực dường như thắng thế, cảm tạ Chúa qua bài học này cho con thấy cuối cùng sự công bình và chân lý của Ngài tồn tại.
(c) 2024 svtk.net